Liahona
Đón Nhận Ân Tứ về Sự Hối Cải từ Chúa
Tháng Mười Một năm 2024


11:35

Đón Nhận Ân Tứ về Sự Hối Cải từ Chúa

Nhưng chúng ta đừng đợi cho đến khi mọi việc trở nên khó khăn rồi mới tìm đến Thượng Đế. Chúng ta đừng chờ cho đến cuối cuộc đời rồi mới thực sự hối cải.

Tôi làm chứng về Cha Thiên Thượng đầy yêu thương. Trong đại hội trung ương tháng Tư năm 2019, ngay sau khi tôi được tán trợ trong trách nhiệm mới của mình với tư cách là Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Trung Ương, ca đoàn đã hát bài “Lòng Cảm Kích Vô Cùng” theo một cách mà xuyên thấu tận tâm can tôi.

Lòng cảm kích biết Ngài từ ngôi vinh hiển đã xuống thế gian

Để giải cứu cho những linh hồn quá kiêu hãnh như tôi nay,

Thật cảm kích biết bao về tình thương cao đẹp Ngài dành cho,

Rộng lượng thứ tha mọi tội tôi lúc biết hối cải chân thành.

Khi nghe những lời này, tôi đã rất kinh ngạc. Tôi cảm thấy rằng mặc cho những thiếu sót và khuyết điểm của mình, Chúa vẫn ban phước cho tôi để biết rằng “với sức mạnh của Ngài, tôi có thể làm được tất cả mọi điều.”

Nhiều người trong chúng ta đôi khi phải vật lộn với cảm nghĩ thường có về sự thiếu sót, yếu kém, hoặc thậm chí không xứng đáng. Tôi vẫn đang vật lộn với những điều này; tôi đã có những cảm nghĩ đó vào ngày mà tôi được kêu gọi. Tôi đã cảm thấy như vậy nhiều lần và vẫn đang cảm thấy như vậy ngay lúc này đây khi nói chuyện cùng anh chị em. Tuy nhiên, tôi biết được rằng tôi không phải là người duy nhất có những cảm nghĩ này. Thực ra, có nhiều câu chuyện trong thánh thư về những người dường như đã có những cảm nghĩ tương tự. Ví dụ, chúng ta nhớ rằng Nê Phi là một tôi tớ trung tín và can đảm của Chúa. Nhưng đôi khi, ngay cả ông cũng phải vật lộn với những cảm nghĩ về sự không xứng đáng, yếu kém hoặc thiếu sót.

Ông đã nói: “Mặc dù với tấm lòng nhân từ bao la của Chúa, khi cho tôi thấy những công việc vĩ đại và kỳ diệu của Ngài, nhưng lòng tôi cũng không khỏi thốt nên lời: Ôi, khốn thay cho thân tôi! Phải, lòng tôi sầu khổ vì xác thịt của tôi; tâm hồn tôi phiền não vì những sự bất chính của tôi.”

Tiên Tri Joseph Smith nói về việc thường có “mặc cảm tội lỗi” trong thời niên thiếu, bởi “những yếu đuối và khuyết điểm của [mình]”. Nhưng những cảm nghĩ của Joseph về sự thiếu sót và sự lo lắng của ông là một phần nguyên nhân đã dẫn ông đến việc suy ngẫm, học hỏi và cầu vấn. Như anh chị em có thể nhớ, ông đã vào khu rừng gần nhà cầu nguyện để tìm kiếm lẽ thật, sự bình an, và sự tha thứ. Ông đã nghe được Chúa phán rằng: “Hỡi Joseph, con trai của Ta, những tội lỗi của ngươi đã được tha. Hãy đi con đường của ngươi, tuân giữ luật pháp Ta, và giữ gìn các lệnh truyền của Ta. Này, ta là Chúa của Vinh Quang. Ta đã bị đóng đinh vì thế gian, để cho tất cả những ai tin ở danh Ta có thể có được cuộc sống vĩnh cửu.”

Ước muốn chân thành của Joseph để hối cải và tìm kiếm sự cứu rỗi cho linh hồn đã giúp ông đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô và nhận được sự tha thứ cho các tội lỗi của mình. Nỗ lực không ngừng này đã mở ra cánh cửa cho Sự Phục Hồi liên tục phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trong những ngày sau cùng.

