2010
Phước Lành của Thánh Thư
tháng Năm năm 2010


Phước Lành của Thánh Thư

Mục đích chính yếu của tất cả thánh thư là làm tràn đầy tâm hồn chúng ta với đức tin nơi Thượng Đế Đức Chúa Cha và nơi Vị Nam Tử là Chúa Giê Su Ky Tô.

Elder D. Todd Christofferson

Ngày 6 tháng Mười năm 1536, có một người khốn khổ bị mang ra khỏi ngục tối ở Vilvorde Castle gần Brussels, Bỉ. Trong gần một năm rưỡi, người ấy đã bị biệt giam trong một xà lim tối tăm, ẩm ướt. Giờ đây, ở bên ngoài lâu đài đó, người tù bị trói vào cọc. Người ấy đã có thì giờ để lớn tiếng dâng lên lời cầu nguyện cuối cùng của mình: “Chúa ôi, xin Ngài mở mắt cho nhà vua nước Anh,” và rồi người ấy bị siết cổ chết. Ngay lập tức, thi hài của người ấy bị thiêu trên cọc. Người ấy là ai và có tội tình gì để bị cả hai giới cầm quyền chính trị lẫn tu sĩ kết án? Người ấy tên là William Tyndale, tội của người ấy là đã phiên dịch và xuất bản Kinh Thánh bằng tiếng Anh.

Tyndale, sinh ở Anh vào khoảng thời gian Columbus đi tàu đến tân thế giới, theo học tại hai trường Oxford và Cambridge rồi trở thành một thành viên của giới giáo sĩ công giáo. Ông thông thạo tám thứ tiếng kể cả tiếng Hy Lạp, Hê Bơ Rơ và La Tinh. Tyndale tận tụy học Kinh Thánh và ông nhận thấy việc các linh mục lẫn người thế tục ở khắp mọi nơi không hiểu biết về thánh thư làm cho ông lo lắng vô cùng. Trong một cuộc tranh cãi dữ dội với một linh mục, là người chống lại việc đặt thánh thư vào tay của người dân thường, Tyndale đã long trọng tuyên bố: “Nếu Thượng Đế giữ gìn mạng sống tôi, thì trong nhiều năm nữa, tôi sẽ làm cho thiếu niên chỉ biết cày cấy còn hiểu biết Thánh Thư nhiều hơn là ông nữa!”

Ông cố gắng được giới cầm quyền giáo hội chấp thuận để chuẩn bị phiên dịch Kinh Thánh ra tiếng Anh để cho mọi người có thể đọc và áp dụng lời của Thượng Đế. Lời yêu cầu của ông bị từ chối—vì ý kiến chung là việc mang thánh thư trực tiếp đến cho mọi người ngoại trừ giới giáo sĩ đã đe dọa giới thẩm quyền của giáo hội và tương tự như “quăng hột trai mình trước mặt heo” (Ma Thi Ơ 7:6).

Tuy thế Tyndale vẫn xúc tiến công việc phiên dịch khó khăn đó. Năm 1524, với một cái tên giả, ông đi Đức, là nơi ông sống hầu hết thời gian nhằm trốn tránh lời đe dọa liên tục để bắt giữ ông. Với sự giúp đỡ của những người bạn tận tâm, Tyndale đã có thể xuất bản bản dịch tiếng Anh của Kinh Tân Ước và về sau là Kinh Cựu Ước. Hai quyển Kinh Thánh này được mang lén vào Anh là nơi có nhu cầu cấp bách và những người vô cùng trân quý cơ hội được đọc hai quyển này. Hai quyển này được chia sẻ cho nhiều người nhưng trong vòng bí mật. Nhà cầm quyền đốt tất cả các quyển Kinh Thánh mà họ có thể tìm ra được. Tuy nhiên, trong vòng ba năm sau khi Tyndale chết, Thượng Đế thực sự mở mắt của Vua Henry đời VIII và với ấn bản gọi là “Đại Kinh Thánh,” thánh thư tiếng Anh bắt đầu trở thành công khai. Việc làm của Tyndale trở thành nền tảng cho hầu hết mọi bản dịch Kinh Thánh tiếng Anh trong tương lai, đáng kể nhất là Bản Dịch của King James.1

