Liahona
Người Con mà Thượng Đế Yêu Quý
Tháng Mười Một năm 2024


10:31

Người Con mà Thượng Đế Yêu Quý

Việc được tràn đầy tình yêu thương của Thượng Đế không những bảo vệ chúng ta trong những cơn bão tố của cuộc đời mà còn khiến cho những giây phút hạnh phúc lại càng hạnh phúc hơn nữa.

Trước khi tôi bắt đầu, tôi muốn nói với anh chị em rằng hai đứa con của tôi từng ngất xỉu khi chúng đứng nói chuyện trên bục, và tôi cũng đang cảm thấy rất lo lắng và hy vọng tôi sẽ không bị ngất xỉu như chúng. Bởi vì tâm trí tôi đang choáng ngợp với nhiều điều mà tôi muốn chia sẻ cùng anh chị em.

Gia đình chúng tôi có sáu người con và đôi khi chúng trêu chọc nhau rằng chúng là đứa con được yêu quý nhất. Mỗi đứa con đều có những lý do khác nhau để cho rằng mình là đứa được yêu quý nhất. Tình yêu thương của chúng tôi dành cho mỗi đứa con đều thuần khiết, đong đầy, và trọn vẹn. Chúng tôi yêu thương chúng đồng đều như nhau—sự chào đời của mỗi đứa đều làm cho tình thương yêu của chúng tôi được gia tăng một cách tuyệt vời. Tôi hiểu rõ hơn hết tình yêu thương của Cha Thiên Thượng dành cho tôi qua tình yêu thương mà tôi dành cho những đứa con của mình.

Khi bọn trẻ kể ra những lý do mà chúng là đứa được yêu quý nhất, anh chị em có thể nghĩ rằng chắc gia đình chúng tôi chưa từng có một căn phòng ngủ bừa bãi. Chúng ta sẽ bớt nhìn vào những thiếu sót hay vấn đề trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái khi chúng ta tập trung vào tình yêu thương.

Đến một lúc nào đó, có lẽ bởi vì tôi có thể nhận thấy rằng sắp có sự tranh cãi không thể tránh được trong gia đình, nên tôi sẽ nói những điều đại loại như: “Được rồi, các con làm cha mệt quá, nhưng cha sẽ không nói ra đâu; các con tự biết cha yêu quý ai nhất mà.” Mục tiêu của tôi là để cho cả sáu đứa con đều cảm thấy chiến thắng và có thể tránh được cuộc chiến toàn diện—ít nhất là cho đến lần tới!

Trong sách Phúc Âm của mình, Giăng mô tả mình là môn đồ “mà [Chúa Giê Su] yêu,” như thể điều đó đặc biệt theo một cách nào đó. Tôi thích nghĩ rằng Giăng viết như vậy bởi vì ông đã cảm nhận thật trọn vẹn tình yêu thương mà Chúa Giê Su dành cho ông. Nê Phi đã cho tôi một cảm giác tương tự khi ông viết: “Tôi hãnh diện trong Chúa Giê Su của tôi.” Tất nhiên, Đấng Cứu Rỗi không phải của riêng Nê Phi hay của riêng Giăng, tuy vậy sự gần gũi trong mối quan hệ giữa Nê Phi với Chúa Giê Su “của ông” đã khiến ông nói lên lời tha thiết đó.

Chẳng phải thật tuyệt vời khi có những lúc chúng ta có thể cảm thấy cá nhân mình được chú ý và được yêu thương một cách trọn vẹn sao? Nê Phi có thể gọi Ngài là Chúa Giê Su “của ông”, và chúng ta cũng có thể làm như vậy. Tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta là “loại tình yêu thương cao quý, mạnh mẽ nhất,” và Ngài ban tình yêu thương đó cho đến khi chúng ta “được tràn đầy”. Tình yêu thương thiêng liêng là vô tận, và mỗi người chúng ta đều là người con được yêu thương trân quý. Tình yêu thương của Thượng Đế giống như phần giao nhau của tất cả chúng ta, nếu chúng ta được ví như các vòng tròn trên sơ đồ Venn. Cho dù chúng ta có những khác biệt, thì tình thương yêu của Ngài vẫn là điều gắn kết chúng ta với nhau.

