Liahona
Hãy Sống Xứng Đáng với Những Đặc Ân của Các Chị Em
Tháng Mười Một năm 2024


11:46

Hãy Sống Xứng Đáng với Những Đặc Ân của Các Chị Em

Tìm hiểu cách mà các giáo lễ của chức tư tế và các lời hứa giao ước sẽ cho phép quyền năng của Thượng Đế tuôn chảy vào cuộc sống của các chị em.

Gần đây anh Greg chồng tôi được chẩn đoán phải phẫu thuật chuyên sâu và hóa trị trong nhiều tháng. Giống như nhiều anh chị em đã đối mặt với tình huống tương tự, chúng tôi lập tức cầu xin sự giúp đỡ từ thiên thượng và sức mạnh của Thượng Đế. Chủ Nhật ngay sau ca phẫu thuật của Greg, Tiệc Thánh đã được mang đến căn phòng bệnh viện của chúng tôi.

Lần này, chỉ có một mình tôi dự phần Tiệc Thánh. Một miếng bánh. Một ly nước. Khi ở nhà thờ, tâm trí tôi thường tập trung vào cách thức chuyền giao Tiệc Thánh—chuẩn bị, ban phước, và chuyền Tiệc Thánh. Nhưng chiều hôm đó, tôi đã suy ngẫm về ân tứ quyền năng của Thượng Đế có sẵn cho tôi qua chính giáo lễ thiêng liêng và lời hứa giao ước mà tôi đang lập khi tôi cầm lên miếng bánh và ly nước đó. Đây là lúc mà tôi cần đến sức mạnh từ thiên thượng. Giữa nỗi đau khổ, kiệt sức và bất an, tôi tự hỏi về ân tứ này mà sẽ cho phép tôi nhờ cậy vào quyền năng từ Ngài mà tôi đang vô cùng cần đến. Việc dự phần Tiệc Thánh sẽ gia tăng sự đồng hành của tôi với Thánh Linh của Chúa, cho phép tôi nhờ cậy vào ân tứ quyền năng của Thượng Đế, kể cả của các thiên sứ phục sự, và sức mạnh làm cho có khả năng của Đấng Cứu Rỗi để vượt qua.

Tôi không nghĩ rằng trước đây mình đã từng nhận ra rõ ràng đến mức này rằng không chỉ người thực hiện giáo lễ mới là quan trọng—mà cả những điều mà giáo lễ và lời hứa giao ước mở ra cũng xứng đáng được chúng ta tập trung chú ý. Các giáo lễ chức tư tế và các lời hứa giao ước cho phép Thượng Đế thánh hóa chúng ta và sau đó làm những điều kỳ diệu trong cuộc sống chúng ta. Nhưng điều này xảy ra như thế nào?

Thứ nhất, để một giáo lễ biểu hiện quyền năng của Thượng Đế trong cuộc sống của chúng ta thì giáo lễ đó phải được thực hiện với thẩm quyền từ Vị Nam Tử của Thượng Đế. Cách thức truyền giao của giáo lễ chức tư tế là rất quan trọng. Đức Chúa Cha giao phó cho Chúa Giê Su Ky Tô các chìa khóa và thẩm quyền để giám sát việc thực hiện các giáo lễ chức tư tế của Ngài. Dưới sự hướng dẫn của Ngài, theo thánh ban của chức tư tế của Ngài, các con trai của Thượng Đế được sắc phong để đứng ở vị trí của Vị Nam Tử của Thượng Đế.

Thứ hai, chúng ta không chỉ lập các lời hứa giao ước—chúng ta còn phải tuân giữ các giao ước đó. Trong nhiều giáo lễ phúc âm, chúng ta lập các giao ước thiêng liêng với Thượng Đế; Ngài hứa sẽ ban phước cho chúng ta khi chúng ta tuân giữ các giao ước đó. Chúng ta có nhận ra đó chính là sự kết hợp các giáo lễ của chức tư tế cùng với việc tuân giữ các lời hứa giao ước cho phép chúng ta nhờ cậy vào quyền năng của Thượng Đế không?

