Quyền Năng của Chức Tư Tế
Chức tư tế không có sức mạnh mà đáng lẽ đã có và sẽ không có cho đến khi quyền năng của chức tư tế được làm cho vững chắc trong gia đình.
Tôi ngỏ lời cùng những người cha của các gia đình và cùng gia đình ở khắp nơi trong Giáo Hội.
Cách đây nhiều năm, tôi bắt đầu một buổi họp phối hợp dưới sự hướng dẫn của Chủ Tịch Harold B. Lee. Vào lúc đó, Chủ Tịch Thomas S. Monson nói: “Hôm nay, chúng ta họp nhau lại để chống lại những loại tội lỗi, thói tật và điều xấu xa tai hại nhất đang tụ tập trước mắt chúng ta … . Kế hoạch của cuộc chiến đấu mà chúng ta tham gia nhằm cứu rỗi linh hồn loài người thì không phải là của chúng ta, mà là do sự soi dẫn và mặc khải của Chúa mà ra.”1
Trong những năm phối hợp đó, toàn thể cơ cấu hoạt động của Giáo Hội đã thay đổi. Toàn thể chương trình giảng dạy được tổ chức lại. Mục tiêu và mối liên hệ của các tổ chức với nhau được xác định lại. Chức tư tế là từ then chốt trong những năm phối hợp và tổ chức lại đó.
Chủ Tịch Monson cũng nói về Ghê Đê Ôn, một người anh hùng trong Kinh Cựu Ước. Ghê Đê Ôn được chọn lãnh đạo các quân đội Y Sơ Ra Ên gồm có hằng ngàn người. Nhưng trong số tất cả những người đó, ông chỉ chọn 300 người thôi.
Ghê Đê Ôn có cách rất thú vị để chọn các tân binh của mình. Khi có những người uống nước tại dòng suối, đa số những người này “quì gối cúi xuống mà uống.” Ông không chọn những người đó. Một vài người bụm nước trong tay rồi uống và vẫn hoàn toàn cảnh giác. Họ là những người được chọn.2
Chúng ta sống trong thời kỳ “chiến tranh, những tiếng đồn về chiến tranh, cùng các trận động đất ở nhiều nơi.”3 Như đã được tiên tri, “toàn thể thế gian [đang] ở trong sự xáo động”4 và “Sa Tan đang lan tràn khắp xứ.”5 Nó tìm cách hủy diệt tất cả những gì tốt lành và ngay chính.6 Nó là Lu Xi Phe đã bị quăng ra khỏi nơi hiện diện của Thượng Đế.7 Khi chống lại tất cả những điều đó, chúng ta có được cảm nghĩ rất lạc quan về những gì sẽ xảy ra.
Lực lượng ít người của Ghê Đê Ôn thành công vì như thánh thư đã ghi: “Chúng đứng vây quanh trại quân, ai cứ chỗ nấy.”8
“Gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn”9 này đã khai mở với sự hiện đến của Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử cùng thiếu niên Joseph Smith.10 Kế đến, thiên sứ Mô Rô Ni cho Joseph thấy các bảng khắc chứa đựng Sách Mặc Môn đã được chôn giấu ở đâu.11 Joseph được ban cho quyền năng để phiên dịch các bảng khắc này.12
Trong lúc phiên dịch, Joseph và Oliver Cowdery đọc về phép báp têm. Họ cầu nguyện để biết điều phải làm.13 Có một thiên sứ, Giăng Báp Tít, hiện đến cùng họ. Ông đã truyền giao cho họ Chức Tư Tế A Rôn mà “nắm giữ các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ và của phúc âm về sự hối cải, và của phép báp têm bằng cách được dìm mình xuống nước để được xá miễn tội lỗi.”14
Các Sứ Đồ Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng là những người gần gũi nhất với Chúa trong giáo vụ của Ngài, đã hiện ra kế đó và truyền giao chức tư tế cao hơn cho Joseph và Oliver,15 hoặc “Thánh Chức Tư Tế theo Ban của Vị Nam Tử của Thượng Đế.”16 Chức tư tế, theo như thánh thư giải thích, được đặt theo tên của Mên Chi Xê Đéc, thầy tư tế thượng phẩm cao trọng là người mà Áp Ra Ham đóng tiền thập phân.17
Rồi chức tư tế trở thành thẩm quyền của họ. Qua các chìa khóa của chức tư tế, họ đã tiếp cận với tất cả các quyền năng của thiên thượng. Họ được truyền lệnh phải mang phúc âm đến cho tất cả các dân tộc.18
Việc sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô không bao giờ là dễ dàng cả. Điều đó không dễ dàng khi Ngài còn sống và cũng không dễ dàng trong những thời kỳ đầu của Giáo Hội. Các Thánh Hữu ban đầu đã hứng chịu nhiều nỗi đau khổ và chống đối không tả xiết.