Chẳng có gì bất ngờ khi hai giáo lệnh lớn nhất là yêu mến Thượng Đế và yêu thương những người xung quanh mình phải không? Khi tôi thấy mọi người chia sẻ cho nhau tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô, tôi cảm thấy rằng tình yêu thương đó không chỉ là tình yêu thương của họ; mà đó còn là tình yêu thương của Thượng Đế. Khi chúng ta yêu thương nhau theo cách này, một cách trọn vẹn và hết khả năng, thì cũng sẽ có được ảnh hưởng của thiên thượng.

Vậy nếu có ai đó mà chúng ta quan tâm dường như xa cách với tình yêu thương của Thượng Đế, thì chúng ta có thể làm theo mẫu mực này—bằng cách làm những điều mang bản thân chúng ta đến gần Thượng Đế hơn và rồi làm những điều mang chúng ta đến gần họ hơn—một lời mời gọi thầm lặng để đến cùng Đấng Ky Tô.

Tôi ước rằng tôi có thể ngồi xuống cùng anh chị em và hỏi anh chị em về những hoàn cảnh nào khiến anh chị em cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế. Những câu thánh thư nào, hành động phục vụ cụ thể nào khiến cho anh chị em cảm nhận được tình yêu thương của Ngài? Anh chị em đang ở đâu vào lúc đó? Đang lắng nghe âm nhạc gì? Và đang ở cùng những ai? Đại hội trung ương là nơi tuyệt vời để học hỏi về cách kết nối với tình yêu thương của thiên thượng.

Nhưng có lẽ anh chị em cảm thấy mình đang xa cách với tình thương yêu của Thượng Đế. Có lẽ có nhiều tiếng nói đồng thanh mang đến sự chán nản hoặc những ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ của anh chị em, có những thông điệp nói với anh chị em rằng anh chị em tổn thương quá nhiều, đầy hoang mang, quá yếu đuối, không được chú ý tới, quá khác biệt hoặc mất phương hướng để cảm thấy không xứng đáng với tình yêu thương của thiên thượng trong bất cứ phương diện nào. Nếu anh chị em có nghe thấy những điều đó, thì xin hãy nghe đây: những tiếng nói đó hoàn toàn không đúng. Chúng ta có thể tự tin gạt bỏ những điều đau khổ dưới bất cứ hình thức nào mà khiến chúng ta không hội đủ điều kiện để nhận được tình yêu thương của thiên thượng—mỗi lần chúng ta hát bài thánh ca mà nhắc nhở chúng ta rằng Đấng Cứu Rỗi yêu dấu và không tỳ vết của chúng ta đã chọn để bị “bầm mình, đớn đau, [và] giằng xé vì chúng ta,” mỗi lần chúng ta dự phần bánh được bẻ ra trong Tiệc Thánh. Chắc chắn Chúa Giê Su loại bỏ tất cả sự hổ thẹn ra khỏi tấm lòng đau khổ. Qua sự đau khổ của Ngài, Ngài trở nên toàn hảo, và Ngài có thể làm cho chúng ta toàn hảo mặc cho những sự đau khổ của chúng ta. Ngài chịu đau khổ, cô đơn, giằng xé, và bầm dập—và chúng ta cũng có thể cảm thấy như vậy—nhưng chúng ta không hề bị chia cắt khỏi tình yêu thương của Thượng Đế. Như lời bài hát ngân nga: “Tình Chúa chứa chan, vẹn toàn muôn đời; dù chúng ta sai, Ngài chịu thay tội”.

Anh chị em có thể có bí mật nào đó về bản thân mà khiến anh chị em cảm thấy không được yêu thương. Cho dù anh chị em đã làm những gì trong cuộc sống, thì tình thương yêu của Thượng Đế cũng luôn dành cho anh chị em và không có điều gì có thể thay đổi được điều đó. Đôi khi chúng ta tàn nhẫn và thiếu kiên nhẫn với bản thân mình theo những cách mà chúng ta có thể không bao giờ tưởng tượng được là sẽ làm như vậy đối với bất cứ người nào khác. Có rất nhiều điều để chúng ta có thể làm trong cuộc sống này, nhưng việc căm ghét, và tự lên án khiến bản thân hổ thẹn thì không nằm trong danh sách đó. Cho dù chúng ta có thể cảm thấy mình tồi tệ đến mức nào, thì cánh tay thương xót của Ngài sẽ luôn với tới chúng ta. Đúng vậy. Cánh tay của Ngài sẽ luôn “với lấy tay [chúng ta]” và ôm lấy từng người chúng ta.

