Liahona
Niềm Vui của Sự Cứu Chuộc của Chúng Ta
Tháng Mười Một năm 2024


12:9

Niềm Vui của Sự Cứu Chuộc của Chúng Ta

Tình yêu thương và quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô có thể giải cứu mỗi chúng ta khỏi những lỗi lầm, yếu kém, và tội lỗi của mình và giúp chúng ta trở thành một người tốt hơn.

Khoảng 10 năm trước, tôi cảm thấy có ấn tượng phải vẽ chân dung Đấng Cứu Rỗi. Dù là họa sĩ nhưng tôi vẫn cảm thấy hơi choáng ngợp. Làm sao để tôi vẽ được chân dung của Chúa Giê Su Ky Tô mà thể hiện được Thánh Linh của Ngài? Tôi phải bắt đầu từ đâu? Làm sao để tôi có thời gian đây?

Dù có thắc mắc, nhưng tôi vẫn quyết định bắt đầu và tin cậy rằng Chúa sẽ giúp đỡ tôi. Nhưng tôi phải tiếp tục và để những khả năng đó cho Ngài. Tôi đã cầu nguyện, suy ngẫm, nghiên cứu, và phác họa rồi được ban phước khi tìm được sự giúp đỡ và nguồn lực. Và từ ban đầu là một tấm vải bạt trắng nay trở thành một cái gì đó tuyệt vời hơn.

Bức tranh Đấng Cứu Rỗi đang được hoàn thiện.

Quá trình này không hề dễ dàng. Đôi khi nó không giống như tôi mong đợi. Thỉnh thoảng có những khoảnh khắc thăng hoa trong những nét vẽ và đầy ý tưởng. Và rất nhiều lần, tôi chỉ có thể cố gắng đi cố gắng lại.

Khi cho rằng bức tranh sơn dầu này cuối cùng đã hoàn thành và khô ráo, thì tôi bắt đầu phủ một lớp sơn bóng lên trên để bảo vệ nó khỏi bụi bẩn. Khi làm vậy, tôi nhận thấy những sợi tóc trong bức tranh bắt đầu thay đổi, nhòe nhoẹt và nhạt đi. Tôi nhanh chóng nhận thấy mình đã phủ sơn bóng quá sớm, phần đó của bức tranh vẫn còn ướt!

Tôi thực sự đã xóa đi một phần bức tranh của mình bằng sơn bóng. Lòng tôi buồn tê tái. Tôi cảm thấy như thể tôi vừa phá hủy những gì Thượng Đế đã giúp tôi làm. Tôi bật khóc và cảm thấy khó chịu trong lòng. Trong tuyệt vọng, tôi đã làm điều mà mọi người thường làm trong tình huống như thế này: Tôi gọi cho mẹ tôi. Sáng suốt và bình tĩnh, mẹ tôi nói: “Con sẽ không lấy lại được những gì mình từng có, nhưng hãy cố gắng hết sức với những gì mình hiện có.”

Bức tranh của Đấng Cứu Rỗi đã hoàn thiện.

And I Partook (Và Tôi Đã Dự Phần), tranh do Kristin M. Yee họa

Vậy nên tôi đã cầu nguyện và cầu xin sự giúp đỡ, và vẽ thâu đêm để sửa lại. Và tôi nhớ là sáng hôm sau khi nhìn vào bức tranh—nó trông còn đẹp hơn trước nữa. Làm sao có thể như thế được? Điều tôi tưởng là sai lầm không thể sửa chữa lại là cơ hội để bàn tay thương xót của Ngài được biểu hiện. Ngài không bỏ mặc bức tranh, và Ngài cũng không bỏ mặc tôi. Lòng tôi tràn ngập niềm vui và nhẹ nhõm. Tôi ngợi khen Chúa vì lòng thương xót của Ngài, vì phép lạ này không chỉ cứu được bức tranh mà còn dạy tôi nhiều hơn về tình yêu thương và quyền năng của Ngài để cứu mỗi chúng ta khỏi những sai lầm, sự yếu đuối và tội lỗi và để giúp chúng ta trở thành người tốt hơn.