Đã hơn 180 năm kể từ khi chức tư tế được phục hồi. Bây giờ, chúng ta có gần 14 triệu tín hữu. Tuy nhiên, chúng ta cũng chỉ là một phần rất nhỏ so với hằng tỉ người trên thế giới. Nhưng chúng ta là chúng ta, và chúng ta biết điều mình biết và chúng ta phải đi ra rao giảng phúc âm.
Sách Mặc Môn nói rõ rằng chúng ta sẽ không bao giờ có thể trội hơn nhờ vào con số. Nhưng chúng ta có quyền năng của chức tư tế.19
Tiên Tri Nê Phi viết: “Và chuyện rằng, tôi trông thấy giáo hội của Chiên Con, và con số người thuộc giáo hội rất ít … ; tuy nhiên, tôi thấy giáo hội của Chiên Con, là các thánh đồ của Thượng Đế, cũng hiện diện khắp trên mặt đất; và quyền thống trị của họ trên mặt đất rất nhỏ nhoi.”20
Chủ Tịch Joseph Fielding Smith nói: “Trong khi người ta có thể nói … rằng chúng ta chỉ là một số ít người so với … thế gian, tuy nhiên chúng ta có thể so sánh với chất men mà Đấng Cứu Rỗi đã nói đến và cuối cùng thay đổi [hoặc nâng lên] cả thế gian.”21
Chúng ta có thể và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tất cả nhân loại vào đúng lúc thích hợp. Rồi thế gian sẽ biết chúng ta là ai và tại sao chúng ta làm như vậy. Dường như đó là điều vô vọng; vô cùng khó khăn; nhưng không những có thể mà còn chắc chắn rằng chúng ta sẽ thắng trận đánh với Sa Tan.
Cách đây vài năm, tôi có đưa ra một bài nói chuyện tựa đề là “Điều Mỗi Anh Cả Cần Phải Biết: Sách Căn Bản về Các Nguyên Tắc Điều Hành Chức Tư Tế.” Về sau, khi bài nói chuyện này sắp được đăng báo thì tôi đổi tựa đề là: “Điều Mỗi Anh Cả Cần Phải Biết—và Mỗi Chị Em Phụ Nữ Cũng Vậy.”22
Tôi gồm cả các chị em phụ nữ vào vì mọi người cần phải hiểu điều kỳ vọng nơi các anh em. Trừ phi chúng ta có được sự chú ý của những người mẹ, con gái, chị em—là những người có ảnh hưởng đối với những người chồng, người cha, con trai và anh em của họ—nếu không thì chúng ta không thể tiến triển. Chức tư tế sẽ mất quyền năng lớn lao nếu các chị em phụ nữ bị bỏ bê.
Chức tư tế là thẩm quyền và quyền năng do Thượng Đế ban cho loài người trên thế gian để hành động thay cho Ngài.23 Khi thẩm quyền chức tư tế được sử dụng một cách đúng đắn, thì những người mang chức tư tế làm điều Ngài sẽ làm nếu như Ngài hiện diện ở đó.
Chúng ta đã rất xuất sắc trong việc phân phát thẩm quyền của chức tư tế. Chúng ta có thẩm quyền chức tư tế được thiết lập hầu như ở khắp nơi. Chúng ta có các nhóm túc số các anh cả và các thầy tư tế thượng phẩm trên toàn cầu. Nhưng tôi nghĩ việc phân phát thẩm quyền của chức tư tế đã vượt quá việc phân phát quyền năng của chức tư tế. Chức tư tế không có sức mạnh mà đáng lẽ đã có và sẽ không có cho đến khi quyền năng của chức tư tế được làm cho vững chắc trong gia đình như nó cần phải được như vậy.
