Đức Tin, Sự Phục Vụ, Sự Bền Lòng
Khi chúng ta trau dồi đức tin của mình, tăng trưởng nhờ vào sự phục vụ, và luôn luôn bền lòng và trung tín bất luận điều gì có thể xảy ra, thì chúng ta sẽ cảm nhận được tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi.
Cách đây ba mươi chín năm, hai trong số những người truyền giáo của Chúa gõ cửa nhà tôi ở Glasgow, Tô Cách Lan. Chúng tôi cảm động sâu xa trước sự thông minh, lòng khiêm nhường và đức tin của họ. Bất cứ lúc nào họ hiện diện trong nhà chúng tôi thì chúng tôi đều cảm thấy tình thương yêu và sự bình an. Đó là một cảm giác thuần khiết, tốt lành.
Sự giảng dạy của họ thì gần gũi, chân thành và thân tình. Chúng tôi hoàn toàn nhận thấy rằng đó là sự giảng dạy chân chính. Một vài tuần sau, chúng tôi chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận; và ngay lập tức được bao bọc trong tình bằng hữu, và sự tử tế từ các tín hữu và các vị lãnh đạo trong gia đình Giáo Hội mới của chúng tôi.
Vậy là bắt đầu một cuộc hành trình phúc âm mà đã làm phong phú và ban phước cho mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng tôi, mang đến một cảm giác sâu đậm, vĩnh cửu, và thanh thản về mục đích và phương hướng. Với hy vọng là nó có thể trở nên hữu ích cho các tín hữu mới của Giáo Hội, hôm nay tôi xin chia sẻ ba nguyên tắc phúc âm cơ bản tôi đã học được trong cuộc sống.
Thứ nhất là quyền năng thúc đẩy và sửa đổi đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Đức tin như vậy giống như khí oxy thuộc linh. Khi chúng ta cho phép đức tin tuôn chảy bên trong chúng ta thì đức tin sẽ đánh thức và làm sinh động các cảm giác thuộc linh của chúng ta. Đức tin đó mang đến sinh khí cho chính linh hồn của chúng ta.
Khi đức tin tuôn chảy, thì chúng ta trở nên nhạy bén và hòa hợp với những lời mách bảo của Thánh Linh. Tâm trí của chúng ta được soi sáng, mạch thuộc linh của chúng ta đập rộn ràng, và lòng chúng ta rung động.
Đức tin nhóm lên niềm hy vọng. Cách nhìn của chúng ta thay đổi; tầm nhìn của chúng ta trở nên rõ ràng hơn. Chúng ta bắt đầu tìm kiếm điều tốt lành nhất, chứ không phải điều xấu xa nhất trong cuộc sống và nơi những người khác. Chúng ta đạt được một cảm giác sâu đậm hơn về mục đích và ý nghĩa của cuộc sống. Nỗi thất vọng nhường bước cho niềm vui.
Đức tin như vậy là một ân tứ của thiên thượng, nhưng chúng ta có thể tìm kiếm và trau dồi đức tin. Như trong quyển Bible Dictionary (Từ Điển Kinh Thánh) của chúng ta đã nói, thường thường, “đức tin được khơi dậy nhờ vào việc nghe chứng ngôn của những người có đức tin.”1 Rồi đức tin được nuôi dưỡng khi chúng ta tự cho phép mình tin. Cũng giống như tất cả những đức tính khác, đức tin được củng cố khi chúng ta thực hành đức tin; đức tin được củng cố khi chúng ta sống và hành động đúng như thể đức tin của chúng ta đã mọc rễ sâu. Đức tin là kết quả của ước muốn ngay chính, sự tin tưởng và sự vâng lời.
Do đó trong Sách Mặc Môn qua tấm gương của phụ thân Vua La Mô Ni, là người đã nghe chứng ngôn của A Rôn, và sẵn lòng tin cùng hành động theo để ông được dẫn dắt dâng lên lời cầu nguyện khiêm nhường: “Nếu quả có một Thượng Đế, và nếu Ngài chính là Thượng Đế, thì xin Ngài cho con được biết, hầu con từ bỏ tất cả mọi tội lỗi của con để chỉ biết có Ngài.”2
Điều đó cũng có thể đúng cho chúng ta khi chúng ta tự để cho lòng mình được cảm động bởi tinh thần chứng ngôn, khi chúng ta sử dụng niềm tin, khi chúng ta mong muốn, suy ngẫm, tìm kiếm—khi chúng ta trau dồi đức tin của mình.
Thứ nhì, khi phục vụ chúng ta sẽ tăng trưởng. Chủ Tịch George Albert Smith đã dạy: “Không phải là điều mà chúng ta nhận mà chính là điều chúng ta ban phát mới làm phong phú cuộc sống của chúng ta.”3
Sự phục vụ vô vị kỷ là một phương thuốc hiệu nghiệm cho những điều xấu xa đang lan truyền từ bệnh dịch bê tha trên toàn cầu. Có một số người trở nên cay đắng hoặc băn khoăn khi dường như họ không nhận được đủ sự quan tâm, trong khi cuộc sống của họ sẽ được phong phú rất nhiều chỉ khi nào họ lưu tâm hơn đến các nhu cầu của những người khác.
