Các Con Trai và Con Gái của Thượng Đế
Chúng ta thực sự tin rằng tất cả chúng ta chính là con cái của Thượng Đế, và vì thế, chúng ta có tiềm năng để trở nên giống như Ngài.
Hôm nay, tôi muốn nói đến một trong những lẽ thật phúc âm của niềm vui, vinh quang, và quyền năng nhất mà Thượng Đế đã mặc khải. Đồng thời, trớ trêu thay, đó lại là điều mà chúng ta bị chỉ trích. Một kinh nghiệm mà tôi đã có cách đây vài năm đã giúp tôi biết ơn sâu sắc hơn đối với lẽ thật phúc âm này.
Với tư cách là người đại diện của Giáo Hội, có lần tôi được mời đến tham dự một hội nghị tôn giáo, tại đó đã có lời thông báo rằng kể từ thời điểm đó, họ sẽ công nhận tất cả các phép báp têm được thực hiện bởi hầu hết các giáo hội Ky Tô hữu khác là hợp lệ, miễn là giáo lễ được thực hiện bằng nước và trong danh của Đức Chúa Cha và của Đức Chúa Con và của Đức Thánh Linh. Sau đó, nó được giải thích rằng chính sách này không áp dụng đối với các phép báp têm do Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô thực hiện.
Sau hội nghị, tôi có cơ hội để tìm hiểu kỹ hơn về các lý do của ngoại lệ đó với vị lãnh đạo phụ trách thông báo này. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện thật tuyệt vời và sâu sắc.
Nói tóm lại, ông giải thích cho tôi biết rằng ngoại lệ đó chủ yếu liên quan đến niềm tin đặc biệt của chúng ta về Thiên Chủ Đoàn, mà các giáo phái Ky Tô hữu khác thường gọi là Chúa Ba Ngôi. Tôi bày tỏ lòng cảm kích vì ông ấy đã dành thời gian để giải thích cho tôi về niềm tin và chính sách giáo hội của ông. Vào lúc kết thúc cuộc trò chuyện, chúng tôi trao nhau cái ôm và nói lời tạm biệt.
Sau này, khi suy ngẫm về cuộc thảo luận của chúng tôi, những gì mà vị lãnh đạo này đã nói về việc Các Thánh Hữu Ngày Sau không hiểu điều mà người ấy gọi là “sự huyền bí của Chúa Ba Ngôi” luôn hiện hữu trong tâm trí tôi. Ông ấy đang đề cập đến điều gì? Vâng, nó liên quan đến sự hiểu biết của chúng ta về thiên tính của Thượng Đế. Chúng ta tin rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha “là một Đấng được tôn cao” với một “thể xác bằng xương và thịt hữu hình như loài người” đầy vinh quang; [và] luôn cả Đức Chúa Con cũng vậy.” Vì vậy, mỗi khi chúng ta nói về thiên tính của Thượng Đế, theo một cách nào đó, chúng ta cũng đang nói về bản chất của chính chúng ta.
Và điều này đúng không chỉ vì tất cả chúng ta đều được tạo ra “như hình [Ngài], và theo tượng [Ngài],” mà còn bởi vì, như tác giả Thi Thiên đã ghi lại, Thượng Đế đã phán: “Các ngươi là các thần; Hết thảy đều là con trai của Đấng Chí Cao.” Đối với chúng ta, đây là một giáo lý quý báu hiện đã được khôi phục với việc xuất hiện của Sự Phục Hồi. Tóm lại, điều đó cũng không nhiều hơn hay ít hơn so với những gì mà những người truyền giáo của chúng ta giảng dạy như là bài học đầu tiên, trong đoạn đầu tiên, ở dòng đầu tiên: “Thượng Đế là Cha Thiên Thượng của chúng ta, và chúng ta là con cái của Ngài.”
Giờ đây, anh chị em có thể nói “Nhưng nhiều người tin rằng chúng ta là con cái của Thượng Đế.” Vâng, đó là sự thật, nhưng sự hiểu biết của họ có thể hơi khác một chút so với hàm ý sâu xa hơn mà chúng ta khẳng định. Đối với các Thánh Hữu Ngày Sau, lời giảng dạy này không mang tính ẩn dụ. Đúng hơn, chúng ta thực sự tin rằng tất cả chúng ta chính là con cái của Thượng Đế. Ngài là “Cha về phần hồn [của chúng ta],” và nhờ đó, chúng ta có tiềm năng để trở nên giống như Ngài, điều mà dường như không thể tưởng tượng được đối với một số người.