Khi chúng ta không cảm nhận được sự ấm áp của tình yêu thương thiêng liêng, thì tình yêu thương đó cũng không hề tan biến. Những lời của chính Thượng Đế rằng “dầu núi dời, dầu đồi chuyển, nhưng lòng nhân từ [của Ngài] đối với [chúng ta] chẳng dời khỏi [chúng ta].” Vậy tôi xin nói rõ, ý nghĩ cho rằng Thượng Đế đã ngừng yêu thương nên nằm ở cuối danh sách những lời lý giải có thể có trong cuộc sống để chúng ta sẽ không phải nhìn thấy nó cho đến khi nào núi đã dời và đồi đã chuyển!

Tôi thực sự thích biểu tượng về những ngọn núi là bằng chứng cho tình yêu thương vững chắc của Thượng Đế. Biểu tượng mạnh mẽ đó được lồng ghép trong những câu chuyện về những người đi lên núi để nhận được sự mặc khải và trong lời mô tả của Ê Sai về “núi của nhà [Chúa]” đang “được lập vững trên đỉnh các núi.” Nhà của Chúa là ngôi nhà với những giao ước quý báu nhất của chúng ta và là một nơi cho tất cả chúng ta lui tới và được đắm chìm trong các bằng chứng về tình yêu thương của Đức Chúa Cha dành cho chúng ta. Tôi cũng đã vui hưởng sự an ủi trong tâm hồn khi tôi hết lòng tôn trọng giao ước báp têm của mình và tìm đến người nào đó đang than khóc vì mất mát hoặc tuyệt vọng và tôi cố gắng giúp họ hiểu và vượt qua cảm xúc của họ. Đây có phải là những cách để chúng ta có thể được tràn ngập trong tình yêu thương giao ước quý báu, trong hesed, đúng không?

Vậy nếu như tình yêu thương của Thượng Đế không rời bỏ chúng ta, tại sao không phải lúc nào chúng ta cũng cảm nhận được nó? Để anh chị em không quá kỳ vọng, thì câu trả lời của tôi là: Tôi không biết. Nhưng việc được yêu thương hoàn toàn không giống với việc cảm thấy được yêu thương, và tôi có một vài ý nghĩ mà có thể giúp anh chị em khi tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi đó.

Có lẽ anh chị em đang phải vật lộn với nỗi đau buồn, trầm cảm, sự phản bội, nỗi cô đơn, thất vọng, hoặc sự phiền nhiễu nào khác xen vào khả năng của anh chị em để cảm nhận tình yêu thương của Thượng Đế dành cho mình. Nếu như vậy, thì những điều kể trên có thể làm giảm bớt hoặc cản trở khả năng của chúng ta để cảm nhận theo lẽ thông thường (trong khi đáng lẽ ra chúng ta có thể cảm nhận được). Có lẽ, ít nhất trong một thời gian, anh chị em sẽ không thể cảm nhận được tình yêu thương của Ngài và anh chị em sẽ phải dựa vào sự hiểu biết của mình. Nhưng tôi tự hỏi liệu anh chị em có thể thử—một cách kiên nhẫn—những cách thức khác nhau để bày tỏ và tiếp nhận tình yêu thương thiêng liêng hay không. Anh chị em có thể lùi một bước khỏi bất cứ điều gì trước mặt mình và có thể là một bước nữa, và rồi thêm một bước nữa cho đến khi anh chị em thấy một khoảng không rộng lớn, bao la, để cho tầm nhìn của mình được rõ ràng hơn, và nếu cần thì hãy tiếp tục lùi bước cho đến khi anh chị em thực sự có thể “nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên” bởi vì anh chị em đang nhìn lên các vì sao và nhớ về vô số thế giới cùng với Đấng Sáng Tạo của chúng?

Tiếng chim hót, cảm giác khi đứng dưới ánh mặt trời, khi đón làn gió thoảng hay dưới một cơn mưa, và những lúc thiên nhiên khiến cho tôi kinh ngạc về Thượng Đế—mỗi điều đó đều góp phần giúp tôi kết nối với thiên thượng. Có lẽ sự an ủi của những người bạn trung tín cũng sẽ giúp ích. Có lẽ âm nhạc? Hay là sự phục vụ? Anh chị em có ghi lại hay viết nhật ký về những lần mà anh chị em cảm thấy sự kết nối với Thượng Đế được rõ ràng hơn không? Có lẽ anh chị em có thể mời những người mình tin tưởng để chia sẻ với anh chị em về sự kết nối của họ với Thượng Đế khi anh chị em tìm kiếm sự khuây khỏa và cảm thông.

