Đá của Đấng Cứu Chuộc Chúng Ta
Tôi làm chứng rằng những người nào tuân giữ các lệnh truyền của Ngài thì sẽ tăng trưởng trong đức tin và hy vọng. Họ sẽ được ban cho sức mạnh để khắc phục tất cả những thử thách của cuộc sống.
Cách đây nhiều năm, tôi cùng gia đình đến thăm Nauvoo, Illinois. Các Thánh Hữu ban đầu đã tìm đến ẩn náu nơi đó. Nhiều người đã mất nhà cửa và nông trại của mình, cũng như một số người đã mất những người thân vì sự ngược đãi ngày càng gia tăng. Ở Nauvoo, họ đã quy tụ lại cùng xây dựng một thành phố mới mẻ và xinh đẹp. Nhưng sự ngược đãi thì không ngừng xảy ra và đến năm 1846, một lần nữa họ bị bắt buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ—lần này ở giữa mùa đông. Họ xếp hàng xe kéo trên Đường Parley chờ đợi đến lượt mình để băng ngang mặt nước đóng băng của dòng Sông Mississippi bước vào một tương lai vô định.
Khi chúng tôi đứng trên Đường Parley ngẫm nghĩ về tình trạng tuyệt vọng của họ, tôi thấy một loạt những tấm bảng gỗ đóng đinh trên trụ rào có khắc những dòng chữ trích dẫn từ nhật ký của Các Thánh Hữu đầy đau khổ này. Trong khi đọc mỗi dòng chữ trích dẫn, chúng tôi kinh ngạc trước những gì chúng tôi tìm thấy trong lời của họ, không phải là nỗi tuyệt vọng và chán nản mà là sự tin tưởng, cam kết, còn là cả niềm vui nữa. Những dòng chữ tràn đầy hy vọng, niềm hy vọng đã được cho thấy theo như lời trích dẫn này từ nhật ký của Sarah DeArmon Rich, tháng Hai năm 1846: “Việc bắt đầu cuộc hành trình như vậy trong mùa đông … dường như sẽ giống như bước vào tay thần chết, nhưng chúng tôi có đức tin … [và] chúng tôi cảm thấy hân hoan rằng ngày giải thoát đó của chúng tôi đã đến.”1
Các Thánh Hữu đầu tiên này quả thật đã là những người vô gia cư nhưng họ không tuyệt vọng. Lòng họ đau đớn nhưng tinh thần của họ vẫn vững mạnh. Họ đã học được một bài học sâu sắc và quan trọng. Họ đã học được rằng niềm hy vọng đi kèm với phước lành bình an và niềm vui thì không tùy thuộc vào hoàn cảnh. Họ đã khám phá ra rằng nguồn hy vọng đích thực chính là đức tin—đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và nơi Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài, chính là nền tảng vững chắc nơi cuộc sống của chúng ta đã được đặt lên.
Ngày nay, một nhóm người tiền phong khác đã minh họa nguyên tắc quan trọng này. Vào thứ Ba ngày 12 tháng Giêng, một trận động đất lớn giáng xuống quốc gia Haiti. Trận động đất này làm cho thủ phủ Port-au-Prince đổ nát. Ảnh hưởng của sức tàn phá của nó thật nặng nề—khoảng 1.000.000 người trở thành người không nhà cửa và trên 200.000 người được báo cáo thiệt mạng.
Trong khi thế giới đáp lời kêu gọi chưa từng có của quốc tế thì một nỗ lực cứu giúp phi thường và đầy soi dẫn khác đang được thực hiện ở Port-au-Prince—nỗ lực này được hướng dẫn bởi một ủy ban gồm có các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương của người Haiti được tổ chức theo khuôn mẫu chức tư tế và hoạt động dưới sự soi dẫn. Trong số những người khác, các thành viên của ủy ban gồm có hai chủ tịch giáo khu và hai chủ tịch Hội Phụ Nữ giáo khu ở Port-au-Prince, cùng vị chủ tịch phái bộ truyền giáo, là người chỉ mới 30 tuổi chủ tọa hơn 74 người truyền giáo toàn thời gian ở Phái Bộ Truyền Giáo Haiti, Port-au-Prince. Tất cả những người truyền giáo của ông đều là người Haiti, và mầu nhiệm thay, không một người nào trong số họ bị thương trong trận động đất dữ dội này.
