Liahona
Noi theo Đấng Ky Tô
Tháng Mười Một năm 2024


13:31

Noi theo Đấng Ky Tô

Là các tín đồ của Đấng Ky Tô, chúng ta giảng dạy và làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, Tấm Gương Mẫu Mực Toàn Hảo của chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy noi theo Ngài bằng cách từ bỏ sự tranh chấp.

Năm nay, hàng triệu người đã được soi dẫn nhờ kế hoạch học hỏi phúc âm được biết đến qua lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi “Hãy đến mà theo ta.” Noi theo Đấng Ky Tô không phải là một việc làm ngẫu nhiên hay thỉnh thoảng, mà đó là một sự cam kết không ngừng và cách sống theo để hướng dẫn chúng ta bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu. Những lời giảng dạy và tấm gương của Ngài chỉ rõ con đường cho mỗi môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Và tất cả chúng ta đều được mời để đi vào con đường này, vì Ngài mời gọi tất cả mọi người đến cùng Ngài, “dù là da đen hay da trắng, nô lệ hay tự do, nam cũng như nữ; … tất cả mọi người đều như nhau trước mặt Thượng Đế.”

I.

Bước đầu tiên trong việc noi theo Đấng Ky Tô là vâng theo điều mà Ngài đã định rõ là: “điều răn lớn hơn hết trong luật pháp”:

“Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.

“Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết.

“Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.

“Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.”

Cha và con trai đang thả diều.

Các giáo lệnh của Thượng Đế mang lại sự hướng dẫn và củng cố vững chắc trong cuộc sống của chúng ta. Kinh nghiệm của chúng ta trong cuộc sống trần thế giống như cậu bé và cha mình chơi thả diều trong một ngày lộng gió. Khi con diều bay lên cao, gió làm con diều giật mạnh sợi dây trong tay cậu bé. Do thiếu kinh nghiệm với sức mạnh của những cơn gió lớn, cậu bé đề nghị cắt sợi dây để con diều có thể bay cao hơn. Người cha sáng suốt của cậu đã khuyên cậu không nên, và giải thích rằng sợi dây là thứ giữ con diều lại, chống lại những cơn gió lớn. Nếu chúng ta tuột mất sợi dây diều, con diều sẽ không bay cao được nữa. Nó sẽ bị những cơn gió lớn này cuốn đi và chắc chắn sẽ rơi xuống trái đất.

Sợi dây thiết yếu đó tượng trưng cho các giao ước mà kết nối chúng ta với Thượng Đế, Cha Thiên Thượng của chúng ta và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Khi chúng ta tôn trọng các giao ước bằng cách tuân giữ các lệnh truyền của hai Ngài và tuân theo kế hoạch cứu chuộc của hai Ngài, thì các phước lành đã được hứa của hai Ngài sẽ cho phép chúng ta bay lên đến tầm cao của thượng thiên.

Sách Mặc Môn thường xuyên tuyên bố rằng Đấng Ky Tô là “sự sáng của thế gian.” Trong thời gian Ngài hiện đến cùng dân Nê Phi, Chúa phục sinh đã giải thích lời giảng dạy đó bằng cách phán bảo họ rằng: “ta đã làm gương cho các ngươi noi theo.” “Này, ta là sự sáng mà các ngươi sẽ đưa cao—như các ngươi đã thấy ta làm.” Ngài là tấm gương mẫu mực của chúng ta. Chúng ta học những điều Ngài đã phán và làm, bằng cách nghiên cứu thánh thư và tuân theo những lời giảng dạy của các vị tiên tri, như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã khuyến khích chúng ta làm. Trong giáo lễ Tiệc Thánh, chúng ta giao ước trong mỗi ngày Sa Bát rằng chúng ta sẽ “luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.”

II.

Trong Sách Mặc Môn, Chúa đã ban cho chúng ta những nguyên tắc cơ bản trong những điều mà Ngài gọi là “giáo lý của Đấng Ky Tô.” Đây là đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, phép báp têm, tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh, kiên trì đến cùng, và trở nên như trẻ nhỏ, có nghĩa là tin cậy Chúa và tuân phục tất cả mọi điều Ngài đòi hỏi nơi chúng ta.