Cũng giống như lòng biết ơn sâu sắc của tôi đối với Đấng Cứu Rỗi gia tăng khi Ngài thương xót giúp tôi sửa lại bức tranh “không thể sửa chữa được”, thì tình yêu thương và lòng biết ơn của cá nhân tôi dành cho Đấng Cứu Rỗi cũng gia tăng khi tôi tìm cách để cùng với Ngài cải thiện những khuyết điểm của tôi và để được Ngài tha thứ những lỗi lầm của tôi. Tôi sẽ mãi mãi biết ơn Đấng Cứu Rỗi vì tôi có thể thay đổi và được thanh tẩy. Tôi dâng trọn tấm lòng lên Ngài, và hy vọng làm bất cứ điều gì Ngài muốn tôi làm và trở thành.

Sự hối cải cho phép chúng ta cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế, và biết về Ngài cũng như yêu mến Ngài theo những cách mà chúng ta chưa bao giờ biết được. Về người đàn bà đã xức dầu lên chân của Đấng Cứu Rỗi, Ngài nói: “Tội lỗi đàn bà nầy nhiều lắm, đã được tha hết, vì người đã yêu mến nhiều; song kẻ được tha ít thì yêu mến ít.” Bà yêu mến Chúa Giê Su rất nhiều vì Ngài đã tha thứ cho bà rất nhiều.

Thật là nhẹ nhõm và đầy hy vọng khi biết là chúng ta có thể thử lại—rằng, như Anh Cả Bednar đã dạy, chúng ta có thể nhận được sự xá miễn liên tục các tội lỗi của mình qua quyền năng thánh hóa của Đức Thánh Linh khi chúng ta thực sự và chân thành hối cải.

Quyền năng cứu chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô là một trong các phước lành lớn lao nhất đã được hứa trong các giao ước của chúng ta. Hãy suy ngẫm về điều này khi anh chị em tham gia vào các giáo lễ thiêng liêng. Nếu không có phước lành đó, chúng ta không thể trở về nhà nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng và những người mình yêu thương.

Tôi biết rằng Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, có quyền năng cứu rỗi. Với tư cách là Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng đã chuộc tội lỗi của thế gian và phó sự sống mình, để được lấy lại, Ngài nắm giữ quyền năng cứu chuộc và phục sinh. Ngài đã mang lại sự bất tử cho tất cả mọi người và cuộc sống vĩnh cửu cho những ai chọn Ngài. Tôi biết rằng nhờ sự hy sinh chuộc tội của Ngài mà chúng ta có thể hối cải và thực sự được thanh tẩy và cứu chuộc. Thật là một phép lạ rằng Ngài yêu thương anh chị em và tôi theo cách này.

Ngài đã phán: “Giờ đây các ngươi không muốn trở về cùng ta, và hối cải tội lỗi và được cải đạo để ta có thể chữa lành cho các ngươi chăng?” Ngài có thể chữa lành “nơi đổ nát” của tâm hồn chúng ta—những nơi bị tội lỗi và nỗi buồn làm cho khô cằn, khắc nghiệt và hoang tàn, và “biến vùng hoang dã [của anh chị em] nên như vườn Ê Đen.”

Cũng giống như chúng ta không thể hiểu được nỗi thống khổ và mức độ của sự đau khổ của Đấng Ky Tô trong vườn Ghết Sê Ma Nê và trên thập tự giá, vì thế nên chúng ta “không thể đo lường được giới hạn cũng như hiểu thấu được mức độ của sự tha thứ,” lòng thương xót, và tình yêu thương thiêng liêng của [Ngài].

