Giới Trẻ với Quyền Thừa Kế Cao Quý
Thượng Đế tin cậy các em, con cái của giao ước, để phụ giúp Ngài trong việc mang tất cả con cái của Ngài trở về nhà an toàn bên Ngài.
Thưa Anh Cả Stevenson, đây là một đại hội không thể quên được.
Gia đình chúng tôi luôn thích đọc một quyển sách nhỏ có tựa đề Những Lá Thư của Trẻ Em Gửi Cho Thượng Đế. Đây là một vài ví dụ:
“Thưa Thượng Đế, thay vì để cho người ta chết đi và tạo ra những người mới, tại sao Ngài không giữ lại những người Ngài đang có bây giờ?”
“Làm sao mà Ngài chỉ có mười điều luật, trong khi trường của chúng con có tới hàng triệu quy định?”
“Tại sao Ngài tạo ra chúng con có cục amidan để rồi chúng con lại phải lấy nó ra?”
Hôm nay chúng ta không có thời gian để trả lời tất cả những câu hỏi này, nhưng tôi muốn nói về một câu hỏi khác mà tôi thường được nghe từ những người trẻ tuổi. Dù là từ thủ đô Ulaanbaatar ở Mông Cổ, hay từ thành phố Thomas ở tiểu bang Idaho, thì câu hỏi các em đặt ra vẫn giống nhau: “Tại sao? Tại sao Các Thánh Hữu Ngày Sau phải sống quá khác biệt với những người khác?”
Tôi biết việc khác biệt thật sự rất khó, nhất là khi các em còn trẻ và cực kỳ muốn người khác thích mình. Ai cũng muốn được hòa nhập, và mong muốn đó bị thổi phồng lên một cách phù phiếm trong thế giới kỹ thuật số đầy rẫy những phương tiện truyền thông xã hội và nạn bắt nạt lan tràn trên mạng ngày nay.
Vậy thì, với tất cả những áp lực đó, tại sao Các Thánh Hữu Ngày Sau vẫn sống quá khác biệt? Có rất nhiều câu trả lời hay: Bởi vì các em là con cái của Thượng Đế. Bởi vì các em được sinh ra đặc biệt cho những ngày sau cùng. Bởi vì các em là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.
Nhưng những câu trả lời này không phải lúc nào cũng biệt riêng các em với thế gian. Tất cả mọi người đều là con cái của Thượng Đế. Tất cả mọi người đang có mặt trên thế gian bây giờ đều được gửi xuống đây trong những ngày sau. Tuy nhiên, không phải ai cũng nỗ lực sống theo Lời Thông Sáng hay luật trinh khiết giống như các em. Nhiều môn đồ dũng cảm của Đấng Ky Tô không phải là tín hữu của Giáo Hội này. Nhưng họ không đi phục vụ truyền giáo và thực hiện các giáo lễ trong những ngôi nhà của Chúa thay cho tổ tiên như các em. Và thật sự còn nhiều điều khác biệt nữa.
Hôm nay, tôi muốn tập trung vào một lý do nữa rất có ý nghĩa trong cuộc sống của tôi. Vào năm 1988, Vị Sứ Đồ trẻ tuổi có tên Russell M. Nelson đã có một bài nói chuyện ở trường Brigham Young University mang tựa đề “Nhờ Có Giao Ước.” Lúc đó, Anh Cả Nelson đã giải thích rằng khi chúng ta sử dụng quyền tự quyết về mặt đạo đức của mình để lập và tuân giữ các giao ước với Thượng Đế, chúng ta trở thành những người thừa kế theo giao ước vĩnh cửu mà Thượng Đế đã lập với các tổ phụ của chúng ta trong mỗi gian kỳ. Nói cách khác, chúng ta trở thành “con cái của giao ước.” Điều đó biệt riêng chúng ta. Điều đó giúp chúng ta tiếp cận được các phước lành giống với những gì mà các tổ phụ và tổ mẫu đã nhận được, kể cả một quyền thừa kế.
Vâng, quyền thừa kế! Các em có lẽ đã nghe từ này rồi. Chúng ta thậm chí còn có bài thánh ca về nó: “Ôi giới trẻ với quyền thừa kế cao quý, hãy tiếp tục tiến bước lên phía trước!” Đó là một từ nghe rất hấp dẫn. Nhưng nó có ý nghĩa gì?