William Tyndale không phải là người đầu tiên hoặc người cuối cùng trong số những người ở nhiều quốc gia và nhiều thứ tiếng đã hy sinh, ngay cả đến chết, để mang lời của Thượng Đế ra khỏi nơi mù mịt tối tăm. Chúng ta mang ơn họ rất nhiều. Có lẽ chúng ta còn mang ơn nhiều hơn nữa với những người đã kiên trì ghi lại và bảo tồn lời của Thượng Đế qua nhiều thời đại, thường là với công việc cần cù và sự hy sinh—Môi Se, Ê Sai, Áp Ra Ham, Giăng, Phao Lô, Nê Phi, Mặc Môn, Joseph Smith, cùng nhiều người khác nữa. Họ biết điều gì về tầm quan trọng của thánh thư mà chúng ta cũng cần phải biết? Những người trong thế kỷ 16 ở Anh, là những người đã trả một số tiền kếch sù và liều mạng để có thể sử dụng quyển Kinh Thánh, đã hiểu điều gì mà chúng ta cũng nên hiểu?

Chẳng bao lâu trước khi chết, tiên tri An Ma đã giao phó các biên sử thiêng liêng của dân chúng cho con trai mình là Hê La Man. Ông nhắc Hê La Man nhớ rằng thánh thư “mở rộng trí nhớ của dân này, phải, và nó đã thuyết phục được nhiều người biết sự sai lầm trong đường lối của mình, và còn đưa họ tới sự hiểu biết về Thượng Đế của họ để dẫn dắt tới sự cứu rỗi cho linh hồn mình.” (An Ma 37:8) Ông truyền lệnh cho Hê La Man phải bảo tồn các biên sử để qua các biên sử đó Thượng Đế có thể “tỏ cho các thế hệ tương lai thấy quyền năng của Ngài” (An Ma 37:14).

Qua thánh thư, Thượng Đế quả thật “tỏ cho thấy quyền năng của Ngài” để cứu rỗi và tôn cao con cái của Ngài. Qua lời của Ngài, như An Ma đã nói, Ngài mở rộng trí nhớ của chúng ta, sửa đổi những điều sai lầm và lỗi lầm cũng như mang chúng ta đến sự hối cải cùng hân hoan nơi Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.

Thánh Thư Mở Rộng Trí Nhớ của Chúng Ta

Thánh thư mở rộng trí nhớ của chúng ta bằng cách giúp chúng ta luôn luôn tưởng nhớ đến Chúa và mối quan hệ của mình với Ngài và Đức Chúa Cha. Thánh thư nhắc cho chúng ta nhớ về điều chúng ta đã biết trong cuộc sống tiền dương thế của mình. Và thánh thư cũng nới rộng trí nhớ của chúng ta theo một nghĩa khác bằng cách giảng dạy chúng ta về các thời đại, con người và những sự kiện mà chúng ta không đích thân trải qua. Không một ai trong chúng ta có mặt để thấy Biển Đỏ rẽ đôi và cùng với Môi Se vượt biển giữa những bức tường nước để qua bên kia bờ. Chúng ta không có mặt ở đó để nghe Bài Giảng trên Núi, để thấy La Xa Rơ được làm cho sống lại từ cõi chết, để thấy Đấng Cứu Rỗi chịu đau đớn trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên cây thập tự, cũng như chúng ta đã không hiện diện với Ma Ri để nghe hai thiên sứ làm chứng tại ngôi mộ trống rằng Chúa Giê Su đã phục sinh từ cõi chết. Các anh chị em và tôi không từng người một tiến lên với đám đông ở xứ Phong Phú theo lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi phục sinh để sờ vào dấu đinh trên tay chân Ngài cũng như tắm chân Ngài với nước mắt của chúng ta. Chúng ta không quỳ bên cạnh Joseph Smith trong Khu Rừng Thiêng Liêng cùng ngước nhìn Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử. Tuy nhiên, chúng ta biết tất cả những điều này và còn nhiều điều khác nữa vì chúng ta có được biên sử thánh thư để mở rộng trí nhớ của mình, giảng dạy điều chúng ta không biết. Và khi những điều này thấm nhuần vào tâm trí chúng ta, thì đức tin của chúng ta nơi Thượng Đế và Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài sẽ bén rễ.