Đôi khi, anh chị em có thể cảm thấy rằng mình không thể được cứu chuộc, rằng có lẽ anh chị em là một ngoại lệ đối với tình yêu thương của Thượng Đế và quyền năng chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi vì những khó khăn mà anh chị em đang gặp hoặc vì những điều anh chị em đã làm. Nhưng tôi làm chứng rằng anh chị em không nằm ngoài tầm tay của Đức Thầy. Đấng Cứu Rỗi “đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật” và ở vị trí thiêng liêng để nâng đỡ anh chị em và cứu anh chị em ra khỏi vực thẳm đen tối nhất và đưa anh chị em đến “nơi sáng láng lạ lùng của Ngài.” Qua sự đau khổ của Ngài, Ngài đã mở đường cho mỗi người chúng ta khắc phục những khuyết điểm và tội lỗi của cá nhân mình. “Ngài có đủ quyền năng để cứu vớt những ai tin nơi danh Ngài và đem lại thành quả xứng đáng đối với sự hối cải.”

Cũng giống như tôi cần phải làm việc và cầu xin sự giúp đỡ của thiên thượng để sửa lại bức tranh, thì chúng ta cũng cần phải có nỗ lực, tấm lòng chân thành và sự khiêm nhường để đem lại “thành quả xứng đáng đối với sự hối cải.” Những thành quả này bao gồm việc thực hành đức tin và sự tin cậy nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội của Ngài, hiến dâng lên Thượng Đế một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối, thú tội và từ bỏ tội lỗi, khôi phục lại những gì đã bị tổn hại bằng khả năng tốt nhất của chúng ta, và cố gắng sống ngay chính.

Để thực sự hối cải và thay đổi, trước tiên chúng ta phải “được thuyết phục để hiểu rõ tội lỗi của chúng ta.” Một người không thấy cần phải dùng thuốc trừ khi họ hiểu rằng họ bị bệnh. Có thể đôi khi chúng ta không sẵn lòng nhìn thấu bản thân mình và thấy được điều gì thực sự cần được chữa lành và sửa chữa.

Trong tác phẩm của C. S. Lewis’s, Aslan hỏi người đàn ông đã bị trói buộc bởi những điều mình đã chọn: “Ôi, [con người], họ thật khéo léo làm sao khi tự phòng thủ khỏi tất cả những gì có thể mang lại lợi ích cho họ.”

Trong phương diện nào mà anh chị em và tôi có thể tự phòng thủ khỏi những điều có thể mang lại lợi ích cho mình?

Chúng ta đừng tự phòng thủ khỏi những điều tốt lành mà Thượng Đế mong muốn ban phước cho chúng ta. Khỏi tình yêu thương và lòng thương xót mà Ngài mong muốn chúng ta cảm nhận được. Khỏi ánh sáng và sự hiểu biết mà Ngài mong muốn ban cho chúng ta. Khỏi sự chữa lành mà Ngài biết chúng ta rất cần. Khỏi mối quan hệ giao ước sâu sắc hơn mà Ngài dành cho tất cả các con trai và con gái của Ngài.

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta có thể bỏ qua một bên bất cứ “vũ khí chiến tranh” nào mà chúng ta đã cố ý hoặc thậm chí vô tình sử dụng để tự phòng thủ khỏi những phước lành của tình yêu thương của Thượng Đế. Những vũ khí như tính kiêu ngạo, ích kỷ, nỗi sợ hãi, sự thù ghét, sự xúc phạm, tự mãn, phán xét bất chính, ghen tị—bất cứ điều gì mà sẽ ngăn cản chúng ta hết lòng yêu mến Thượng Đế và tuân giữ tất cả các giao ước của mình với Ngài.

Khi chúng ta sống theo các giao ước của mình, Chúa có thể ban cho chúng ta sự giúp đỡ và quyền năng mà chúng ta cần để nhận ra lẫn khắc phục những khuyết điểm của mình, kể cả tính kiêu ngạo đang ký sinh trong phần thuộc linh của chúng ta. Vị tiên tri của chúng ta đã nói:

“Sự hối cải là con đường dẫn đến sự thanh khiết, và sự thanh khiết mang lại quyền năng.”

