Tìm Kiếm Những Câu Trả Lời cho Các Câu Hỏi Thuộc Linh
Những câu hỏi chân thành của chúng ta về phúc âm có thể dâng lên Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô những cơ hội để giúp chúng ta tăng trưởng.
Tôi biết điều này có thể gây ngạc nhiên, nhưng tôi nhớ là vào thời của tôi, trường học dạy rằng có chín hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta. Một trong những hành tinh đó, Diêm Vương Tinh, được cô bé 11 tuổi Venetia Barney ở Oxford, Anh, đặt tên sau khi hành tinh này được khám phá ra vào năm 1930. Và cho đến tận năm 1992, người ta vẫn tin rằng Diêm Vương Tinh là vật thể xa nhất trong hệ mặt trời của chúng ta. Trong thời gian này, trẻ con chúng tôi thường thấy các mô hình bằng giấy bồi mô phỏng các hành tinh xung quanh Trái Đất trong các lớp học và hội chợ khoa học, mỗi mô hình minh họa Diêm Vương Tinh nằm ở vị trí quen thuộc ngoài cùng. Nhiều nhà khoa học đã tin rằng bên ngoài ranh giới đó của hệ mặt trời chỉ còn là khoảng không.
Tuy nhiên, vẫn còn có một câu hỏi dai dẳng ở trong cộng đồng khoa học liên quan đến nguồn gốc của một loại sao chổi cụ thể mà các nhà thiên văn học thường xuyên theo dõi. Và câu hỏi đó vẫn tồn tại trong nhiều thập niên trước khi người ta khám phá ra một vùng xa xôi khác trong hệ mặt trời của chúng ta. Với kiến thức hạn hẹp, các nhà khoa học đã sử dụng những thập niên giữa các sự kiện đó để tạo ra những tiến bộ công nghệ đáng kể mà cho phép nghiên cứu và khám phá thêm. Cuối cùng, họ đã có bước đột phá giúp định hình lại hệ mặt trời của chúng ta và dẫn đến việc Diêm Vương Tinh được đưa trở lại vùng không gian mới này và hệ mặt trời của chúng ta có tám hành tinh.
Một nhà khoa học hàng đầu về hành tinh và cũng là nhà nghiên cứu chính trong sứ mệnh không gian New Horizons được giao nhiệm vụ tiếp cận và khám phá Diêm Vương Tinh đã nói như sau về kinh nghiệm này: “Chúng tôi tưởng rằng mình đã hiểu được vị trí các hành tinh trong hệ mặt trời của mình. Nhưng không phải vậy. Chúng tôi tưởng rằng mình đã hiểu được số lượng các hành tinh trong hệ mặt trời của mình. Và chúng tôi đã sai.”
Điều nổi bật đối với tôi về giai đoạn lịch sử thám hiểm không gian này là một số điểm tương đồng và những điểm khác biệt then chốt khi so sánh giữa việc theo đuổi công cuộc khám phá chân trời khoa học với cuộc hành trình mà chúng ta, với tư cách là con cái của Thượng Đế, thực hiện để tìm kiếm những câu trả lời cho các câu hỏi thuộc linh của mình. Cụ thể là cách chúng ta có thể phản ứng với những giới hạn trong sự hiểu biết thuộc linh của mình và tự chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của sự tăng trưởng cá nhân—và nơi chúng ta có thể tìm đến để được giúp đỡ.
Từng Hàng Chữ Một
Việc đặt câu hỏi và tìm kiếm ý nghĩa là một phần tự nhiên và bình thường trong kinh nghiệm trần thế của chúng ta. Đôi khi, việc không dễ dàng có được những câu trả lời trọn vẹn có thể đưa chúng ta đến giới hạn của sự hiểu biết, và những giới hạn đó có thể khiến chúng ta cảm thấy bực bội hoặc không chịu đựng nổi. Kỳ diệu thay, kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng dành cho tất cả chúng ta là nhằm giúp chúng ta tiến triển bất chấp những giới hạn của mình và hoàn thành điều chúng ta không thể tự mình hoàn thành, ngay cả khi không có một sự hiểu biết trọn vẹn về mọi sự việc. Kế hoạch của Thượng Đế đầy thương xót đối với những giới hạn của loài người chúng ta; ban cho chúng ta Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, để làm Đấng Chăn Hiền Lành của chúng ta; và soi dẫn chúng ta sử dụng quyền tự quyết để chọn Ngài.