Đáp số nằm trong việc giúp giải quyết các vấn đề của những người chung quanh chúng ta hơn là lo lắng về những vấn đề riêng của mình, trong việc sống để nâng đỡ các gánh nặng ngay cả khi tự chúng ta cảm thấy lo âu rất nhiều, trong sự tham gia vào công việc thay vì phàn nàn rằng chúng ta bị loại bỏ khỏi những kinh nghiệm đầy tưởng thưởng của đời sống.
Hết lòng trong sự phục vụ giúp chúng ta vượt lên trên những nỗi lo âu, các mối quan tâm và những thử thách của mình. Khi chúng ta tập trung những nghị lực của mình vào việc nâng đỡ các gánh nặng của những người khác thì một điều gì đó kỳ diệu sẽ xảy ra. Các gánh nặng của chúng ta sẽ giảm bớt. Chúng ta trở nên vui vẻ hơn. Cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa hơn.
Thứ ba, vai trò môn đồ không bảo đảm sự thoát khỏi những cơn bão tố trong đời. Ngay cả khi chúng ta bước đi một cách cẩn thận và trung tín dọc theo con đường chật và hẹp thì chúng ta cũng vẫn chạm trán với trở ngại và thử thách. Sẽ có nhiều ngày, có thể còn là nhiều tháng, nhiều năm, khi cuộc sống hoàn toàn khó khăn. Chúng ta trải qua nhiều nghịch cảnh, nỗi đau lòng, sự cô đơn, đau đớn, buồn phiền. Đôi khi dường như nhiều hơn thường lệ.
Phải làm gì khi nghịch cảnh giáng xuống? Chỉ có một điều phải làm. Hãy đứng vững và kiên trì chịu đựng nó. Hãy kiên trì, bền lòng, và trung tín. Thảm kịch thật sự trong những thử thách của đời chỉ đến khi chúng ta để cho chúng đẩy chúng ta ra khỏi hướng đi đúng của mình.
Vào những giây phút khủng hoảng và thử thách này, một số ngưòi chọn rời bỏ đức tin ngay vào lúc mà cần có đức tin nhất. Sự cầu nguyện bị bác bỏ vào chính giờ phút mà nó cần được thành khẩn dâng lên. Đức hạnh bị làm ngơ bỏ qua một bên trong khi nó cần được trân quý . Thượng Đế bị bỏ quên trong khi nhân loại lại lầm tưởng rằng Ngài bỏ quên chúng ta.
Quả thật, sự an toàn, an ninh, niềm hy vọng duy nhất của chúng ta là bám chặt vào điều tốt lành. Khi đám sương mù đen tối vây quanh chúng ta, thì chúng ta chỉ bị lạc đường nếu chúng ta chọn buông tay khỏi thanh sắt, tức là lời của Thượng Đế.
Câu chuyện ngụ ngôn của Đấng Cứu Rỗi về người khôn ngoan xây cất nhà mình trên đá, đã đúng một cách chính xác vì nó minh họa rằng những thử thách của đời cũng xảy đến cho người khôn ngoan. Mưa rơi, gió thổi, lụt dâng cao. Vậy mà người ấy vẫn sống sót bởi vì người ấy đã xây đắp một nền tảng vững chắc, và điều quan trọng là người ấy đã ở lại đó khi cơn bão thổi tới.
Trong phần mô tả của ông về sự tiến triển của một người hành hương hoặc của một môn đồ, John Bunyan đã viết:
Người nào mong muốn thấy sự dũng cảm thật sự,
Hãy cho họ đến nơi đây!
Một người nơi đây sẽ luôn bền lòng,
Bất luận có nhiều thử thách đưa đến;
Không có sự nản lòng nào
Mà làm cho người ấy giảm đi
Quyết tâm lúc đầu của mình
Để làm người hành hương.4
Sứ Đồ Phao Lô đã khuyến khích người Cô Lô Se phải “tin Chúa cách vững vàng không núng, chẳng hề dời khỏi sự trông cậy đã truyền ra bởi đạo tin lành mà anh em đã nghe.”5
Chứng ngôn mạnh mẽ này cho người Cô Rinh Tô:
“Chúng tôi bị ép đủ cách, nhưng không đến cùng; bị túng thế, nhưng không ngã lòng;
“Bị bắt bớ, nhưng không đến bỏ; bị đánh đập, nhưng không đến chết mất.”6
Điều gì đã làm cho viễn ảnh này có thể xảy ra được? Phao Lô đã đưa ra lý do: “Vì Đức Chúa Trời, là Đấng có phán: sự sáng phải soi từ trong sự tối tăm! Đã làm cho sự sáng Ngài chói lòa trong lòng chúng tôi, đặng sự thông biết về vinh hiển Đức Chúa Trời soi sáng nơi mặt Đức Chúa Giê Su Ky Tô.”7
Tôi làm chứng rằng khi chúng ta trao dồi đức tin của mình, tăng trưởng nhờ vào sự phục vụ, và luôn luôn bền lòng và trung tín bất luận điều gì có thể xảy ra, thì chúng ta sẽ cảm nhận được tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta tự đặt mình trong vị thế mà chúng ta có thể có được chiều sâu của các phước lành của Sự Chuộc Tội. Vai trò tín hữu của chúng ta được đổi thành vai trò môn đồ. Chúng ta được củng cố, tẩy sạch, đổi mới và được chữa lành phần thuộc linh và phần cảm xúc.
Tôi xin làm chứng về điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.