Liahona
Nuôi Dưỡng Gốc Rễ thì Nhánh Cây Sẽ Mọc
Tháng Mười Một năm 2024


14:32

Nuôi Dưỡng Gốc Rễ thì Nhánh Cây Sẽ Mọc

Các nhánh chứng ngôn của anh chị em sẽ lấy sức mạnh từ đức tin ngày càng gia tăng của anh chị em nơi Cha Thiên Thượng và Con Trai Yêu Dấu của Ngài.

Một Ngôi Giáo Đường Cũ ở Zwickau

Năm 2024 là một năm quan trọng đối với tôi. Năm này đánh dấu 75 năm kể từ khi tôi chịu phép báp têm và được xác nhận là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô ở Zwickau, Đức.

Tư cách tín hữu của tôi trong Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô rất quý giá đối với tôi. Được làm dân giao ước của Thượng Đế, cùng với các anh chị em của tôi, là một trong những vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi.

Khi nghĩ về hành trình làm môn đồ của cá nhân mình, tâm trí tôi thường quay trở lại một biệt thự cũ ở Zwickau, nơi tôi đã trân trọng những kỷ niệm thuở bé khi tham dự các buổi lễ Tiệc Thánh của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là nơi mà hạt giống chứng ngôn của tôi đã được nuôi dưỡng sớm nhất.

Ngôi giáo đường này có một cây đàn ống cũ điều khiển bằng hơi. Mỗi Chủ Nhật, một thiếu niên được chỉ định nâng lên và đẩy xuống cái đòn bẩy rất cứng để điều khiển các ống hơi cho cây đàn ống. Đôi khi tôi có được đặc ân trong việc phụ giúp công việc quan trọng này.

Trong khi giáo đoàn hát các bài thánh ca ưa thích của chúng tôi thì tôi lấy hết sức để bơm cho cây đàn ống không mất hết hơi gió. Từ ghế điều khiển ống thổi, tôi nhìn được rất rõ một số ô cửa sổ kính màu tuyệt đẹp, một ô cửa sổ vẽ Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô và một ô cửa sổ khác vẽ Joseph Smith trong Khu Rừng Thiêng Liêng.

Tôi còn có thể nhớ cảm giác thiêng liêng của mình khi nhìn vào những ô cửa sổ đó tràn ngập ánh nắng mặt trời trong khi lắng nghe các Thánh Hữu chia sẻ chứng ngôn và hát các bài thánh ca của Si Ôn.

Ở nơi thiêng liêng đó, Thánh Linh của Thượng Đế đã làm chứng với tâm trí tôi rằng phúc âm là chân chính: Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của thế gian. Đây là Giáo Hội của Ngài. Tiên Tri Joseph Smith đã nhìn thấy Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô cũng như nghe tiếng của hai Ngài.

Đầu năm nay, trong khi đang công tác ở Châu Âu, tôi đã có cơ hội trở lại Zwickau. Buồn thay, ngôi giáo đường cũ thân yêu đó giờ không còn nữa. Nó đã bị phá bỏ cách đây nhiều năm để nhường chỗ cho một tòa nhà chung cư lớn.

Điều Gì Là Vĩnh Cửu và Điều Gì Là Không?

Tôi thừa nhận rằng thật là buồn khi biết rằng tòa nhà thân yêu này trong thời thơ ấu của tôi giờ chỉ còn là kỷ niệm. Đó là một tòa nhà thiêng liêng đối với tôi. Nhưng đó cũng chỉ là một tòa nhà mà thôi.

Ngược lại, chứng ngôn thiêng liêng mà tôi nhận được từ Đức Thánh Linh cách đây nhiều năm vẫn còn. Thật ra, chứng ngôn đó đã trở nên mạnh mẽ hơn. Những điều tôi học được khi còn trẻ về các nguyên tắc cơ bản của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã trở thành nền tảng vững chắc trong suốt cuộc đời của tôi. Sự kết nối giao ước mà tôi đã tạo dựng với Cha Thiên Thượng và Con Trai Yêu Dấu của Ngài vẫn còn ở với tôi—rất lâu sau khi ngôi giáo đường Zwickau bị phá bỏ và các ô cửa sổ kính màu bị mất.

Chúa Giê Su phán: “Trời đất sẽ qua, nhưng lời ta nói chẳng bao giờ qua đi.”

“Dầu núi dời, dầu đồi chuyển, nhưng lòng nhơn từ ta đối với ngươi chẳng dời khỏi ngươi, lời giao ước bình an của ta chẳng chuyển, Đức Giê Hô Va phán vậy.”