Anh Cả Dieter F. Uchtdorf đã dạy rằng “việc đặt câu hỏi không phải là dấu hiệu của sự yếu kém,” mà đúng ra là “giai đoạn mở đầu cho sự tăng trưởng.” Khi nói thẳng về nỗ lực cá nhân của chúng ta với tư cách là những người tìm kiếm lẽ thật, vị tiên tri của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, đã dạy rằng chúng ta cần phải có “một ước muốn mãnh liệt” và “cầu vấn với một tấm lòng chân thành [và] với chủ ý thật sự cùng có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.” Ông còn dạy thêm rằng “‘chủ ý thật sự’ có nghĩa là một người thực sự có ý định tuân theo sự chỉ dẫn thiêng liêng đã được ban cho.”
Nỗ lực cá nhân của chúng ta để lớn lên trong sự khôn ngoan có thể dẫn chúng ta đến việc xem xét các câu hỏi của mình, dù phức tạp hay không, bằng cách xem xét nguyên nhân và kết quả, tìm kiếm và nhận ra các mẫu mực, rồi viết ra những lời giải thích để hình thành sự hiểu biết của chúng ta và lấp đầy những khoảng trống kiến thức mà chúng ta nhận thấy trong sự hiểu biết. Tuy nhiên, khi chúng ta cân nhắc việc theo đuổi sự hiểu biết thuộc linh, thì những tiến trình tỉ mỉ, kỹ lưỡng này đôi khi có thể hữu ích, nhưng tự chúng có thể không trọn vẹn khi chúng ta tìm cách nhận thức những điều liên quan đến Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, phúc âm của hai Ngài, Giáo Hội của hai Ngài và kế hoạch của hai Ngài dành cho tất cả chúng ta.
Cách Đức Chúa Cha và Con Trai của Ngài truyền đạt sự thông sáng của hai Ngài cho chúng ta là ưu tiên mời quyền năng của Đức Thánh Linh trở thành người thầy riêng của chúng ta, khi chúng ta tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô trong cuộc sống của mình và trong việc thành tín tìm kiếm các câu trả lời và ý nghĩa của hai Ngài. Hai Ngài mời gọi chúng ta khám phá lẽ thật qua thời gian tận tụy dành cho việc nghiên cứu thánh thư và tìm kiếm lẽ thật được mặc khải cho ngày sau trong thời kỳ và thời gian của chúng ta, được truyền đạt bởi các vị tiên tri và sứ đồ hiện nay. Hai Ngài tha thiết yêu cầu chúng ta phải dành thời gian thờ phượng thường xuyên trong nhà của Chúa và quỳ xuống cầu nguyện “để tiếp cận sự truyền đạt từ thiên thượng.” Lời hứa của Chúa Giê Su với những người có mặt để nghe Bài Giảng trên Núi của Ngài cũng đúng trong thời kỳ của chúng ta như trong thời gian giáo vụ trên trần thế của Ngài: “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho.” Đấng Cứu Rỗi bảo đảm rằng “Cha các ngươi ở trên trời ban các vật tốt cho những người xin Ngài.”
Cách thức giảng dạy của Chúa là “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một.” Chúng ta có thể cần phải “trông đợi Chúa” trong khoảng cách giữa mức hiểu biết hiện tại của chúng ta và mức hiểu biết kế tiếp mà chưa được truyền đạt. Khoảng cách thiêng liêng này có thể là nơi mà tiến trình huấn luyện thuộc linh quan trọng nhất của chúng ta có thể diễn ra—khi mà chúng ta có thể “kiên nhẫn chịu đựng” tha thiết tìm kiếm và hồi phục lại sức mạnh của mình để tiếp tục giữ những lời hứa thiêng liêng mà chúng ta đã lập với Thượng Đế qua giao ước.
Mối quan hệ giao ước của chúng ta với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô là dấu hiệu về việc chúng ta trú ngụ trong vương quốc của Thượng Đế. Và nơi trú ngụ của chúng ta trong đó đòi hỏi phải điều chỉnh cuộc sống của mình theo các nguyên tắc thiêng liêng và nỗ lực để tăng trưởng phần thuộc linh.