Các lệnh truyền của Chúa có hai loại: loại vĩnh viễn như giáo lý của Đấng Ky Tô, và loại tạm thời. Các lệnh truyền tạm thời là những lệnh truyền cần thiết cho nhu cầu của Giáo Hội của Chúa hoặc của những người trung tín trong các hoàn cảnh tạm thời, nhưng sẽ được gác lại khi hết nhu cầu. Một ví dụ về các lệnh truyền tạm thời là những chỉ dẫn của Chúa dành cho giới lãnh đạo trong thời kỳ đầu của Giáo Hội để di chuyển Các Thánh Hữu từ New York đến Ohio, đến Missouri, đến Illinois và cuối cùng dẫn dắt cuộc di cư tiền phong đến Intermountain West. Mặc dù chỉ là tạm thời, nhưng khi còn hiệu lực thì những lệnh truyền này phải được tuân theo.

Một số lệnh truyền vĩnh viễn đã mất một thời gian đáng kể mới được tuân theo rộng rãi. Ví dụ, bài giảng được nhiều người biết đến của Chủ Tịch Lorenzo Snow về luật thập phân nhấn mạnh đến một lệnh truyền được đưa ra trước đó nhưng chưa được các tín hữu Giáo Hội tuân theo. Lệnh truyền đó cần được nhấn mạnh lại trong hoàn cảnh mà Giáo Hội và các tín hữu Giáo Hội tại thời điểm đó phải đối mặt. Những ví dụ gần đây về những điều cần thiết phải nhấn mạnh lại vì hoàn cảnh hiện tại mà Các Thánh Hữu Ngày Sau hoặc Giáo Hội đang phải đối mặt. Những điều này bao gồm bản tuyên ngôn về gia đình, do Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đưa ra cách đây một thế hệ, và lời kêu gọi gần đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson để Giáo Hội được mọi người biết đến bằng cái tên đã được mặc khải, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

III.

Một lời giảng dạy khác của Đấng Cứu Rỗi mà dường như đòi hỏi phải được nhấn mạnh lại trong hoàn cảnh ngày nay của chúng ta.

Đây là thời gian có rất nhiều lời nói gay gắt và gây tổn thương trong giao tiếp nơi công cộng và đôi khi ngay cả trong gia đình chúng ta. Những khác biệt rõ ràng về các vấn đề chính sách công thường dẫn đến những hành động thù địch—thậm chí là hận thù—trong các mối quan hệ công chúng và cá nhân. Không khí thù địch này đôi khi thậm chí còn làm tê liệt khả năng lập pháp đối với những vấn đề quan trọng mà hầu hết người dân đều nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải thực hiện một số hành động vì lợi ích công chúng.

Những tín đồ của Đấng Ky Tô nên giảng dạy và làm gì trong thời đại truyền thông độc hại này? Những lời giảng dạy và ví dụ của Ngài là gì?

Đấng Cứu Rỗi giảng dạy dân Nê Phi.

Điều quan trọng là trong số các nguyên tắc đầu tiên mà Chúa Giê Su dạy khi Ngài hiện đến cùng dân Nê Phi là tránh sự tranh chấp. Mặc dù Ngài giảng dạy điều này trong bối cảnh tranh chấp về giáo lý tôn giáo, nhưng những lý do mà Ngài đưa ra rõ ràng là áp dụng cho việc giao tiếp và các mối quan hệ trong chính trị, chính sách công, và các mối quan hệ gia đình. Chúa Giê Su đã giảng dạy:

“Kẻ nào còn tinh thần tranh chấp thì kẻ đó không thuộc về ta mà thuộc về quỷ dữ, vì quỷ dữ là cha của sự tranh chấp, nó khích động trái tim loài người để họ tức giận tranh chấp lẫn nhau.

“Này, đây không phải là giáo lý của ta, để khích động trái tim loài người tức giận, để người này chống lại với người kia, mà giáo lý của ta là những việc như vậy phải được hủy bỏ.”

Thời gian còn lại trong giáo vụ của Ngài giữa dân Nê Phi, Chúa Giê Su đã giảng dạy những lệnh truyền khác liên quan chặt chẽ đến việc Ngài nghiêm cấm sự tranh chấp. Chúng ta biết từ Thánh Thư rằng, trước đây, Ngài đã giảng dạy từng lệnh truyền này trong Bài Giảng quan trọng của Ngài trên Núi, thường bằng chính ngôn ngữ mà sau này Ngài đã dùng với dân Nê Phi. Tôi sẽ trích dẫn theo ngôn ngữ Kinh Thánh quen thuộc:

Đấng Cứu Rỗi giảng dạy ở Giê Ru Sa Lem.

“Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi.”

