2010
Những Người Mẹ Dạy Dỗ Con Cái trong Nhà
tháng Năm năm 2010


Những Người Mẹ Dạy Dỗ Con Cái trong Nhà

Tôi tin rằng chính là qua kế hoạch thiêng liêng mà vai trò của người mẹ nhấn mạnh đến việc nuôi dưỡng và giảng dạy thế hệ kế tiếp.

Hình Ảnh
Elder L. Tom Perry

Tôi mới vừa có cơ hội đi với Anh Cả Donald L. Hallstrom đến thăm năm thành phố ở miền trung rộng lớn của Hoa Kỳ. Trong mỗi thành phố chúng tôi đến thăm, chúng tôi tổ chức một buổi họp với những người truyền giáo toàn thời gian, tiếp theo đó là một buổi hvới các vị lãnh đạo giáo khu và tiểu giáo khu về công việc truyền giáo. Giữa hai buổi họp này, Hội Phụ Nữ giáo khu chuẩn bị một bữa ăn tối cho chúng tôi để giúp chúng tôi có thời giờ họp với các chủ tịch giáo khu. Khi chúng tôi đến Milwaukee, Wisconsin, hai gia đình có con nhỏ yêu cầu Hội Phụ Nữ để cho họ chuẩn bị và phục vụ bữa ăn tối. Cả hai người chồng làm việc trong nhà bếp. Hai người mẹ trông coi việc sắp xếp bàn ăn và phục vụ thức ăn. Ba đứa con nhỏ lo bố trí bàn ăn và phục vụ thức ăn dưới sự trông coi của mẹ chúng. Đây là cơ hội cho những người mẹ giảng dạy con cái của mình. Thật là điều rất đặc biệt để nhìn mấy đứa trẻ này làm theo từng chi tiết khi được mẹ chúng giảng dạy. Chúng thực hiện mỗi chi tiết của công việc chỉ định cho chúng một cách trọn vẹn và hoàn hảo.

Kinh nghiệm đó khiến cho tôi suy ngẫm về sự huấn luyện tôi nhận được từ mẹ tôi. Giống như tiên tri Nê Phi và cũng như rất nhiều anh chị em, tôi sinh ra trong một gia đình nề nếp (xin xem 1 Nê Phi 1:1).

Một trong mấy đứa cháu gái của tôi mới vừa đây đã chia sẻ với tôi bốn quyển sổ ghi chép đầy kín những điều mẹ tôi viết khi bà chuẩn bị giảng dạy lớp học trong Hội Phụ Nữ. Tôi tưởng tượng rằng những quyển sổ ghi chép này—và những quyển sổ ghi chép khác mà tôi chưa xem—tượng trưng cho hằng trăm giờ đồng hồ chuẩn bị của mẹ tôi.

Mẹ tôi là một giảng viên tài giỏi và siêng năng cùng chu đáo trong việc chuẩn bị của bà. Tôi có những ký ức rõ ràng về những ngày trước khi bà dạy bài học. Mặt bàn ăn bị che mất bởi các tài liệu tham khảo và những điều ghi chép mà bà đang chuẩn bị cho bài học của mình. Có rất nhiều tài liệu được chuẩn bị mà tôi chắc rằng chỉ một phần nhỏ của các tài liệu đó được sử dụng trong lớp học mà thôi, nhưng tôi cũng chắc rằng không có một sự chuẩn bị nào của bà là uổng phí cả. Làm thế nào tôi có thể biết chắc về điều này? Khi tôi giở các trang trong quyển sổ ghi chép của bà thì thể như tôi đang nghe mẹ tôi dạy cho tôi thêm một lần nữa. Một lần nữa, có quá nhiều điều trong quyển sổ ghi chép của bà về bất cứ một đề tài nào để có thể chia sẻ hết trong một lớp học, nhưng những điều bà không sử dụng trong lớp học của mình thì bà sẽ sử dụng để dạy cho con cái của bà.