Đến nay đã hơn 200 năm kể từ khi Khải Tượng Thứ Nhất mở ra cánh cửa của Sự Phục Hồi. Thời điểm đó, thiếu niên Joseph Smith đã tìm kiếm sự hướng dẫn từ thiên thượng để biết nên gia nhập giáo hội nào. Qua điều mặc khải mà ông đã nhận được ngày hôm đó, và trong những điều mặc khải sau đó được ban cho ông, Tiên Tri Joseph đã đạt được sự hiểu biết về thiên tính của Thượng Đế và mối quan hệ của chúng ta với Ngài với tư cách là con cái của Ngài.
Nhờ vào điều đó, chúng ta biết rõ hơn rằng Cha Thiên Thượng đã giảng dạy về giáo lý quý báu này ngay từ ban đầu. Cho phép tôi trích dẫn ít nhất hai câu chuyện từ thánh thư để minh họa điều này.
Anh chị em có thể nhớ những chỉ dẫn của Thượng Đế dành cho Môi Se như được ghi trong Trân Châu Vô Giá.
Chúng ta đọc được rằng: “Thượng Đế phán cùng Môi Se rằng: Này, ta là Đức Chúa Trời Toàn Năng, và Bất Tận là danh ta.” Nói cách khác, Môi Se, ta muốn ngươi biết ta là ai. Rồi Ngài nói thêm, “Và này, ngươi là con trai của ta.” Về sau Ngài nói thêm, “Và ta có một công việc cho ngươi, hỡi Môi Se, con trai của ta, và ngươi được tạo ra giống như Con Độc Sinh của ta.” Và rồi cuối cùng, Ngài kết thúc với câu: “Và giờ đây, này, hỡi Môi Se, con trai của ta, ta cho ngươi thấy điều này.
Dường như Thượng Đế đã quyết tâm dạy cho Môi Se ít nhất một bài học: “Ngươi là con của ta,” mà Ngài đã lặp lại ít nhất ba lần. Ngài thậm chí không thể nhắc đến tên của Môi Se mà không ngay lập tức nói thêm rằng ông là con trai của Ngài.
Tuy nhiên, sau khi Môi Se bị bỏ lại một mình, ông cảm thấy yếu kém vì ông không còn ở nơi hiện diện của Thượng Đế nữa. Đó là lúc Sa Tan đến cám dỗ ông. Anh chị em có thể thấy một khuôn mẫu ở đây không? Điều đầu tiên mà hắn đã nói rằng: “Hỡi Môi Se, con của người, hãy thờ phượng ta.”
Trong văn cảnh này, lời yêu cầu của Sa Tan là hãy thờ phượng hắn có thể chỉ là một sự sao lãng. Một cám dỗ rất lớn đối với Môi Se trong giây phút yếu kém đó là trở nên hoang mang và tin rằng ông chỉ là “con của người” chứ không phải là con của Thượng Đế.
“Và chuyện rằng Môi Se nhìn Sa Tan và nói rằng: Ngươi là ai? Vì này, ta là con trai của Thượng Đế, được tạo ra giống như Con Độc Sinh của Ngài.” May thay, Môi Se đã không bối rối và không để cho mình bị sao lãng. Ông đã học được bài học về việc mình là ai.
Câu chuyện tiếp theo được tìm thấy trong Ma Thi Ơ 4. Các học giả đã đặt tên cho câu chuyện này là “ba cám dỗ đối với Chúa Giê Su” như thể Chúa chỉ bị cám dỗ ba lần, tất nhiên sự thật không phải như vậy.
Hàng trăm lít mực đã được sử dụng chỉ để giải thích ý nghĩa và nội dung của những cám dỗ này. Như chúng ta đã biết, chương này bắt đầu bằng việc giải thích rằng Chúa Giê Su đã đi vào sa mạc, và khi “Ngài đã kiêng ăn bốn mươi ngày bốn mươi đêm rồi, sau thì đói.”
Sự cám dỗ đầu tiên của Sa Tan dường như chỉ liên quan đến việc thỏa mãn các nhu cầu thuộc thể của Chúa. Hắn thách thức Đấng Cứu Rỗi rằng: “Hãy khiến đá nầy trở nên bánh đi.”
Cám dỗ thứ hai có thể liên quan đến việc khích động Thượng Đế: “Hãy gieo mình xuống đi; vì có lời chép rằng: Chúa sẽ truyền các thiên sứ gìn giữ ngươi.”