Sự Vâng Lời
Một nguyên tắc chính được giảng dạy trong suốt Sách Mặc Môn là khi con cái của Thượng Đế chọn thể hiện sự vâng lời và tuân giữ các giao ước của họ thì họ sẽ nhận được sự hướng dẫn và chỉ dẫn liên tục về phần thuộc linh. Chúa đã phán bảo chúng ta rằng qua sự vâng lời và siêng năng của mình, chúng ta có thể đạt được sự hiểu biết và trí thông minh. Luật pháp và giáo lệnh của Thượng Đế không nhằm trở thành một chướng ngại vật trong cuộc sống của chúng ta mà là cánh cổng mạnh mẽ dẫn đến sự mặc khải cá nhân và giảng dạy thuộc linh. Chủ Tịch Nelson đã dạy lẽ thật quan trọng rằng “sự mặc khải từ Thượng Đế luôn phù hợp với luật pháp vĩnh cửu của Ngài” và hơn nữa “không bao giờ mâu thuẫn với giáo lý của Ngài.” Việc anh chị em sẵn lòng tuân theo các lệnh truyền của Thượng Đế, mặc dù không hiểu biết trọn vẹn về các lý do của Ngài, đặt anh chị em vào hàng ngũ các vị tiên tri của Ngài. Sách Môi Se 5 dạy chúng ta về một sự giao tiếp đặc biệt giữa A Đam và một thiên sứ của Chúa.
Thánh thư chép rằng sau khi Chúa ban cho A Đam và Ê Va “những lệnh truyền là họ phải thờ phượng Chúa, Thượng Đế của họ và phải hiến dâng những con vật đầu lòng trong các đàn gia súc của họ, để làm của lễ dâng cho Chúa. A Đam đã tuân theo những lệnh truyền của Chúa.” Chúng ta tiếp tục đọc rằng “sau nhiều ngày, một thiên sứ của Chúa hiện đến cùng A Đam, hỏi rằng: Tại sao ngươi dâng lễ vật hy sinh lên Chúa? Và A Đam thưa với Ngài rằng: Tôi không biết, ngoại trừ Chúa đã truyền lệnh cho tôi.”
Sự vâng lời của A Đam đi trước sự hiểu biết của ông và chuẩn bị cho ông tiếp nhận sự hiểu biết thiêng liêng rằng ông đang tham gia vào một biểu tượng thiêng liêng về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Tương tự như vậy, sự vâng lời khiêm nhường của chúng ta sẽ chuẩn bị cho việc nhận thức thiêng liêng của chúng ta về đường lối của Thượng Đế và mục đích thiêng liêng của Ngài dành cho mỗi người chúng ta. Việc cố gắng gia tăng khả năng vâng lời của mình sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, vì sự tuân theo các luật pháp và lệnh truyền của Ngài thực sự thiết lập sự kết nối với Ngài.
Ngoài ra, lòng trung thành của chúng ta đối với sự hiểu biết và khôn ngoan mà chúng ta đã đạt được qua việc thành tín tuân thủ các nguyên tắc phúc âm và các giao ước thiêng liêng là sự chuẩn bị quan trọng để chúng ta sẵn sàng tiếp nhận và trở thành người quản lý những truyền đ̣ạt từ Đức Thánh Linh.
Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô là nguồn gốc của mọi lẽ thật và chia sẻ sự thông sáng của hai Ngài một cách rộng rãi. Ngoài ra, việc hiểu rằng bất cứ sự hiểu biết cá nhân nào của chúng ta đều phụ thuộc vào Thượng Đế có thể giúp chúng ta biết phải tìm tới ai và đặt sự tin cậy chính của mình nơi đâu.
Sự Tin Cậy Sâu Xa
Câu chuyện trong Kinh Cựu Ước về Na A Man, quan tổng binh được tiên tri Ê Li Sê chữa lành bệnh phung, là một câu chuyện tôi đặc biệt yêu thích. Câu chuyện minh họa cách mà đức tin vững mạnh của một “cô hầu gái nhỏ” đã thay đổi cuộc đời của một người đàn ông và, đối với tất cả những người tin, đã tiết lộ mức độ thương xót của Thượng Đế đối với những ai đặt sự tin cậy của họ nơi Ngài và vị tiên tri của Ngài. Mặc dù không tên tuổi nhưng cô gái nhỏ này cũng đã giúp gia tăng sự hiểu biết của chúng ta. Và niềm tin của Na A Man vào lời chứng của cô gái ấy đã soi dẫn cho ông để cầu xin được chữa lành bởi người tôi tớ được chọn của Thượng Đế.
Lúc đầu, phản ứng của Na A Man trước lời chỉ dẫn của tiên tri Ê Li Sê về việc tắm ở sông Giô Đanh là hoài nghi và phẫn nộ. Nhưng lời mời gọi ông nên tuân theo lời khuyên bảo của vị tiên tri đã mở đường cho sự chữa lành và sự hiểu biết đầy ấn tượng của ông rằng Thượng Đế là có thật.