Chủ Tịch Harold B. Lee nói: “Dường như rõ ràng đối với tôi rằng Giáo Hội không có sự chọn lựa nào—và không bao giờ có—để phụ giúp gia đình nhiều hơn trong việc thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của gia đình, không những vì đó là tổ chức của thiên thượng, mà vì đó còn là sự đóng góp thiết thực nhất chúng ta có thể làm cho giới trẻ của mình—để giúp cải tiến phẩm chất của đời sống trong nhà của Thánh Hữu Ngày Sau. Mặc dù nhiều chương trình và nỗ lực tổ chức của chúng ta là quan trọng, nhưng chúng không được thay thế mà cần phải hỗ trợ mái gia đình.”24
Chủ Tịch Joseph F. Smith đưa ra lời phát biểu về chức tư tế trong nhà: “Trong nhà, thẩm quyền chủ tọa luôn luôn được ban cho người cha, và không có thẩm quyền nào khác cao hơn trong mọi công việc và vấn đề gia đình. Để minh họa nguyên tắc này, chỉ một sự kiện thôi thì có lẽ cũng đủ. Đôi khi các anh cả được kêu gọi ban phước cho những người trong một gia đình. Trong số các anh cả này, có thể có các chủ tịch giáo khu, sứ đồ hoặc ngay cả các thành viên trong đệ nhất chủ tịch đoàn của Giáo Hội. Trong những trường hợp này, việc người cha trông mong và nhường cho các anh cả hướng dẫn việc thực hiện giáo lễ quan trọng này là không thích hợp. Người cha có mặt ở đó. Đó chính là quyền và bổn phận của ông để chủ tọa. Người cha cần phải chọn một người thực hiện lễ xức dầu và một người dâng lời cầu nguyện và ông không nên nghĩ rằng vì có các vị thẩm quyền trong Giáo Hội đang hiện diện chủ tọa nên ông đã bị cất bỏ quyền của mình để hướng dẫn sự thực hiện phước lành đó của phúc âm trong nhà mình. (Nếu người cha vắng mặt thì người mẹ nên yêu cầu vị có thẩm quyền chủ tọa hiện diện đảm trách hướng dẫn.) Người cha chủ tọa tại bàn, vào lúc cầu nguyện và đưa ra những điều hướng dẫn tổng quát liên quan đến cuộc sống gia đình cho bất cứ người nào có thể hiện diện.”25
Trong thời gian Chiến Tranh Việt Nam, chúng tôi có một loạt buổi họp đặc biệt dành cho các tín hữu của Giáo Hội được kêu gọi phục vụ trong quân đội. Sau một buổi họp như vậy ở Chicago, khi tôi đang đứng cạnh Chủ Tịch Harold B. Lee thì một Thánh Hữu Ngày Sau trẻ tuổi tốt bụng nói với Chủ Tịch Lee rằng người ấy sắp về thăm nhà và rồi có lệnh đi Việt Nam. Người ấy xin Chủ Tịch Lee ban cho người ấy một phước lành.
Tôi ngạc nhiên vô cùng khi Chủ Tịch Lee nói: “Cha em cần phải ban phước lành cho em.”
Người thanh niên thất vọng nói: “Cha em sẽ không biết cách ban phước lành đâu.”
Chủ Tịch Lee đáp: “Em à, hãy đi về nhà và nói với cha em rằng em sắp đi ra trận và muốn nhận được một phước lành của người cha từ ông. Nếu ông không biết cách làm như thế nào, thì hãy nói với ông rằng em sẽ ngồi trên ghế. Ông có thể đứng sau lưng em và đặt tay của ông lên đầu em rồi nói bất cứ điều gì đến với tâm trí ông.”
Người lính trẻ này buồn bã đi về.
Khoảng hai năm sau, tôi gặp lại người ấy. Tôi không còn nhớ ở đâu. Người ấy nhắc tôi nhớ về kinh nghiệm đó và nói: “Em đã làm theo điều em được bảo phải làm. Em giải thích cho cha em biết rằng em sẽ ngồi trên ghế và rằng ông sẽ đặt tay ông lên đầu em. Quyền năng của chức tư tế tràn đầy cả cha em và em. Đó là sức mạnh và sự bảo vệ trong những tháng ngày chiến đấu đầy nguy hiểm đó.”
