Liahona
Người Giao Tiếp với Đức Giê Hô Va
Tháng Mười Một năm 2024


11:8

Người Giao Tiếp với Đức Giê Hô Va

Joseph Smith “được quyền mở gian kỳ sau chót này,” và chúng ta được ban phước rằng ông đã làm như vậy.

Mục đích của tôi ngày hôm nay và mãi về sau là làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, rằng Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng Sáng Tạo và Đấng Cứu Rỗi của thế gian, Đấng Giải Cứu và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Vì “các nguyên tắc cơ bản của tôn giáo chúng ta là chứng ngôn của Các Sứ Đồ và Các Vị Tiên Tri về Chúa Giê Su Ky Tô,” nên hôm nay tôi chia sẻ với anh chị em sự hiểu biết và chứng ngôn của tôi về Đấng Cứu Rỗi như nó đã được củng cố và gia tăng bởi cuộc đời và những lời giảng dạy của một vị sứ đồ và tiên tri chủ chốt.

Khởi Đầu của Sự Thông Sáng

Vào buổi sáng của một ngày đẹp trời trong xanh vào đầu mùa xuân năm 1820, Joseph Smith, 14 tuổi, đã bước vào một khu rừng gần nhà của gia đình mình để cầu nguyện về tội lỗi của mình và cầu vấn xem nên gia nhập giáo hội nào. Lời cầu nguyện chân thành của cậu, được dâng lên với đức tin vững chắc, đã nhận được sự chú ý của những thế lực vĩ đại nhất trong vũ trụ, bao gồm Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Và cả quỷ dữ nữa. Mỗi thế lực này đều quan tâm sâu sắc đến lời cầu nguyện đó và đến cậu thiếu niên đó.

Sự kiện mà bây giờ chúng ta gọi là Khải Tượng Thứ Nhất đánh dấu sự khởi đầu của Sự Phục Hồi vạn vật trong gian kỳ cuối cùng này. Nhưng đối với Joseph, kinh nghiệm này cũng mang tính chất cá nhân và chuẩn bị. Tất cả những gì cậu muốn là sự tha thứ và chỉ dẫn. Chúa đã ban cho cậu cả hai. Chỉ thị “không được gia nhập [giáo hội] nào cả” mang tính chỉ dẫn. Những lời “Tội lỗi ngươi đã được tha” mang tính cứu chuộc.

Trong số tất cả những lẽ thật tuyệt vời mà chúng ta có thể học được từ Khải Tượng Thứ Nhất đó, có lẽ điều chính yếu mà Joseph rút ra được chỉ đơn giản là, “Tôi nhận thấy chứng ngôn của Gia Cơ là đúng—rằng một người thiếu sự khôn ngoan có thể cầu xin Thượng Đế, và sẽ được ban cho.”

Như một học giả đã nhận xét: “Sự cộng hưởng thực sự của Khải Tượng Thứ Nhất ngày nay là việc biết rằng bản chất của Thượng Đế là ban cho những người thiếu khôn ngoan. … Thượng Đế, Đấng đã hiện đến với Joseph Smith trong khu rừng thiêng liêng, là một Thượng Đế luôn đáp lời các thanh thiếu niên trong những lúc khó khăn.”

Kinh nghiệm của Joseph trong khu rừng đã cho ông sự tin tưởng để cầu xin sự tha thứchỉ dẫn trong suốt quãng đời còn lại của ông. Kinh nghiệm của ông cũng đã cho tôi sự tin tưởng để cầu xin sự tha thứ và chỉ dẫn trong suốt quãng đời còn lại của mình.

Thường Xuyên Hối Cải

Vào ngày 21 tháng Chín năm 1823, Joseph tha thiết cầu nguyện để được tha thứ, tin tưởng rằng nhờ vào trải nghiệm của ông trong khu rừng ba năm trước đó, thiên thượng sẽ đáp ứng một lần nữa. Và điều đó đã xảy ra. Chúa đã gửi một thiên sứ, Mô Rô Ni, đến để chỉ dạy cho Joseph và cho ông biết về một biên sử cổ xưa mà sau này ông sẽ phiên dịch nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế—Sách Mặc Môn.

Gần 13 năm sau đó, Joseph và Oliver Cowdery đã quỳ gối cầu nguyện thầm lặng, nghiêm trang trong Đền Thờ Kirtland vừa mới được làm lễ cung hiến. Chúng ta không biết họ đã cầu nguyện điều gì, nhưng những lời cầu nguyện của họ có thể bao gồm một lời cầu xin sự tha thứ, vì khi họ đứng dậy, Đấng Cứu Rỗi đã hiện đến và phán: “Này, các ngươi được tha tội; các ngươi được thanh sạch trước mặt ta.”

Trong những năm tháng sau trải nghiệm này, Joseph và Oliver lại lầm lỗi nữa. Và lại lần nữa. Nhưng vào lúc đó, cho chính lúc đó, để đáp lại lời cầu xin của họ và để chuẩn bị cho sự phục hồi vinh quang của các chìa khóa chức tư tế mà sắp xảy ra, Chúa Giê Su đã khiến họ trở nên vô tội.

Cuộc sống thường xuyên hối cải của Joseph mang đến cho tôi sự tin tưởng để “vững lòng đến gần ngôi ơn phước, [để tôi có thể] được thương xót.” Tôi đã biết được rằng Chúa Giê Su Ky Tô thật sự là “đấng luôn tha thứ.” Giáo vụ của Ngài và bản chất của Ngài là không lên án. Ngài đến để giải cứu.

