Hãy Hết Lòng Tìm Kiếm Ngài
Nếu Chúa Giê Su Ky Tô đã tìm kiếm những khoảng thời gian yên tĩnh để giao tiếp với Thượng Đế và được Ngài củng cố, thì chúng ta cũng nên khôn ngoan làm giống như vậy.
Vài năm trước, vợ chồng tôi có dịp phục vụ với vai trò là những người lãnh đạo truyền giáo tại Tokyo, Nhật Bản. Trong một lần Chủ Tịch-khi đó là Anh Cả Russell M. Nelson đến thăm phái bộ truyền giáo của chúng tôi, một trong những người truyền giáo đã hỏi ông cách trả lời tốt nhất khi ai đó nói rằng họ quá bận rộn để lắng nghe sứ điệp. Không chút do dự, Anh Cả Nelson nói: “Tôi sẽ hỏi xem họ có quá bận rộn để ăn trưa vào ngày hôm đó không và sau đó dạy họ rằng họ có cả thân thể lẫn linh hồn, và cũng như việc thân thể sẽ chết nếu không được nuôi dưỡng, linh hồn cũng sẽ lụi tàn nếu không được nuôi dưỡng bằng lời của Thượng Đế.”
Điều thú vị là từ “bận rộn” trong tiếng Nhật, isogashii, được cấu thành từ một chữ với hai phần (忙). Phần bên trái mang nghĩa là “trái tim” hoặc “thuộc linh,” và phần bên phải mang nghĩa là “chết”—gợi ý rằng, như Chủ Tịch Nelson đã giảng dạy, việc quá bận rộn mà không nuôi dưỡng phần thuộc linh của mình có thể dẫn đến cái chết về mặt thuộc linh.
Chúa biết rất rõ rằng—trong thế giới hối hả, đầy rẫy những cám dỗ và hỗn loạn này—việc dành thời gian chất lượng cho Ngài sẽ là một trong những thử thách lớn nhất của thời kỳ chúng ta. Qua lời của tiên tri Ê Sai, Ngài đã ban những lời khuyên răn và cảnh báo, mà chúng ta có thể ví như gian kỳ đầy sóng gió mà chúng ta đang trải qua:
“Các ngươi sẽ được rỗi, là tại trở lại và yên nghỉ; các ngươi sẽ được sức mạnh, là tại yên lặng và trông cậy. Nhưng các ngươi đã không muốn thế.
“Các ngươi nói rằng: Không; chúng tôi sẽ cỡi ngựa chạy trốn! Ừ phải, các ngươi sẽ phải chạy trốn. Chúng tôi cỡi ngựa chạy mau! Ừ phải, những kẻ đuổi theo các ngươi cũng sẽ chạy mau”
Nói cách khác, mặc dù sự cứu rỗi của chúng ta phụ thuộc vào việc thường xuyên trở về bên Ngài và tạm gác lại những lo toan của thế gian, nhưng chúng ta lại không làm vậy. Và dù sự vững tin của chúng ta sẽ đến từ sức mạnh được nuôi dưỡng trong những khoảnh khắc tĩnh lặng, khi ngồi bên Chúa, suy ngẫm và chiêm nghiệm, chúng ta vẫn không làm như vậy. Tại sao chúng ta lại không làm? Bởi lẽ chúng ta thường nói rằng, “Không, chúng ta còn bận bịu với những thứ khác”—như thể đang vội vã phi ngựa mà chạy trốn vậy. Do đó, chúng ta sẽ ngày càng rời xa Thượng Đế; chúng ta sẽ khăng khăng lao nhanh hơn và nhanh hơn nữa; và khi càng chạy nhanh, thì Sa Tan sẽ càng đuổi theo chúng ta một cách hung hãn hơn.
Có lẽ đây là lý do tại sao Chủ Tịch Nelson đã nhiều lần khẩn nài chúng ta dành thời gian cho Chúa trong cuộc sống của mình—“mỗi ngày và hằng ngày.” Vị tiên nhi nhắc nhở chúng ta rằng “thời gian yên tĩnh là thời gian thiêng liêng—thời gian mà sẽ tạo điều kiện cho sự mặc khải cá nhân và truyền dẫn sự bình an.” Tuy nhiên, để nghe được tiếng nói êm dịu của Chúa, ông đã khuyên nhủ rằng “anh chị em cũng phải tĩnh lặng.”