“Và ôi, chúng ta sẽ cần quyền năng của Ngài biết bao trong những ngày sắp tới.”

Giống như bức tranh của tôi, Chúa không bỏ rơi chúng ta khi chúng ta phạm sai lầm, Ngài cũng không biến mất khi chúng ta chùn bước. Nhu cầu được chữa lành và giúp đỡ của chúng ta không phải là gánh nặng đối với Ngài, mà đó chính là lý do Ngài đến. Chính Đấng Cứu Rỗi đã phán:

“Này, ta đã xuống thế gian để đem lại sự cứu chuộc cho thế gian, và để cứu vớt thế gian khỏi tội lỗi.”

“Cánh tay thương xót của ta đã dang ra về phía các ngươi, và bất cứ kẻ nào đến, ta đều đón nhận; và phước thay cho những ai đến cùng ta.”

Vậy, hãy đến—hỡi những ai đang mệt mỏi, kiệt sức và buồn bã, hãy đến bỏ lại sự lao nhọc của mình và tìm sự yên nghỉ nơi Ngài là Đấng yêu thương mình nhất. Hãy mang lấy ách của Ngài vì Ngài có lòng nhu mì và khiêm nhường.

Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi nhìn thấy anh chị em. Hai Ngài biết tấm lòng của anh chị em. Hai Ngài quan tâm đến những điều anh chị em quan tâm đến, kể cả những người anh chị em yêu thương.

Đấng Cứu Rỗi có thể chuộc lại những gì đã mất, kể cả những mối quan hệ tan vỡ và rạn nứt. Ngài đã mở đường cho tất cả những ai sa ngã để họ được cứu chuộc—thổi sức sống vào những gì dường như đã chết và vô vọng.

Nếu anh chị em đang phải vật lộn với tình huống mà đến bây giờ lẽ ra mình đã phải vượt qua, thì hãy đừng bỏ cuộc. Hãy kiên nhẫn với bản thân, tuân giữ các giao ước của mình, hối cải thường xuyên, tìm kiếm sự giúp đỡ của những người lãnh đạo của mình nếu cần, và đi đến nhà của Chúa càng thường xuyên càng tốt. Hãy lắng nghe và lưu ý đến những thúc giục Ngài gửi đến cho anh chị em. Ngài sẽ không từ bỏ mối quan hệ giao ước của Ngài với anh chị em.

Có những mối quan hệ khó khăn và phức tạp trong cuộc đời tôi mà tôi phải đấu tranh và chân thành tìm cách cải thiện. Có lúc, tôi cảm thấy như mình thường xuyên thất bại hơn. Tôi tự hỏi: “Chẳng phải mình đã sửa chữa mọi thứ lần trước rồi sao? Chẳng phải mình đã thực sự vượt qua được khuyết điểm của mình sao?” Qua thời gian, tôi đã học được rằng không hẳn là tôi có nhiều khiếm khuyết; thay vào đó, tôi cần nỗ lực nhiều hơn và cần nhiều sự chữa lành hơn.

Anh Cả D. Todd Christofferson đã dạy: “Chắc chắn Chúa sẽ hài lòng với một người mong muốn được xứng đáng để đến nơi phán xét, mỗi ngày quyết tâm cố gắng thay thế khuyết điểm bằng ưu điểm. Sự hối cải và thay đổi thật sự có thể đòi hỏi những cố gắng liên tục, nhưng có một điều gì đó tinh luyện và thánh thiện trong cố gắng đó. Sự tha thứ và chữa lành thiêng liêng đến một cách khá tự nhiên với một tâm hồn như vậy.”