Tôi tin và còn an toàn để nói rằng trong khi mẹ tôi là một giảng viên vô cùng hữu hiệu trong số các chị trong Hội Phụ Nữ, việc giảng dạy hay nhất của bà là với con cái của bà ở nhà. Dĩ nhiên, phần lớn điều này là nhờ vào việc bà đã phải bỏ ra nhiều thời giờ hơn để giảng dạy cho con cái của mình so với việc giảng dạy các chị em trong Hội Phụ Nữ, nhưng tôi cũng muốn nghĩ rằng trước hết bà đã chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, làm gương cho con cái của bà về sự siêng năng phục vụ Giáo Hội, và thứ nhì, vì bà đã nhận ra điều bà học được từ việc chuẩn bị các bài học của mình có thể được sử dụng nhiều lần cho một mục đích cao quý hơn—giảng dạy cho các con trai và con gái của mình.

Xin cho phép tôi hồi tưởng lại trong một giây lát và chia sẻ một vài bài học tôi học được từ mẹ tôi về việc giảng dạy phúc âm trong nhà. Mẹ tôi hiểu giá trị của việc giảng dạy con cái của mình về các tiêu chuẩn, giá trị và giáo lý trong khi chúng còn nhỏ. Mặc dù bà biết ơn những người khác đã giảng dạy cho con cái của mình ở bên ngoài mái gia đình, tại trường học hoặc nhà thờ, nhưng bà nhìn nhận rằng cha mẹ được giao phó việc giáo dục con cái của họ, và cuối cùng, cha mẹ cần phải bảo đảm rằng con cái của mình phải được giảng dạy điều Cha Thiên Thượng muốn chúng học. Các anh chị em của tôi và tôi được mẹ tôi hỏi rất kỹ sau khi chúng tôi đã được giảng dạy ở bên ngoài mái gia đình, để chắc chắn rằng chúng tôi đã nghe những bài học đúng đắn và định hướng tâm trí của chúng tôi.

Có một số ngày, tôi thường nghĩ rằng khi tôi đi học về thì tôi đã học xong trong ngày đó, nhưng ảo ảnh này nhanh chóng biến mất khi tôi thấy mẹ tôi đứng tại cửa chờ tôi. Khi còn nhỏ, mỗi chúng tôi có một cái bàn viết ở trong nhà bếp là nơi chúng tôi có thể tiếp tục được bà giảng dạy khi bà làm công việc nhà và chuẩn bị bữa ăn tối. Bà là một người thầy bẩm sinh và đòi hỏi nhiều nơi chúng tôi hơn là cô giáo của chúng tôi tại trường học và nhà thờ.

Phạm vị giảng dạy của mẹ tôi gồm có các bài học ở đời lẫn các bài học thuộc linh. Bà chắc chắn rằng không một ai trong chúng tôi bị tụt lại đằng sau với bài vở trong trường mà bà còn thường dạy kèm thêm ở nhà nữa. Bà cũng thường thực tập các bài học của Hội Phụ Nữ với chúng tôi. Dĩ nhiên, chúng tôi nhận được những bài nguyên vẹn trong quyển sổ ghi chép của bà, không phải những bài được rút ngắn để ăn khớp với thời gian dạy trong lớp.

Một phần việc học hỏi của chúng tôi ở nhà cũng gồm có việc học thuộc lòng thánh thư, kể cả Những Tín Điều và những lời của các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải. Mẹ tôi là người tin rằng một trí óc sẽ trở nên yếu kém nếu không được sử dụng liên tục. Bà dạy chúng tôi khi chúng tôi rửa chén, đánh sữa lấy bơ và giúp đỡ trong những cách khác. Bà không tin vào việc để cho những ý nghĩ vẩn vơ xâm nhập trí óc của con cái bà khi chúng đang làm việc tay chân.

Tôi không dùng mẹ tôi làm vai trò mẫu mực cho các bậc cha mẹ trong thế giới ngày nay. Thời đại ngày nay rất khác biệt, nhưng mặc dù thời đại có thể thay đổi, nhưng lời giảng dạy của người cha, người mẹ sẽ không bao giờ giảm giá trị. Nhiều việc có tác dụng kết nối giá trị của một thế hệ với thế hệ kế tiếp, nhưng có lẽ điều chính yếu nhất của những việc này là cha mẹ dạy dỗ con cái trong nhà. Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta cân nhắc việc giảng dạy các giá trị, các tiêu chuẩn đạo đức và luân lý cùng với đức tin.