Trong thời Cựu Ước, nếu người cha qua đời, thì người con trai có quyền thừa kế, còn gọi là quyền trưởng nam, sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc cho mẹ và các chị em gái của mình. Các em trai của người này sau khi nhận phần thừa kế của mình sẽ đi ra thế giới để chứng tỏ bản thân, nhưng người có quyền trưởng nam thì không đi đâu cả. Người ấy sẽ kết hôn, lập gia đình, nhưng vẫn ở lại cho đến hết đời để quản lý tài sản của cha mình. Bởi vì phải gánh vác thêm trách nhiệm này, nên người này được chia phần thừa kế nhiều hơn. Việc phải đứng đầu và chăm sóc cho gia đình có phải là một sự đòi hỏi quá mức không? Không đâu, nếu các em tính đến phần thừa kế mà người ấy được nhận thêm.
Hôm nay, chúng ta không nói đến việc các em là con trưởng hay con thứ trong gia đình trần thế, cũng không bàn đến các vai trò theo giới tính trong thời Cựu Ước. Chúng ta nói về quyền thừa kế mà các em nhận được với tư cách là người đồng kế tự với Đấng Ky Tô nhờ mối quan hệ giao ước mà các em đã chọn để thiết lập với Ngài và Cha Thiên Thượng của các em. Việc Thượng Đế kỳ vọng các em sống khác với những con cái khác của Ngài để các em có thể hướng dẫn và phục vụ họ tốt hơn, có phải là quá mức không? Không đâu, nếu các em tính đến các phước lành, cả về mặt thế tục lẫn thuộc linh, mà các em được ban cho.
Quyền thừa kế của các em có nghĩa là các em tốt hơn những người khác phải không? Không đâu, nhưng nó có nghĩa là các em được kỳ vọng giúp đỡ những người khác trở nên tốt hơn. Quyền thừa kế của các em có nghĩa là các em là những người được chọn phải không? Đúng vậy, nhưng không phải được chọn để thống trị người khác; mà các em được chọn để phục vụ họ. Quyền thừa kế của các em là bằng chứng về tình thương yêu của Thượng Đế phải không? Đúng vậy, nhưng quan trọng hơn hết, nó là bằng chứng về sự tin cậy của Ngài.
Việc được yêu thương và việc được tin cậy là hai điều hoàn toàn khác nhau. Trong sách hướng dẫn Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ, chúng ta đọc được rằng: “Cha Thiên Thượng tin cậy nơi em. Ngài đã ban cho em những phước lành to lớn, bao gồm phúc âm trọn vẹn và các giáo lễ và giao ước thiêng liêng mà sẽ ràng buộc em với Ngài và mang quyền năng của Ngài vào trong cuộc sống của em. Đi cùng với những phước lành này là trách nhiệm bổ sung. Ngài biết em có thể tạo ra sự khác biệt trong thế gian, và điều đó trong nhiều trường hợp đòi hỏi em phải khác biệt so với thế gian.”
Kinh nghiệm trần thế của chúng ta có thể được ví như một chiếc du thuyền nơi Thượng Đế gửi gắm tất cả các con cái của Ngài khi họ hành trình từ bờ biển này sang bờ biển khác. Chuyến đi này ngập tràn các cơ hội để học hỏi, khôn lớn, hạnh phúc, và tiến triển, nhưng nó cũng có đầy hiểm nguy. Thượng Đế yêu thương hết thảy con cái của Ngài, và quan tâm đến sự an lạc của họ. Ngài không muốn mất đi bất kỳ ai, vì thế, Ngài mời gọi những người sẵn lòng trở thành những thành viên trong thủy thủ đoàn của Ngài—chính là các em đó. Bởi vì các em đã chọn để lập và tuân giữ các giao ước, nên Ngài mới tin cậy các em. Ngài tin cậy các em sẽ khác biệt, đặc biệt, và được biệt riêng bởi vì công việc quan trọng mà Ngài tin cậy để giao cho các em làm.
Hãy suy nghĩ về điều đó! Thượng Đế tin cậy các em giữa bao người đang sống trên thế gian, các em là con cái của giao ước, thủy thủ đoàn của Ngài, để phụ giúp Ngài trong việc mang tất cả con cái của Ngài trở về nhà an toàn bên Ngài. Không có gì lạ khi Chủ Tịch Brigham Young đã nói: “Tất cả các thiên thần trên trời đều đang dõi theo số người ít ỏi này.”
