2006
Một Nhóm Túc Số Chức Tư Tế
Tháng Mười Một năm 2006


Một Nhóm Túc Số Chức Tư Tế

Sức mạnh của một nhóm túc số phần lớn có được từ sự hoàn toàn đoàn kết trong sự ngay chính của các tín hữu trong nhóm túc số đó.

Tôi biết ơn được hiện diện với các anh em trong buổi họp chức tư tế vĩ đại này. Tất cả chúng ta đều là các tín hữu của một nhóm túc số chức tư tế. Điều đó dường như không đáng kể đối với các anh em, nhưng đó là một điều đặc biệt đối với tôi. Tôi được sắc phong là một thầy trợ tế của Chức Tư Tế A Rôn trong một chi nhánh nhỏ của Giáo Hội. Chỉ có độc nhất một gia đình trong chi nhánh này. Chúng tôi không có giáo đường. Chúng tôi họp mặt tại nhà của chúng tôi. Tôi là thầy trợ tế duy nhất và anh trai tôi là thầy giảng duy nhất.

Vì vậy tôi biết việc sử dụng chức tư tế một mình thì như thế nào, mà không phục vụ với những người khác trong một nhóm túc số. Tôi bằng lòng được ở trong chi nhánh nhỏ đó mà không có một nhóm túc số. Tôi không hề biết điều tôi đang thiếu. Và rồi gia đình tôi đã dọn sang một lục địa nơi mà có rất nhiều người nắm giữ chức tư tế và những nhóm túc số vững mạnh.

Trong nhiều năm qua tôi đã học biết được rằng sức mạnh trong một nhóm túc số không xuất phát từ con số những người nắm giữ chức tư tế trong nhóm đó. Sức mạnh này cũng không tự động xuất phát từ tuổi tác và sự trưởng thành của những tín hữu trong nhóm túc số. Đúng hơn, sức mạnh của một nhóm túc số phần lớn có được từ sự hoàn toàn đoàn kết trong sự ngay chính của các tín hữu trong nhóm túc số đó. Sự đoàn kết đó trong một nhóm túc số vững mạnh của chức tư tế không giống như bất cứ kinh nghiệm nào mà tôi đã trải qua trong một đội thể thao, câu lạc bộ, hoặc bất cứ tổ chức nào khác trên thế gian.

Những lời của An Ma, được chép trong sách Mô Si A, diễn tả giống nhất với sự diễn tả về sự đoàn kết mà tôi đã cảm thấy được trong những nhóm túc số vững mạnh nhất của chức tư tế.

“Và ông ra lệnh cho họ không được có sự tranh chấp lẫn nhau, mà họ phải nhìn thấy những sự việc một cách giống nhau, phải có một đức tin và một phép báp têm, phải đồng tâm đoàn kết trong tình thương yêu lẫn nhau.”1

An Ma còn dạy dân của ông cách thức để có đủ điều kiện cho sự đoàn kết đó. Ông nói với họ rằng họ không nên giảng dạy điều gì ngoại trừ sự hối cải và đức tin nơi Chúa, là Đấng đã cứu chuộc dân của Ngài.2

Điều mà An Ma giảng dạy, và điều thật sự xảy ra trong bất cứ nhóm túc số đoàn kết nào của chức tư tế mà tôi từng thấy, là tấm lòng của các tín hữu đang được thay đổi qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là cách thức mà họ phải đồng tâm đoàn kết.

Vậy thì các anh em có thể thấy được lý do tại sao Chúa đã truyền lệnh cho các chủ tịch của các nhóm túc số phải lãnh đạo theo cách thức mà Ngài đã làm. Trong tiết 107 của Sách Giáo Lý và Giao Ước, Ngài hầu như dùng những từ giống nhau để mô tả các bổn phận của vị chủ tịch của mỗi nhóm túc số. Chủ tịch của nhóm túc số các thầy trợ tế phải giảng dạy cho các tín hữu của nhóm túc số về bổn phận của họ “như đã được ban cho trong các giao ước.”3 Chủ tịch của nhóm túc số các thầy giảng phải giảng dạy cho các tín hữu của nhóm túc số về bổn phận của họ như “đã được ban cho trong các giao ước.”4 Chủ tịch của nhóm túc số các thầy tư tế, chính là vị giám trợ, đã được truyền lệnh phải “chủ tọa bốn mươi tám thầy tư tế, và ngồi họp với họ, giảng dạy cho họ biết các bổn phận của chức phẩm của họ, như được ban cho trong các giao ước.”5

