Mọi Sự Hiệp Lại Làm Ích Lợi
Trong cuộc sống này, chúng ta có thể không bao giờ biết được lý do tại sao mình phải đương đầu với điều mình làm, nhưng chúng ta có thể tin rằng chúng ta có thể tăng trưởng từ kinh nghiệm đó.
Khi còn nhỏ, tôi thường trông chờ đến mùa xuân của năm. Khi thời tiết trở nên ấm áp, tôi đã sẵn sàng bắt đầu chơi môn bóng chày. Giống như đa số các thiếu niên, tôi thường mong muốn có thể trở thành một người chơi bóng chày tài giỏi. Tôi nhớ có câu chuyện về một đứa con trai rất nhỏ với ước mơ tương tự. Với ước muốn được trở thành người chơi bóng chày tài giỏi tương lai, nó đã quyết định đi ra ngoài và luyện tập. Nó nắm quả bóng trong một tay và cái chày trong tay kia, và nó ném quả bóng lên không trung. Với ước muốn đánh quả bóng bay xa với hết khả năng của mình, nó đã vung tay lên đánh thật mạnh nhưng quả bóng rơi xuống đất, ngay cả không chạm đến cây chày gỗ. Không nản lòng, nó làm lại. Khi nó sắp ném quả bóng vào không trung, thì quyết tâm của nó gia tăng cùng lúc với ý nghĩ đến trong tâm trí về việc đánh thật mạnh. Nhưng than ôi, kết quả vẫn như vậy. Quả bóng nằm trên mặt đất. Nhưng cũng như bất cứ người chơi bóng chày giỏi nào đã biết, ta có được ba lần đánh banh trước khi phải nhường cho người khác. Nó càng tập trung hơn nữa, ném quả bóng lên không trung và đánh rất mạnh hơn bao giờ hết. Khi quả bóng một lần nữa rơi xuống đất, nước mắt bắt đầu đọng trên mi nó, rồi bất ngờ nó nhoẻn miệng cười và nói: “Đúng là một cầu thủ ném bóng đại tài!”
Mỗi người chúng ta sẽ đương đầu với những nỗi gian nan và thử thách, cũng như trong ví dụ giản dị này, chính là cách phản ứng của chúng ta đối với những khó khăn đó sẽ định đoạt sự thành công và hạnh phúc của mình. Dù ở bất cứ đâu, mỗi người chúng ta sẽ đương đầu với nghịch cảnh. Chúng ta được giảng dạy trong thánh thư rằng “cần phải có sự tương phản trong mọi sự việc.”1 Mỗi người chúng ta sẽ đương đầu với những lúc khó khăn và câu hỏi không phải là khi nào chúng ta sẽ đương đầu với chúng mà chính là cách thức chúng ta đương đầu với chúng.
Sứ Đồ Phao Lô đã dạy một bài học thú vị chỉ một vài năm trước khi Các Thánh Hữu ở La Mã phải đương đầu với một số sự ngược đãi dữ dội nhất trong kỷ nguyên của người Ky Tô hữu. Phao Lô nhắc nhở Các Thánh Hữu rằng “mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời.”2 Cha Thiên Thượng, là Đấng yêu thương chúng ta hoàn toàn và trọn vẹn, cho phép chúng ta có được kinh nghiệm mà sẽ giúp chúng ta phát huy những đặc điểm và thuộc tính cần thiết để càng trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn. Thử thách của chúng ta đến dưới nhiều hình thức nhưng mỗi thử thách sẽ để cho chúng ta trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn khi chúng ta học cách nhận ra điều tốt lành từ mỗi kinh nghiệm. Khi hiểu được giáo lý này, chúng ta có thể đạt được sự bảo đảm lớn hơn về tình yêu thương của Đức Chúa Cha. Trong cuộc sống này, chúng ta có thể không bao giờ biết được lý do tại sao mình phải đương đầu với điều mình làm, nhưng chúng ta có thể tin rằng chúng ta có thể tăng trưởng từ kinh nghiệm đó.