Mỗi ngày là một ngày mới tràn đầy niềm hy vọng và những khả năng nhờ Chúa Giê Su Ky Tô. Mỗi ngày anh chị em và tôi có thể biết được, như Tổ Mẫu Ê Va đã tuyên bố: “niềm vui của sự cứu chuộc của chúng ta,” niềm vui được trở nên trọn vẹn, niềm vui cảm nhận được tình yêu thương không lay chuyển của Thượng Đế dành cho anh chị em.

Tôi biết rằng Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi yêu thương anh chị em. Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của toàn thể nhân loại. Ngài hằng sống. Qua sự hy sinh chuộc tội của Ngài, dây trói buộc của tội lỗi và sự chết bị cắt đứt mãi mãi để chúng ta có thể tự do chọn sự chữa lành, cứu chuộc, và cuộc sống vĩnh cửu với những người thân yêu của mình. Và tôi làm chứng những điều này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Ma Thi Ơ 19:26.

  2. Một khi chúng ta lập giao ước với Thượng Đế, chúng ta từ bỏ [vị trí] trung lập mãi mãi. Thượng Đế sẽ không từ bỏ mối quan hệ của Ngài với những người đã tạo dựng liên kết như vậy với Ngài. Quả thực, tất cả những ai đã lập giao ước với Thượng Đế đều được tiếp cận một tình yêu thương và lòng thương xót đặc biệt. Trong tiếng Hê Bơ Rơ, tình yêu thương giao ước đó được gọi là hesed (חֶסֶד)” (Russell M. Nelson, “Giao Ước Vĩnh Viễn,” Liahona, tháng Mười năm 2022, trang 5).

  3. “Khi các anh chị em và tôi cũng bước vào con đường đó, chúng ta có một lối sống mới. Chúng ta từ đó tạo ra mối quan hệ với Thượng Đế để Ngài ban phước và thay đổi chúng ta. Con đường giao ước dẫn dắt chúng ta trở về với Ngài. Nếu chúng ta để Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống chúng ta, giao ước đó sẽ dẫn dắt chúng ta càng ngày càng gần hơn với Ngài. Tất cả các giao ước đều nhằm mục đích ràng buộc. Chúng tạo nên một mối quan hệ với những ràng buộc vĩnh viễn” (Russell M. Nelson, “Giao Ước Vĩnh Viễn,” trang 5).

  4. Xin xem An Ma 26:35–36.

  5. Xin xem An Ma 22:18: “Hầu con từ bỏ tất cả mọi tội lỗi của con để chỉ biết có Ngài.”

  6. Lu Ca 7:47; xin xem thêm các câu 37–50.

  7. Khi nói về Tiệc Thánh, Anh Cả David A. Bednar đã nói:

    “Khi chúng ta tận tình chuẩn bị và tham dự giáo lễ thiêng liêng này với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối thì lời hứa là chúng ta có thể luôn được Thánh Linh của Chúa ở cùng chúng ta. Và bằng quyền năng thánh hóa của Đức Thánh Linh là bạn đồng hành thường xuyên, chúng ta có thể luôn được xá miễn các tội lỗi của mình” (“Luôn Luôn Được Xá Miễn Các Tội Lỗi của Mình,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 61–62).

    “… Trong tiến trình đến cùng Đấng Cứu Rỗi và sự tái sinh phần thuộc linh, tiếp nhận quyền năng thánh hóa của Đức Thánh Linh trong cuộc sống của chúng ta tạo ra khả năng có được sự thanh tẩy liên tục tâm hồn của chúng ta khỏi tội lỗi. Phước lành tuyệt vời này là thiết yếu vì ‘không một vật gì dơ bẩn có thể ở được cùng Thượng Đế.’ [1 Nê Phi 10:21]” (“Luôn Luôn Được Xá Miễn Các Tội Lỗi của Mình, trang 61).