Kinh nghiệm đặc biệt này của Tiên Tri Joseph Smith cho thấy rằng những cảm nghĩ về sự yếu kém và thiếu sót có thể giúp chúng ta nhận ra bản chất sa ngã của mình. Nếu chúng ta khiêm nhường thì những cảm nghĩ này có thể giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần Chúa Giê Su Ky Tô và khơi dậy trong lòng chúng ta một ước muốn chân thành để hết lòng hướng về Đấng Cứu Rỗi và hối cải tội lỗi của mình.

Các bạn thân mến của tôi, sự hối cải chính là niềm vui! Sự hối cải ngọt ngào là một phần trong tiến trình hằng ngày mà qua đó, Chúa dạy chúng ta “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một,” để sống một cuộc sống đặt trọng tâm vào những lời giảng dạy của Ngài. Giống như Joseph và Nê Phi, chúng ta có thể “van xin lòng thương xót của [Thượng Đế]; vì Ngài có quyền lực để giải cứu.” Ngài có thể làm tròn bất kỳ ước muốn hoặc khao khát ngay chính nào và có thể chữa lành bất kỳ vết thương nào trong cuộc sống của chúng ta.

Trong Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô, anh chị em và tôi có thể tìm thấy vô số các câu chuyện về những cá nhân đã học cách đến cùng Đấng Ky Tô qua sự hối cải chân thành.

Tôi xin chia sẻ với anh chị em một ví dụ về lòng thương xót dịu dàng của Chúa qua một kinh nghiệm đã xảy ra trên hòn đảo quê hương Puerto Rico yêu dấu của tôi.

Tại thành phố quê nhà Ponce của tôi, có một chị phụ nữ trong Giáo Hội tên là Célia Cruz Ayala đã quyết định rằng chị ấy sẽ tặng một cuốn Sách Mặc Môn cho một người bạn. Chị ấy gói cuốn sách lại và đem đi tặng món quà mà chị nói rằng đối với chị còn quý báu hơn cả kim cương hay hồng ngọc. Khi đang đi trên đường, bỗng một tên cướp đã tiếp cận và giật lấy túi xách của chị, rồi bỏ chạy cùng món quà đặc biệt bên trong túi.

Khi chị kể câu chuyện này tại nhà thờ, bạn của chị đã nói “Biết đâu được, có lẽ đây là cơ hội của chị để chia sẻ phúc âm!”

Vâng, một vài ngày sau đó, anh chị em có biết điều gì đã xảy ra không? Célia đã nhận được một lá thư. Tôi đang cầm lá thư đó trên tay hôm nay, lá thư mà Célia đã chia sẻ với tôi. Trong thư ghi:

“Cô Cruz:

“Xin hãy tha thứ cho tôi, xin hãy tha thứ cho tôi. Cô sẽ không thể biết tôi đã ân hận biết nhường nào vì đã tấn công cô. Nhưng nhờ sự việc đó, cuộc sống của tôi đã thay đổi và sẽ tiếp tục thay đổi.

“Quyển sách đó [Sách Mặc Môn] đã giúp tôi trong cuộc sống của tôi. Giấc mơ của người đàn ông đó về Thượng Đế đã tác động mạnh mẽ đến tôi. … Tôi sẽ gửi trả cho cô năm [đô la], vì tôi không thể dùng số tiền đó. Tôi muốn cô biết rằng dường như có một ánh hào quang ở cô. Ánh sáng ấy dường như đã ngăn cản tôi [không cho tôi làm hại cô, vậy nên] tôi đã bỏ chạy.

“Tôi muốn cô biết rằng cô sẽ gặp lại tôi, nhưng khi đó, cô sẽ không nhận ra tôi, vì tôi sẽ là một người anh em của cô. … Tại đây, ở nơi tôi sống, tôi phải đi tìm Chúa và đi đến nhà thờ mà cô thuộc vào.

“Thông điệp mà cô viết trong quyển sách đó đã khiến tôi bật khóc. Kể từ tối thứ Tư tôi đã không thể ngưng đọc nó. Tôi đã cầu nguyện và xin Thượng Đế tha thứ cho tôi [và] tôi muốn xin cô cũng tha thứ cho tôi. … Tôi đã nghĩ món quà được gói lại của cô là thứ gì đó mà tôi có thể bán được. [Nhưng], nó đã khiến tôi muốn [thay đổi] cuộc sống của mình. … Tôi xin cô, hãy tha thứ cho tôi nhé.