Chiều hôm đó tôi đã tự hỏi liệu mình, một người con gái giao ước của Thượng Đế, có thực sự hiểu trọn vẹn cách tiếp cận ân tứ quyền năng của Thượng Đế thông qua các giáo lễ chức tư tế và liệu tôi có thực sự nhận ra cách mà quyền năng của Thượng Đế đang tác động trong tôi không.

Vào năm 2019, một lời mời từ vị tiên tri đã được đưa ra cho các phụ nữ của Giáo Hội, dạy chúng ta cách mang quyền năng của Đấng Cứu Rỗi vào cuộc sống của mình. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã mời chúng ta học Giáo Lý và Giao Ước 25, một điều mặc khải được ban cho Emma Smith ở Harmony, Pennsylvania. Việc chấp nhận lời mời đó đã thay đổi cuộc đời tôi.

Tháng trước, tôi có một cơ hội bất ngờ để đến thăm Harmony. Ở đó, dưới bóng những cây phong, chức tư tế đã được phục hồi cho Joseph Smith và Oliver Cowdery. Gần những cây đó là cửa trước nhà của Joseph và Emma. Đối diện lò sưởi trong ngôi nhà đó có một ô cửa sổ. Tôi đứng ở cửa sổ đó và tự hỏi Emma có thể nghĩ gì khi bà ấy nhìn ra hàng cây.

Vào tháng Bảy năm 1830, Emma mới 26 tuổi; bà ấy còn quá trẻ. Bà ấy đã kết hôn được ba năm rưỡi. Bà ấy đã mất một bé trai sơ sinh—đứa con đầu lòng của mình. Ngôi mộ nhỏ của cậu bé chỉ nằm ngay cuối con đường nhỏ gần nhà của bà. Khi đứng ở cửa sổ đó, tôi không thấy khó để tưởng tượng ra những gì có thể đã lấp đầy tâm trí của bà ấy. Chắc chắn bà đã lo lắng về tài chính của gia đình mình, về sự đàn áp đang ngày càng gia tăng đe dọa sự an toàn của họ và về tương lai của họ. Và công việc của Thượng Đế vẫn ở khắp mọi nơi xung quanh bà. Bà ấy có tự hỏi về vị trí của mình trong kế hoạch, mục đích của mình trong vương quốc của Ngài và tiềm năng của mình trong mắt Thượng Đế không?

Tôi nghĩ là bà cũng đã nghĩ như thế.

Ở ngay bên kia đường, ân tứ thẩm quyền chức tư tế và các chìa khóa của Thượng Đế đã được phục hồi trên thế gian. Đây là lúc mà Emma thực sự cần đến sức mạnh từ thiên thượng. Giữa nỗi đau khổ, kiệt sức và bất an, tôi hình dung Emma đã tự hỏi về ân tứ chức tư tế của Thượng Đế có thể giúp bà ấy tiếp cận quyền năng từ Ngài mà bà ấy đang vô cùng cần đến không.

Nhưng Emma không chỉ đứng ở ô cửa sổ đó và thắc mắc.

Trong khi Tiên Tri Joseph đang được giảng dạy về các chìa khóa, chức phẩm, giáo lễ và cách phụ giúp trong sự phục vụ của chức tư tế, thì chính Chúa, qua vị tiên tri của Ngài, đã ban cho Emma một điều mặc khải. Điều mặc khải này không phải chỉ được ban cho Emma Chủ Tịch Hội Phụ Nữ ở Nauvoo—mà là Emma 26 tuổi ở Harmony. Qua điều mặc khải đó, Emma sẽ tìm hiểu về sự thánh hóa nội tâm và sự kết nối giao ước mà sẽ làm gia tăng khả năng áp dụng các giáo lễ chức tư tế đó vào cuộc sống của bà.