Chủ tịch nhóm túc số các anh cả đã được truyền lệnh như thế này:

“Lại nữa, bổn phận của một vị chủ tịch chức phẩm của các anh cả là phải chủ tọa chín mươi sáu anh cả, và ngồi họp với họ, cùng giảng dạy họ theo các giao ước.”6

Thật dễ dàng để hiểu được lý do Thượng Đế muốn các nhóm túc số của Ngài được giảng dạy “theo các giao ước.” Các giao ước là những lời hứa long trọng. Cha Thiên Thượng đã hứa ban cho tất cả chúng ta cuộc sống vĩnh cửu nếu chúng ta chịu lập và tuân giữ các giao ước. Chẳng hạn, chúng ta nhận được chức tư tế với một giao ước là trung thành trong việc giúp đỡ Ngài trong công việc của Ngài. Những người mà chúng ta làm phép báp têm vào Giáo Hội của Ngài hứa là có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, hối cải, và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Mỗi giao ước đòi hỏi đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sự tuân theo các giáo lệnh của Ngài để hội đủ điều kiện cho sự tha thứ và tấm lòng thanh khiết cần thiết để thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu, là ân tứ lớn nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế.

Các anh em có thể hỏi rằng: “Điều này có nghĩa là mỗi bài học trong nhóm túc số phải chỉ là về đức tin và sự hối cải chăng?” Dĩ nhiên là không phải. Nhưng nó có nghĩa là giảng viên và những người tham dự phải luôn luôn mong muốn mang Thánh Linh của Chúa vào lòng của các tín hữu trong lớp học để tạo ra đức tin và một quyết tâm để hối cải và được trong sạch.

Và ước muốn đó còn vượt ra ngoài những buổi họp của nhóm túc số. Trong một nhóm túc số đoàn kết thật sự, ước muốn đó sẽ ảnh hưởng đến các tín hữu dù họ ở bất cứ nơi nào.

Tôi đã thấy được điều đó cách đây vài năm trong một nhóm túc số các thầy trợ tế là nơi mà tôi đã được kêu gọi để giảng dạy những bài học. Thỉnh thoảng một vài thầy trợ tế không đi tham dự những buổi họp của nhóm túc số. Tôi biết rằng sự giảng dạy trong nhóm túc số đó—và trong mọi nhóm túc số—là trách nhiệm của chủ tịch là người nắm giữ các chìa khoá. Người chủ tịch phải ngồi họp với tất cả các thầy trợ tế. Vì vậy tôi đã tạo ra một thói quen để tìm hiểu ý kiến của người mà nhận được lệnh truyền của Thượng Đế bằng cách hỏi người ấy: “Em nghĩ tôi nên giảng dạy điều gì? Tôi nên cố gắng hoàn thành điều gì?”

Tôi đã học làm theo lời khuyên bảo của người chủ tịch ấy vì tôi biết rằng Thượng Đế đã trao cho người ấy trách nhiệm giảng dạy các tín hữu trong nhóm túc số của mình. Vào một ngày Chúa Nhật nọ, tôi biết Thượng Đế đã làm vinh hiển lệnh truyền cho một người chủ tịch trẻ tuổi của nhóm túc số. Tôi đang giảng dạy cho các thầy trợ tế. Tôi để ý thấy một cái ghế trống. Trên cái ghế này có một cái máy thâu băng và tôi có thể thấy được cái máy đang hoạt động. Sau lớp học, một thiếu niên ngồi cạnh cái ghế trống cầm lên cái máy thâu băng. Khi em ấy sắp sửa đi ra khỏi lớp học thì tôi hỏi em ấy lý do gì em đã thâu thanh buổi thảo luận của chúng tôi. Em ấy mỉm cười và nói rằng một thầy trợ tế khác đã nói cho em biết rằng cậu ta sẽ không có mặt trong nhóm túc số ngày hôm đó. Em ấy sẽ đem máy thâu băng lại nhà người bạn của mình để người bạn có thể nghe bài học của chúng tôi.