“Người bạn không có mặt bên cạnh cô.”

Thưa anh chị em, ánh sáng của Đấng Cứu Rỗi có thể tỏa chiếu đến tất cả chúng ta, bất kể hoàn cảnh của chúng ta là gì. Chủ Tịch Jeffrey R. Holland đã nói: “Anh chị em không thể nào chìm sâu hơn [nơi mà] ánh sáng vô tận của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô … không chiếu tới được.”

Như đối với người nhận ngoài dự định món quà Sách Mặc Môn của Célia, người anh em này đã tiếp tục chứng kiến lòng thương xót của Chúa. Mặc dù phải mất một khoảng thời gian để người này có thể tha thứ cho bản thân, nhưng anh ấy đã tìm được niềm vui trong sự hối cải. Quả là một phép lạ! Một chị tín hữu trung tín, một quyển Sách Mặc Môn, sự hối cải chân thành, và quyền năng của Đấng Cứu Rỗi đã dẫn đến niềm vui về các phước lành trọn vẹn của phúc âm và các giao ước thiêng liêng trong ngôi nhà của Chúa. Những người khác trong gia đình đó cũng đã noi theo và chấp nhận các trách nhiệm thiêng liêng trong vườn nho của Chúa, kể cả việc phục vụ truyền giáo toàn thời gian.

Khi đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô, con đường hối cải chân thành của chúng ta cuối cùng sẽ dẫn chúng ta đến đền thờ thánh của Đấng Cứu Rỗi.

Thật là một mục tiêu ngay chính để cố gắng trở nên trong sạch—để xứng đáng với các phước lành trọn vẹn mà Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài có thể mang đến cho chúng ta qua các giao ước thiêng liêng trong đền thờ! Việc phục vụ thường xuyên trong ngôi nhà của Chúa và cố gắng tuân giữ các giao ước thiêng liêng mà chúng ta lập ở đó sẽ giúp gia tăng cả ước muốn lẫn khả năng của chúng ta để có được sự thay đổi cần thiết trong tấm lòng, năng lực, tâm trí, và tâm hồn mình để trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã làm chứng rằng: “Không có điều gì sẽ mở rộng các tầng trời hơn [việc thờ phượng trong đền thờ]. Không có điều gì sánh được với đền thờ cả!”

Các bạn thân mến của tôi, các bạn có cảm thấy bản thân thiếu sót không? Các bạn có cảm thấy không xứng đáng không? Các bạn có nghi ngờ bản thân không? Có lẽ các bạn lo lắng tự hỏi: Tôi có đủ tốt không? Có quá trễ cho tôi không? Tại sao tôi vẫn thất bại khi tôi cố gắng hết sức mình?

Thưa các anh chị em, chắc chắn chúng ta sẽ mắc sai lầm trên bước đường cuộc sống của mình. Nhưng xin hãy nhớ rằng, như Anh Cả Gerrit W.Gong đã dạy: “Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta là vô hạn và vĩnh cửu. Mỗi người chúng ta đều lạc lối và thất bại. Trong một thời gian, chúng ta có thể lạc lối. Thượng Đế yêu thương [trấn an chúng ta rằng], bất kể chúng ta đang ở đâu hay chúng ta đã làm gì, chúng ta luôn có thể trở về với Ngài. Ngài chờ đợi sẵn sàng đón nhận chúng ta.”

Như người vợ thân yêu của tôi, Cari Lu, cũng đã dạy tôi rằng, tất cả chúng ta đều cần phải hối cải, thay đổi, và bắt đầu lại một cách trong sạch mỗi ngày.

Những trở ngại sẽ đến. Nhưng chúng ta đừng đợi cho đến khi mọi việc trở nên khó khăn rồi mới tìm đến Thượng Đế. Chúng ta đừng chờ cho đến cuối cuộc đời rồi mới thực sự hối cải. Thay vì vậy, bất kể chúng ta đang ở đâu trên con đường giao ước, giờ đây chúng ta hãy tập trung vào quyền năng cứu chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô và vào ước muốn của Cha Thiên Thượng cho chúng ta quay trở về cùng Ngài.

