Liahona
Chẳng Bấy Nhiêu Năm
Tháng Mười Một năm 2024


16:16

Chẳng Bấy Nhiêu Năm

Nếu chúng ta không trung tín và vâng lời, chúng ta có thể biến phước lành thịnh vượng mà Chúa ban cho trở thành sự rủa sả của tính kiêu ngạo khiến chúng ta sao lãng và mất tập trung.

Anh chị em thân mến, hôm nay ngồi trên bục này, tôi đã được chứng kiến Trung Tâm Đại Hội này chật kín người trong ba phiên họp liên tiếp, lần đầu tiên kể từ khi xảy ra đại dịch COVID. Anh chị em là những môn đồ tận tụy của Chúa Giê Su Ky Tô, những người luôn khao khát học hỏi. Tôi xin khen ngợi lòng trung tín của các anh chị em. Và tôi rất yêu thương anh chị em.

Ezra Taft Benson đã phục vụ với tư cách là Chủ Tịch của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô từ tháng Mười Một năm 1985 đến tháng Năm năm 1994. Năm tôi 33 tuổi thì Chủ Tịch Benson trở thành Chủ Tịch của Giáo Hội và khi ông qua đời thì tôi 42 tuổi. Những lời giảng dạy và chứng ngôn của ông đã ảnh hưởng đến tôi theo những cách sâu sắc và mạnh mẽ.

Một trong những điểm nổi bật trong giáo vụ của Chủ Tịch Benson là sự tập trung của ông vào mục đích và tầm quan trọng của Sách Mặc Môn. Ông đã nhiều lần nhấn mạnh rằng “Sách Mặc Môn là nền tảng của tôn giáo chúng ta—nền tảng của chứng ngôn chúng ta, nền tảng của giáo lý chúng ta, và nền tảng trong sự làm chứng về Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.” Ông cũng thường nhấn mạnh những lời dạy và lời cảnh báo về tội lỗi của tính kiêu ngạo được tìm thấy trong quyển chứng thư ngày sau về Chúa Giê Su Ky Tô.

Một lời giảng dạy đặc biệt của Chủ Tịch Benson đã tác động mạnh mẽ đến tôi và tiếp tục ảnh hưởng đến việc nghiên cứu Sách Mặc Môn của tôi. Ông đã nói:

“Sách Mặc Môn … được viết cho thời kỳ chúng ta. Dân Nê Phi cũng như dân La Man thời xưa chưa bao giờ có cuốn sách này. Sách này dành cho chúng ta. Mặc Môn viết sách này vào cuối nền văn minh của dân Nê Phi. Dưới sự soi dẫn của Thượng Đế, là Đấng thấy hết mọi sự việc từ lúc ban đầu, [Mặc Môn] đã tóm lược các biên sử của nhiều thế kỷ, chọn những câu chuyện, các bài nói chuyện và sự kiện có ích nhất cho chúng ta.”

Chủ tịch Benson nói tiếp: “mỗi tác giả chính của Sách Mặc Môn đều làm chứng rằng mình đã viết cho các thế hệ mai sau. … Nếu họ đã nhìn thấy thời kỳ của chúng ta, và chọn những điều sẽ có giá trị nhất đối với chúng ta, thì chẳng phải đó là cách chúng ta nên nghiên cứu Sách Mặc Môn hay sao? Chúng ta cần phải thường xuyên tự hỏi: ‛Tại sao Chúa đã soi dẫn cho Mặc Môn … để ghi [truyện ký này] vào biên sử của ông? Tôi có thể học được bài học gì từ [lời khuyên răn này] để giúp tôi sống trong thời đại ngày nay?’”

Những tuyên bố của Chủ Tịch Benson giúp chúng ta hiểu rằng Sách Mặc Môn không phải là một biên sử chủ yếu chỉ hướng về quá khứ. Thay vào đó, tập thánh thư này hướng đến tương lai và chứa đựng những nguyên tắc, lời cảnh báo và bài học quan trọng dành cho những hoàn cảnh và thử thách trong thời đại chúng ta. Do đó, Sách Mặc Môn là một quyển sách về tương lai của chúng ta và thời đại mà chúng ta đang sống và sẽ sống.

Tôi cầu xin sự trợ giúp của Đức Thánh Linh khi giờ đây chúng ta xem xét những bài học có liên quan đến chúng ta ngày nay từ sách Hê La Man trong Sách Mặc Môn.

