Tin Cậy Vào Cha Thiên Thượng của Chúng Ta
Thượng Đế tin cậy chúng ta để đưa ra nhiều quyết định quan trọng và trong mọi vấn đề Ngài yêu cầu chúng ta tin cậy Ngài.
Vào ngày 1 tháng Sáu năm 1843, Addison Pratt rời Nauvoo, Illinois, để đi thuyết giảng phúc âm ở Quần Đảo Hawaii, để lại vợ ông là Louisa Barnes Pratt chăm sóc cho gia đình có con nhỏ của họ.
Khi sự ngược đãi ở Nauvoo gia tăng, bắt buộc Các Thánh Hữu phải ra đi, và về sau tại Khu Tạm Trú Mùa Đông khi họ chuẩn bị di cư đến Thung Lũng Salt Lake, Louisa phải đưa ra quyết định có nên thực hiện cuộc hành trình hay không. Sẽ dễ dàng hơn để ở lại và chờ đợi sự trở lại của Addison hơn là di chuyển một mình.
Trong cả hai lần, bà đều tìm kiếm sự hướng dẫn từ tiên tri Brigham Young, là người đã khuyến khích bà đi. Mặc dù gặp nhiều khó khăn và sự miễn cưỡng của bản thân, nhưng lần nào bà cũng đều thành công trong cuộc hành trình.
Ban đầu, Louisa tìm thấy rất ít niềm vui khi di chuyển. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc bà bắt đầu chào đón thảo nguyên xanh mướt, các hoa dại đầy màu sắc và những mảnh đất dọc theo bờ sông. Bà ghi lại rằng: “Nỗi buồn trong tâm trí tôi dần tan biến và không có người phụ nữ nào vui vẻ hơn tôi trong toàn bộ đoàn người”.
Câu chuyện của Louisa đã truyền cảm hứng sâu sắc cho tôi. Tôi ngưỡng mộ sự sẵn lòng của bà để bỏ qua một bên những sở thích cá nhân, khả năng tin cậy Thượng Đế và cách thực hành đức tin của bà đã giúp bà nhìn nhận tình huống theo một cách khác.
Bà đã nhắc nhở tôi rằng chúng ta có một Cha Thiên Thượng nhân từ luôn quan tâm đến chúng ta dù chúng ta đang ở đâu và chúng ta có thể tin cậy Ngài hơn bất cứ người nào hay bất cứ điều gì khác.
Nguồn Gốc của Lẽ Thật
Thượng Đế tin cậy chúng ta để đưa ra nhiều quyết định quan trọng và trong mọi vấn đề Ngài yêu cầu chúng ta tin cậy Ngài. Điều này đặc biệt khó khăn khi sự phán xét của chúng ta hoặc dư luận khác với ý muốn của Ngài dành cho con cái của Ngài.
Một số người cho rằng chúng ta nên vạch lại ranh giới giữa đúng và sai vì họ nói rằng sự thật là tương đối, thực tế là do chính chúng ta xác định, hoặc Thượng Đế quá rộng lượng đến nỗi Ngài không thực sự quan tâm đến những gì chúng ta làm.
Khi chúng ta tìm cách hiểu và chấp nhận ý muốn của Thượng Đế, thì việc nhớ rằng ranh giới giữa đúng và sai không phải để chúng ta xác định là điều hữu ích. Thượng Đế đã tự thiết lập những ranh giới này, dựa trên các lẽ thật vĩnh cửu vì lợi ích và phước lành của chúng ta.
Ước muốn thay đổi lẽ thật vĩnh cửu của Thượng Đế có một lịch sử lâu dài. Điều đó xảy ra trước khi thế gian bắt đầu, khi Sa Tan nổi loạn chống lại kế hoạch của Thượng Đế, ích kỷ tìm cách hủy diệt quyền tự quyết của loài người. Theo mẫu mực này, những người như Sê Rem, Nê Hô, và Cô Ri Ho đã tranh luận rằng đức tin là điên rồ, sự mặc khải là không thích hợp, và bất cứ điều gì chúng ta muốn làm là đúng. Đáng buồn thay, sự sai lệch khỏi lẽ thật của Thượng Đế thường dẫn đến nỗi buồn phiền lớn lao.
Mặc dù một số điều có thể phụ thuộc vào bối cảnh, nhưng không phải mọi thứ đều như vậy. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã luôn dạy rằng các lẽ thật cứu rỗi của Thượng Đế là tuyệt đối, độc lập và được xác định bởi chính Thượng Đế.