Tuy nhiên, sự tĩnh lặng không chỉ đơn thuần là dành thời gian cho Chúa—nó đòi hỏi chúng ta buông bỏ những suy nghĩ hoài nghi và lo sợ, tập trung trọn vẹn tâm trí và tấm lòng mình vào Ngài. Anh Cả David A. Bednar đã dạy: “Lời khuyên ‘hãy yên tâm’ của Chúa đòi hỏi nhiều hơn là chỉ đơn thuần không nói chuyện hoặc không di chuyển.” Anh Cả dạy rằng: Hãy yên tâm “có thể là một cách để nhắc nhở chúng ta không ngừng tập trung vào Đấng Cứu Rỗi.”
Yên tâm là một hành động của đức tin và đòi hỏi nỗ lực. Lectures on Faith có ghi: “Khi con người hành động bằng đức tin, họ hành động bằng sức mạnh tinh thần.” Chủ Tịch Nelson đã tuyên bố rằng: “Sự tập trung của chúng ta cần phải được dựa vào Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài. Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực tinh thần để cố gắng hướng về Ngài trong mọi ý nghĩ. Nhưng khi làm như vậy, những nỗi nghi ngờ và sợ hãi của chúng ta biến mất.” Khi nói về nhu cầu tập trung tâm trí này, Chủ Tịch David O. McKay từng nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta chú ý quá ít đến giá trị của việc suy ngẫm, một nguyên tắc của sự tận tâm. … Sự suy ngẫm là một trong những … cánh cửa thiêng liêng nhất mà qua đó chúng ta vào được nơi hiện diện của Chúa”
Có một từ trong tiếng Nhật là mui, mà theo tôi, nắm bắt trọn vẹn tinh thần đức tin và ý nghĩa sâu xa của việc tĩnh lặng. Từ này gồm hai ký tự (無為). Ký tự bên trái mang nghĩa “hư vô” hoặc “trống rỗng,” còn ký tự bên phải có nghĩa là “làm.” Cả hai kết hợp lại mang ý nghĩa là “không làm.” Nếu hiểu theo nghĩa đen, từ này có thể bị hiểu sai là “không làm gì cả,” giống như cách mà cụm từ “tĩnh lặng” có thể bị diễn giải nhầm là “không nói hoặc không di chuyển.” Tuy nhiên, cũng như “tĩnh lặng,” từ này mang một ý nghĩa cao quý hơn; đối với tôi, đó là một lời nhắc nhở hãy chậm lại và sống với sự nhận thức thuộc linh sâu sắc hơn.
Trong khi phục vụ trong Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng Bắc Á với Anh Cả Takashi Wada, tôi biết được rằng vợ anh, Chị Naomi Wada, là một nghệ nhân thư pháp Nhật Bản xuất sắc. Tôi đã xin chị Wada viết cho tôi hai ký tự tiếng Nhật của từ mui. Tôi muốn treo bức thư pháp ấy lên tường để luôn được nhắc nhở về việc tĩnh lặng và tập trung vào Đấng Cứu Rỗi. Tôi khá bất ngờ khi chị ấy không sẵn lòng đồng ý với lời đề nghị tưởng chừng như đơn giản này.
Ngày hôm sau, biết rằng có lẽ tôi đã hiểu nhầm sự do dự của chị, Anh Cả Wada giải thích rằng việc viết hai ký tự đó đòi hỏi một nỗ lực vô cùng lớn. Chị Wada cần phải suy ngẫm về khái niệm và ý nghĩa của các ký tự ấy cho đến khi hiểu sâu sắc trong tâm hồn, và từ đó mới có thể diễn tả những cảm nhận chân thành ấy qua từng nét bút. Tôi cảm thấy hổ thẹn vì đã quá hời hợt khi yêu cầu chị ấy làm một việc đòi hỏi sự tận tụy như vậy. Tôi đã nhờ Anh Cả Wada chuyển lời xin lỗi đến Chị Wada về sự thiếu hiểu biết của mình và cho chị biết rằng tôi đã rút lại yêu cầu.