Khi nhìn quanh chiếc du thuyền mang tên trái đất, có lẽ các em sẽ thấy những người khác đang nằm dài trên ghế mà uống rượu, đánh bạc trong sòng bài, ăn mặc hở hang, lướt điện thoại không ngừng nghỉ, và phí phạm quá nhiều thời gian chỉ để chơi trò chơi điện tử. Nhưng thay vì thắc mắc “Tại sao tôi không thể làm điều đó?”, các em có thể ghi nhớ rằng mình không phải là một hành khách bình thường. Các em là một thành viên trong thủy thủ đoàn. Các em có những trách nhiệm mà các hành khách không có. Như Chị Ardeth Kapp từng nói: “Các em không thể là một người cứu hộ nếu các em trông giống như những người đang bơi lội trên bãi biển.”
Và trước khi các em cảm thấy chán nản vì các nghĩa vụ phải gánh vác thêm này, xin nhớ rằng thủy thủ đoàn nhận được điều mà các hành khách khác không có: sự bù đắp. Anh Cả Neil L. Andersen nói rằng “Người ngay chính được bù đắp bằng một quyền năng thuộc linh,” gồm có “sự đảm bảo mạnh mẽ hơn, sự xác nhận rõ ràng hơn, và sự tin tưởng vững chắc hơn.” Giống như Áp Ra Ham thời xưa, các em nhận được nhiều hạnh phúc và bình an hơn, có thêm sự ngay chính và sự hiểu biết hơn. Các em được bù đắp không chỉ bằng một căn nhà trên trời với các con đường lát vàng. Rất dễ dàng để Cha Thiên Thượng ban cho các em mọi điều Ngài có. Nhưng ước muốn của Ngài là giúp các em trở nên hoàn toàn giống như Ngài. Do đó, những cam kết của các em đòi hỏi nhiều hơn ở các em bởi vì đó là cách Thượng Đế khai phá tiềm năng của các em.
“Với một người bình thường, đó là một sự đòi hỏi quá nhiều, nhưng các em không phải vậy!” Các em là giới trẻ với quyền thừa kế cao quý. Mối quan hệ giao ước của các em với Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô là một mối quan hệ đầy yêu thương, tin cậy cho phép các em tiếp cận ân điển dồi dào của hai Ngài: sự hỗ trợ thiêng liêng, sức mạnh được ban cho từ trên cao, và quyền năng làm cho có khả năng từ hai Ngài. Quyền năng đó không phải là một sự mong cầu viển vông, một lá bùa may mắn, hoặc sự tự kỷ ám thị. Quyền năng đó có thật.
Khi làm tròn trách nhiệm theo quyền thừa kế của mình, các em sẽ không bao giờ đơn độc. Chúa vườn đang lao nhọc cùng các em. Các em đang chung tay làm việc cùng Chúa Giê Su Ky Tô. Với mỗi giao ước mới, và khi mối quan hệ giữa các em và Ngài trở nên sâu sắc hơn, các em sẽ càng gắn bó chặt chẽ với Ngài cho đến khi hiệp thành một với Ngài. Trong biểu tượng thiêng liêng đó về ân điển của Ngài, các em sẽ tìm thấy cả ước muốn lẫn sức mạnh để sống đúng theo cách Đấng Cứu Rỗi đã sống, một cách khác biệt với thế gian. Các em sẽ làm được như vậy vì Chúa Giê Su Ky Tô đang hỗ trợ các em!
Trong 2 Nê Phi 2:6 chúng ta đọc rằng: “Vậy nên, sự cứu chuộc sẽ đến trong và qua Đấng Mê Si Thánh; vì Ngài đầy ân điển và lẽ thật.” Bởi vì Ngài đầy lẽ thật, nên Ngài nhìn thấy con người chân thật của các em, với những thiếu sót, yếu kém, hối tiếc, và tất cả những điều khác. Bởi vì Ngài đầy ân điển, nên Ngài nhìn ra con người mà các em thật sự có thể trở thành. Ngài đến với các em ở hiện tại và giúp các em hối cải và cải thiện, vượt qua bản thân mình và đạt đến tiềm năng của mình.
“Ôi giới trẻ với quyền thừa kế cao quý, hãy tiếp tục tiến bước lên phía trước!” Tôi làm chứng rằng các em được yêu thương, và các em được tin cậy hôm nay, trong 20 năm tới, và mãi mãi. Đừng bán quyền thừa kế của các em để đổi lấy một chén canh phạn đậu. Đừng đổi điều quý giá để lấy sự hư không. Đừng để thế gian thay đổi các em trong khi các em được sinh ra để thay đổi thế gian. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.