Cầu vấn Chúa

Là một phần của “sự phục hồi vạn vật” được hứa, Chúa, qua Joseph Smith, đã cho ra đời Sách Mặc Môn và những điều mặc khải khác chứa đựng phúc âm trọn vẹn của Ngài. Các lẽ thật quan trọng đã được làm sáng tỏ và trọn vẹn khi Joseph liên tục cầu vấn Chúa để được chỉ dẫn. Hãy cân nhắc những điều sau đây:

  1. Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con đều có thể xác “hữu hình như loài người”.

  2. Chúa Giê Su không chỉ nhận lấy tội lỗi của chúng ta mà còn nhận lấy bệnh tật, nỗi đau khổ và những sự yếu đuối của chúng ta.

  3. Sự Chuộc Tội của Ngài quá đau đớn đến nỗi khiến Ngài phải chảy máu từ mọi lỗ chân lông.

  4. Chúng ta được cứu bởi ân điển của Ngài “sau tất cả những gì chúng ta có thể làm.”

  5. Có những điều kiện cho lòng thương xót của Đấng Ky Tô.

  6. Khi chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô, Ngài không những sẽ tha thứ tội lỗi của chúng ta mà còn thay đổi bản chất của chúng ta, để “chúng ta không còn ý định làm điều tà ác nữa.”

  7. Đấng Ky Tô luôn truyền lệnh cho dân Ngài xây cất đền thờ, nơi Ngài biểu hiện cho họ thấy Ngài và ban cho họ quyền năng từ trên cao.

Tôi làm chứng rằng những điều này là đúng thật và cần thiết. Chúng chỉ tượng trưng cho một phần nhỏ sự trọn vẹn mà đã được Chúa Giê Su Ky Tô phục hồi qua Joseph Smith để đáp ứng những lời khẩn cầu xin được chỉ dẫn thường xuyên của Joseph.

Đẩy Mạnh Vương Quốc Này

Vào năm 1842, Joseph đã viết về những điều kỳ diệu sẽ xảy ra trong gian kỳ cuối cùng này. Ông đã tuyên bố rằng trong thời kỳ của chúng ta, “Chức Tư Tế của thiên thượng sẽ kết hợp với chức tư tế trên thế gian, để mang đến các mục đích lớn lao đó; và trong khi chúng ta đoàn kết như vậy trong cùng chung một chính nghĩa, để đẩy mạnh vương quốc của Thượng Đế, thì Chức Tư Tế của thiên thượng không phải đứng bất động bên ngoài.”

Joseph đã nói với người bạn Benjamin Johnson của mình: “Benjamin à, [nếu tôi chết đi] tôi sẽ không ở xa anh, và nếu ở bên kia bức màn che, tôi vẫn [sẽ] làm việc với anh, cùng với sức mạnh được gia tăng rất nhiều, để đẩy mạnh vương quốc này.”

Vào ngày 27 tháng Sáu năm 1844, Joseph Smith và anh trai ông là Hyrum đã bị sát hại. Thi thể của Joseph đã được an nghỉ, nhưng chứng ngôn của ông vẫn tiếp tục vang vọng khắp thế giới và trong tâm hồn tôi:

“Tôi đã trông thấy một khải tượng; và tôi biết điều đó, và tôi biết là Thượng Đế biết như vậy, và tôi không thể phủ nhận được.”

“Tôi chưa bao giờ nói với các anh chị em là tôi toàn hảo; nhưng không có lỗi lầm nào trong những điều mặc khải mà tôi đã giảng dạy.”

“Các nguyên tắc cơ bản của tôn giáo chúng ta là chứng ngôn của các Vị Sứ Đồ và Tiên Tri, về Chúa Giê Su Ky Tô, rằng Ngài đã chết, được chôn cất, và sống lại vào ngày thứ ba, rồi thăng lên trời; và tất cả những điều khác có liên quan đến tôn giáo của chúng ta chỉ là phần phụ thuộc cho chứng ngôn đó thôi.”

Những gì đã được nói về Giăng Báp Tít cũng có thể được nói về Joseph Smith: “Có một người Thượng Đế sai đến, tên là [Joseph]. … Chính người chẳng phải là Sự Sáng, song người phải làm chứng về Sự Sáng,” “hầu cho bởi người ai nấy đều tin.”

Tôi tin. Tôi tin và chắc chắn rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống. Tôi làm chứng rằng Thượng Đế hằng sống là Đức Chúa Cha nhân từ của chúng ta. Tôi biết điều này vì tiếng nói của Chúa đã nói với tôi điều đó, cũng như tiếng nói của các tôi tớ của Ngài, các sứ đồ và các vị tiên tri, kể cả và bắt đầu từ Joseph Smith.

Tôi làm chứng rằng Joseph Smith đã và vẫn là vị tiên tri của Thượng Đế, một nhân chứng và tôi tớ của Chúa Giê Su Ky Tô. Ông “được quyền mở gian kỳ sau chót này,” và chúng ta được ban phước rằng ông đã làm như vậy.

Chúa truyền lệnh cho Oliver và tất cả chúng ta “Hãy trung thành sát cánh với tôi tớ Joseph của ta.” Tôi làm chứng rằng Chúa sát cánh bên tôi tớ Joseph của Ngài và Sự Phục Hồi đã được thực hiện thông qua ông.

Joseph Smith bây giờ là một phần của chức tư tế thiên thượng mà ông đã nói đến. Như ông đã hứa với người bạn của mình, ông không ở xa chúng ta, và ở phía bên kia bức màn che, ông vẫn đang làm việc với chúng ta, và cùng với sức mạnh đã được gia tăng rất nhiều, để đẩy mạnh vương quốc này. Với niềm hân hoan và lòng biết ơn, tôi cất tiếng “ca ngợi người đã giao tiếp với Đức Giê Hô Va.” Và trên hết, hãy ca ngợi Đức Giê Hô Va đã giao tiếp với người đó! Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.