Để Họ Có Thể Biết Được Ngài
Chúng ta có thể học các bài học thuộc linh nếu chúng ta có thể tiếp cận sự đau đớn, buồn phiền hoặc sầu khổ với một sự tập trung vào Đấng Ky Tô.
Ca đoàn vừa hát “Chúa Giê Su, Duy Chỉ Nghĩ Về Ngài.”1 Trong Sách Mặc Môn, khi nói về Đấng Mê Si, Nê Phi tiên tri:
“Và thế gian, vì sự bất chính của mình, sẽ xét đoán Ngài như một người hư không; vậy nên, họ quất Ngài bằng roi, Ngài hứng chịu cho họ quất; họ đánh đập Ngài, Ngài hứng chịu cho họ đánh đập. Phải, họ khạc nhổ vào Ngài, Ngài cũng hứng chịu cho họ khạc nhổ, vì lòng thương yêu nhân từ và sự nhịn nhục của Ngài đối với con cái loài người.”2
Nỗi thống khổ lớn lao vô cùng của Đấng Cứu Rỗi là vì chúng ta; để giữ cho chúng ta khỏi bị thống khổ như Ngài đã thống khổ.3 Tuy nhiên, nỗi thống khổ chỉ là một phần của cuộc sống và có ít người sẽ thoát khỏi nó. Vì đó là điều mà mỗi người chúng ta đã, đang và sẽ trải qua, nên có sự đề nghị trong thánh thư rằng chúng ta có thể học các bài học thuộc linh nếu chúng ta có thể tiếp cận sự đau đớn, buồn phiền hoặc sầu khổ với một sự tập trung vào Đấng Ky Tô. Phao Lô thời xưa đã viết rằng nỗi thống khổ của chúng ta có thể cho chúng ta một cơ hội để biết Đấng Cứu Rỗi rõ hơn. Phao Lô viết cho những người Rô Ma:
“Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời.
“Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: kẻ kế tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Đấng Ky Tô, miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài.”4
Giờ đây, đừng có ai đi tìm sự gian khổ và đau đớn vì đó không phải là điều đã được giảng dạy. Thay vì thế, thái độ mà chúng ta tiếp cận sự gian khổ và thử thách của mình cho phép chúng ta biết Đấng Cứu Rỗi rõ hơn. Kinh nghiệm dạy cho chúng ta biết rằng sự đau khổ là một trong số các kinh nghiệm sống sẽ đến mà không cần chúng ta tìm kiếm nó. Tôi xin phép được dùng một ví dụ cá nhân:
Cách đây vài năm khi đứa con trai đầu lòng của chúng tôi được khoảng một tuổi, dường như tôi là nguồn gốc đau khổ không cần thiết. Chúng tôi đang đi học đại học và một buổi tối nọ tôi đang chơi với con trai của mình trên sàn nhà. Tôi rời căn phòng để đi học bài và khi tôi đóng cánh cửa lại sau lưng mình thì hình như nó với tay đến tôi bằng cách giơ tay lên cao sau đầu của nó và thò ngón tay của nó vào cạnh bản lề của cánh cửa. Khi tôi đóng cửa lại thì ngón tay của nó bị thương nặng.
Chúng tôi vội vã chở nó đến phòng cấp cứu ở bệnh viện, nó được chích thuốc tê ở tay và một bác sĩ bước vào; ông bảo đảm với chúng tôi rằng ngón tay có thể chữa được. Hầu như là điều nghịch lý , vào lúc đó một điều duy nhất mà đứa con một tuổi của tôi muốn là được cha nó ôm. Chỉ cần là nó có thể thấy tôi thì nó kháng cự lại bất cứ nỗ lực nào để chặn giữ nó cho cuộc giải phẫu tinh vi. Khi tôi rời phòng thì nó đã bình tĩnh trở lại và vị bác sĩ đã có thể tiếp tục làm việc.
Trong khi đang tiến hành cuộc giải phẫu thì tôi lo lắng và thường tiến đến gần cánh cửa đang mở và nhìn quanh góc phòng để xem sự việc diễn ra như thế nào. Có lẽ bởi một cảm giác vô hình nào đó nên khi tôi nhẹ nhàng lén nhìn quanh góc phòng ở đằng sau nó và bên cạnh, thì nó ngóc đầu lên và ráng sức nhìn thể như tôi đang ở đó.