Ngôi nhà của Chúa, cùng thánh thư, các vị tiên tri và sứ đồ thánh của Ngài soi dẫn cho chúng ta cố gắng hướng đến sự thánh thiện cá nhân qua giáo lý của Đấng Ky Tô.

Nê Phi đã nói: “Và giờ đây, này, hỡi đồng bào yêu dấu của tôi, đây là con đường; và ngoài ra không còn con đường hay danh hiệu nào khác được ban ra dưới gầm trời này mà nhờ đó loài người được cứu vào vương quốc của Thượng Đế. Và giờ đây, này đây là giáo lý của Đấng Ky Tô, và đây là giáo lý duy nhất và trung thực của Đức Chúa Cha, và của Đức Chúa Con, và của Đức Thánh Linh.”

Tiến trình của chúng ta để “hiệp làm một” với Thượng Đế có thể không dễ dàng. Nhưng anh chị em và tôi có thể dừng lại, bình tâm, noi theo Đấng Cứu Rỗi, rồi tìm kiếm và hành động theo điều Ngài muốn chúng ta thay đổi. Nếu chúng ta làm như vậy với chủ ý thật sự, thì chúng ta sẽ thấy được sự chữa lành của Ngài. Và hãy nghĩ về con cháu chúng ta sẽ được phước biết bao khi chúng ta đón nhận ân tứ về sự hối cải từ Chúa!

Cha tôi đã dạy rằng Đấng Thầy Nghệ Nhân sẽ uốn nắn và tôi luyện chúng ta, và điều này có thể khó khăn. Tuy nhiên, Đấng Thầy Chữa Lành cũng sẽ thanh tẩy chúng ta. Tôi đã cảm nhận được và sẽ tiếp tục cảm nhận được quyền năng chữa lành đó. Tôi làm chứng rằng quyền năng đó đến qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sự hối cải hằng ngày.

Bởi quá thương yêu loài người Chúa đã hy sinh

Và chịu khổ đau chết trên thập tự!

Tôi làm chứng về tình yêu thương của Thượng Đế và quyền năng vô hạn của Sự Chuộc Tội của Vị Nam Tử của Ngài. Chúng ta có thể cảm nhận được điều đó một cách sâu sắc khi chúng ta chân thành và hết lòng hối cải.

Các bạn của tôi, tôi là một nhân chứng cho Sự Phục Hồi vinh quang của phúc âm qua Tiên Tri Joseph Smith và sự hướng dẫn thiêng liêng hiện nay của Đấng Cứu Rỗi qua vị tiên tri và người phát ngôn thay cho Ngài, Chủ Tịch Russell M. Nelson. Tôi biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô hằng sống và Ngài là Đấng Thầy Chữa Lành cho tâm hồn chúng ta. Tôi biết và làm chứng rằng những điều này là có thật, trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. “Lòng Cảm Kích Vô Cùng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 22.

  2. An Ma 26:12.

  3. 2 Nê Phi 4:17; xin xem thêm các câu 18–19.

  4. Joseph Smith—Lịch Sử 1:29.

  5. Joseph Smith, “History, circa Summer 1832,” trang 3, josephsmithpapers.org; chính tả và dấu câu đã được tiêu chuẩn hóa.

  6. Xin xem Mô Si A 4:11–12.

  7. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Khi chọn hối cải, chúng ta đã chọn thay đổi! Chúng ta để cho Đấng Cứu Rỗi biến chúng ta thành con người tốt nhất của mình. Chúng ta chọn tăng trưởng phần thuộc linh và tiếp nhận niềm vui—niềm vui cứu chuộc nơi Ngài. Khi chọn hối cải, chúng ta đã chọn trở thành giống như Chúa Giê Su Ky Tô hơn!” (“Chúng Ta Có Thể Làm Tốt Hơn và Trở Thành Người Tốt Hơn,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 67).

  8. 2 Nê Phi 28:30.