Dân Nê Phi và dân La Man

Biên sử của Hê La Man và các con trai của ông mô tả một dân tộc đang mong đợi sự giáng sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Nửa thế kỷ được ghi lại trong biên sử thánh thư nêu bật sự cải đạo và sự ngay chính của dân La Man cũng như sự tà ác, sự bội giáo và những điều khả ố của dân Nê Phi.

Một loạt các so sánh và tương phản giữa dân Nê Phi và dân La Man từ biên sử cổ xưa này là bài học bổ ích nhất cho chúng ta ngày nay.

“Dân La Man, phần lớn dân họ, đã trở thành một dân tộc ngay chính, đến độ sự ngay chính của họ đã vượt cả dân Nê Phi, nhờ sự vững chắc và bền lòng của họ trong đức tin.

“[Và] có nhiều người Nê Phi nay đã trở nên chai đá, không hối cải và hết sức tàn ác, đến nỗi họ chối bỏ lời của Thượng Đế cùng mọi lời giáo huấn và tiên tri mà đã đến ở giữa họ.”

“Và như vậy chúng ta thấy rằng, dân Nê Phi đã bắt đầu sa vào vòng vô tín ngưỡng, và lớn mạnh trong những điều tà ác và khả ố, trong khi đó thì dân La Man lại bắt đầu tấn tới rất nhiều trong sự hiểu biết về Thượng Đế của họ; phải, họ bắt đầu tuân giữ những luật lệ và những lệnh truyền của Ngài, và bước đi trong lẽ thật và ngay thẳng trước mặt Ngài.

“Và như vậy chúng ta thấy rằng, Thánh Linh của Chúa bắt đầu rút lui khỏi dân Nê Phi, cũng vì sự tà ác và lòng dạ chai đá của họ.

“Và như vậy chúng ta thấy rằng, Chúa bắt đầu trút Thánh Linh của Ngài lên dân La Man, cũng vì họ ngoan ngoãn và sẵn sàng tin theo lời Ngài.”

Có lẽ khía cạnh đáng kinh ngạc và đáng suy ngẫm nhất về sự suy thoái vào tình trạng bội giáo của dân Nê Phi chính bởi sự thật rằng “tất cả những sự bất chính này đã đến với họ trong vòng chẳng bấy nhiêu năm.”

Dân Nê Phi Quay Lưng Lại Với Thượng Đế

Làm sao mà một dân tộc từng rất ngay chính lại có thể trở nên chai đá và tà ác chỉ trong một thời gian ngắn như vậy? Làm sao con người có thể nhanh chóng quên đi Thượng Đế là Đấng đã ban phước cho họ một cách dồi dào như vậy?

Một cách mạnh mẽ và sâu sắc, tấm gương xấu của dân Nê Phi là bài học bổ ích cho chúng ta ngày nay.

“Sự kiêu ngạo … đã bắt đầu xâm nhập … vào trái tim của những người tự xưng mình thuộc giáo hội của Thượng Đế … vì sự quá giàu có và thịnh vượng của họ trong xứ.”

“[Họ] đã để hết lòng [của họ] vào của cải và những điều phù phiếm của thế gian” “vì [họ] đã để cho sự cao ngạo nhập vào trái tim [của họ], đưa [họ] vượt lên quá những điều gì tốt lành, cũng vì [họ] có quá nhiều của cải!”

Những tiếng nói của người xưa từ trong bụi đất đang nài nỉ chúng ta ngày nay hãy học bài học vĩnh cửu đó: sự giàu sang, của cải, và sự dễ dàng hòa quyện thành một hỗn hợp mạnh mẽ mà có thể khiến ngay cả những người ngay chính cũng phải uống thứ thuốc độc thuộc linh của tính kiêu ngạo.

Việc cho phép sự kiêu ngạo xâm nhập vào lòng chúng ta có thể khiến chúng ta nhạo báng những điều thiêng liêng; không tin vào tinh thần tiên tri và tinh thần mặc khải; chà đạp dưới chân những lệnh truyền của Thượng Đế; chối bỏ lời của Thượng Đế; xua đuổi, nhạo báng, và thóa mạ các vị tiên tri; và quên Chúa Thượng Đế của chúng ta và “không muốn Chúa, Thượng Đế của [chúng ta], là Đấng đã sáng tạo ra [chúng ta], cai quản và trị vì [chúng ta].”