Anh chị em có thể tưởng tượng được sự ngạc nhiên và lòng biết ơn của tôi khi tôi rời Nhật Bản, Chị Wada, mặc dù tôi không yêu cầu, đã tặng cho tôi một tác phẩm thư pháp đẹp mắt, với hai ký tự Nhật Bản của từ mui. Tác phẩm tuyệt đẹp ấy giờ đây được treo trang trọng trên tường phòng làm việc của tôi, nhắc nhở tôi hãy yên tâm và tìm kiếm Chúa mỗi ngày với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí và sức mạnh của mình. Chị Wada đã nắm bắt được, trong hành động vô vị kỷ này, ý nghĩa của từ mui, hay sự tĩnh lặng, một cách sâu sắc hơn bất kỳ lời nào có thể diễn đạt. Thay vì vẽ các ký tự một cách vô thức và theo thói quen, chị ấy đã thực hiện tác phẩm nghệ thuật thư pháp của mình bằng tất cả tấm lòng và chủ ý thực sự.
Tương tự như vậy, Thượng Đế mong muốn chúng ta cũng dành thời gian bên Ngài với tấm lòng tận tâm chân thành như vậy. Khi làm như vậy, sự thờ phượng của chúng ta trở thành một biểu hiện của tình yêu thương dành cho Ngài.
Ngài khao khát chúng ta giao tiếp với Ngài. Trong một dịp nọ, sau khi cầu nguyện mở đầu trong một buổi họp với Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, Chủ Tịch Nelson đã quay sang tôi và nói: “Trong lúc anh đang cầu nguyện, tôi đã nghĩ rằng Thượng Đế hẳn phải trân trọng biết bao khi chúng ta dành thời gian từ những lịch trình bận rộn của mình để cảm tạ Ngài.” Đó là một lời nhắc nhở đơn giản nhưng mạnh mẽ rằng việc chúng ta dừng lại để giao tiếp với Cha Thiên Thượng có ý nghĩa biết bao đối với Ngài.
Mặc dù Ngài khao khát sự chú ý của chúng ta, Ngài sẽ không ép buộc chúng ta phải đến với Ngài. Chúa phục sinh đã phán với dân Nê Phi rằng: “Đã biết bao lần ta muốn quy tụ các ngươi lại như gà mái túc con mình, mà các ngươi đâu có khứng.” Sau đó, ngài đưa ra lời mời đầy hy vọng mà cũng áp dụng cho chúng ta ngày nay: “Hỡi các ngươi, gia tộc Y Sơ Ra Ên đã được ta dung tha, biết bao lần ta muốn quy tụ các ngươi lại như gà mái túc con mình ấp trong cánh, nếu các ngươi chịu hối cải và trở về cùng ta một cách hết lòng.”
Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mang đến cho chúng ta cơ hội để thường xuyên trở về bên Ngài. Những cơ hội này bao gồm cầu nguyện hằng ngày, học tập thánh thư, giáo lễ tiệc thánh, ngày Sa Bát và thờ phượng trong đền thờ. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta gạch những cơ hội thiêng liêng này khỏi danh sách việc cần làm và chuyển chúng sang danh sách “việc cần làm một cách chú tâm”—nghĩa là tiếp cận chúng với sự chú ý và tập trung giống như cách Chị Wada đã thực hiện tác phẩm thư pháp của mình?
Có thể anh chị em đang nghĩ: “Tôi không có thời gian cho việc đó.” Tôi cũng thường cảm thấy như vậy. Nhưng tôi xin được gợi ý rằng điều cần thiết không phải là nhiều thời gian hơn, mà là sự nhận thức và tập trung nhiều hơn vào Thượng Đế trong những khoảng thời gian mà chúng ta đã dành cho Ngài.