Việc giảng dạy trong nhà càng ngày càng trở nên quan trọng trong thế giới ngày nay là nơi ảnh hưởng của kẻ nghịch thù đang lan rộng và nó đang tấn công, cố gắng soi mòn cùng hủy diệt nền móng chính yếu của xã hội chúng ta, chính là gia đình. Cha mẹ cần phải quyết tâm rằng việc giảng dạy trong nhà là một trách nhiệm thiêng liêng và quan trọng nhất. Trong khi các thể chế khác, như nhà thờ và trường học, có thể phụ giúp cha mẹ “dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo” (Châm Ngôn 22:6), thì cuối cùng trách nhiệm đó vẫn thuộc về cha mẹ. Theo kế hoạch hạnh phúc vĩ đại, chính cha mẹ là những người được giao phó cho việc chăm sóc và phát triển con cái của Cha Thiên Thượng. Gia đình của chúng ta là một phần cần thiết của công việc và vinh quang của Ngài— “để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39). Trong kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế, cha mẹ thường được hoạch định để đóng vai trò chính trong cuộc sống của con cái họ. May thay, cũng có những người khác dự phần vào cuộc sống của chúng, những người này có thể giúp đỡ khi cha mẹ không thể làm được. Tuy nhiên, chính cha mẹ là những người được Chúa truyền lệnh phải nuôi nấng con cái mình trong sự sáng và lẽ thật (xin xem GLGƯ 93:40).

Cha mẹ cần phải mang ánh sáng và lẽ thật vào nhà của họ mỗi lần bằng việc cầu nguyện chung gia đình, học thánh thư chung, buổi họp tối gia đình, đọc lớn một cuốn sách, ca hát và bữa ăn chung gia đình. Họ biết rằng ảnh hưởng của việc nuôi nấng con cái một cách ngay chính, đầy tận tâm, kiên trì hằng ngày là sức mạnh tốt lành, lớn lao và đầy hỗ trợ nhất trên thế gian. Sự lành mạnh của bất cứ xã hội nào, hạnh phúc của dân trong xã hội đó, sự thịnh vượng và bình an của họ đều có nguồn gốc chung trong việc giảng dạy con cái trong nhà.

Anh Cả Joseph Fielding Smith đã dạy: “Chính là bổn phận của cha mẹ là phải giảng dạy con cái họ các nguyên tắc phúc âm cứu rỗi này của Chúa Giê Su Ky Tô, để chúng sẽ biết được lý do tại sao chúng ta phải chịu phép báp têm và chúng có thể đạt được một ước muốn chân thành để tiếp tục tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế sau khi chúng chịu phép báp têm, để chúng có thể trở lại nơi hiện diện của Ngài. Các anh chị em thân mến, các anh chị em có muốn gia đình, con cái mình không; các anh chị em có muốn được làm lễ gắn bó với cha mẹ của mình không? … Nếu có thì các anh chị em cần phải bắt đầu giảng dạy lúc con cái còn thơ. Các anh chị em phải giảng dạy bằng tấm gương cũng như bằng lời giáo huấn” (trong Conference Report, tháng Mười năm 1948, 153).