Những nguồn tài nguyên của Giáo Hội được trao vào tay của các vị lãnh đạo địa phương đầy soi dẫn này gồm có những đóng góp rộng rãi của nhiều người trong số các anh chị em. Những người dân ở Haiti vô cùng biết ơn đối với những đóng góp này. Dưới sự chỉ dẫn của ủy ban này, những chuyến xe chở lương thực hầu như lập tức đến từ nước Cộng Hòa Dominic. Trong vòng vài ngày sau trận động đất, những chuyến máy bay chở đầy thức ăn, hệ thống lọc nước, lều, mền và đồ tiếp liệu y khoa cùng với một đội bác sĩ đã đến nơi.
Chín ngôi giáo đường ở bên trong và xung quanh thành phố Port-au-Prince hầu như không bị hư hại—một phép lạ phi thường khác. Trong những tuần lễ tiếp theo trận động đất, các ngôi giáo đường này đã trở thành chỗ trú ngụ cho hơn 5.000 người Haiti cũng như căn cứ để phân phát thức ăn, nước uống và y tế. Những nhu cầu cơ bản đã được đáp ứng và trật tự bắt đầu vãn hồi khỏi cảnh hỗn loạn.
Mặc dù Các Thánh Hữu Haiti trung tín đã chịu nhiều đau khổ, nhưng lòng họ tràn đầy niềm hy vọng cho tương lai. Giống như những người tiền phong đầu tiên vào năm 1846, lòng họ đau khổ nhưng tinh thần của họ vững mạnh. Họ cũng dạy cho chúng ta biết rằng niềm hy vọng, hạnh phúc và niềm vui không phải là kết quả của hoàn cảnh mà là đức tin nơi Chúa.
Chính Tiên Tri Mặc Môn cũng không lạ gì đối với hoàn cảnh khó khăn, đã hiểu và giảng dạy rõ ràng giáo lý này:
“Và lại nữa, hỡi các đồng bào yêu mến của tôi, tôi muốn nói với các người về hy vọng… .
“… Này, tôi nói cho các người hay rằng, qua sự chuộc tội của Đấng Ky Tô … và sở dĩ được vậy là nhờ các người có đức tin nơi Ngài theo như lời hứa.
“Vậy nên, nếu một người có đức tin thì người đó cần phải có hy vọng; vì nếu không có đức tin thì không thể có bất cứ hy vọng gì.”2
Hy vọng là từ đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô mà ra. Ngài đã thắng thế gian và hứa rằng Ngài sẽ lau sạch nước mắt của chúng ta nếu chúng ta chịu tìm đến, tin tưởng cùng tuân theo Ngài.3
Vào chính lúc này đây, một số người nào cảm thấy tuyệt vọng hoặc chán nản thì có thể tự hỏi bằng cách nào mình có thể đạt được hy vọng lần nữa. Nếu các anh chị em là một trong những người này, xin hãy nhớ rằng hy vọng đến là do đức tin. Nếu chịu xây đắp hy vọng thì chúng ta cũng cần phải xây đắp đức tin của mình.
Đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi đòi hỏi nhiều hơn là chỉ tin tưởng mà thôi. Sứ Đồ Gia Cơ dạy rằng ngay cả quỷ dữ cũng tin tưởng và run rẩy.4 Nhưng đức tin chân thật đòi hỏi công việc làm. Điều khác biệt giữa quỷ dữ và các tín hữu trung thành của Giáo Hội này không phải là sự tin tưởng mà là công việc làm. Đức tin phát triển qua việc tuân giữ các lệnh truyền. Chúng ta cần phải cố gắng tuân giữ các lệnh truyền. Từ Tự Điển Kinh Thánh, chúng ta đọc rằng: “Phép lạ không sinh ra đức tin, nhưng đức tin vững mạnh được phát triển qua sự vâng theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô; nói cách khác, đức tin đến bởi sự ngay chính”5
Khi cố gắng tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế, hối cải các tội lỗi của mình và hứa sẽ đưa ra nỗ lực tốt nhất để tuân theo Đấng Cứu Rỗi, thì chúng ta bắt đầu tăng trưởng trong sự tin tưởng rằng qua Sự Chuộc Tội, mọi điều sẽ được ổn thỏa. Những cảm nghĩ đó đều được xác nhận bởi Đức Thánh Linh, là Đấng cất khỏi chúng ta điều mà các bậc cha mẹ tiền phong gọi là “những điều lo lắng vô ích của mình.” Bất kể những thử thách của mình, lòng chúng ta tràn đầy cảm giác hạnh phúc và cảm thấy muốn cất tiếng hát với họ rằng quả thật “mọi điều đều tốt đẹp.”6
Tôi không muốn đánh giá thấp sự thật về nỗi buồn chán lâm sàng. Đối với một số người, giải pháp cho nỗi buồn chán và lo lắng sẽ được tìm thấy qua cuộc hội chẩn với các nhà chuyên môn thành thạo. Nhưng đa số chúng ta, nỗi buồn phiền và lo sợ bắt đầu tan dần rồi được thay thế bởi niềm hạnh phúc và sự bình an khi chúng ta đặt lòng tin cậy của mình nơi Tác Giả của kế hoạch hạnh phúc và khi chúng ta phát triển đức tin nơi Hoàng Tử Bình An.