  9. An Ma 34:18.

  10. “Các anh chị em của tôi, Sách Mặc Môn quý giá với các anh chị em như thế nào? Nếu các anh chị em được tặng kim cương hay hồng ngọc hay Sách Mặc Môn, các anh chị em sẽ chọn [cái] nào? Thật ra, thứ nào giá trị hơn với các anh chị em?” (Russell M. Nelson, “Sách Mặc Môn: Cuộc Sống Của Chúng Ta Sẽ Ra Sao nếu không có Sách Này?”, Liahona, tháng Mười Một năm 2017, trang 61).

  11. Trong F. Burton Howard, “Missionary Moments: ‘My Life Has Changed,’” Church News, ngày 6 tháng Một năm 1996, thechurchnews.com; xin xem thêm Saints: The Story of the Church of Jesus Christ in the Latter Days, tập 4, Sounded in Every Ear, 1955–2020 (năm 2024), 472–474, 477–479.

  12. Jeffrey R. Holland, “Những Người Làm Công trong Vườn Nho,” Liahona, tháng Năm năm 2012, trang 33.

  13. Chúng ta có thể ngừng một giây và suy ngẫm về thế hệ mai sau của chúng ta không? Bởi tầm nhìn thiển cận, chúng ta không thể thấy được bây giờ, nhưng sự sẵn lòng của chúng ta để hết lòng hướng về Chúa—để thay đổi, hối cải và đón nhận Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô—có thể ảnh hưởng đến nhiều thế hệ! Hãy tưởng tượng các phước lành khác mà có thể nảy nở từ một tâm hồn khiêm nhường, nhu mì, và đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô ngay cả trong những hoàn cảnh bất lợi nhất!

  14. Những chi tiết này được Chị Célia Cruz kể lại trong một cuộc trò chuyện riêng với Anh Cả Jorge M. Alvarado vào ngày 10 tháng Chín năm 2024.

  15. Russell M. Nelson,“Hãy Hân Hoan trong Ân Tứ về Các Chìa Khóa của Chức Tư Tế,” Liahona, tháng Năm năm 2024, trang 122.

  16. Khi chúng ta tự hỏi bản thân những câu hỏi như thế này, điều quan trọng là hãy nhớ đến những lời của Sứ Đồ Phao Lô:

    “Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Đấng Christ? có phải hoạn nạn, khốn cùng, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, hay là gươm giáo chăng? …

    “Trái lại, trong mọi sự đó, chúng ta nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần.

    “Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến,

    “Quyền phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Giê Su Ky Tô, là Chúa chúng ta.” (Rô Ma 8:35, 37–39).

  17. Gerrit W. Gong, “Ngọn Lửa Đức Tin của Chúng Ta,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 41.

  18. Nê Phi là một tấm gương tốt về điều này. Ông đã thốt lên:

    “Hãy thức tỉnh, hỡi linh hồn ta! Đừng chìm đắm trong tội lỗi nữa. Hãy hân hoan lên, hỡi tâm hồn của ta, đừng nhượng bộ kẻ thù của linh hồn ta nữa. …

    “Hỡi Chúa, Ngài sẽ cứu chuộc linh hồn con chăng? Ngài sẽ giải cứu con thoát khỏi bàn tay những kẻ thù của con chăng? Ngài sẽ làm cho con biết run sợ trước sự xuất hiện của tội lỗi chăng?” (2 Nê Phi 4:28, 31).

  19. Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã dạy: “Khi một người trải qua tiến trình hối cải … , Đấng Cứu Rỗi không chỉ thanh tẩy người đó khỏi tội lỗi. Ngài còn ban cho người ấy sức mạnh mới. Sự củng cố đó là thiết yếu cho chúng ta để nhận ra mục đích của việc thanh tẩy, là để trở về với Cha Thiên Thượng của chúng ta. Để được chấp nhận vào chốn hiện diện của Ngài, chúng ta phải hơn cả trong sạch. Chúng ta cũng phải được thay đổi từ một người yếu kém về đạo đức đã phạm tội thành một người mạnh mẽ với sự phát triển thuộc linh để sống ở chốn hiện diện của Thượng Đế” (“The Atonement and Faith,” Ensign, tháng Tư năm 2010, trang 33–34).

  20. 2 Nê Phi 31:21.

  21. Chúng ta tôn trọng gia đình mình và tôn kính Cha Thiên Thượng bằng cách đón nhận sự hối cải và gắng sống một cuộc sống tốt đẹp.

  22. Hymns, số 193.