Thánh thư cũng mở rộng trí nhớ của chúng ta bằng cách giúp chúng ta không quên điều mà chúng ta và các thế hệ trước đã học được. Những người nào không có hoặc lơ là đối với lời của Thượng Đế đã được ghi chép thì cuối cùng ngừng tin tưởng nơi Ngài và quên đi mục đích cuộc sống của họ. Các anh chị em sẽ nhớ rằng thật quan trọng biết bao đối với dân của Lê Hi để mang theo họ các bảng khắc bằng đồng khi họ rời Giê Ru Sa Lem. Các thánh thư này là thiết yếu cho sự hiểu biết của họ về Thượng Đế và Sự Cứu Chuộc của Đấng Ky Tô trong tương lai. Một nhóm khác “phát xuất từ Giê Ru Sa Lem,” ngay sau Lê Hi và đã không có thánh thư, rồi khi con cháu của Lê Hi gặp họ khoảng 300 hay 400 năm sau, thì điều được ghi lại là “ngôn ngữ của họ đã trở nên hủ bại; … và họ phủ nhận sự hiện hữu của Đấng Sáng Tạo ra họ” (Ôm Ni 1:15, 17).

Trong thời Tyndale, tình trạng không hiểu biết thánh thư lan tràn vì dân chúng không thể tiếp cận với Kinh Thánh, nhất là bằng một thứ tiếng mà họ không thể hiểu được. Ngày nay Kinh Thánh và các thánh thư khác có sẵn trong tay, tuy nhiên, tình trạng không hiểu biết thánh thư cũng gia tăng vì người ta không chịu mở ra đọc. Do đó, họ quên đi những điều ông bà của họ đã biết.

Thánh Thư Là Tiêu Chuẩn Phân Biệt Lẽ Thật với Sự Sai Lầm

Thượng Đế sử dụng thánh thư để sửa đổi lối suy nghĩ sai lầm, những truyền thống sai lạc và tội lỗi với những hậu quả đầy sức tàn phá của nó. Ngài là một Đấng Cha nhân từ sẽ tránh cho chúng ta khỏi những nỗi đau khổ và nỗi buồn không cần thiết đồng thời giúp chúng ta hoàn thành tiềm năng thiêng liêng của mình. Ví dụ, thánh thư phủ nhận một triết lý xưa mà đã trở lại theo trào lưu trong thời kỳ của chúng ta—triết lý của Cô Ri Ho rằng không có tiêu chuẩn tuyệt đối đạo đức, rằng “mọi người thịnh vượng tùy theo thiên tài của mình, và mọi người chinh phục tùy theo sức lực của mình; và bất cứ điều gì loài người làm đều không phải là tội ác” và “một khi người ta chết là tất cả đều hết” (An Ma 30:17-18). An Ma, là người đã tranh luận với Cô Ri Ho, không để cho con trai của mình là Cô Ri An Tôn nghi ngờ về tính xác thực và thực chất của quy tắc đạo đức thiêng liêng. Cô Ri An Tôn phạm tội tình dục và cha ông đã nói chuyện với ông bằng tình yêu thương nhưng thật rõ ràng: “Hỡi con trai của cha, con không biết rằng đó là điều khả ố trước mặt Chúa hay sao? Phải, đó là điều khả ố hơn hết mọi tội lỗi khác, ngoại trừ tội làm đổ máu người vô tội hay tội chối bỏ Đức Thánh Linh” (An Ma 39:5).

Ngược lại hoàn toàn với điều người ta nghĩ cách đây một thế kỷ , ngày nay nhiều người sẽ tranh luận với An Ma về tính nghiêm trọng của sự trái luân lý . Những người khác sẽ cãi lẽ rằng điều đó chỉ tương đối hoặc tình yêu thương của Thượng Đế là tùy ý không bắt buộc. Họ nói nếu có một Thượng Đế, thì Ngài sẽ xá miễn tất cả mọi tội lỗi và các hành động xấu vì Ngài yêu thương chúng ta—không cần phải hối cải. Hoặc cùng lắm là chỉ giản dị thú nhận cũng đủ rồi. Họ đã tưởng tượng ra một Đấng Giê Su muốn con người làm việc vì công lý xã hội nhưng Ngài không đòi hỏi nơi cuộc sống và hành vị cá nhân của họ.2 Nhưng một Thượng Đế với tình yêu thương không để cho chúng ta phải học qua kinh nghiệm tồi tệ rằng “sự tà ác có bao giờ là hạnh phúc đâu” (An Ma 41:10; xin xem thêm Hê La Man 13:38). Các lệnh truyền của Ngài là tiếng nói xác thực và bảo vệ chúng ta khỏi nỗi đau đớn tự mình tạo ra. Thánh thư là tiêu chuẩn đo lường sự chính xác và lẽ thật đồng thời thánh thư cũng nói rõ rằng hạnh phúc thật sự không tìm thấy trong việc chối bỏ công lý của Thượng Đế hoặc cố gắng tránh né hậu quả của tội lỗi được tìm thấy trong sự hối cải cũng như sự tha thứ qua ân điển chuộc tội của Vị Nam Tử của Thượng Đế (xin xem An Ma 42).