Mới đây, một người bạn thân của tôi qua đời vì bệnh ung thư. Anh ấy và gia đình của anh là những người có đức tin lớn lao. Thật là điều soi dẫn để thấy đức tin của họ đã mang họ vượt qua thời kỳ đầy khó khăn này. Lòng họ tràn đầy sự bình an mà đã hỗ trợ và củng cố họ. Với sự cho phép của họ, tôi xin đọc lá thư của một người trong gia đình đó, thư được viết chỉ một vài ngày trước khi cha của người ấy qua đời:
“Mấy ngày qua thật là khó khăn … Tối hôm qua trong khi chúng tôi họp lại bên giường của Cha, Thánh Linh của Chúa đã được cảm thấy rõ ràng và thật sự tác động như là Đấng An ủi đối với chúng tôi. Chúng tôi cảm nhận được sự bình an… . Thật là một điều khó khăn nhất bất cứ người nào trong chúng tôi từng kinh nghiệm trước đó, nhưng chúng tôi cảm nhận được sự bình an vì biết rằng… . Cha Thiên Thượng đã hứa rằng chúng tôi sẽ cùng sống với nhau là một gia đình một lần nữa. Sau khi vị bác sĩ nói với Cha rằng họ không thể làm gì được nữa, thì Cha nhìn tất cả chúng tôi với đức tin trọn vẹn và đầy can đảm rồi hỏi: “Có ai đang ở trong căn phòng này mà nghi ngờ kế hoạch cứu rỗi không?” Chúng tôi không nghi ngờ và biết ơn cha mẹ mình đã dạy cho chúng tôi có được niềm tin cậy trọn vẹn trong kế hoạch này.”
Tôi nói với tất cả những người đang đau khổ, với tất cả những người đang than khóc, với tất cả những người hiện đang đối phó hoặc sẽ đối phó với những thử thách và khó khăn trong cuộc sống này. Sứ điệp của tôi là dành cho tất cả những người đang lo lắng, sợ hãi hoặc chán nản. Sứ điệp của tôi chính là một sự lặp lại, một điều nhắc nhở về lời khuyên dạy thường xuyên đầy an ủi từ Đức Chúa Cha nhân từ dành cho con cái của Ngài kể từ lúc thế gian mới bắt đầu.
“Hãy nhớ, hãy nhớ rằng các con phải xây dựng nền móng của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế; để cho khi nào quỷ dữ tung những ngọn gió mạnh của nó ra, phải những mũi tên trong cơn gió lốc của nó, phải, khi những trận mưa đá và những cơn bão tố mãnh liệt của nó tới tấp đổ xuống trên các con, thì nó sẽ không có quyền năng nào để lôi kéo các con xuống vực thẳm khốn cùng và đau thương bất tận được, vì nhờ đá mà các con được xây cất trên đó, đá ấy là một nền móng vững chắc, là một nền móng mà nếu loài người xây dựng trên đó họ sẽ không thể nào đổ ngã được.”7
Tôi làm chứng về Ngài, rằng Ngài đã thắng thế gian, Ngài sẽ không bao giờ quên hoặc bỏ rơi chúng ta vì Ngài đã chạm chúng ta trong lòng bàn tay Ngài.8 Tôi làm chứng rằng những người nào tuân giữ các lệnh truyền của Ngài thì sẽ tăng trưởng trong đức tin và hy vọng. Họ sẽ được ban cho sức mạnh để khắc phục tất cả những thử thách của cuộc sống. Họ sẽ kinh nghiệm được sự bình an vượt quá mọi sự hiểu biết.9 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.