Vì vậy, nếu chúng ta không trung tín và vâng lời, chúng ta có thể biến phước lành thịnh vượng mà Chúa ban cho trở thành sự rủa sả của tính kiêu ngạo khiến chúng ta sao lãng và mất tập trung khỏi những lẽ thật vĩnh cửu và các ưu tiên thuộc linh tối quan trọng. Chúng ta phải luôn cảnh giác chống lại cảm giác tự cao và cường điệu về tầm quan trọng của bản thân với lòng kiêu hãnh và sự tự phụ thái quá, đánh giá sai lầm về khả năng tự lập của chính mình, và việc chỉ nghĩ đến bản thân thay vì phục vụ người khác.

Khi chúng ta kiêu ngạo chỉ tập trung vào bản thân, chúng ta cũng bị mù quáng về mặt thuộc linh và bỏ lỡ nhiều, hầu hết, hoặc có lẽ là tất cả những gì đang diễn ra bên trong và xung quanh chúng ta. Chúng ta không thể hướng đến và tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô như là “điểm nhắm” nếu chúng ta chỉ nhìn thấy chính mình.

Sự mù quáng về mặt thuộc linh như vậy cũng có thể khiến chúng ta rời xa khỏi con đường ngay chính, đi vào những lối cấm và rồi bị lạc mất. Khi chúng ta mù quáng “đi theo đường lối riêng của [chính mình]” và đi theo những con đường vòng tai hại, chúng ta có xu hướng dựa vào sự hiểu biết của riêng mình, tự phụ về sức mạnh của mình, và tin tưởng vào sự khôn ngoan của mình.

Sa Mu Ên người La Man đã tóm lược một cách ngắn gọn về việc dân Nê Phi quay lưng lại với Thượng Đế: “Các người đã tìm kiếm suốt những ngày tháng của cuộc đời mình những vật mà các người không thể nhận được; các người đã tìm kiếm hạnh phúc bằng cách làm điều bất chính, là điều trái với bản chất ngay chính hằng có nơi Đấng Chủ Tể Vĩnh Cửu vĩ đại của chúng ta.”

Tiên tri Mặc Môn đã quan sát thấy, “Đa số dân chúng vẫn [còn] giữ lòng kiêu ngạo và tà ác, và thiểu số thì [đã] bước đi một cách thận trọng hơn trước mặt Thượng Đế.”

Người Dân La Man Hướng Về Thượng Đế

Trong Sách Hê La Man, sự ngay chính ngày càng gia tăng của dân La Man tạo nên sự tương phản rõ rệt với sự suy đồi quá nhanh về phần thuộc linh của dân Nê Phi.

Dân La Man đã hướng về Thượng Đế và được đưa đến sự hiểu biết về lẽ thật bằng cách tin vào những lời giảng dạy trong thánh thư và các vị tiên tri, thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, hối cải tội lỗi của họ và trải qua một sự thay đổi lớn lao trong lòng.

“Vậy nên, những ai đã đạt được điều này, thì như các người đã biết, đều là những người rất vững chắc và kiên trì trong đức tin và trong những điều mà nhờ đó họ đã được làm cho tự do.”

“Rằng phần đông dân [La Man] đều đi trong con đường bổn phận của họ, và họ đã bước đi một cách thận trọng trước mặt Thượng Đế, và họ cố gắng tuân giữ các lệnh truyền, các luật lệ và các mạng lệnh của Ngài. …

“… Họ đang cố gắng một cách cần mẫn không biết mệt mỏi ngõ hầu họ có thể đem phần đồng bào còn lại của mình đến sự hiểu biết lẽ thật.”

Kết quả là, “sự ngay chính của [dân La Man] đã vượt cả dân Nê Phi, nhờ sự vững chắc và bền lòng của họ trong đức tin.”

Một Lời Cảnh Báo và một Lời Hứa

Mô Rô Ni đã tuyên bố: “Này, Chúa đã cho tôi thấy những điều vĩ đại và kỳ diệu có liên hệ tới những gì sắp phải xảy đến, vào ngày mà những điều này sẽ đến với các người.