Giờ đây, tôi nhận biết rằng việc nhìn lại một thử thách đã qua và thấy được điều chúng ta đã học từ kinh nghiệm của mình thì dễ dàng hơn nhiều, nhưng thử thách là để đạt được viễn cảnh vĩnh cửu đó trong khi trải qua những nỗi gian khổ của mình. Đối với một số người thì thử thách của chúng ta dường như không khó khăn lắm, nhưng đối với mỗi người trong chúng ta đang trải qua những kinh nghiệm này thì các thử thách đó là có thật và đòi hỏi chúng ta phải hạ mình trước Thượng Đế cũng như học hỏi nơi Ngài.
Ngày Chúa Nhật Phục Sinh này, chúng ta tưởng nhớ đến cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi chúng ta. Chính Ngài là Đấng chúng ta muốn noi theo trong tất cả các hành động của mình. Tôi xin được kể ra năm điều chúng ta có thể học hỏi được từ những giây phút cuối trong đời của Đấng Cứu Rỗi trên thế gian, những điều này có thể giúp chúng ta khắc phục được những thử thách của mình.
Trước hết, Ngài tìm cách không làm theo ý Ngài mà chỉ theo ý của Cha Ngài. Ngài vẫn luôn luôn cam kết với sứ mệnh thiêng liêng của Ngài mặc dù gặp thử thách. Khi Ngài sấp mình trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, Ngài đã cầu xin: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi.”3 Đôi khi, chúng ta trải qua nỗi đau đớn cũng như buồn phiền để có thể tăng trưởng và được chuẩn bị cho những thử thách có thể xảy ra trong tương lai. Tôi đặt câu hỏi này cho các chị em là những người mẹ: “Các chị em có bao giờ muốn làm điều gì sẽ gây ra đau đớn và làm cho con cái của mình phải khóc khi chúng không làm điều gì sai trái không?” Dĩ nhiên là không rồi! Khi những người mẹ hiền mang con nhỏ của mình đến bác sĩ để được chủng ngừa, và hầu như mỗi đứa con đều khóc cả khi rời phòng mạch bác sĩ. Tại sao các chị em làm điều đó? Vì các chị em biết rằng chỉ bị đau một chút bây giờ sẽ bảo vệ chúng khỏi cơn đau đớn và khổ sở có thể xảy ra trong tương lai. Cha Thiên Thượng biết được sự cuối cùng từ lúc bắt đầu. Chúng ta cần phải noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi và tin cậy Ngài.
Thứ nhì, khi đương đầu với những thử thách, chúng ta cần phải học cách không ta thán hoặc than vãn. Sau khi thấy khải tượng quan trọng về sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi, Nê Phi đã cho chúng ta biết: “Vậy nên, họ quất Ngài bằng roi, Ngài hứng chịu cho họ quất; họ đánh đập Ngài, Ngài hứng chịu cho họ đánh đập. Phải, họ khạc nhổ vào Ngài, Ngài cũng hứng chịu cho họ khạc nhổ, vì lòng thương yêu nhân từ và sự nhịn nhục của Ngài đối với con cái loài người.”4 Chúng ta phải luôn luôn cố gắng sửa chữa vấn đề và khắc phục thử thách, nhưng thay vì hỏi: “Tại sao lại là tôi?” hoặc “Tôi đã làm gì để lãnh nhận điều này?” thì có lẽ câu hỏi nên là: “Tôi phải làm gì? Tôi có thể học hỏi được gì từ kinh nghiệm này? Tôi phải thay đổi như thế nào?”
Cách đây vài năm, trong khi vợ chồng tôi phục vụ ở Venezuela, đứa con trai út của chúng tôi đã rời bỏ tiện nghi ở trường trung học của mình để đến ở với chúng tôi. Nó không phàn nàn nhưng hiển nhiên là nó gặp khó khăn khi đi đến một quốc gia này, nơi mà mọi thứ đều mới mẻ; nhưng sự kiện diễn ra thật bất ngờ đầy ngạc nhiên, kinh nghiệm của nó đi từ một thử thách đến một phước lành lớn lao trong cuộc sống. Nó đã hoàn tất điều này bằng cách thay đổi thái độ của mình và phát huy quyết tâm phải thành công.