Một trong những điều quan trọng nhất chúng ta có thể học được trong cuộc sống này là sự khác biệt giữa điều gì là vĩnh cửu và điều gì là không. Một khi chúng ta hiểu được điều đó, thì mọi thứ đều thay đổi—các mối quan hệ của chúng ta, những lựa chọn chúng ta đưa ra, cách chúng ta đối xử với mọi người.

Việc biết được điều gì là vĩnh cửu và điều gì là không chính là bí quyết để phát triển chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô và Giáo Hội của Ngài.

Đừng Nhầm Lẫn Nhánh Cây với Gốc Rễ

Phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, như Tiên Tri Joseph Smith đã dạy, “bao gồm tất cả, và mọi lẽ thật.” Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi lẽ thật đều có giá trị như nhau. Một số lẽ thật là cốt lõi, thiết yếu, là gốc rễ của đức tin chúng ta. Những lẽ thật khác là phần phụ hoặc nhánh cây—có giá trị, nhưng chỉ khi nào chúng được kết nối với nền tảng.

Tiên Tri Joseph Smith cũng nói: “Các nguyên tắc cơ bản của tôn giáo chúng ta là chứng ngôn của Các Sứ Đồ và Các Vị Tiên Tri về Chúa Giê Su Ky Tô rằng Ngài đã chết, được chôn cất, và sống lại vào ngày thứ ba, và thăng lên trời; và tất cả những điều khác liên quan đến tôn giáo của chúng ta chỉ là phần phụ vào chứng ngôn đó mà thôi.”

Nói cách khác, Chúa Giê Su Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội của Ngài là gốc rễ chứng ngôn của chúng ta. Tất cả những điều khác đều là nhánh cây.

Điều này không phải nói nhánh cây là không quan trọng. Một cái cây cần có nhánh. Nhưng như Đấng Cứu Rỗi đã phán với các môn đồ của Ngài: “Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được.” Nếu không có sự kết nối với Đấng Cứu Rỗi, với nguồn dinh dưỡng được tìm thấy trong gốc rễ, thì nhánh cây sẽ héo và chết.

Khi nói đến việc nuôi dưỡng chứng ngôn của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô, tôi tự hỏi liệu đôi khi chúng ta có nhầm lẫn giữa nhánh cây với gốc rễ không. Đây là điều sai lầm mà Chúa Giê Su đã nhận thấy nơi những người Pha Ri Si vào thời của Ngài. Họ quá chú ý đến những chi tiết tương đối nhỏ của luật pháp đến nỗi cuối cùng họ đã sao lãng điều mà Đấng Cứu Rỗi gọi là “những điều hệ trọng hơn hết”—các nguyên tắc cơ bản như “sự công bình, thương xót và trung tín.”

Nếu muốn nuôi dưỡng một cái cây, thì anh chị em không tưới nước vào nhánh. Anh chị em tưới nước cho rễ. Tương tự như vậy, nếu anh chị em muốn các nhánh chứng ngôn của mình phát triển và kết trái, thì hãy nuôi dưỡng gốc rễ. Nếu anh chị em còn ngờ vực về một giáo lý, lối thực hành hoặc yếu tố cụ thể nào đó của lịch sử Giáo Hội, thì hãy tìm kiếm sự rõ ràng bằng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy cố gắng hiểu sự hy sinh của Ngài dành cho anh chị em, tình yêu thương của Ngài dành cho anh chị em, ý muốn của Ngài dành cho anh chị em. Hãy noi theo Ngài trong sự khiêm nhường. Các nhánh chứng ngôn của anh chị em sẽ lấy sức mạnh từ đức tin ngày càng gia tăng của anh chị em nơi Cha Thiên Thượng và Con Trai Yêu Dấu của Ngài.

Ví dụ, nếu anh chị em muốn có một chứng ngôn vững mạnh hơn về Sách Mặc Môn, thì hãy tập trung vào lời chứng của sách này về Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy lưu ý cách mà Sách Mặc Môn làm chứng về Ngài, những gì mà sách này dạy về Ngài và cách mà sách này mời gọi và soi dẫn cho anh chị em đến cùng Ngài.

Nếu anh chị em đang tìm kiếm một kinh nghiệm có ý nghĩa hơn trong các buổi họp của Giáo Hội hoặc trong đền thờ, thì hãy thử tìm kiếm Đấng Cứu Rỗi trong các giáo lễ thiêng liêng mà chúng ta nhận được ở đó. Tìm kiếm Chúa trong ngôi nhà thánh của Ngài.