Đầu tiên, Chúa nhắc nhở Emma về vị trí của bà trong kế hoạch của Ngài, kể cả việc bà là ai và thuộc vào ai—một người con gái trong vương quốc của Ngài. Bà được mời “bước đi trên những con đường đức hạnh,” một con đường bao gồm các giáo lễ mà sẽ mở ra quyền năng của Thượng Đế nếu Emma tuân giữ các giao ước của bà.

Thứ hai, trong lúc bà đang vô cùng buồn bã, Chúa đã ban cho bà mục đích. Emma không chỉ quan sát diễn tiến của Sự Phục Hồi; bà còn là một người tham gia thiết yếu vào công việc đang diễn ra. Bà sẽ được phong nhiệm để “giải nghĩa thánh thư, và khuyên nhủ giáo hội.” Thời giờ của bà sẽ được dành để “biên chép và học hỏi nhiều.” Emma được giao cho một vai trò thiêng liêng để giúp chuẩn bị cho Các Thánh Hữu thờ phượng; những bài hát của họ dâng lên Chúa sẽ được tiếp nhận như những lời cầu nguyện và sẽ “được đáp ứng bằng một phước lành trên đầu họ.”

Cuối cùng, Chúa vạch ra một tiến trình thánh hóa nội tâm mà sẽ chuẩn bị Emma cho sự tôn cao. Chúa giải thích cho bà: “Trừ khi ngươi làm điều này ngươi sẽ không thể đến được nơi ta đang ngự.”

Nếu đọc kỹ tiết 25, chúng ta phát hiện ra một sự tiến triển quan trọng đang diễn ra. Từ một người con gái trong vương quốc, Emma trở thành một “phụ nữ chọn lọc” rồi đến hoàng hậu. Các giáo lễ của Chức Tư Tế A Rôn và Mên Chi Xê Đéc kết hợp với việc tuân giữ các lời hứa giao ước của bà sẽ gia tăng sự đồng hành của bà với Thánh Linh và với các thiên sứ, giúp bà có khả năng định hướng cuộc sống của mình với sự hướng dẫn thiêng liêng. Qua quyền năng thiêng liêng của Ngài, Thượng Đế làm nhẹ bớt nỗi buồn phiền, gia tăng khả năng thuộc linh của bà và giúp bà trở thành một người phụ nữ cao cả hơn mà Ngài biết bà có thể trở thành. Và qua các giáo lễ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, “quyền năng của sự tin kính [sẽ được] biểu hiện rõ rệt” trong cuộc sống của bà và Chúa sẽ vén mở bức màn che để bà có thể nhận được sự hiểu biết từ Ngài. Đây chính là cách mà quyền năng của Thượng Đế có thể tác động bên trong chúng ta.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy:

Mọi điều đã xảy ra ở khu vực Harmony này đều có ý nghĩa sâu sắc đối với cuộc sống của [các chị em]. Sự phục hồi chức tư tế, cùng với lời khuyên dạy của Chúa dành cho Emma, có thể hướng dẫn và ban phước cho [mỗi em]. …

“… Việc tiếp cận quyền năng của Thượng Đế trong cuộc sống của các chị em đòi hỏi những điều tương tự mà Chúa đã chỉ thị cho Emma và mỗi [chúng ta] phải làm.”

Có những điều quan trọng xảy ra ở cả hai bên của ô cửa sổ đó ở Harmony, kể cả điều mặc khải được ban cho người phụ nữ chọn lọc mà Chúa đã kêu gọi—một điều mặc khải mà sẽ củng cố, khuyến khích và chỉ dẫn Emma Smith, con gái của Thượng Đế.

Khi cháu gái Isabelle của chúng tôi được ban cho một cái tên và một phước lành, cha của cháu đã ban phước cho cháu sự hiểu biết về chức tư tế; rằng cháu sẽ tiếp tục trưởng thành và tìm hiểu về phước lành mà chức tư tế sẽ mang lại cho cuộc sống của cháu; và rằng đức tin của cháu nơi chức tư tế sẽ gia tăng khi cháu tiếp tục tăng trưởng trong sự hiểu biết.