Vào một trong những lúc đó, khi tôi thấy nó với cánh tay của nó dang ra một bên—thì đầu của nó ngóc lên tìm cha của nó—ý nghĩ đến với tâm trí tôi về một Nam Tử khác, đôi cánh tay của Ngài dang ra và bị đóng đinh trên cây thập tự, tìm kiếm Cha Ngài và đến với tâm trí của tôi là những lời: “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi.”5 Một giây phút rất đau buồn trong đời tôi bỗng nhiên trở nên thật thiêng liêng.
Trong khắp thánh thư, có một nhóm người nam và người nữ dường như luôn luôn tập trung đến Đấng Ky Tô—có những người, bất luận cuộc đời đối xử bất công với họ như thế nào, vẫn tiếp tục trung tín và sẵn lòng kiên trì. Tôi nói về Áp Ra Ham, bị truất quyền sở hữu vùng đất thừa huởng của ông, và được truyền lệnh phải hy sinh Y Sác; về Giô Sép bị các anh mình bán làm nô lệ, bị cầm tù vì tôn trọng đức hạnh và sự trinh khiết, và bị bỏ lại lâu ở trong tù vì một người tôi tớ không quan tâm đến người khác; về Ru Tơ người góa phụ trẻ và sống cơ cực, nhưng bền lòng và chung thủy với người mẹ chồng của mình; về tất cả ba vị tiên tri tên Nê Phi, cả hai cha con cùng tên An Ma, và dĩ nhiên về Tiên Tri Joseph.
Đáng kể nhất đối với tôi là sự kiên trì của Nê Phi. Liên tục hứng chịu sự phẫn nộ của các anh của mình, ông bị trói trong bốn ngày trên chiếc tàu đi đến đất hứa. Ông không thể cử động và vào ngày thứ tư, khi mà dường như họ sắp bị chìm xuống đại dương, thì các anh của ông, sợ rằng họ có thể chết, “mở dây trói tay [ông]; và này, cổ tay [ông] sưng vù hẳn lên, và luôn cả cổ chân [ông] cũng sưng nhiều; và những chỗ ấy hết sức đau đớn.
“Tuy nhiên, [ông] đã hướng về Thượng Đế của [ông], và [ông] đã ca ngợi Ngài suốt ngày; và [ông] không hề ta thán.”6
Tuy nhiên hãy nhớ rằng chính Nê Phi đã chép rằng: “Họ quất Ngài bằng roi, Ngài hứng chịu cho họ quất; họ đánh đập Ngài, Ngài hứng chịu cho họ đánh đập. Phải, họ khạc nhổ vào Ngài, Ngài cũng hứng chịu cho họ khạc nhổ.”7 Nê Phi đã hiểu.
Mặc dù mục đích của nỗi thống khổ không phải lúc nào cũng hiển nhiên, nhưng Tiên Tri Joseph đã có một kinh nghiệm thuộc linh độc nhất vô nhị khi ông bị bỏ tù một thời gian dài trong Ngục Thất Liberty. Chúa đã an ủi ông:
“Hỡi con của ta, bình yên cho tâm hồn ngươi; nghịch cảnh và những nỗi thống khổ của ngươi chỉ sẽ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi;
“Và rồi, nếu ngươi biết kiên trì chịu đựng, thì Thượng Đế sẽ nâng ngươi lên cao; ngươi sẽ chiến thắng tất cả các kẻ thù của mình.”8
“Hỡi con của ta ơi, ngươi hãy biết rằng, tất cả những điều này sẽ đem lại cho ngươi một kinh nghiệm, và sẽ lợi ích cho ngươi.
“Con của Người đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả những điều đó nữa. Há ngươi cao trọng hơn Đấng ấy chăng?”9
Khi chúng ta được yêu cầu để chịu đựng nỗi thống khổ mà đôi khi gây ra cho chúng ta một cách vô tình hay cố ý thì chúng ta được đặt vào một vị thế khác thường—nếu chúng ta chọn, thì chúng ta có thể được phép có được nhận thức mới về nỗi thống khổ của Vị Nam Tử của Thượng Đế. Tuy An Ma cho chúng ta biết rằng Đấng Ky Tô chịu đau đớn tất cả để cho không ai trong chúng ta sẽ phải bị đau đớn hầu cho Ngài có thể biết cách thức cứu giúp chúng ta,10 thì điều trái ngược cũng có thể đúng; rằng nỗi thống khổ của chúng ta có thể cho chúng ta sự hiểu biết sâu xa và tính chất trọng đại của sự hy sinh chuộc tội của Ngài.