Tôi đã tin tưởng nơi trách nhiệm đã được ban cho một người chủ tịch trẻ của nhóm túc số, và như thế sự giúp đỡ đã đến từ thiên thượng. Thánh Linh đã cảm động các học viên trong căn phòng đó và đã gởi một người trong số các em ấy đến với một người bạn để cố gắng củng cố đức tin của người bạn đó và dẫn người bạn đó đến sự hối cải. Người thầy trợ tế mà đã đem theo máy thâu băng đã học theo các giao ước, và em ấy đã tìm đến giúp đỡ người bạn của mình và những thành viên khác trong nhóm túc số.

Các tín hữu trong các nhóm túc số chức tư tế được giảng dạy bằng nhiều cách thức hơn thay vì chỉ bằng những bài giảng trong một lớp học. Nhóm túc số là một đơn vị phục vụ và các thành viên học hỏi trong sự phục vụ của mình. Một nhóm túc số có thể mang lại sự phục vụ tốt hơn là các thành viên tự mình có thể làm. Và quyền năng đó được gia tăng nhiều hơn con số các thành viên. Mỗi nhóm túc số có một vị lãnh đạo với thẩm quyền và trách nhiệm để hướng dẫn sự phục vụ của chức tư tế. Tôi đã thấy quyền năng có được khi các nhóm túc số được kêu gọi để đi giúp đỡ trong những lúc tai họa. Nhiều lần tôi đã gặp những người bên ngoài Giáo Hội bày tỏ sự ngạc nhiên và kính phục về hiệu quả của Giáo Hội trong việc tổ chức sự giúp đỡ. Điều này dường như đối với họ là một phép lạ. Trong tất cả sự phục vụ của chức tư tế, phép lạ của quyền năng xảy đến nhờ vào việc các vị lãnh đạo và các tín hữu tôn trọng thẩm quyền của những người hướng dẫn sự phục vụ trong các nhóm túc số chức tư tế ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Những phép lạ của quyền năng có thể xảy đến khi các nhóm túc số tìm đến phục vụ những người khác. Những phép lạ cũng xảy ra khi sự phục vụ của chức tư tế được dành cho các tín hữu trong nhóm túc số. Một chủ tịch nhóm túc số các thầy trợ tế họp với các cố vấn và người thư ký của nhóm túc số vào một sáng sớm Chúa Nhật, trước khi buổi họp của nhóm túc số bắt đầu. Sau khi thành tâm bàn luận trong hội đồng, em ấy cảm thấy được soi dẫn để kêu gọi một thầy trợ tế đi mời một thầy trợ tế khác mà chưa bao giờ đến tham dự buổi họp để đến tham dự buổi họp kỳ tới của nhóm túc số. Em ấy biết rằng thầy trợ tế mà chưa từng tham dự buổi họp đã có một người cha không phải là một tín hữu của Giáo Hội và mẹ của em ấy cũng không quan tâm đến Giáo Hội lắm.

Người thầy trợ tế được chỉ định đã chấp nhận sự kêu gọi từ người chủ tịch của mình để đi gặp em thiếu niên ấy. Em ấy chịu đi. Tôi đã nhìn theo em ấy đi. Em đi một cách hơi miễn cưỡng thể như đó có lẽ là một công việc khó khăn. Người thiếu niên mà em ấy mời đi với em đến tham dự với nhóm túc số đã chỉ đến một vài lần trước khi gia đình của thiếu niên ấy dọn đi chỗ khác. Nhiều năm về sau tôi tham dự một đại hội giáo khu cách xa hằng ngàn dặm nơi mà nhóm túc số các thầy trợ tế đó nhóm họp. Vào thời gian giữa các buổi họp của đại hội, một người đàn ông mà tôi không quen biết đã đến gặp tôi và hỏi tôi có biết một người nào đó không. Người ấy nói cho tôi biết một cái tên. Đó chính là người thiếu niên mà đã được người chủ tịch của nhóm túc số các thầy trợ tế của mình kêu gọi đi chăm sóc cho một con chiên bị thất lạc. Người ấy nói với tôi rằng: “Xin nhờ ông gửi lời cám ơn em ấy giùm tôi? Tôi là ông nội của người thiếu niên mà em ấy đã mời đi tham dự đến nhóm túc số các thầy trợ tế cách đây nhiều năm. Cháu của tôi bây giờ đã lớn. Nhưng nó vẫn còn nói với tôi về người thầy trợ tế mà đã mời cháu đi nhà thờ với em ấy.”