    Anh Cả Bednar đã giảng dạy tại hội thảo dành cho giới lãnh đạo truyền giáo năm 2023: “Và bằng quyền năng thánh hóa của Đức Thánh Linh là người bạn đồng hành thường xuyên, chúng ta có thể luôn được xá miễn các tội lỗi của mình. Do đó, phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mang đến những cơ hội thứ hai, thứ ba, thứ tư và vô tận để duy trì sự xá miễn tội lỗi của chúng ta” (trong Rachel Sterzer Gibson “Teach to Build Faith in Jesus Christ, Elder Bednar Instructs,” Church News, ngày 23 tháng Sáu năm 2023, thechurchnews.com).

  8. “Tiên Tri Joseph Smith tóm tắt vai trò thiết yếu của các giáo lễ chức tư tế trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô như sau: ‘Chúng ta có thể được sinh ra một lần nữa là nhờ Thánh Linh của Thượng Đế qua các giáo lễ’ [Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (năm 2007), trang 95]. Lời phát biểu sâu sắc này nhấn mạnh đến vai trò của Đức Thánh Linh lẫn các giáo lễ thiêng liêng trong tiến trình tái sinh về phần thuộc linh. …

    “Các giáo lễ thiêng liêng là thiết yếu trong phúc âm của Đấng Cứu Rỗi và trong tiến trình đến cùng Ngài và tìm kiếm sự tái sinh về phần thuộc linh. …

    “Các giáo lễ cứu rỗi và tôn cao được thực hiện trong Giáo Hội phục hồi của Chúa có ý nghĩa nhiều hơn là việc thực hiện các nghi lễ hoặc những [điều chỉ mang tính] biểu tượng. Thay vì thế, các giáo lễ này gồm có những phương pháp được cho phép mà qua đó các phước lành và quyền năng của thiên thượng có thể tuôn chảy vào cuộc sống cá nhân của chúng ta. …

    “Các giáo lễ nhận được và được tôn kính với sự liêm chính là cần thiết để nhận được quyền năng của sự tin kính và tất cả các phước lành được dành sẵn nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi” (David A. Bednar, “Luôn Luôn Được Xá Miễn Các Tội Lỗi của Mình,” trang 59–60).

  9. Xin xem Giăng 10:17–18; 3 Nê Phi 9:22.

  10. Xin xem Bản Dịch Joseph Smith, Giăng 1:16; Gia Cốp 6:9; Môi Se 1:39.

  11. Xin xem An Ma 12:33–34.

  12. Xin xem Giăng 3:16.

  13. 3 Nê Phi 9:13.

  14. “Tôi nài xin anh chị em hãy đến cùng Ngài để Ngài có thể chữa lành cho anh chị em … khỏi tội lỗi khi anh chị em hối cải. Ngài sẽ chữa lành cho anh chị em khỏi nỗi buồn phiền và sợ hãi. Ngài sẽ chữa lành cho anh chị em khỏi những vết thương của thế gian này” (Russell M. Nelson, “Sự Giải Đáp Luôn Luôn Là Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Năm năm 2023, trang 127).

  15. Ê Sai 51:3, xin xem thêm Ê Sai 58:10–12; Ê Xê Chi Ên 36:33–36.

  16. James E. Talmage, Jesus the Christ (năm 1916), trang 265.

  17. Xin xem Russell M. Nelson, “Giao Ước Vĩnh Viễn,” trang 5–7; xin xem thêm chú thích 2 và 3 trong sứ điệp này.

  18. Giáo Lý và Giao Ước 88:6; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 122:7–9.

  19. 1 Phi E Rơ 2:9; xin xem thêm An Ma 26:16–17.

  20. An Ma 12:15; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  21. Xin xem An Ma 34:17.

  22. Xin xem 2 Cô Rinh Tô 7:10; 3 Nê Phi 9:15–22.

  23. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 58:43; 64:7.

  24. Xin xem Mô Si A 27:32–37; An Ma 26:30.

  25. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 1:32.