Sự Lựa Chọn Của Chúng Ta
Việc chúng ta chọn tin tưởng ai là một trong những quyết định quan trọng của cuộc sống. Vua Bên Gia Min đã chỉ dạy cho dân của ông rằng: “Hãy tin nơi Thượng Đế; hãy tin là Ngài hằng hữu … ; tin rằng Ngài có mọi sự thông sáng … ; hãy tin rằng loài người không hiểu tất cả những sự việc mà Chúa có thể hiểu được.”
May mắn thay, chúng ta có thánh thư và sự hướng dẫn từ các vị tiên tri tại thế để giúp chúng ta hiểu được lẽ thật của Thượng Đế. Nếu chúng ta cần được giải thích thêm, thì Thượng Đế sẽ giải thích thêm qua các vị tiên tri của Ngài. Và Ngài sẽ đáp ứng những lời cầu nguyện chân thành của chúng ta qua Đức Thánh Linh khi chúng ta tìm cách hiểu được các lẽ thật mà chúng ta vẫn chưa hiểu hết.
Anh Cả Neil L. Andersen đã từng dạy rằng chúng ta chớ nên ngạc nhiên “nếu đôi khi quan điểm cá nhân của [chúng ta] thoạt đầu không phù hợp với những lời giảng dạy của vị tiên tri của Chúa. Đây là những giây phút học hỏi, khiêm nhường, khi chúng ta quỳ xuống cầu nguyện. Chúng ta tiến bước trong đức tin, tin cậy nơi Thượng Đế, biết rằng với thời gian chúng ta sẽ nhận được thêm sự sáng về mặt thuộc linh từ Cha Thiên Thượng.”
Trong mọi lúc, việc ghi nhớ lời dạy của An Ma rằng Thượng Đế ban cho lời Ngài tùy theo sự chú ý và nỗ lực mà chúng ta dành cho lời đó cũng rất hữu ích. Nếu chúng ta chú tâm đến lời của Thượng Đế, chúng ta sẽ nhận được nhiều hơn; nếu phớt lờ lời khuyên dạy của Ngài, thì chúng ta sẽ nhận được càng ngày càng ít hơn cho đến khi chúng ta không nhận được gì. Việc thiếu đi sự hiểu biết này không có nghĩa là sự thật đã sai; thay vào đó, điều đó cho thấy rằng chúng ta đã mất khả năng để hiểu lời của Ngài.
Hướng đến Đấng Cứu Rỗi
Ở Ca Bê Na Um, Đấng Cứu Rỗi đã dạy về nguồn gốc và sứ mệnh của Ngài. Nhiều người thấy lời của Ngài khó nghe, khiến cho họ từ chối Ngài và “không [đi] với Ngài nữa.”
Tại sao họ lại rời đi?
Bởi vì họ không thích những gì Ngài nói. Vì thế, tin tưởng vào óc xét đoán của mình, họ đã rời đi, tự chối bỏ các phước lành đáng lẽ đã có nếu họ ở lại.
Tính kiêu hãnh dễ dàng ngăn cản chúng ta chấp nhận lẽ thật vĩnh cửu. Khi không hiểu, chúng ta có thể ngừng lại, để cho những cảm xúc của mình lắng xuống, và sau đó chọn cách để phản ứng. Đấng Cứu Rỗi thúc giục chúng ta phải “hướng về [Ngài] trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi.” Khi chúng ta tập trung vào Đấng Cứu Rỗi, đức tin của chúng ta có thể bắt đầu khắc phục những lo lắng của chúng ta.
Như Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf khuyến khích chúng ta “Trước hết, xin hãy nghi ngờ những điều mình ngờ vực trước khi nghi ngờ đức tin của mình. Chúng ta đừng bao giờ để cho điều mình nghi ngờ giam giữ và khiến cho chúng ta xa lánh tình yêu thương, sự bình an, và các ân tứ quý giá của Chúa là những điều có được qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.”
Các Phước Lành Đến với Những Người Ở Lại
Khi các môn đồ rời xa Đấng Cứu Rỗi vào ngày đó, Ngài bèn hỏi Mười Hai Vị Sứ Đồ: “Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?”
Phi E Rơ thưa:
“Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời.
“Chúng tôi đã tin và nhận biết rằng Chúa là Đấng thánh của Đức Chúa Trời.”
Giờ đây, Các Sứ Đồ đã sống trong cùng một thời kỳ và họ đối mặt với cùng áp lực xã hội như các môn đồ đã bỏ đi. Tuy nhiên, trong khoảnh khắc đó, họ đã chọn đức tin của mình và tin cậy Thượng Đế, do đó giữ gìn các phước lành mà Thượng Đế ban cho những người ở lại.