Khi tôi suy ngẫm về sự kiện đó với con trai của tôi cách đây rất nhiều năm, nó đã cung ứng những sự hiểu thấu mới mẻ và có lẽ còn là sự hiểu biết sâu xa hơn về tính chất trọng đại và sự oai nghiêm của Sự Chuộc Tội. Tôi có được sự cảm kích sâu xa hơn về điều mà Đức Chúa Cha đang sẵn lòng để cho Vị Nam Tử của Ngài chịu đau khổ cho tôi và cho mỗi người chúng ta. Tôi có một sự hiểu thấu mới mẻ của cá nhân về Sự Chuộc Tội một cách toàn diện. Tôi không thể tưởng tượng rằng tôi sẵn lòng để cho con trai tôi chịu đau đớn ngay cả trong cách thức nhỏ bé này; và Đức Chúa Cha của chúng ta “yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài.”11
Mặc dù chúng tôi không hề bàn thảo về điều ấy nhưng con trai của tôi cũng đã có một cơ hội để cảm kích đoạn thánh thư mà Đấng Cứu Rỗi giải thích: “Này ta đã chạm ngươi trong lòng bàn tay ta; các tường thành ngươi thường ở trước mặt ta luôn.”12
Mặc dù tôi không nghĩ rằng bất cứ điều gì trong câu chuyện này có thể giống như Sự Chuộc Tội thiêng liêng, nhưng vết sẹo nơi bàn tay con trai tôi vẫn tiếp tục ở trước mặt nó, và nó có cơ hội, nếu nó chọn chấp nhận điều đó, dùng vết sẹo của nó làm điều nhắc nhở về các vết sẹo trong lòng bàn tay của Đấng Cứu Rỗi—đau đớn vì tội lỗi của chúng ta. Nó có cơ hội để hiểu theo cách thức của nó về tình yêu thương mà Đấng Cứu Rỗi có đối với chúng ta trong sự sẵn lòng bị vết thẹo, bầm dập, và tơi tả vì chúng ta.
Mặc dù nỗi thống khổ có thể cung ứng sự hiểu thấu nhưng chúng ta phải cẩn thận không so sánh mà thay vì thế phải cảm kích. Sẽ luôn luôn có những khác biệt vô hạn giữa chúng ta với Đấng Cứu Rỗi. Lời phán của Ngài cùng Phi Lát: “Ngươi không có quyền gì trên ta; nếu chẳng phải từ trên cao đã ban cho ngươi”13 nhắc chúng ta lần nữa về tính chất sẵn lòng và tự nguyện của sự hy sinh của Ngài. Chúng ta không bao giờ có thể chịu đựng nổi chiều sâu, tính chất cùng cực hoặc trọng đại của nỗi thống khổ của Ngài, “nỗi đau khổ ấy đã khiến cho ta dù là Thượng Đế, Đấng vĩ đại hơn hết, cũng phải run lên vì đau đớn, và phải rướm máu từng lỗ chân lông, và phải chịu sự đau khổ cả thể xác lẫn linh hồn.”14 Nhưng giống như Nê Phi, chúng ta có thể có được một sự cảm kích lớn lao hơn về điều Ngài đã làm và chúng ta có thể cảm nhận được Thánh Linh của Ngài cứu giúp chúng ta và chúng ta có thể biết Đấng Cứu Rỗi theo một ý nghĩa rất thật, “và sự sống đời đời là để [chúng ta] nhìn biết” Ngài.15
Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Thế; rằng qua nỗi thống khổ và Sự Chuộc Tội của Ngài mà chúng ta có thể nhận được sự xá miễn tội lỗi của chúng ta và có thể đạt được cuộc sống vĩnh cửu. Tôi làm chứng về lòng nhân từ dịu dàng và trìu mến của Ngài. Ngài là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha và trong mọi việc Ngài đã làm theo ý của Cha Ngài, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.