Sự Quy Tụ Dân Y Sơ Ra Ên Đã Bị Phân Tán
Chúng ta giúp quy tụ những người chọn lọc của Chúa ở cả hai bên bức màn che.
Các anh chị em thân mến, xin cám ơn về đức tin, sự tận tâm và tình thương yêu của các anh chị em. Chúng ta chia sẻ một trách nhiệm lớn lao để trở thành người mà Chúa muốn chúng ta trở thành và làm điều mà Ngài muốn chúng ta làm. Chúng ta là phần tử của một phong trào vĩ đại—sự quy tụ dân Y Sơ Ra Ên đã bị phân tán. Tôi nói về giáo lý này hôm nay vì tầm quan trọng độc đáo của nó trong kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế.
Giao Ước của Áp Ra Ham
Khi xưa, Chúa đã ban phước cho Tổ Phụ Áp Ra Ham với một lời hứa là làm cho con cháu của ông thành một dân tộc chọn lọc.1 Có những đoạn tham khảo về giao ước này trong khắp thánh thư. Gồm trong các lời hứa rằng Vị Nam Tử của Thượng Đế sẽ đến qua dòng dõi của Áp Ra Ham, một số đất đai sẽ được thừa hưởng, các sắc tộc và chủng tộc của thế gian sẽ được ban phước qua con cháu của ông và còn nhiều nữa.2 Trong khi một số khía cạnh của giao ước đó đã được ứng nghiệm, thì Sách Mặc Môn dạy rằng giao ước này của Áp Ra Ham chỉ sẽ được ứng nghiệm trong những ngày sau này!3 Sách cũng nhấn mạnh rằng chúng ta thuộc vào dân giao ước của Chúa.4 Đặc ân của chúng ta là đích thân tham gia vào sự ứng nghiệm của những lời hứa này. Thật là một điều đầy phấn khởi để sống trong thời gian này!
Dân Y Sơ Ra Ên Bị Phân Tán
Là con cháu của Áp Ra Ham, các chi tộc của Y Sơ Ra Ên thời xưa đã có được thẩm quyền chức tư tế và các phước lành của phúc âm, nhưng cuối cùng những người dân đã phản nghịch. Họ giết chết các vị tiên tri và bị Chúa trừng phạt. Mười chi tộc bị mang đi tù đày ở Assyria. Từ đó họ trở thành thất lạc đối với lịch sử của nhân loại. (Hiển nhiên là mười chi tộc này không bị thất lạc đối với Chúa.) Hai chi tộc còn lại tiếp tục trong một thời gian ngắn và rồi, vì sự phản nghịch của họ, bị bắt mang đi tù đày ở Ba Bi Lôn.5 Khi trở lại, họ đã được Chúa dành cho nhiều ưu đãi, nhưng một lần nữa, họ đã không kính trọng Ngài. Họ chối bỏ và phỉ báng Ngài. Đức Chúa Cha nhân từ nhưng buồn phiền đã thề rằng: “Ta sẽ tản lạc các ngươi trong các dân,”6 và Ngài đã làm điều đó—phân tán họ ra nhiều quốc gia.
Y Sơ Ra Ên phải Được Quy Tụ
Lời hứa của Thượng Đế về sự quy tụ dân Y Sơ Ra Ên thì rõ ràng dứt khoát.7 Chẳng hạn, Ê Sai đã nhìn thấy trước rằng trong những ngày sau Chúa sẽ gửi “các sứ giả nhặm lẹ” đến với những dân này mà đã “cân lường và giày đạp.”8
Lời hứa về sự quy tụ này, được tìm thấy trong rất nhiều đoạn thánh thư, sẽ được ứng nghiệm cũng chắc chắn như những lời tiên tri về sự phân tán của Y Sơ Ra Ên.9
Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trong Thời Trung Thế và Sự Bội Giáo
Trước khi Ngài bị đóng đinh, Chúa Giê Su Ky Tô đã thiết lập Giáo Hội của Ngài. Giáo Hội của Ngài gồm có các sứ đồ, các vị tiên tri, các thầy bảy mươi, các thầy giảng và vân vân.10 Và Đức Thầy đã gửi các môn đồ của Ngài đến thế gian để thuyết giảng phúc âm của Ngài.11
Sau một thời gian, Giáo Hội mà đã được Chúa thiết lập rơi vào tình trạng suy tàn. Những lời giảng dạy của Ngài bị sửa đổi; Các giáo lễ của Ngài bị thay đổi. Sự Đại Bội Giáo đến như lời báo trước của Phao Lô, là người đã biết rằng Chúa sẽ không tái lâm trừ phi “có sự bỏ đạo đến trước.”12
Sự Đại Bội Giáo này tiếp theo mô thức mà đã kết thúc mỗi gian kỳ trước. Gian kỳ đầu tiên là thời A Đam. Rồi đến các gian kỳ của Ê Nóc, Nô Ê, Áp Ra Ham, Môi Se và những người khác. Mỗi vị tiên tri có một nhiệm vụ thiêng liêng để giảng dạy về thiên tính và giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong mỗi thời đại, những lời giảng dạy này là nhằm giúp đỡ những người dân. Nhưng sự bất tuân của họ đã đưa đến sự bội giáo. Do đó, tất cả các gian kỳ trước bị giới hạn về thời gian và địa điểm. Chúng bị giới hạn về thời gian vì mỗi gian kỳ kết thúc trong sự bội giáo. Chúng bị giới hạn về địa điểm là một phần tương đối nhỏ trên hành tinh trái đất.