Cuối cùng, sự cám dỗ thứ ba của Sa Tan ám chỉ đến khát vọng và vinh quang của thế gian. Sau khi Chúa Giê Su được cho thấy “các nước thế gian, … [Sa Tan] nói rằng: Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy, thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy.”
Thực ra, sự cám dỗ tột bậc của Sa Tan có thể ít liên quan đến ba điều khích động cụ thể đó, mà liên quan nhiều hơn đến việc hắn cám dỗ Chúa Giê Su Ky Tô để nghi ngờ thiên tính của Ngài. Ít nhất hai lần, sự xúi giục này đến sau lời buộc tội đầy thách thức từ Sa Tan: “Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời”—nếu anh chị em thực sự tin điều đó, thì hãy làm điều này hoặc điều kia.
Xin hãy lưu ý đến điều đã xảy ra ngay trước khi Chúa Giê Su đi vào sa mạc để nhịn ăn và cầu nguyện: chúng ta tìm thấy câu chuyện về việc Đấng Ky Tô chịu phép báp têm. Và khi Ngài bước ra khỏi mặt nước, tức thì “có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.”
Chúng ta có thấy sự liên kết không? Chúng ta có thể nhận ra một khuôn mẫu nào ở đây không?
Không có gì ngạc nhiên khi mỗi lần chúng ta được giảng dạy về thiên tính và số mệnh thiêng liêng của mình, kẻ nghịch thù của mọi sự ngay chính sẽ cám dỗ chúng ta để nghi ngờ về điều đó.
Các quyết định của chúng ta sẽ khác biệt biết bao nếu chúng ta thực sự biết mình là ai.
Chúng ta sống trong một thế giới đầy thử thách, một thế giới ngày càng xáo động, nơi mà những người đáng kính cố gắng nhấn mạnh đến phẩm chất con người của chúng ta dù là ít nhất, trong khi chúng ta thuộc về một giáo hội và chấp nhận một phúc âm mà mở rộng tầm nhìn của chúng ta và mời gọi chúng ta trở nên giống như Thượng Đế.
Lệnh truyền của Chúa Giê Su phải trở nên “trọn vẹn như Cha [của chúng ta] ở trên trời là trọn vẹn” là một sự phản ánh rõ ràng những kỳ vọng cao của Ngài và khả năng vĩnh cửu của chúng ta. Giờ đây, không có điều nào trong số những điều này có thể xảy ra trong một sớm một chiều. Theo lời của Chủ Tịch Jeffrey R. Holland, điều đó sẽ xảy ra vào lúc “cuối cùng.” Nhưng lời hứa là nếu chúng ta “đến cùng Đấng Ky Tô,” thì chúng ta sẽ “được toàn thiện trong Ngài.” Điều đó đòi hỏi rất nhiều công việc—không phải là một công việc bất kỳ, mà là một công việc thiêng liêng. Công việc của Ngài!
Giờ đây, tin vui là chính Cha Thiên Thượng của chúng ta đã phán: “Đây là công việc của ta và sự vinh quang của ta—là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.”
Lời mời của Chủ Tịch Russell M. Nelson hãy “nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên” ngụ ý một lời nhắc nhở tuyệt vời về thiên tính, nguồn gốc, và mức độ vinh quang mà chúng ta có thể đạt được. Chúng ta có thể đến được thượng thiên chỉ qua sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô.
Có lẽ đó là lý do tại sao Sa Tan đã xúi giục Chúa Giê Su bằng chính cùng một cám dỗ từ lúc bắt đầu cho đến lúc cuối giáo vụ trên trần thế của Ngài. Ma Thi Ơ ghi lại rằng khi Chúa Giê Su bị treo trên thập tự giá, những kẻ “đi ngang qua đó chê cười Ngài, … nói rằng, … Nếu ngươi là Con Đức Chúa Trời, hãy xuống khỏi cây thập tự.” Vinh quang thay Thượng Đế vì Ngài đã không nghe theo mà thay vào đó đã mang lại cách thức để chúng ta nhận được tất cả các phước lành thượng thiên.
Chúng ta hãy luôn ghi nhớ, một cái giá tột cùng đã được trả cho hạnh phúc của chúng ta.
Tôi xin làm chứng, như Sứ Đồ Phao Lô đã làm chứng rằng “Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời: Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự; kẻ kế tự Đức Chúa Trời, và là kẻ đồng kế tự với Đấng Ky Tô; miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài.” Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.