Người đàn ông ấy rớm rớm nước mắt và tôi cũng thế. Một người chủ tịch trẻ của nhóm túc số đã được soi dẫn để tìm đến giúp đỡ một tín hữu bị lạc đường trong nhóm túc số của mình. Em ấy đã được soi dẫn để gửi một thiếu niên với trách nhiệm phục vụ. Người chủ tịch đó đã làm điều mà Đức Thầy cũng sẽ làm. Và trong tiến trình này một người chủ tịch trẻ đã huấn luyện một người nắm giữ chức tư tế mới về bổn phận của em ấy để phục vụ những người khác theo như các giao ước. Một sự đồng tâm đoàn kết vẫn tiếp tục tồn tại sau hơn 20 năm và cách xa mấy ngàn dặm đường. Sự đoàn kết của nhóm túc số được tồn tại khi nó được tôi luyện trong sự phục vụ Chúa và theo cách thức của Ngài.

Một trong những đặc điểm của một nhóm túc số vững mạnh là cảm giác thân thiện giữa các tín hữu. Họ chăm sóc lẫn nhau. Họ giúp đỡ lẫn nhau. Các chủ tịch nhóm túc số có thể xây đắp tình bằng hữu đó tốt nhất nếu họ nhớ đến mục đích của Chúa về sự đoàn kết trong nhóm túc số. Dĩ nhiên là để cho họ giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng còn hơn thế nữa, hơn nhiều thế nữa. Là để cho họ nâng đỡ và khuyến khích lẫn nhau để phục vụ trong sự ngay chính với Đức Thầy trong công việc của Ngài để mang lại cuộc sống vĩnh cửu cho các con cái của Cha Thiên Thượng.

Việc hiểu điều đó sẽ thay đổi cách thức mà chúng ta cố gắng xây đắp tình bằng hữu trong nhóm túc số. Chẳng hạn, điều này còn có thể thay đổi ngay cả cách thức mà một nhóm túc số các thầy giảng chơi bóng rổ. Các thành viên có thể có hy vọng xây đắp tình bằng hữu hơn là chỉ để thắng trong một trận đấu. Họ có thể chọn để mời một thiếu niên mà luôn luôn không ai nhớ đến vì em không chơi giỏi lắm. Nếu em đó chấp nhận và đến chơi, thì các thành viên trong nhóm túc số có thể chuyền banh nhiều hơn một chút, tìm người để đạt điểm thắng, nhất là em thiếu niên mà có vẻ không thể đạt điểm thắng. Hai mươi năm sau, các em ấy có thể không nhớ mình có thắng buổi tối hôm đó hay không, nhưng các em ấy sẽ luôn luôn nhớ đến cách thức và lý do mà các em ấy chơi chung với nhau—và đội của các em là của ai. Chính Chúa đã phán rằng: “Nếu các ngươi không hiệp làm một thì các ngươi không phải là của ta.”7