Thứ ba, khi đương đầu với những thử thách của mình, chúng ta cần phải tìm kiếm sự giúp đỡ tận tình của Thượng Đế. Ngay cả Đấng Cứu Rỗi của tất cả chúng ta cũng thấy cần phải cầu nguyện “càng thiết” như khi Ngài ở trong Vườn Ghết Sê Ma Nê.5 Chúng ta có thể học cách đạt được đức tin lớn lao nếu chúng ta làm điều này. Chúng ta cần phải nhớ rằng thường thường sự đáp ứng của Cha Thiên Thượng không cất đi thử thách khỏi chúng ta mà thay vì thế Ngài giúp củng cố chúng ta khi chúng ta trải qua kinh nghiệm này. Giống như điều Ngài đã làm cho các tín đồ của An Ma, Chúa có thể “làm nhẹ gánh nặng trên vai các người, đến đỗi các ngươi không còn cảm thấy gì hết trên vai mình.”6 Trong thử thách của mình, chúng ta không nên trở thành cay đắng hoặc không cam kết, mà hãy noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi để trở nên sốt sắng, chân thành và trung tín hơn.
Thứ tư, hãy học cách phục vụ và nghĩ về những người khác ngay cả trong những lúc thử thách của mình. Đấng Ky Tô là tấm gương phục vụ cao quý nhất. Cuộc sống của Ngài đầy dẫy những tấm gương giúp đỡ cùng phục vụ những người khác, và ân tứ lớn hơn hết của Ngài là điều Ngài đã làm cho chúng ta. Như Ngài phán: “Vì này, ta, Thượng Đế, đã chịu những nỗi đau khổ ấy cho mọi người, để họ khỏi đau khổ nếu họ chịu hối cải.”7 Chúng ta cần phải hối cải và rồi noi theo gương phục vụ của Ngài. Khi phục vụ những người khác, chúng ta quên đi những vấn đề của mình và bằng cách cố gắng làm vơi nhẹ cơn đau đớn hoặc nỗi lo lắng của những người khác, chúng ta tự củng cố mình.
Trong đại hội trung ương vừa qua, vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Thomas S. Monson nói: “Tôi tin rằng Đấng Cứu Rỗi đang phán bảo rằng trừ phi chúng ta hy sinh bản thân để phục vụ những người khác, thì có rất ít mục đích trong cuộc sống của chúng ta. Những người chỉ sống cho bản thân họ thì cuối cùng sẽ hẹp hòi phần thuộc linh, và theo nghĩa bóng, sẽ đánh mất sự sống của họ, trong khi những người hy sinh phục vụ những người khác thì sẽ lớn mạnh và phát triển—và thực ra cứu mạng sống họ.”8
Thứ năm, hãy tha thứ cho những người khác và đừng tìm cách đổ thừa hoàn cảnh của mình cho họ. Đôi khi chúng ta thích nói: “Nếu họ đã không làm điều này thì tôi đã không phản ứng theo cách đó.” Con người thiên nhiên có khuynh hướng đổ thừa cho một người nào khác để không phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Đấng Cứu Rỗi đã nhìn những người đóng đinh Ngài trên cây thập tự và khẩn nài Cha Ngài trên Thiên Thượng “xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.”9 Chúng ta không thể có lòng tha thứ hơn sao?
Khi trải qua những thử thách của cuộc sống, chúng ta hãy giữ một viễn cảnh vĩnh cửu, chớ than vãn, hãy trở nên thành tâm hơn, hãy phục vụ những người khác và hãy tha thứ lẫn nhau. Khi chúng ta làm như vậy thì “mọi sự [sẽ] hiệp lại làm ích cho [chúng ta] là những người yêu mến Đức Chúa Trời.”10 Tôi long trọng đưa ra lời chứng chắc chắn rằng Cha Thiên Thượng yêu thương chúng ta và Ngài gửi Vị Nam Tử của Ngài đến để chỉ dẫn và chuẩn bị con đường cho chúng ta. Ngài chịu đau khổ, Ngài chết và Ngài đã phục sinh để chúng ta có thể sống cũng như Ngài muốn chúng ta “hưởng được niềm vui,”11 cho dù trong cơn thử thách của mình trong cuộc sống. Tôi nói điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.