Nếu anh chị em cảm thấy mệt mỏi hoặc choáng ngợp trước chức vụ kêu gọi của mình trong Giáo Hội, thì hãy thử tập trung sự phục vụ của mình vào Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy biến chức vụ kêu gọi này thành sự thể hiện tình yêu mến của anh chị em dành cho Ngài.

Nuôi dưỡng gốc rễ thì nhánh cây sẽ mọc. Và cuối cùng, chúng sẽ kết trái.

Châm Rễ và Lập Nền trong Ngài

Đức tin vững mạnh nơi Chúa Giê Su Ky Tô không phải một sớm một chiều mà đến. Không phải, trên trần thế này, chính những gai nhọn và cây kế của sự ngờ vực mới ngẫu nhiên mọc lên. Cây đức tin khỏe mạnh và sai trái đòi hỏi nỗ lực có chủ đích. Và một phần thiết yếu của nỗ lực đó là chắc chắn rằng chúng ta bám rễ vững chắc vào Đấng Ky Tô.

Ví dụ: Lúc đầu, chúng ta có thể được thu hút bởi phúc âm của Đấng Cứu Rỗi và Giáo Hội vì chúng ta có ấn tượng bởi các tín hữu thân thiện hoặc bởi vị giám trợ tử tế hay bề ngoài tươm tất của ngôi giáo đường. Những hoàn cảnh này chắc chắn là rất quan trọng để phát triển Giáo Hội.

Tuy nhiên, nếu gốc rễ chứng ngôn của chúng ta không bao giờ gia tăng cao hơn thế, thì điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta chuyển đến một tiểu giáo khu nhóm họp trong một tòa nhà kém nguy nga hơn, với các tín hữu không thân thiện lắm, và vị giám trợ nói điều gì đó làm phật lòng chúng ta?

Một ví dụ khác: Dường như có hợp lý không để hy vọng rằng nếu tuân giữ các lệnh truyền và được làm lễ gắn bó trong đền thờ thì chúng ta sẽ được ban phước với một gia đình đông con, hạnh phúc, với những đứa con thông minh ngoan ngoãn, tất cả chúng đều tích cực trong Giáo Hội, phục vụ truyền giáo, hát trong ca đoàn tiểu giáo khu và tình nguyện giúp dọn dẹp nhà hội vào mỗi sáng thứ Bảy?

Tôi chắc chắn hy vọng rằng tất cả chúng ta sẽ thấy điều này trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng nếu điều này không xảy ra thì sao? Chúng ta vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với Đấng Cứu Rỗi bất kể hoàn cảnh nào đi nữa—tin cậy Ngài và kỳ định của Ngài không?

Chúng ta phải tự hỏi: Chứng ngôn của tôi có dựa trên những gì tôi hy vọng sẽ xảy ra trong cuộc sống của mình không? Liệu nó có tùy thuộc vào hành động hay thái độ của người khác không? Hoặc nó có được xây đắp vững chắc trên Chúa Giê Su Ky Tô, “châm rễ và lập nền trong Ngài,” bất kể hoàn cảnh thay đổi của cuộc sống không?

Truyền Thống, Thói Quen và Đức Tin

Sách Mặc Môn kể về một dân tộc đã “nghiêm chỉnh tuân theo các giáo lễ của Thượng Đế.” Nhưng rồi một kẻ hoài nghi tên là Cô Ri Ho đã đến, chế giễu phúc âm của Đấng Cứu Rỗi, gọi đó là “những truyền thống điên rồ” và “ngớ ngẩn của tổ phụ họ.” Cô Ri Ho đã dẫn dắt “trái tim của nhiều người đi lạc hướng, khiến họ trở nên cao ngạo trong các điều tà ác của họ.” Nhưng hắn không thể lừa dối những người khác, vì đối với họ, phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô còn quan trọng hơn cả một truyền thống.

Đức tin trở nên vững mạnh khi nó bén rễ sâu trong kinh nghiệm cá nhân, sự cam kết cá nhân với Chúa Giê Su Ky Tô, không phụ thuộc vào truyền thống của chúng ta là gì hoặc những gì người khác có thể nói hoặc làm.

Chứng ngôn của chúng ta sẽ được thử thách và trắc nghiệm. Đức tin không phải là đức tin nếu không bao giờ được thử thách. Đức tin không vững mạnh nếu không bao giờ bị chống đối. Vì vậy, đừng tuyệt vọng nếu anh chị em gặp thử thách về đức tin hoặc những thắc mắc chưa được giải đáp.