Một lần khác, tôi đang ở trong một thành phố xa xôi. Sau một đại hội, chúng tôi sắc phong và phong nhiệm cho các vị lãnh đạo. Khi kết thúc, vị chủ tịch giáo khu hỏi: “Chúng ta có thể sắc phong cho một thanh niên làm anh cả sắp đi truyền giáo không?” Dĩ nhiên câu trả lời là được.
Khi bước đến, người thanh niên đó ra hiệu cho ba người đi theo và đứng chung để làm lễ sắc phong cho anh ta.
Tôi thấy ở dãy ghế phía sau một người giống người thanh niên đó như đúc, và tôi hỏi: “Phải đó là cha em không?”
Người thanh niên đáp: “Vâng.”
Tôi nói: “Cha của em sẽ sắc phong cho em.”
Và người ấy phản đối: “Nhưng em đã yêu cầu một anh khác sắc phong cho em rồi.”
Và tôi nói: “Em à, cha em sẽ sắc phong cho em và em sẽ sống để cảm tạ Chúa về ngày này.”
Rồi người cha bước đến.
Cám ơn Chúa, ông ấy là một anh cả. Nếu không thì có lẽ ông ấy phải có chức anh cả sớm! Trong quân đội, họ sẽ gọi đó là thăng chức tại mặt trận. Đôi khi những điều như vậy được thực hiện trong Giáo Hội.
Người cha đã không biết cách sắc phong cho con trai mình. Tôi choàng tay qua người ông và hướng dẫn ông suốt giáo lễ. Khi ông sắc phong xong, chàng thanh niên đã là anh cả. Rồi một điều gì đó kỳ diệu xảy ra. Người cha và người con thay đổi hoàn toàn và ôm chầm lấy nhau. Hiển nhiên là điều đó đã không bao giờ xảy ra trước đó.
Người cha nói qua làn nước mắt: “Tôi không được sắc phong cho mấy đứa con trai khác của tôi.”
Hãy nghĩ xem có điều gì sẽ đạt được nữa nếu một người nào khác, ngay cả một Sứ Đồ, sắc phong cho người thành niên đó.
Trong khi chức tư tế hiện đang có ở khắp thế gian, chúng tôi kêu gọi mọi anh cả và thầy tư tế thượng phẩm, mọi người nắm giữ chức tư tế, hãy đứng lên ở ngay chỗ của mình, giống như lực lượng chỉ có 300 người nhưng hùng mạnh của Ghê Đê Ôn. Chúng tôi phải đánh thức quyền năng chức tư tế của Đấng Toàn Năng nơi mỗi anh cả và thầy tư tế thượng phẩm, nơi mỗi nhóm túc số và nhóm cũng như nơi người cha của mỗi mái gia đình.
Chúa phán rằng “những sự yếu kém của thế gian sẽ đi ra để đánh đổ những gì uy thế và mạnh mẽ.”26
Tiên tri Nê Phi cũng nói về “quyền năng của Chiên Con của Thượng Đế giáng xuống trên các thánh hữu trong giáo hội của Chiên Con và trên dân giao ước của Chúa đã bị phân tán khắp mặt đất,” và nói rằng “họ được trang bị bằng quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại.”27
Chúng ta cần mọi người. Những người mệt mỏi hoặc kiệt sức hay biếng nhác, ngay cả những người phạm tội, cần phải được phục hồi qua sự hối cải và tha thứ. Có quá nhiều các anh em chức tư tế của chúng ta đang sống dưới mức độ đầy đặc ân và kỳ vọng của Chúa.
Chúng ta cần phải tiến bước cùng tin tưởng về quyền năng thiêng liêng của chức tư tế. Đó là nguồn sức mạnh và khuyến khích để biết chúng ta là ai, điều gì chúng ta có cũng như điều gì chúng ta phải làm trong công việc của Đấng Toàn Năng.
Chúa có phán: “Ta, là Chúa, bị ràng buộc khi các ngươi làm theo những điều ta phán; nhưng khi các ngươi không làm theo những điều ta phán thì các ngươi chẳng được lời hứa hẹn nào cả.”28
Nhưng nếu mái gia đình mà không có chức tư tế thì cần phải được các nhóm túc số chức tư tế trông nom và chăm sóc. Theo cách này, không có một phước lành nào sẽ cần phải được hỏi xin trong bất cứ gia đình nào trong vòng Giáo Hội.