Đây là một trong những lệnh truyền được biết đến nhiều nhất của Đấng Ky Tô—mang tính cách mạng nhất và khó tuân theo nhất. Tuy nhiên, đó là phần cơ bản nhất trong lời mời gọi của Ngài dành cho tất cả mọi người để noi theo Ngài. Như Chủ Tịch David O. McKay đã dạy: “Không có cách thức nào tốt hơn để bày tỏ tình yêu thương đối với Thượng Đế, hơn là bày tỏ tình yêu thương vô vị kỷ đối với đồng bào.”

Các bên đối lập trong quá trình hòa giải.

Một lời giảng dạy cơ bản khác của Ngài, tấm gương mẫu mực của chúng ta là: “Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời.”

Người Giải Hòa! Các mối quan hệ cá nhân sẽ thay đổi như thế nào nếu các tín đồ của Đấng Ky Tô từ bỏ những lời nói gay gắt và gây tổn thương trong mọi cuộc giao tiếp của họ.

Trong đại hội trung ương năm ngoái, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã đưa ra cho chúng ta những thử thách sau:

“Một trong những cách dễ dàng nhất để nhận ra một tín đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô là cách người đó đối xử nhân từ với người khác. …

“… Các môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô là những người giải hòa.”

“… Một trong những cách tốt nhất chúng ta có thể tôn vinh Đấng Cứu Rỗi là trở thành người giải hòa.”

Kết thúc lời giảng dạy của ông: “Tranh chấp là một sự lựa chọn. Giải hòa cũng là một sự lựa chọn. Anh chị em có quyền tự quyết để chọn tranh chấp hay giải hòa. Tôi khuyên nhủ anh chị em nên chọn làm người giải hòa, bây giờ và mãi mãi.”

Các bên có nguy cơ đối lập với nhau nên bắt đầu các cuộc thảo luận bằng cách xác định nền tảng chung mà tất cả đều đồng ý.

Để noi theo Tấm Gương Mẫu Mực Toàn Hảo và vị tiên tri của Ngài, chúng ta cần phải thực hành những điều thường được biết đến là Quy Tắc Vàng: “Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là luật pháp và lời tiên tri.” Chúng ta cần phải yêu thương và làm điều tốt lành cho tất cả mọi người. Chúng ta cần tránh sự tranh chấp và trở thành người giải hòa trong mọi cuộc giao tiếp của mình. Điều này không có nghĩa là thỏa hiệp với các nguyên tắc và ưu tiên của chúng ta mà là ngừng tấn công gay gắt người khác vì những nguyên tắc và ưu tiên của họ. Đó là điều mà Tấm Gương Mẫu Mực Toàn Hảo của chúng ta đã làm trong giáo vụ của Ngài. Đó là tấm gương Ngài đã nêu ra cho chúng ta khi Ngài mời gọi chúng ta noi theo Ngài.

Trong đại hội này cách đây bốn năm, Chủ Tịch Nelson đã đưa ra cho chúng ta một thử thách mang tính tiên tri cho thời đại ngày nay của chúng ta:

Anh chị em có sẵn lòng để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình không? Anh chị em có sẵn lòng để cho Thượng Đế là ảnh hưởng quan trọng nhất trong cuộc sống của mình không? Anh chị em có chịu để cho những lời của Ngài, các giáo lệnh của Ngài và các giao ước của Ngài ảnh hưởng đến điều anh chị em làm mỗi ngày không? Anh chị em có chịu để cho tiếng nói của Ngài được ưu tiên hơn bất cứ tiếng nói nào khác không?”

Chúa Giê Su Ky Tô.

Là các tín đồ của Đấng Ky Tô, chúng ta giảng dạy và làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, Tấm Gương Mẫu Mực Toàn Hảo của chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy noi theo Ngài bằng cách từ bỏ sự tranh chấp. Khi chúng ta theo đuổi các chính sách ưa thích của mình trong các hoạt động nơi công cộng, chúng ta sẽ hội đủ điều kiện để nhận được các phước lành của Ngài bằng cách sử dụng ngôn ngữ và phương pháp của những người giải hòa. Trong gia đình chúng ta và các mối quan hệ cá nhân khác của chúng ta, hãy tránh những điều gay gắt và thù ghét. Chúng ta hãy tìm cách trở nên thánh thiện, giống như Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, trong Đấng mà tôi làm chứng về thánh danh của Ngài và cầu xin phước lành của Ngài để giúp chúng ta trở thành Các Thánh Hữu. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.