Chẳng hạn, khi cầu nguyện, nếu chúng ta dành ít thời gian để nói và nhiều thời gian hơn chỉ để ở bên Thượng Đế; và khi nói thì chúng ta bày tỏ những cảm xúc biết ơn và tình yêu thương một cách sâu sắc và cụ thể hơn thì sẽ ra sao?
Chủ Tịch Nelson đã khuyên bảo rằng chúng ta không chỉ đọc thánh thư mà còn phải nghiền ngẫm chúng nữa. Liệu sẽ có sự khác biệt nào nếu chúng ta đọc ít hơn và nghiền ngẫm nhiều hơn?
Sẽ thế nào nếu chúng ta nỗ lực nhiều hơn để chuẩn bị tâm trí cho việc tham dự Tiệc Thánh và vui vẻ suy ngẫm về các phước lành của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô trong giáo lễ thiêng liêng này?
Vào ngày Sa Bát, trong tiếng Do Thái có nghĩa là “nghỉ ngơi”, nếu chúng ta nghỉ ngơi khỏi những lo toan khác và dành thời gian ngồi tĩnh lặng với Chúa để tỏ lòng tận tâm với Ngài thì sao?
Trong khi thờ phượng ở đền thờ, nếu chúng ta cố gắng có kỷ luật hơn để chú ý hoặc nán lại lâu hơn một chút trong căn phòng thiên thượng để suy ngẫm một cách tĩnh lặng thì sao?
Khi chúng ta ít tập trung vào việc làm mà tập trung nhiều hơn vào việc củng cố mối liên kết giao ước với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, tôi làm chứng rằng mỗi khoảnh khắc thiêng liêng này sẽ trở nên phong phú hơn và chúng ta sẽ nhận được sự hướng dẫn cần thiết trong cuộc sống cá nhân của mình. Chúng ta, như Ma Thê trong câu chuyện ở sách Lu Ca, thường “lo lắng và bận tâm về nhiều điều.” Tuy nhiên, khi chúng ta giao tiếp với Chúa mỗi ngày, Ngài sẽ giúp chúng ta biết điều gì là cần thiết nhất.
Ngay cả Đấng Cứu Rỗi cũng dành thời gian trong giáo vụ của Ngài để tĩnh lặng. Thánh thư chứa đựng hàng loạt những ví dụ về việc Chúa lui đến những nơi vắng vẻ—một ngọn núi, nơi hoang dã, một chốn sa mạc hoặc đi “một đoạn xa”—để cầu nguyện lên Đức Chúa Cha. Nếu Chúa Giê Su Ky Tô đã tìm kiếm những khoảng thời gian yên tĩnh để giao tiếp với Thượng Đế và được Ngài củng cố, thì chúng ta cũng nên khôn ngoan làm giống như vậy.
Khi chúng ta tập trung tâm trí và tấm lòng vào Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, cũng như lắng nghe tiếng nói nhỏ nhẹ của Đức Thánh Linh, chúng ta sẽ hiểu được rõ ràng hơn về điều gì là cần thiết nhất, phát triển lòng trắc ẩn sâu sắc hơn và tìm thấy sự yên nghỉ và sức mạnh nơi Ngài. Nghịch lý thay, việc giúp Thượng Đế thúc đẩy công việc cứu rỗi và tôn cao của Ngài có thể đòi hỏi chúng ta phải chậm lại. Việc bận rộn quá mức có thể làm gia tăng sự hỗn loạn trong cuộc sống của chúng ta và tước đi sự bình an mà chúng ta tìm kiếm.
Tôi làm chứng rằng khi chúng ta hết lòng thường xuyên trở về bên Chúa với mục đích trọn vẹn, thì trong sự yên lặng và trông cậy chúng ta sẽ biết Ngài và cảm nhận tình yêu thương giao ước vô hạn của Ngài dành cho chúng ta.
Chúa đã hứa:
“Hãy lại gần ta, rồi ta sẽ đến gần các ngươi; hãy tận tụy tìm kiếm ta, rồi các ngươi sẽ tìm thấy ta.”
“Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng.”
Tôi làm chứng rằng lời hứa này là có thực. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.