Sự Phục Hồi của Tất Cả Mọi Điều
Như vậy, một sự phục hồi trọn vẹn là cần thiết. Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô đã kêu gọi Tiên Tri Joseph Smith làm vị tiên tri của gian kỳ này. Tất cả các quyền năng thiêng liêng của các gian kỳ trước phải được phục hồi qua ông.13 Gian kỳ trọn vẹn của thời kỳ này sẽ không bị giới hạn về thời gian hoặc địa điểm. Gian kỳ này sẽ không kết thúc trong sự bội giáo và sẽ làm dẫy đầy thế gian.14
Sự Quy Tụ Dân Y Sơ Ra Ên—một Phần Cần Thiết cho Sự Phục Hồi của Tất Cả Mọi Điều
Như đã được Phi E Rơ và Phao Lô tiên tri, tất cả mọi điều phải được phục hồi trong gian kỳ này. Do đó, là một phần của sự phục hồi, sự quy tụ mà chờ đợi đã từ lâu của dân Y Sơ Ra Ên bị phân tán phải đến.15 Đó là sự báo trước cần thiết cho Ngày Tái Lâm của Chúa.16
Giáo lý về sự quy tụ này là một trong những điều giảng dạy quan trọng của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúa đã phán rằng: “Ta ban cho các ngươi một điềm triệu, … để ta sẽ quy tụ dân của ta lại, tức là gia tộc Y Sơ Ra Ên, sau một thời gian lâu dài họ bị phân tán, và ta sẽ thiết lập lại Si Ôn của ta ở giữa họ.”17 Sự ra đời của Sách Mặc Môn là một dấu hiệu cho toàn thể thế gian rằng Chúa đã bắt đầu quy tụ dân Y Sơ Ra Ên và làm tròn các giao ước mà Ngài đã lập với Áp Ra Ham, Y Sác và Gia Cốp.18 Chúng ta không những giảng dạy giáo lý này mà còn tham dự vào nữa. Chúng ta làm như vậy khi chúng ta giúp quy tụ những người chọn lọc của Chúa ở cả hai bên bức màn che.
Sách Mặc Môn là chính yếu cho công việc này. Sách nói về giáo lý của sự quy tụ.19 Sách khiến cho người ta học hỏi về Chúa Giê Su Ky Tô, tin phúc âm của Ngài, và gia nhập Giáo Hội của Ngài. Thật vậy, nếu không có Sách Mặc Môn thì sự quy tụ dân Y Sơ Ra Ên đã được hứa sẽ không xảy ra.20
Đối với chúng ta, cái tên Áp Ra Ham đầy danh dự là quan trọng. Tên này đã được đề cập trong nhiều câu thánh thư về Sự Phục Hồi hơn trong tất cả các câu của Kinh Thánh.21 Áp Ra Ham được liên kết với tất cả các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.22 Chúa đã tái khẳng định giao ước Áp Ra Ham trong thời kỳ của chúng ta qua Tiên Tri Joseph Smith.23 Trong đền thờ, chúng ta nhận được các phước lành tột bực của mình với tư cách là dòng dõi của Áp Ra Ham, Y Sác và Gia Cốp.24
Gian Kỳ của Thời Kỳ Trọn Vẹn
Gian kỳ này của thời kỳ trọn vẹn được Thượng Đế thấy trước như là thời kỳ quy tụ, cả trên trời lẫn dưới đất. Phi E Rơ đã biết rằng, sau thời kỳ bội giáo, một sự phục hồi sẽ đến. Ông là người đã ở với Chúa trên Núi Hóa Hình, đã nói:
“Vậy, các ngươi hãy ăn năn và trở lại, đặng cho tội lỗi mình được xóa đi hầu cho kỳ thơ thái đến từ Chúa; …
“Mà trời phải rước về cho đến khi muôn vật đổi mới, là kỳ mà Đức Chúa Trời thuở xưa đã phán trước bởi miệng các thánh tiên tri.”25
Trong thời hiện đại, Các Sứ Đồ Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng đã được Chúa gửi đi với “các chìa khóa của vương quốc [của Ngài] cùng gian kỳ phúc âm cho thời kỳ sau cùng này, và cho thời kỳ trọn vẹn,” mà trong đó Ngài sẽ “quy tụ muôn vật làm một, cả vật ở trên trời lẫn vật ở dưới đất.”26
Năm 1830, Tiên Tri Joseph Smith đã học biết về một sứ giả thiên thượng tên là Ê Li A là người có những chìa khóa để mang đến “việc phục hồi của tất cả mọi điều.”27
Sáu năm sau, đền thờ Kirtland được làm lễ cung hiến. Sau khi Chúa chấp nhận ngôi nhà thánh đó, các sứ giả thiên thượng đến với các chìa khóa của chức tư tế. Môi Se xuất hiện28 “và trao cho … những chìa khóa về sự quy tụ dân Y Sơ Ra Ên từ bốn phương trời, và về sự dẫn dắt mười chi tộc từ đất phương bắc.