  26. Xin xem An Ma 24:8–10.

  27. Xin xem Robert L. Millet, Becoming New: A Doctrinal Commentary on the Writings of Paul (năm 2022), trang 26.

  28. C. S. Lewis, The Magician’s Nephew (năm 1955), trang 185.

  29. Xin xem Mô Si A 4:6–9.

  30. Xin xem An Ma 12:9–10; 26:22; 3 Nê Phi 26:9.

  31. “Trọng điểm của con đường giao ước là về mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế” (Russell M. Nelson, “Giao Ước Vĩnh Viễn,” trang 11; xin xem thêm chú thích 2 và 3 trong sứ điệp này).

  32. Xin xem An Ma 24:17–19.

  33. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 67:10.

  34. Xin xem Gia Cốp 4:13. “Những người nào không nhìn thấy những yếu kém của họ thì không tiến triển. Việc các chị em nhận thức về những yếu điểm của mình là một phước lành, vì điều đó sẽ giúp các chị em luôn khiêm nhường và giúp các chị em tiếp tục hướng tới Đấng Cứu Rỗi. Thánh Linh không chỉ an ủi các chị em mà Ngài cũng là Đấng mà qua đó Sự Chuộc Tội thay đổi chính bản chất của các chị em. Rồi những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ.” (Henry B. Eyring, “Ta Để Sự Bình An Lại cho Các Ngươi,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 16).

  35. Russell M. Nelson, “Chúng Ta Có Thể Làm Tốt Hơn và Trở Thành Người Tốt Hơn,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 68.

  36. “Mọi điều được giảng dạy trong đền thờ, qua sự chỉ dẫn và qua Thánh Linh, gia tăng sự hiểu biết của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô. Các giáo lễ thiết yếu của Ngài kết nối chúng ta với Ngài qua các giao ước của chức tư tế thiêng liêng. Rồi khi chúng ta tuân giữ các giao ước của mình, Ngài sẽ ban cho chúng ta quyền năng chữa lành và củng cố của Ngài. Và ôi, chúng ta sẽ cần quyền năng của Ngài biết bao trong những ngày sắp tới” (Russell M. Nelson, “Đền Thờ và Nền Móng Thuộc Linh của Anh Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 93–94).

  37. 3 Nê Phi 9:21.

  38. 3 Nê Phi 9:14.

  39. Xin xem Erik Dewar, “Come Find His Rest” (bài hát, năm 2024); xin xem thêm Ma Thi Ơ 11:28–30.

  40. Xin xem Phục Truyền Luật Lệ Ký 30:20; Giăng 11:25; Ê The 3:14; Giáo Lý và Giao Ước 88:6, 13.

  41. “Anh chị em thân mến, đây là lời hứa của tôi. Không có điều gì sẽ giúp anh chị em giữ vững thanh sắt hơn bằng việc thờ phượng trong đền thờ thường xuyên khi hoàn cảnh của anh chị em cho phép. Không có điều gì sẽ bảo vệ anh chị em hơn khi anh chị em gặp phải đám sương mù tối đen của thế gian. Không có điều gì sẽ củng cố chứng ngôn của anh chị em về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài hoặc giúp anh chị em hiểu được kế hoạch vĩ đại của Thượng Đế hơn. Không có điều gì sẽ an ủi tinh thần của anh chị em hơn trong những lúc đau đớn. Không có điều gì sẽ mở rộng các tầng trời hơn. Chẳng có điều gì cả!” (Russell M. Nelson, “Hãy Hân Hoan trong Ân Tứ về Các Chìa Khóa của Chức Tư Tế,” Liahona, tháng Năm năm 2024, trang 122).

  42. Xin xem Russell M. Nelson, “Giao Ước Vĩnh Viễn,” trang 5.

  43. Xin xem Russell M. Nelson, “Sự Giải Đáp Luôn Luôn Là Chúa Giê Su Ky Tô,” trang 127, xin xem thêm chú thích 14 trong sứ điệp này.

  44. D. Todd Christofferson, “Ân Tứ Thiêng Liêng về Sự Hối Cải”, Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 39.

  45. Môi Se 5:11.

  46. Xin xem 2 Nê Phi 2:26–28.