Cách đây nhiều năm, một gia đình quy tụ lại bên giường của một phụ nữ Đan Mạch lớn tuổi có vóc dáng nhỏ nhắn. Trong số họ là một người con trai tuổi trung niên, bướng bỉnh. Trong những năm qua, người ấy đã sống ở nhà.
Ông khẩn cầu trong nước mắt: “Mẹ ơi, mẹ phải sống. Mẹ ơi, mẹ không thể chết.” Ông nói: “Mẹ ơi, mẹ không thể đi. Con không chịu để mẹ đi đâu.”
Người mẹ nhỏ nhắn nhìn lên con trai mình và bằng tiếng Đan Mạch phát âm sai: “Quyền năng của con đâu rồi?”
Phao Lô nói:
“[Chúng ta] đã được dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Chúa Giê Su Ky Tô là đá góc nhà;
“Cả cái nhà đã dựng lên trên đá đó, sắp đặt cách hẳn hoi, để làm nên một đền thờ thánh trong Chúa:
“Ấy, anh em cũng nhờ Ngài mà được dự phần vào nhà đó, đặng trở nên nhà ở của Đức Chúa Trời trong Thánh Linh.”29
Chắc chắn là công việc của Chúa sẽ thắng thế rồi. Chúng ta cần phải tập hợp tất cả các nỗ lực của mình và đoàn kết với nhau.
Thẩm quyền của chức tư tế ở với chúng ta. Sau khi tất cả những điều chúng ta đã phối hợp và tổ chức, thì giờ đây trách nhiệm của chúng ta là làm cho quyền năng của chức tư tế hoạt động trong Giáo Hội. Thẩm quyền trong chức tư tế đến bằng lễ sắc phong; quyền năng trong chức tư tế đến qua lối sống trung tín và biết vâng lời để tôn trọng các giao ước. Quyền năng này được gia tăng bằng việc vận dụng và sử dụng chức tư tế trong sự ngay chính.
Giờ đây, thưa những người cha, tôi muốn nhắc nhở các anh em về tính chất thiêng liêng của sự kêu gọi của các anh em. Các anh em có quyền năng của chức tư tế trực tiếp từ Chúa để bảo vệ nhà mình. Sẽ có những lúc quyền năng đó đóng vai trò làm tấm khiên che giữa gia đình các anh em với mối nguy hại của kẻ nghịch thù. Các anh em sẽ nhận được sự hướng dẫn từ Chúa nhờ vào ân tứ Đức Thánh Linh.
Kẻ nghịch thù không tích cực quấy rầy các buổi họp Giáo Hội của chúng ta—có lẽ thỉnh thoảng mà thôi. Nói chung, chúng ta được tự do nhóm họp như chúng ta muốn mà không bị quấy rầy nhiều. Nhưng nó và những kẻ theo nó liên tục tấn công mái gia đình.
Mục tiêu tối thượng của tất cả các sinh hoạt trong Giáo Hội là người đàn ông cùng vợ con mình có thể được hạnh phúc ở nhà, được bảo vệ bởi các nguyên tắc và luật pháp của phúc âm, được gắn bó an toàn trong các giao ước của chức tư tế trường cửu.
Mỗi luật pháp, nguyên tắc và quyền năng, mỗi niềm tin, mỗi giáo lễ và lễ sắc phong, mỗi giao ước, mỗi bài thuyết giảng và mỗi buổi Tiệc Thánh, mỗi lời khuyên dạy và sửa đổi, các lễ gắn bó, sự kêu gọi, giải nhiệm và phục vụ—mục đích tối thượng của tất cả những điều này là làm hoàn hảo các cá nhân và gia đình, vì Chúa đã phán: “Đây là công việc của ta và sự vinh quang của ta—là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.”30
Tôi làm chứng về quyền năng của chức tư tế được ban cho Giáo Hội để bảo vệ và hướng dẫn chúng ta. Và vì chúng ta có chức tư tế đó nên chúng ta không lo sợ tương lai. Nỗi lo sợ là ngược với đức tin. Chúng ta tiến bước, biết chắc rằng Chúa sẽ trông nom chúng ta, nhất là trong gia đình. Tôi làm chứng về Ngài trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.