Chúng ta không nên kỳ vọng hiểu được mọi việc trước khi hành động. Đó không phải là đức tin. Như An Ma đã dạy: “Đức tin không phải là sự hiểu biết hoàn toàn về những sự việc.” Nếu đợi cho đến khi tất cả các thắc mắc của mình được giải đáp rồi mới hành động thì chúng ta sẽ giới hạn nghiêm trọng những điều tốt đẹp mà chúng ta có thể hoàn thành và chúng ta sẽ giới hạn quyền năng đức tin của mình.

Đức tin rất tuyệt vời vì nó vẫn tồn tại ngay cả khi các phước lành không đến như ước mong. Chúng ta không thể nhìn thấy tương lai, chúng ta không biết hết mọi câu trả lời, nhưng chúng ta có thể tin cậy Chúa Giê Su Ky Tô khi chúng ta tiếp tục tiến triển vì Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.

Đức tin chịu đựng những thử thách và bấp bênh của đời sống vì nó được bén rễ vững chắc nơi Đấng Ky Tô và giáo lý của Ngài. Chúa Giê Su Ky Tô cùng Cha Thiên Thượng là Đấng đã gửi Ngài đến, tạo ra một mẫu mực kiên định, hoàn toàn đáng tin cậy.

Chứng ngôn không phải là điều mà anh chị em xây đắp một lần và nó sẽ tồn tại vĩnh viễn. Nó giống như một cái cây mà anh chị em nuôi dưỡng liên tục. Việc gieo lời của Thượng Đế vào lòng anh chị em chỉ là bước đầu tiên. Một khi chứng ngôn của anh chị em bắt đầu phát triển, thì công việc thực sự bắt đầu! Đó là lúc anh chị em “nuôi dưỡng cây này một cách hết sức cẩn thận, để cho nó mọc rễ, và lớn lên, và sau này nó sẽ sinh ra trái.” Nó cần “sự chuyên tâm lớn lao” và “lòng kiên nhẫn trong việc nuôi dưỡng lời của Thượng Đế.” Nhưng những lời hứa của Chúa là chắc chắn: “Các người sẽ gặt hái được phần thưởng của đức tin, sự chuyên tâm, sự kiên nhẫn và sự nhịn nhục, trong khi chờ đợi cây ấy sinh ra trái cho mình.”

Anh chị em và các bạn thân mến, có một phần trong tôi thương nhớ ngôi giáo đường cũ ở Zwickau và những ô cửa sổ kính màu của nó. Nhưng trong 75 năm qua, Chúa Giê Su Ky Tô đã đưa dẫn tôi trên một hành trình qua cuộc sống thú vị hơn tôi từng tưởng tượng. Ngài đã an ủi tôi trong những lúc tôi đau buồn, giúp tôi nhận ra yếu điểm của tôi, chữa lành vết thương thuộc linh và nuôi dưỡng tôi trong đức tin ngày càng gia tăng của tôi.

Tôi chân thành cầu nguyện và chúc phúc rằng chúng ta sẽ liên tục nuôi dưỡng gốc rễ đức tin của mình nơi Đấng Cứu Rỗi, nơi giáo lý của Ngài và nơi Giáo Hội của Ngài. Tôi làm chứng về điều này trong thánh danh của Đấng Cứu Rỗi, Đấng Cứu Chuộc, Đức Thầy của chúng ta—trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Năm 2024 cũng đánh dấu 30 năm kể từ khi tôi được kêu gọi với tư cách là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương và 25 năm kể từ khi gia đình tôi phải dọn nhà từ Đức sang Hoa Kỳ vì sự kêu gọi đó. Và gần đúng 20 năm trước—vào ngày 2 tháng Mười năm 2004—tôi được tán trợ với tư cách là thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và là một nhân chứng đặc biệt “cho danh của Đấng Ky Tô trên khắp thế gian” (Giáo Lý và Giao Ước 107:23).

  2. Trong một số phương diện, những cảm nghĩ của tôi về tòa nhà đó giống như cảm nghĩ của dân An Ma về Dòng Suối Mặc Môn—đó là một nơi xinh đẹp đối với họ, bởi vì “[họ] đến đó để tìm hiểu về Đấng Cứu Chuộc của họ” (Mô Si A 18:30).

  3. Ma Thi Ơ 24:35; xin xem thêm Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:35.

  4. Ê Sai 54:10; xin xem thêm 3 Nê Phi 22:10.