Tôi tự hỏi, nếu Chúa Giê Su phải chọn một nơi mà anh chị em và Ngài có thể gặp mặt, một nơi riêng tư để anh chị em có thể tập trung vào Ngài, thì liệu Ngài sẽ chọn nơi của riêng anh chị em, một nơi có những đau khổ cá nhân, có một nhu cầu khẩn thiết, một nơi mà chẳng ai khác có thể tìm đến hay không? Nơi nào đó mà anh chị em cảm thấy quá đỗi lạc lõng đến mức cô đơn cho dù anh chị em không một mình, một nơi mà có lẽ chỉ có Ngài mới có thể đến, nhưng thực ra Ngài đã sẵn sàng để gặp anh chị em ở đó rồi? Nếu anh chị em đang chờ đợi Ngài đến, có lẽ Ngài đã ở đó, ngay trong tầm với rồi chăng?

Nếu anh chị em cảm thấy tràn đầy tình yêu thương trong giai đoạn này của cuộc đời, xin hãy cố gắng chia sẻ tình yêu thương đó với những người khác. Hãy chia sẻ nó ở bất cứ nơi nào anh chị em đến. Một trong những phép lạ của kế hoạch của Thượng Đế là khi chúng ta cố gắng chia sẻ tình yêu thương của Chúa Giê Su, chúng ta thấy bản thân được tràn đầy tình yêu thương của Ngài, giống như nguyên tắc “ai vì cớ ta mà mất sự sống mình thì sẽ được lại”.

Việc được tràn đầy tình yêu thương của Thượng Đế không những bảo vệ chúng ta trong những cơn bão tố của cuộc đời mà còn khiến cho những giây phút hạnh phúc lại càng hạnh phúc hơn nữa—những ngày vui vẻ của chúng ta, khi có ánh nắng trên bầu trời, lại càng rực rỡ hơn bởi ánh dương trong tâm hồn chúng ta.

Chúng ta hãy “đâm rễ vững nền” nơi Chúa Giê Su và trong tình yêu thương của Ngài. Hãy tìm kiếm và trân quý những kinh nghiệm của việc cảm nhận tình yêu thương và quyền năng của Ngài trong cuộc sống chúng ta. Niềm vui của phúc âm có sẵn cho tất cả mọi người: không chỉ cho người hạnh phúc, không chỉ cho người chán nản. Niềm vui là mục đích của chúng ta, chứ không phải là món quà vì hoàn cảnh của chúng ta. Chúng ta có mọi lý do tốt đẹp để “vui mừng và tràn đầy lòng thương yêu đối với Thượng Đế và tất cả mọi người.” Hãy được tràn đầy tình yêu thương của Thượng Đế. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Giăng 21:20; xin xem thêm Giăng 13:23; 19:26; 20:2; 21:7.

  2. 2 Nê Phi 33:6; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  3. Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Lòng Bác Ái.”

  4. Ở Đất Thánh: Ma Thi Ơ 14:15–20. Và ở Châu Mỹ: 3 Nê Phi 27:16.

  5. Xin xem Ma Thi Ơ 22:35–40.

  6. Xin xem 1 Giăng 4:12.

  7. Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ: Sách Hướng Dẫn để Lựa Chọn mời chúng ta “giúp [người khác] cảm nhận tình yêu thương của Cha Thiên Thượng qua [chúng ta]” ([năm 2022], trang 12).

  8. “Jesus of Nazareth, Savior and King,” Hymns, số. 181; xin xem thêm Ê Sai 53:5; Ma Thi Ơ 26:26.

  9. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giải thích: “Ngay trước khi [Đấng Cứu Rỗi] bị đóng đinh, Ngài đã phán rằng ‘đến ngày thứ ba, thì đời ta đã xong rồi’ (Lu Ca 13:32). Hãy suy nghĩ về điều đó! Đấng Chúa hoàn toàn vô tội, không tỳ vết—đã toàn hảo theo những tiêu chuẩn của trần thế—tuyên bố về tình trạng toàn hảo Ngài sẽ có trong tương lai. Sự toàn hảo vĩnh cửu của Ngài sẽ đến sau sự phục sinh và nhận được ‘hết cả quyền phép … trên trời và dưới đất’ [Ma Thi Ơ 28:18; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 93:2–23]” (“Perfection Pending,” Ensign, tháng Mười Một năm 1995, trang 87). Tiên tri Mô Rô Ni mời tất cả chúng ta “hãy đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài, và hãy chối bỏ tất cả mọi sự không tin kính; và nếu các người chối bỏ được tất cả mọi sự không tin kính cùng yêu mến Thượng Đế với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh, thì ân điển của Ngài sẽ đủ cho các người, để nhờ ân điển của Ngài mà các người sẽ có thể được toàn thiện trong Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 10:32).