Thánh thư dạy chúng ta về các nguyên tắc cũng như giá trị đạo đức thiết yếu để duy trì xã hội công dân kể cả tính liêm khiết, trách nhiệm, lòng vị tha, chung thủy và bác ái. Trong thánh thư, chúng ta thấy rằng việc mô tả sống động về các phước lành có được từ việc tôn trọng các nguyên tắc chân chính cũng như những tai họa xảy ra khi cá nhân và các nền văn minh vứt bỏ các nguyên tắc chân chính ấy. Nơi nào các lẽ thật của thánh thư bị bác bỏ hoặc chối bỏ thì nền tảng đạo đức thiết yếu của xã hội cũng tan rã và sự suy sụp cũng theo sau. Cuối cùng, không có điều gì còn lại để hỗ trợ những thể chế giữ vững xã hội.

Thánh Thư Mang Chúng Ta đến với Đấng Ky Tô, Đấng Cứu Chuộc của Chúng Ta.

Cuối cùng, mục đích chính yếu của tất cả thánh thư là làm tràn đầy tâm hồn chúng ta với đức tin nơi Thượng Đế Đức Chúa Cha và nơi Vị Nam Tử của Ngài là Chúa Giê Su Ky Tô—đức tin rằng hai Ngài hiện hữu, đức tin nơi kế hoạch của Đức Chúa Cha về sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta, đức tin nơi Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô làm cho kế hoạch hạnh phúc này có thể thực hiện được, đức tin sẽ làm cho phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô thành lối sống của chúng ta và đức tin để tiến đến việc “nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3).

Như An Ma đã nói, lời của Thượng Đế cũng giống như một hạt giống gieo vào lòng chúng ta, hạt giống đó nảy sinh đức tin khi nó bắt đầu nẩy mầm bên trong chúng ta (xin xem An Ma 32:27–43; xin xem thêm Rô Ma 10:13–17). Đức tin sẽ không đến bằng việc nghiên cứu những bài văn xưa với tính cách hoàn toàn là học thuật. Đức tin sẽ không đến từ việc tìm tòi và khám phá khảo cổ học. Đức tin sẽ không đến từ những thí nghiệm khoa học. Đức tin cũng sẽ không đến từ việc chứng kiến các phép lạ. Những điều này có thể thỏa mãn việc xác nhận đức tin, hoặc đôi khi thử thách đức tin, nhưng chúng không tạo ra đức tin. Đức tin đến bởi sự làm chứng của Đức Thánh Linh cùng tâm hồn của chúng ta, từ Thánh Linh đến tinh thần, khi chúng ta nghe hoặc đọc lời của Thượng Đế. Và đức tin chín muồi khi chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng lời nói của Thượng Đế.

Những câu chuyện trong thánh thư về đức tin của những người khác nhằm củng cố đức tin của chúng ta. Chúng ta nhớ lại đức tin của một thầy đội đã có thể giúp cho Đấng Ky Tô chữa lành tôi tớ của người đó mặc dù Ngài còn chưa thấy người tôi tớ đó (xin xem Ma Thi Ơ 8:5–13) và sự chữa lành con gái của người đàn bà dân Ngoại vì người mẹ khiêm nhường đó chịu chấp nhận ăn những miếng bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống, theo nghĩa bóng (xin xem Ma Thi Ơ 15:22–28; Mác 7:25–30). Chúng ta nghe lời rên rỉ đau khổ của Gióp: “Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài” (Gióp 13:15) và tuyên xưng: “Tôi biết rằng Đấng cứu chuộc tôi vẫn sống, Đến lúc cuối cùng Ngài sẽ đứng trên đất; … [và] ngoài xác thịt tôi sẽ xem thấy Đức Chúa Trời” (Gióp 19:25–26). Chúng ta nghe và lấy được can đảm từ quyết tâm của một thiếu niên tiên tri trẻ, đã bị rất nhiều người lớn ghét bỏ và ngược đãi thậm tệ: “Tôi đã trông thấy một khải tượng; tôi biết điều đó, và tôi biết là Thượng Đế biết như vậy, và tôi không thể phủ nhận được, tôi cũng không dám làm thế” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:25).