“Này, tôi nói với các người như thể các người có trước mặt tôi, tuy rằng các người chưa có. Nhưng này, Chúa Giê Su Ky Tô đã cho tôi thấy được các người, và tôi biết việc làm của các người.”

Xin hãy nhớ rằng Sách Mặc Môn hướng đến tương lai và chứa đựng những nguyên tắc, lời cảnh báo và bài học quan trọng dành cho tôi và các anh chị em trong những hoàn cảnh và thử thách của thời đại chúng ta.

Sự bội giáo có thể xảy ra ở hai cấp độ cơ bản—cấp độ thể chế và cấp độ cá nhân. Ở cấp độ thể chế, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ không bị mất đi do sự bội giáo hoặc bị cất khỏi thế gian.

Tiên Tri Joseph Smith đã tuyên bố: “Cờ Hiệu của Lẽ Thật đã được dựng lên; không có một bàn tay phàm tục nào có thể chặn đứng không cho công việc này tiến triển … ; lẽ thật của Thượng Đế sẽ thẳng tiến một cách mạnh dạn, cao quý và độc lập, cho đến khi nó thâm nhập vào mỗi lục địa, đến với mỗi xứ sở, lan tràn trong mỗi quốc gia, và thấu đến tai của mỗi người, cho đến khi các mục đích của Thượng Đế sẽ được hoàn thành, và Đức Giê Hô Va Vĩ Đại sẽ phán công việc đã hoàn tất.”

Ở cấp độ cá nhân, mỗi người chúng ta phải “đề phòng tính kiêu ngạo, kẻo [chúng ta] sẽ trở thành như dân Nê Phi thời xưa.”

Tôi có thể nói rằng nếu anh chị em hoặc tôi tin rằng chúng ta đủ mạnh mẽ và kiên cường để tránh sự kiêu ngạo, thì có lẽ chúng ta đang mắc phải căn bệnh thuộc linh chết người này. Nói một cách đơn giản, nếu anh chị em hoặc tôi không tin rằng chúng ta có thể bị lòng kiêu ngạo chi phối, thì chúng ta đang dễ bị tổn thương và gặp nguy hiểm về mặt thuộc linh. Chẳng bấy nhiêu ngày, tuần, tháng, hay năm, chúng ta có thể từ bỏ quyền trưởng nam thuộc linh của mình để đổi lấy một chén canh phạn đậu tầm thường hơn hẳn.

Tuy nhiên, nếu anh chị em hoặc tôi tin rằng chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi lòng kiêu ngạo, thì chúng ta sẽ luôn làm những điều nhỏ nhặt tầm thường mà sẽ bảo vệ và giúp đỡ chúng ta trở nên “như trẻ nhỏ phục tùng, nhu mì, khiêm nhường, kiên nhẫn đầy sự yêu thương, sẵn sàng chấp nhận tất cả những điều gì Chúa thấy cần gán cho [chúng ta].” “Phước thay cho những ai biết hạ mình mà không vì bị bó buộc phải khiêm nhường.”

Khi chúng ta làm theo lời khuyên của Chủ Tịch Benson và tự hỏi tại sao Chúa đã soi dẫn Mặc Môn đưa vào bản tóm tắt sách Hê La Man những câu chuyện, lời khuyên răn và lời cảnh báo mà ông đã thực hiện, tôi hứa rằng chúng ta sẽ nhận ra được cách áp dụng những lời giảng dạy này vào những hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống cá nhân và gia đình của chúng ta ngày nay. Khi chúng ta nghiên cứu và suy ngẫm về biên sử đầy soi dẫn này, chúng ta sẽ được ban phước với đôi mắt để nhìn, đôi tai để nghe, tâm trí để nhận thức và tấm lòng để thấu hiểu những bài học mà chúng ta nên học để “coi chừng tính kiêu ngạo, kẻo [chúng ta] sẽ sa vào chước cám dỗ.”

Tôi hân hoan làm chứng rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu là Đức Chúa Cha của chúng ta. Chúa Giê Su Ky Tô là Con Độc Sinh và Yêu Dấu của Ngài. Ngài là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Và tôi làm chứng rằng khi chúng ta bước đi trong sự nhu mì của Thánh Linh Chúa, chúng ta sẽ tránh khỏi và khắc phục được tính kiêu ngạo và có được sự bình an trong Ngài. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.