Chúng ta có thể thấy rằng một số lời cầu xin thiêng liêng của chúng ta có những câu trả lời khá dễ hiểu và có thể không tạo ra sự khó chịu đáng kể cho chúng ta. Hoặc, giống như Na A Man, chúng ta có thể thấy rằng những nhu cầu khác là khó khăn hơn và có thể tạo ra những cảm giác khó khăn và phức tạp trong chúng ta. Hoặc, tương tự như phần mô tả lời kết luận ban đầu của các nhà thiên văn học về hệ mặt trời của chúng ta, trong tiến trình tìm kiếm lẽ thật thiêng liêng, chúng ta có thể đưa ra những cách giải thích kém chính xác hơn nếu chỉ dựa vào sự hiểu biết giới hạn của riêng mình, một hậu quả đáng buồn và không mong muốn mà có thể dẫn chúng ta rời xa con đường giao ước. Hơn nữa, một số câu hỏi có thể vẫn còn đó cho đến khi Thượng Đế, là Đấng “có đủ mọi quyền năng” và “mọi sự thông sáng và mọi sự hiểu biết,” là Đấng “thông suốt tất cả mọi điều” trong sự thương xót của Ngài, ban cho sự soi sáng qua niềm tin của chúng ta vào danh Ngài.
Một lời cảnh báo quan trọng từ câu chuyện về Na A Man là việc không tuân theo luật pháp và lệnh truyền của Thượng Đế có thể kéo dài hoặc trì hoãn sự tăng trưởng của chúng ta. Chúng ta được phước khi có Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Thầy Chữa Lành của mình. Sự vâng phục của chúng ta đối với luật pháp và lệnh truyền của Thượng Đế có thể mở đường cho Đấng Cứu Rỗi của chúng ta ban cho sự hiểu biết và sự chữa lành mà Ngài biết chúng ta cần, theo kế hoạch điều trị mà Ngài đã định cho chúng ta.
Anh Cả Richard G. Scott đã dạy rằng ″cuộc sống này là một kinh nghiệm về sự tin cậy sâu xa—tin cậy nơi Chúa Giê Su Ky Tô, tin cậy nơi những lời giảng dạy của Ngài, tin cậy nơi khả năng của chúng ta như đã được Đức Thánh Linh hướng dẫn để tuân theo những lời giảng dạy đó về hạnh phúc bây giờ và về một cuộc sống có mục đích, vô cùng vui sướng và vĩnh cửu. Tin cậy có nghĩa là sẵn lòng tuân theo mà không biết sự cuối cùng từ lúc ban đầu (xin xem Châm Ngôn 3:5–7). Để có được kết quả, sự tin cậy của anh chị em nơi Chúa phải được mạnh mẽ và lâu dài hơn sự tin tưởng của anh chị em nơi những cảm nghĩ và kinh nghiệm riêng của mình.”
Anh Cả Scott nói tiếp: “Thực hành đức tin là tin cậy rằng Chúa biết Ngài đang làm gì với anh chị em và Ngài có thể hoàn thành điều đó vì lợi ích vĩnh cửu của anh chị em mặc dù anh chị em không thể hiểu được cách Ngài có thể làm điều đó.”
Chứng Ngôn Kết Thúc
Các bạn thân mến, tôi làm chứng rằng những câu hỏi chân thành về phúc âm của chúng ta có thể dâng lên Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô những cơ hội để giúp chúng ta tăng trưởng. Nỗ lực cá nhân của tôi để tìm kiếm những câu trả lời từ Chúa cho các câu hỏi thuộc linh của riêng tôi—quá khứ và hiện tại—đã cho phép tôi sử dụng khoảng cách giữa sự hiểu biết của tôi và của Thượng Đế để thực hành sự vâng lời Ngài và lòng trung thành với sự hiểu biết thiêng liêng mà tôi hiện đang có.
Tôi làm chứng rằng việc đặt sự tin cậy của anh chị em nơi Cha Thiên Thượng và nơi các vị tiên tri của Ngài là những vị mà Ngài đã gửi đến sẽ giúp anh chị em tăng trưởng phần thuộc linh và thúc đẩy anh chị em tiến đến chân trời rộng mở của Thượng Đế. Góc nhìn của anh chị em sẽ thay đổi vì anh chị em sẽ thay đổi. Thượng Đế biết rằng càng ở nơi cao thì anh chị em càng có thể nhìn xa hơn. Đấng Cứu Rỗi của chúng ta mời gọi anh chị em hướng tới nơi cao đó. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.