Vì giải thích giáo lý của Đấng Ky Tô, nên thánh thư đã được sự đồng hành của Đức Thánh Linh là Đấng có vai trò làm chứng về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử (xin xem 3 Nê Phi 11:32). Do đó, việc đọc thánh thư là một cách chúng ta tiếp nhận Đức Thánh Linh. Dĩ nhiên, từ đầu thánh thư đã được ban cho qua Đức Thánh Linh (xin xem 2 Phi E Rơ 1:21; GLGƯ 20:26–27; 68:4), và cũng Thánh Linh đó có thể làm chứng về lẽ thật đó cho các anh chị em cùng tôi. Hãy học thánh thư kỹ lưỡng, một cách thận trọng. Hãy suy ngẫm và cầu nguyện về thánh thư. Thánh thư là điều mặc khải và sẽ mang đến thêm nhiều điều mặc khải.

Hãy nghĩ về tầm quan trọng của phước lành chúng ta khi có Kinh Thánh và thêm khoảng 900 trang thánh thư nữa, kể cả Sách Mặc Môn, Giáo Lý và Giao Ước và Trân Châu Vô Giá. Ngoài ra, hãy nghĩ đến những lời các vị tiên tri nói ra khi họ được Đức Thánh Linh tác động trong những bối cảnh như ở đây, mà Chúa gọi là thánh thư (xin xem GLGƯ 68:2–4), hầu như liên tục tuôn tràn đến chúng ta qua phương tiện truyền hình, truyền thanh, mạng Internet, hệ thống vệ tinh, dĩa CD, dĩa DVD và sách báo. Tôi nghĩ rằng trong lịch sử, không bao giờ, có một dân tộc được ban phước với số lượng thánh thư như vậy. Và không những vậy thôi, mà mỗi người nam, người nữ và trẻ em còn có thể có được và học hỏi từ quyển thánh thư riêng của họ nữa, hầu hết bằng ngôn ngữ của mình. Thật là một điều dường như không thể tin nổi đối với những người trong thời William Tyndale và đối với Các Thánh Hữu của các gian kỳ ban đầu! Chắc chắn là với phước lành này, Chúa đang phán bảo cho chúng ta biết rằng nhu cầu của chúng ta để sử dụng thánh thư thường xuyên thì lớn lao hơn trong bất cứ thời kỳ nào trước đây. Cầu xin cho chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng lời nói của Đấng Ky Tô, là những lời sẽ cho chúng ta biết tất cả những điều chúng ta cần phải làm (xin xem 2 Nê Phi 32:3). Tôi đã học và suy ngẫm thánh thư và vào tuần lễ Phục Sinh này, tôi chia sẻ với các anh chị em chứng ngôn của mình về Đức Chúa Cha cùng Vị Nam Tử như thánh thư đã tiết lộ về hai Ngài, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

GHI CHÚ

  1. Nguồn tài liệu sau đây được tham khảo để có được thông tin về William Tyndale: David Daniell, The Bible in English (2003), 140–57; Lenet Hadley Read, How We Got the Bible (1985), 67–74; S. Michael Wilcox, Fire in the Bones: William TyndaleMartyr, Father of the English Bible (2004); John Foxe, The New Foxe’s Book of Martyrs (1997), 121–33; “William Tyndale,” http:// en.wikipedia.org/wiki/William_Tyndale; truy cập vào ngày 28 tháng Hai năm 2010. Bible Dictionary, “Bible, English.”

  2. Xin xem cuộc phỏng vấn của Richard Neitzel Holzapfel, trong Michael De Groote, “Questioning the Alternative Jesus,” Deseret News, ngày 26 tháng Mười Một năm 2009, M5.