  10. “Đấng Cứu Rỗi Cho Tôi,” 2024 Youth Album, ChurchofJesusChrist.org.

  11. Xin xem Ê Sai 59:1.

  12. “Where Can I Turn for Peace?,” Hymns, số 129.

  13. Ê Sai 54:10.

  14. Ví dụ, Nê Phi (xin xem 1 Nê Phi 17:7), Môi Se (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 19:3), mười một môn đồ (xin xem Ma Thi Ơ 28:16), và Đấng Cứu Rỗi (xin xem Ma Thi Ơ 14:23); xin xem thêm Thi Thiên 24:3.

  15. Ê Sai 2:2; xin xem thêm câu 3. Biểu tượng thiêng liêng này khiến tôi suy ngẫm nhiều hơn về mục đích của Chúa trong việc cung cấp hàng trăm đền thờ cho con cái của Ngài trên khắp thế gian.

  16. Từ kinh nghiệm của mình, tôi làm chứng về lẽ thật trong lời hứa của Chủ Tịch Nelson rằng nơi an toàn nhất cho phần thuộc linh là ở bên trong các giao ước đền thờ của anh chị em (xin xem “Đền Thờ và Nền Móng Thuộc Linh của Anh Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 96).

  17. Chủ Tịch Nelson đã đảm bảo với chúng ta:

    “Thời gian trong đền thờ sẽ giúp anh chị em nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên và thoáng hiểu được về con người thật của mình, con người mà mình có thể trở thành và cuộc sống mà anh chị em có thể có vĩnh viễn. Việc thờ phượng thường xuyên trong đền thờ sẽ nâng cao cách anh chị em nhìn bản thân mình và cách anh chị em thích nghi với kế hoạch vĩ đại của Thượng Đế. Tôi hứa với anh chị em như thế. …

    “… Không có điều gì sẽ an ủi tinh thần của anh chị em hơn trong những lúc đau đớn. Không có điều gì sẽ mở rộng các tầng trời hơn. Không có điều gì sánh được với đền thờ cả!” (“Hân Hoan trong Ân Tứ về Các Chìa Khóa của Chức Tư Tế,” Liahona, tháng Năm năm 2024, trang 121, 122).

  18. Xin xem Mô Si A 18:8–10, 13. “Giao ước báp têm là một sự làm chứng công khai với Cha Thiên Thượng về ba cam kết cụ thể: phục vụ Thượng Đế, tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, và sẵn lòng mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Những khía cạnh khác thường được liên kết với giao ước báp têm—như là chúng ta ‘mang gánh nặng lẫn cho nhau’, ‘than khóc với những ai than khóc’, và ‘an ủi những ai cần được an ủi’ [Mô Si A 18:8–9]—đều là những kết quả của việc lập giao ước, chứ không phải là một phần trong giao ước thật sự. Những khía cạnh này rất quan trọng bởi vì chúng là những điều mà một người được cải đạo sẽ thực hiện một cách tự nhiên” (Dale G. Renlund, “Stronger and Closer Connection to God through Multiple Covenants” [buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 5 tháng Ba năm 2024], speeches.byu.edu).

  19. Xin xem Russell M. Nelson, “Giao Ước Vĩnh Viễn,” Liahona, tháng Mười năm 2022, trang 4–11.

  20. Xin xem Russell M. Nelson, “Hãy Nghĩ Tới Những Điều Vĩnh Cửu của Thượng Thiên!,” Liahona, tháng Mười Một năm 2023, trang 117, 118.

  21. Ma Thi Ơ 16:25.

  22. Ê Phê Sô 3:18.

  23. Xin xem 2 Nê Phi 2:25; Russell M. Nelson, “Niềm Vui và Sự Sống Còn của Phần Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 81–84.

  24. Mô Si A 2:4.

  25. Xin xem Mô Rô Ni 7:48.