Không phải lúc nào một đứa bé cũng được ban phước để hiểu chức tư tế và học cách mà các giáo lễ chức tư tế và các lời hứa giao ước sẽ giúp đứa bé ấy tiếp cận quyền năng của Thượng Đế. Nhưng tôi đã nhớ đến Emma và thầm nghĩ, “Tại sao lại không chứ?” Đứa cháu gái nhỏ bé này có tiềm năng trở thành một người phụ nữ chọn lọc trong vương quốc của Ngài và cuối cùng trở thành một hoàng hậu. Qua các giáo lễ chức tư tế của Ngài và việc tuân giữ các lời hứa giao ước của mình, quyền năng của Thượng Đế sẽ tác động trong và qua cô bé ấy để giúp cô bé ấy vượt qua bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống và trở thành người phụ nữ mà Thượng Đế biết cô bé có thể trở thành. Đây là điều tôi muốn mỗi người con gái trong vương quốc đều hiểu được.

“Hãy sống xứng đáng với các đặc ân của các chị em.”

Hãy tìm hiểu cách mà các giáo lễ chức tư tế và lời hứa giao ước sẽ cho phép quyền năng của Thượng Đế tuôn chảy vào cuộc sống của các chị em một cách hiệu quả hơn, tác động đến các chị em, trang bị và giúp các chị em có khả năng đạt được mục đích và tiềm năng trọn vẹn của mình.

Hãy cẩn thận nghiên cứu và suy ngẫm các giáo lễ của Chức Tư Tế A Rôn và Mên Chi Xê Đéc, các lời hứa giao ước mà chúng ta lập với mỗi giáo lễ, và quyền năng của Thượng Đế mà chúng ta tiếp cận được qua các giáo lễ đó.

Hãy nhớ rằng, không chỉ người thực hiện giáo lễ mới là quan trọng mà cả những điều mà giáo lễ và lời hứa giao ước mở ra cũng xứng đáng được các chị em tập trung chú ý.

Việc dự phần bánh và nước là sự nhắc nhở hằng tuần về quyền năng của Ngài đang tác động bên trong các chị em để giúp các chị em vượt qua thử thách. Việc mặc trang phục của chức tư tế thánh là một sự nhắc nhở hằng ngày về ân tứ quyền năng của Ngài tác động bên trong các chị em để giúp các chị em trở thành con người mình có thể trở thành.

Chúng ta đều tiếp cận ân tứ quyền năng của Thượng Đế.

Mỗi lần chúng ta dự phần Tiệc Thánh.

Mỗi khi chúng ta bước qua ngưỡng cửa của một ngôi đền thờ.

Đây là điểm nổi bật của ngày Sa Bát của tôi. Đây là lý do tại sao tôi trân quý giấy giới thiệu đi đền thờ của mình.

“Trong các giáo lễ thuộc chức tư tế này, quyền năng của sự tin kính được biểu hiện rõ rệt.”

Tôi làm chứng về ân tứ này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:20.

  2. Anh Cả D. Todd Christofferson đã dạy: “Trong tất cả các giáo lễ, đặc biệt là các giáo lễ của đền thờ, chúng ta được ban cho quyền năng từ trên cao. ‘Quyền năng của sự tin kính’ đến với con người và do ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. … Tôi làm chứng rằng Thượng Đế sẽ giữ lời hứa của Ngài với anh chị em khi anh chị em tôn trọng các giao ước của mình với Ngài. … Ngài sẽ, qua Đức Thánh Linh, ban cho anh chị em quyền năng của sự tin kính” (“The Power of Covenants,” Liahona, tháng Năm năm 2009, trang 22, 23).