“Sau đó, Ê Li A xuất hiện, và trao cho chúng tôi gian kỳ phúc âm của Áp Ra Ham và nói rằng trong chúng tôi và dòng dõi chúng tôi cùng tất cả các thế hệ sau chúng tôi sẽ được phước.”29
Rồi tiên tri Ê Li đến và phán rằng: “Này, thời gian ấy đã đến, đó là thời gian do miệng Ma La Chi nói ra—ông làm chứng rằng ông [Ê Li] sẽ được sai xuống trước ngày trọng đại và khủng khiếp của Chúa sẽ đến—để làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, lòng con cái trở lại cùng cha, bằng không thì cả thế gian này sẽ bị đánh bằng sự rủa sả.”30
Những sự kiện này đã xảy ra vào ngày 3 tháng Tư năm 1836,31 và như thế đã làm tròn lời tiên tri của Ma La Chi.32 Các chìa khóa thiêng liêng của gian kỳ này đã được phục hồi.33
Sự Quy Tụ Những Linh Hồn ở Bên Kia Bức Màn Che
Lời mời gọi đầy thương xót “hãy đến cùng Đấng Ky Tô”34 cũng có thể được đưa ra cho những người đã chết mà không biết về phúc âm.35 Một phần của sự chuẩn bị của họ đòi hỏi nỗ lực của những người khác trên thế gian. Chúng ta thu thập các biểu đồ gia phả, làm ra những hồ sơ nhóm gia đình và đại diện làm công việc đền thờ thay thế cho họ để quy tụ các cá nhân đến với Chúa và đến với gia đình họ.36
Tham Gia vào Sự Quy Tụ: Một Sự Cam Kết bằng Giao Ước
Nơi đây trên thế gian, công việc truyền giáo là thiết yếu cho sự quy tụ dân Y Sơ Ra Ên. Phúc âm phải được trước hết mang đến cho “những con chiên lạc mất của nhà Y Sơ Ra Ên.”37 Do đó, các tôi tớ của Chúa đã đi ra rao giảng về Sự Phục Hồi. Trong nhiều quốc gia, những người truyền giáo của chúng ta đã tìm kiếm những người thuộc vào dân Y Sơ Ra Ên bị phân tán; họ đã tìm kiếm những người này “từ các hang đá”; và họ đã vớt những người này như trong thời xưa.38
Sự chọn lựa để đến cùng Đấng Ky Tô không phải là một vấn đề về địa điểm; đó là một vấn đề về sự cam kết cá nhân. Người ta có thể “được đưa tới sự hiểu biết Chúa”39 mà không cần phải rời quê hương của họ. Thật vậy, trong những thời kỳ đầu tiên của Giáo Hội, sự cải đạo cũng thường có nghĩa là di cư. Nhưng giờ đây, sự quy tụ xảy ra ở mỗi quốc gia. Chúa đã ra lệnh thiết lập Si Ôn40 ở mỗi chỗ mà Ngài đã cho Các Thánh Hữu của Ngài sinh ra và mang quốc tịch của nơi đó. Thánh thư báo trước rằng những người dân “sẽ được quy tụ về quê hương xứ sở, nơi đất thừa hưởng của họ, và sẽ được định cư trên khắp các vùng đất hứa của họ.”41 “Mỗi quốc gia là nơi quy tụ của dân thuộc quốc gia đó.”42 Nơi quy tụ cho Các Thánh Hữu Ba Tây là ở Ba Tây; nơi quy tụ cho Các Thánh Hữu người Nigeria là ở Nigeria; nơi quy tụ của Các Thánh Hữu Đại Hàn là ở Đại Hàn, và vân vân. Si Ôn là “tấm lòng thanh khiết.”43 Si Ôn là bất cứ nơi nào mà có Các Thánh Hữu ngay chính. Các văn phẩm, những phương tiện truyền thông và các giáo đoàn giờ đây có sẵn cho hầu hết các tín hữu để có thể tiếp cận với các giáo lý , các chìa khóa, các giáo lễ và các phước lành của phúc âm, bất luận họ đang ở nơi nào.
Sự an toàn thuộc linh sẽ luôn luôn tùy thuộc vào lối sống của con người chứ không phải nơi người ta sống. Các Thánh Hữu ở mọi quốc gia đều có quyền thỉnh cầu đồng đều các phước lành của Chúa.
Công việc này của Thượng Đế Toàn Năng là chân chính. Ngài hằng sống. Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Đây là Giáo Hội của Ngài, đã được phục hồi để hoàn thành số mệnh thiêng liêng của mình, kể cả sự quy tụ Y Sơ Ra Ên đã được hứa. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley là vị tiên tri ngày nay của Thượng Đế, tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.