Việc hiểu lý do tại sao Chúa muốn tình bằng hữu có thể thay đổi cách thức mà một bữa tiệc liên hoan do nhóm túc số các anh cả hoạch định. Tôi đã tham dự một bữa tiệc liên hoan được hoạch định bởi một người cải đạo vào Giáo Hội. Việc tìm ra được phúc âm là điều tuyệt vời nhất mà đã xảy ra đối với người ấy. Vì vậy, những người láng giềng và bạn bè chưa là tín hữu của Giáo Hội đã được mời tới dự bữa tiệc. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác thân thiện khi chúng tôi trò chuyện với họ về việc Giáo Hội có ý nghĩa gì đối với chúng tôi. Tôi cảm thấy trong bữa tiệc đó có nhiều tình bằng hữu hơn là với các anh em trong chức tư tế. Đức Thầy đã mời gọi các môn đồ của Ngài vào Nhóm Túc Số Mười Hai đầu tiên của Ngài trong giáo vụ của Ngài trên trần thế theo cách thức sau đây: “Hãy đi theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người.”8 Và vì thế, buổi tối hôm đó, tại bữa tiệc, tôi cảm thấy rằng mình đang ở trong tình bằng hữu của Đức Thầy và các môn đồ của Ngài, trở thành con người mà Ngài muốn chúng ta trở thành.

Tôi đã được phước với cảm giác về tình bằng hữu giống như vậy qua một vị lãnh đạo chức tư tế khi tôi còn ở trong Chức Tư Tế A Rôn. Vị ấy đã hiểu được cách thức xây đắp tình bằng hữu trong chức tư tế mà có thể tồn tại lâu dài. Vị ấy đã sắp xếp với một người chủ xưởng củi để chúng tôi đến chẻ củi một buổi trưa và bó nó lại thành bó. Những bó củi là để cho những người góa phụ ngõ hầu họ có thể có lửa sưởi ấm trong cái lạnh của mùa đông. Tôi vẫn còn nhớ tình bằng hữu đầy nhiệt tình mà tôi đã cảm thấy được với các anh em chức tư tế của tôi. Nhưng hơn nữa tôi còn nhớ đã cảm thấy rằng mình đang làm điều mà Đấng Cứu Rỗi chắc chắn sẽ làm. Và vì vậy tôi đã cảm thấy được tình bằng hữu với Ngài. Chúng ta có thể xây đắp tình bằng hữu quý báu đó trong các nhóm túc số của mình trong cuộc sống này và rồi chúng ta có thể có điều này mãi mãi, trong vinh quang và trong gia đình, nếu chúng ta sống theo các giao ước.

Tôi cầu nguyện rằng các anh em sẽ chấp nhận lời mời gọi của Chúa để trở nên đoàn kết thành một trong các nhóm túc số chức tư tế của chúng ta. Ngài đã vạch ra lối đi. Và Ngài đã hứa với chúng ta rằng với sự giúp đỡ của Ngài các nhóm túc số tốt có thể trở thành tốt hơn. Ngài muốn điều này cho chúng ta. Và tôi biết rằng Ngài cần các nhóm túc số vững mạnh hơn để ban phước cho các con cái của Cha Thiên Thượng, theo như các giao ước. Tôi tin rằng Ngài sẽ làm điều này.

Tôi biết rằng Cha Thiên Thượng của chúng ta hằng sống. Tôi biết rằng Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đã chuộc các tội lỗi của chúng ta và của tất cả mọi người mà chúng ta sẽ gặp. Ngài đã phục sinh. Ngài hằng sống. Ngài đang hướng dẫn Giáo Hội của Ngài. Ngài nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế. Qua sự soi dẫn đến với những người nắm giữ các chìa khóa trong Giáo Hội, Ngài kêu gọi mỗi chủ tịch của mỗi nhóm túc số chức tư tế. Tôi làm chứng rằng chức tư tế đã được phục hồi với tất cả các chìa khóa của chức tư tế cho Joseph Smith. Và tôi long trọng làm chứng rằng các chìa khóa đó đã được truyền lại trong thời nay cho Vị Chủ Tịch của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, là vị chủ tịch của chức tư tế trên khắp thế gian.

Tôi làm chứng như vậy, trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Mô Si A 18:21.

  2. Xin xem Mô Si A 18:20.

  3. GLGƯ 107:85.

  4. GLGƯ 107:86.

  5. GLGƯ 107:87.

  6. GLGƯ 107:89.

  7. GLGƯ 38:27.

  8. Ma Thi Ơ 4:19.