  3. Xin xem Dallin H. Oaks, The Aaronic Priesthood and the Sacrament,” Liahona, tháng Một năm 1999, trang 45.

  4. “Mỗi người nam và người nữ tham gia vào các giáo lễ chức tư tế, những người lập và tuân giữ các giao ước với Thượng Đế đều được tiếp cận trực tiếp với quyền năng của Thượng Đế” (Russell M. Nelson, “Giao Ước Vĩnh Viễn,” Liahona, tháng Mười năm 2022, trang 10).

  5. Xin xem Giô Suê 3:5, cước chú a. Anh Cả Dale G. Renlund đã giải thích: “Qua các giao ước này, chúng ta có thể tiếp cận quyền năng [của Chúa] nhiều hơn. Nói rõ hơn, bản thân các giao ước báp têm và giao ước đền thờ không phải là nguồn sức mạnh. Nguồn sức mạnh chính là Chúa Giê Su Ky Tô và Cha Thiên Thượng của chúng ta. Việc lập và tuân giữ các giao ước tạo ra một cầu nối cho quyền năng của hai Ngài trong cuộc sống của chúng ta.” (“The Powerful, Virtuous Cycle of the Doctrine of Christ,” Liahona, tháng Năm năm 2024, trang 82.)

  6. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:1–3; Bản Dịch Joseph Smith, Hê Bơ Rơ 7:3 (trong phụ lục Kinh Thánh); An Ma 13:2, 16. Chủ Tịch Dallin H. Oaks dạy: “Từ thánh thư, chúng ta cũng biết rằng những người thực hiện chức tư tế đều hành động thay mặt Chúa (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 1:38; 36:2). Bây giờ tôi sẽ đề nghị cách mà các thầy giảng, thầy tư tế và thầy trợ tế nên thực hiện các trách nhiệm thiêng liêng của họ để hành động thay cho Chúa trong việc chuẩn bị, ban phước và chuyền Tiệc Thánh” (“The Aaronic Priesthood and the Sacrament,” Liahona, tháng Một năm 1999, trang 45).

  7. Xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, đoạn 3.5.1–2, Thư Viện Phúc Âm.

  8. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:18–20; Phi Líp 1:6.

  9. Xin xem Russell M. Nelson, “Những Kho Báu Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 77.

  10. Xin xem “Joseph and Emma Smith’s Home” (history.ChurchofJesusChrist.org) để có thêm chi tiết về việc tái tạo nhà của gia đình Smith tại di tích lịch sử Giáo Hội ở Harmony, Pennsylvania.

  11. Thẩm quyền và các chìa khóa của chức tư tế sẽ cho phép quyền năng của Thượng Đế tuôn chảy vào cuộc sống của những người đã nhận được các giáo lễ của chức tư tế cũng như lập và tuân giữ các giao ước liên quan (xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, 3.5, Thư Viện Phúc Âm).

  12. Xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:71, phần ghi chú.

  13. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 25.

  14. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 25:1.

  15. Giáo Lý và Giao Ước 25:2.

  16. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 25:13. “Từ giao ước có nguồn gốc từ tiếng Latin, con venire, và có nghĩa đen là ‘đến với nhau.’ Trong bối cảnh của chức tư tế, ‘giao ước’ là sự đến với nhau hoặc một thỏa thuận giữa Thượng Đế và con người. Nó giả định rằng Đức Chúa Trời và con người đến với nhau để lập một thỏa thuận, đồng ý về những lời hứa, điều kiện, đặc quyền và trách nhiệm. …

    Một giao ước được lập theo cách này là bất biến và không thể thay đổi. [Giao ước ấy] neo giữ tâm hồn; tạo nên một nền tảng vững chắc và chắc chắn cho những kỳ vọng trong tương lai” (Dale G. Renlund và Ruth Lybbert Renlund, The Melchizedek Priesthood: Understanding the Doctrine, Living the Principles [năm 2018], trang 60).

  17. Giáo Lý và Giao Ước 25:7.

  18. Giáo Lý và Giao Ước 25:8.

  19. Giáo Lý và Giao Ước 25:12.

  20. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 25:15.