Có lẽ các anh chị em, giống như tôi, đôi khi chọn theo Chúa và đôi khi chịu khuất phục trước áp lực xã hội. Khi chúng ta cảm thấy khó để hiểu hoặc chấp nhận ý muốn của Thượng Đế, thì thật an lòng để nhớ rằng Ngài yêu thương chính con người chúng ta, bất kể chúng ta đang ở đâu trên hành trình của mình. Và Ngài có những điều tốt hơn cho chúng ta. Nếu chúng ta tìm đến Ngài, Ngài sẽ phụ giúp chúng ta.
Mặc dù việc tìm đến Ngài có thể là khó khăn, cũng giống như người cha đã tìm kiếm sự chữa lành cho con trai mình đã được Đấng Cứu Rỗi phán bảo rằng “Kẻ nào tin thì mọi việc đều được cả.” Trong những giây phút khó khăn của mình, chúng ta cũng có thể kêu cầu: “Xin Chúa giúp đỡ trong sự không tin của [chúng con].”
Tuân Phục Theo Ý Muốn của Ngài
Anh Cả Neal A. Maxwell thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã từng dạy rằng “sự tuân phục ý muốn của một người thật sự là điều duy nhất thuộc về bản thân mà chúng ta có để đặt lên bàn thờ của Thượng Đế.” Chẳng có gì ngạc nhiên khi Vua Bên Gia Min lại háo hức đến thế khi dân của ông trở nên “phục tùng, nhu mì, khiêm nhường, kiên nhẫn, đầy sự yêu thương, sẵn sàng chấp nhận tất cả những điều gì Chúa thấy cần gán cho mình, chẳng khác chi trẻ con thuần phục cha mình vậy.”
Như thường lệ, Đấng Cứu Rỗi đã nêu gương hoàn hảo cho chúng ta. Với một tấm lòng nặng trĩu, và biết được công việc đau đớn Ngài phải làm, Ngài đã tuân phục theo ý muốn của Cha Ngài, làm tròn sứ mệnh làm Đấng Mê Si của Ngài và mở ra lời hứa về thời vĩnh cửu cho anh chị em và tôi.
Sự lựa chọn để đặt ý muốn của chúng ta tuân phục theo ý muốn của Thượng Đế là một hành động với đức tin nằm ở trọng tâm trong vai trò môn đồ của chúng ta. Khi lựa chọn như vậy, chúng ta khám phá ra rằng quyền tự quyết của mình không bị giảm bớt; thay vì thế, nó được vinh hiển và tưởng thưởng bởi sự hiện diện của Đức Thánh Linh, là Đấng mang đến mục đích, niềm vui, sự bình an, và hy vọng mà chúng ta không thể tìm thấy ở nơi nào khác.
Cách đây vài tháng, một chủ tịch giáo khu và tôi đến thăm một chị phụ nữ trong giáo khu của ông và đứa con trai thành niên của chị. Sau nhiều năm xa rời Giáo Hội, lang thang trên những con đường khó khăn và không thân thiện, chị đã trở lại. Trong chuyến thăm của mình, chúng tôi hỏi chị tại sao chị trở lại.
Chị ấy nói: “Tôi đã tạo ra một mớ hỗn độn cho cuộc đời mình, và tôi biết mình cần phải ở đâu.”
Rồi tôi hỏi chị ấy đã học được gì trong cuộc hành trình của chị.
Chị ấy xúc động chia sẻ rằng chị ấy đã học được rằng chị ấy cần tham dự nhà thờ đủ lâu để từ bỏ thói quen không đến nhà thờ và chị ấy cần phải ở lại cho đến khi đó là nơi mà chị ấy muốn đến. Sự trở lại của chị không phải là dễ dàng, nhưng khi chị thực hành đức tin nơi kế hoạch của Đức Chúa Cha, chị cảm thấy Thánh Linh đã trở lại.
Rồi chị ấy nói thêm: “Tôi đã tự mình biết được rằng Thượng Đế là tốt lành và đường lối của Ngài thì tốt hơn đường lối của tôi.”
Tôi làm chứng về Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu là Đấng yêu thương chúng ta; về Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng đã cứu chúng ta. Hai Ngài biết những nỗi đau đớn và thử thách của chúng ta. Hai Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta và biết cách thức hoàn hảo để giúp đỡ chúng ta. Chúng ta có thể hân hoan khi chúng ta tin cậy hai Ngài hơn bất cứ ai hay bất cứ điều gì khác. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.