Tấm gương của mẹ tôi là người thầy dạy trong nhà đem lại một ý nghĩ khác, tổng quát hơn về việc giảng dạy. Các vị lãnh đạo của Giáo Hội dành ra nhiều thời giờ để suy nghĩ về cách cải tiến việc giảng dạy trong Giáo Hội. Tại sao chúng ta đầu tư thời giờ và nỗ lực vào điều này? Đó là vì chúng ta tin nơi quyền năng lớn lao của việc giảng dạy để làm gia tăng đức tin của cá nhân và củng cố gia đình. Tôi tin rằng một trong những điều hữu hiệu nhất chúng ta có thể làm để cải tiến việc giảng dạy trong Giáo Hội là cải tiến việc giảng dạy trong nhà của mình. Việc giảng dạy của chúng ta trong nhà chuẩn bị cho chúng ta giảng dạy một cách hữu hiêụ hơn trong nhà thờ, và việc giảng dạy của chúng ta trong nhà thờ giúp chúng ta giảng dạy một cách hữu hiệu hơn ở nhà. Trong khắp Giáo Hội, có những mặt bàn ăn bị che mất bởi các tài liệu tham khảo và các quyển sổ ghi chép đầy những ý kiến cho bài học sắp được giảng dạy. Không hề có việc chuẩn bị thái quá trong việc giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, vì dù được hay không được sử dụng trong lúc dạy bài học, thì những điều hiểu biết về phúc âm vẫn có thể được giảng dạy trong nhà.

Tài liệu đầy soi dẫn, “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” ghi:

“Vợ chồng có một trách nhiệm trọng đại là phải yêu thương và chăm sóc lẫn nhau và cho con cái của mình. ‘Con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê Hô Va mà ra’ (Thi Thiên 127:3). Cha mẹ có bổn phận thiêng liêng là nuôi nấng con cái mình trong tình thương và sự ngay chính, cung cấp những nhu cầu vật chất và thuộc linh cho chúng, dạy dỗ chúng biết yêu thương và phục vụ lẫn nhau, tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế và là những công dân biết tuân theo các luật pháp ở bất cứ nơi nào chúng sinh sống… .

“… Qua kế hoạch thiêng liêng, những người cha phải chủ tọa gia đình mình trong tình thương yêu và sự ngay chính và có trách nhiệm cung cấp cho những nhu cầu cần thiết của cuộc sống và bảo vệ cho gia đình mình. Những người mẹ có trách nhiệm chính yếu để nuôi dưỡng con cái mình. Trong các trách nhiệm thiêng liêng này, những người cha và người mẹ có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau với tư cách là những người bạn đời bình đẳng” (Liahona, tháng Mười năm 2004, 49).

Theo như “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” các nguyên tắc tôi giảng dạy về việc giảng dạy trong nhà áp dụng cho cả vợ chồng, nhưng chủ yếu nhất là vai trò của người mẹ. Người cha thường thường vắng mặt ở nhà hầu như suốt ngày vì đi làm. Đó là một trong nhiều lý do mà có rất nhiều trách nhiệm giảng dạy đứa con trong nhà thuộc vào người mẹ. Mặc dù hoàn cảnh có khác nhau và lý tưởng thì luôn luôn không thể có, nhưng tôi tin rằng chính là qua kế hoạch thiêng liêng mà vai trò của người mẹ nhấn mạnh đến việc nuôi dưỡng và giảng dạy thế hệ kế tiếp. Ngày nay, chúng ta thấy có rất nhiều thử thách từ các ảnh hưởng tiêu cực làm xao lãng nhằm làm cho con cái của Thượng Đế lạc lối. Chúng ta thấy nhiều người trẻ tuổi bị thiếu rễ thuộc linh bén sâu cần thiết để vẫn luôn đứng vững trong đức tin khi giông bão của sự không tin và nỗi thất vọng xoáy quanh họ. Có quá nhiều con cái của Cha Thiên Thượng bị ước muốn của thế gian đánh bại. Việc tấn công dữ dội của sự tà ác đối với con cái chúng ta lập tức trở nên tinh vi và mãnh liệt hơn bao giờ hết. Việc giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong nhà thêm vào một lớp bao bọc để bảo vệ con cái chúng ta khỏi những ảnh hưởng của thế gian.

Thượng Đế ban phước cho các anh chị em là các bậc cha mẹ tuyệt vời trong Si Ôn. Ngài đã giao phó cho các anh chị em việc chăm sóc con cái vĩnh cửu của Ngài. Là cha mẹ, chúng ta hợp tác, ngay cả liên kết với Thượng Đế trong việc mang lại công việc và vinh quang của Ngài ở giữa con cái của Ngài. Đó là bổn phận thiêng liêng của chúng ta để cố gắng hết sức mình. Tôi làm chứng về điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

In