  21. Giáo Lý và Giao Ước 25:15. Chủ Tịch Dallin H. Oaks dạy: “Giáo lễ báp têm và các giao ước có liên quan với giáo lễ đó là những điều kiện để bước vào thượng thiên giới. Các giáo lễ và các giao ước có liên quan của đền thờ là những điều kiện để được tôn cao trong thượng thiên giới, tức là cuộc sống vĩnh cửu, là ‘ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế.’ [Giáo Lý và Giao Ước 14:7]” (“Các Giao Ước và Các Trách Nhiệm,” Liahona, tháng Năm năm 2024, trang 96).

  22. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 25:1.

  23. Giáo Lý và Giao Ước 25:3.

  24. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 25:15.

  25. Xin xem Dallin H. Oaks, “The Aaronic Priesthood and the Sacrament,” Liahona, tháng Một năm 1999, trang 44–45. Chủ Tịch Oaks đã dạy:

    “Trong một cách có liên quan chặt chẽ, các giáo lễ này của Chức Tư Tế A Rôn cũng rất thiết yếu đối với sự phù trợ của các thiên sứ. …

    “… Các sứ điệp của các thiên sứ có thể được ban cho bởi một tiếng nói hoặc chỉ bằng ý nghĩ hay cảm giác được truyền đạt cho tâm trí.” (“The Aaronic Priesthood and the Sacrament,” Liahona, tháng Một năm 1999, trang 44, 45).

    Ngoài ra, Tiên Tri Joseph Smith đã đưa ra lời hứa này khi nói với các chị em trong Hội Phụ Nữ: “Nếu các chị em sống theo các đặc ân của mình thì các thiên sứ không thể bị ngăn cản để phù trợ cho các chị em” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [năm 2011], trang 454).

  26. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:19–20.

  27. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 107:18-19.

  28. Russell M. Nelson, “Những Kho Báu Thuộc Linh,” trang 77. “Willard Richards thuật lại: ‘Chủ Tịch Joseph Smith đã đọc điều mặc khải [được ban] cho Emma Smith … và nói rằng … không phải một mình cô ấy mà những người khác cũng có thể nhận được những phước lành tương tự’” (Những Lời Giảng Dạy: Joseph Smith trang 453–454). Xin xem thêm Sổ Ghi Chép của Hội Phụ Nữ Nauvoo, ngày 17 Tháng Ba năm 1842, trong The First Fifty Years of Relief Society: Key Documents in Latter-day Saint Women’s History (năm 2016), trang 1.2.1, churchhistorianspress.org.

  29. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 24, phần tiêu đề tiết. Phần này nói rằng “ba điều mặc khải sau đây được ban cho vào lúc này để củng cố, khuyến khích và chỉ dạy.”

  30. Những Lời Giảng Dạy: Joseph Smith, trang 454.

  31. Xin xem Russell M. Nelson, “Những Kho Báu Thuộc Linh,” trang 77. “Tôi khẩn nài các chị em hãy thành tâm nghiên cứu tất cả các lẽ thật mà các chị em có thể tìm thấy về quyền năng của chức tư tế. Các chị em có thể bắt đầu với Giáo Lý và Giao Ước các tiết 84107. Các tiết đó sẽ dẫn các chị em đến những đoạn thánh thư khác. Thánh thư và những lời giảng dạy của các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải hiện đại tràn đầy những lẽ thật này. Khi sự hiểu biết của các chị em gia tăng và khi các chị em thực hành đức tin nơi Chúa và quyền năng chức tư tế của Ngài, thì khả năng tiếp cận của các chị em với kho báu thuộc linh này mà Chúa đã dành sẵn cho các chị em sẽ gia tăng” (Russell M. Nelson, “Những Kho Báu Thuộc Linh,” trang 79).

  32. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 109:22.

  33. Giáo Lý và Giao Ước 84:20.