  5. Chủ Tịch Thomas S. Monson cũng đã dạy lẽ thật này bằng những lời này: “Tôi tin rằng trong số những bài học lớn lao nhất mà chúng ta phải học trong cuộc sống ngắn ngủi này trên thế gian là các bài học mà sẽ giúp cho chúng ta phân biệt giữa điều gì là quan trọng và điều gì thì không. Tôi khẩn nài với anh chị em đừng để những điều quan trọng nhất đó bị bỏ lỡ” (“Tìm Ra Niềm Vui trong Cuộc Sống,” Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 85). Tương tự như vậy, mới gần đây khi Chủ Tịch Russell M. Nelson khuyến khích chúng ta “hãy nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên,” ông đã nói: “Cuộc sống trần thế là một lớp học cao cấp về việc học cách chọn những điều có tầm quan trọng vĩnh cửu lớn nhất” (“Hãy Nghĩ Tới Những Điều Vĩnh Cửu của Thượng Thiên!,” Liahona, tháng Mười Một năm 2023, trang 118).

  6. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (năm 2007), trang 284; xin xem thêm Teachings of Presidents of the Church: Brigham Young (năm 1997), trang 16–18.

  7. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith, trang 53.

  8. Giăng 15:4.

  9. Ma Thi Ơ 23:23, Phiên Bản Tiêu Chuẩn Được Sửa Đổi Mới.

  10. Có thú vị không khi thấy những điểm tương đồng về mặt khảo cổ giữa các nền văn hóa của người dân Châu Mỹ thời xưa với dân chúng trong Sách Mặc Môn? Có thể thú vị đấy. Có hữu ích không khi biết được từ các câu chuyện của những người ghi chép và những người khác về các chi tiết về cách Joseph Smith đã phiên dịch Sách Mặc Môn? Có hữu ích đối với một số người. Nhưng không có gì trong điều này tạo nên một chứng ngôn lâu dài rằng Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế. Vì thế, anh chị em cần phải tìm kiếm Đấng Cứu Rỗi trong Sách Mặc Môn, để nghe tiếng Ngài phán với anh chị em. Một khi điều này xảy ra, thì việc thành phố cổ Gia Ra Hem La thực sự nằm ở đâu hoặc hai viên đá U Rim và Thu Mim trông như thế nào cũng sẽ không quan trọng đối với anh chị em. Đó là những nhánh cây mà có thể được cắt tỉa khỏi cái cây của anh chị em nếu cần, nhưng cái cây thì sẽ vẫn còn.

  11. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:19–20.

  12. Xin xem Joy D. Jones, “Vì Ngài,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 50–52.

  13. Xin xem Sáng Thế Ký 3:18.

  14. Chủ Tịch Nelson đã mời tất cả chúng ta “chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của chính [chúng ta] về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Hãy nỗ lực cho chứng ngôn đó. Hãy nuôi dưỡng chứng ngôn đó để nó sẽ phát triển” (“Thắng Thế Gian và Tìm Sự Yên Nghỉ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2022, trang 97).

  15. Cô Lô Se 2:7.

  16. An Ma 30:3.

  17. Xin xem An Ma 30:12–16, 31.

  18. An Ma 30:18.

  19. Thú vị thay, những lập luận của Cô Ri Ho hoàn toàn không thuyết phục được những người dân La Man mới cải đạo, những người dân Am Môn (xin xem An Ma 30:19–20), là những người noi theo Đấng Ky Tô không phải vì truyền thống của tổ phụ họ.

    Ngược lại, Sách Mặc Môn cũng kể về một thế hệ những người trẻ tuổi đã tự rời khỏi Giáo Hội của Chúa vì “họ không tin vào truyền thống của tổ phụ họ” (xin xem Mô Si A 26:1–4). Việc thiết lập các truyền thống ngay chính là điều rất tốt cho các gia đình. Nhưng cũng quan trọng không kém là các gia đình phải hiểu rõ lý do đằng sau những truyền thống đó. Tại sao chúng ta cầu nguyện mỗi sáng và mỗi tối? Tại sao chúng ta phải học thánh thư chung với gia đình? Tại sao chúng ta tổ chức buổi họp tối gia đình hằng tuần, các sinh hoạt gia đình và các dự án phục vụ, v.v.? Nếu con cái chúng ta hiểu được cách những truyền thống này mang chúng ta đến gần Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn, thì chúng sẽ có thể tiếp tục—và cải thiện những truyền thống này—trong gia đình của chúng.

  20. An Ma 32:21. Đức tin được vững mạnh không phải vì những gì đức tin biết mà vì những gì đức tin làm.

  21. Xin xem Hê Bơ Rơ 10:23.

  22. An Ma 32:37, 41–43.