Hãy Nhìn Xem Các Con Trẻ của Các Ngươi
Trong thế giới ngày nay, các em sẽ … cần mỗi chúng ta bảo vệ, giảng dạy và yêu thương các em.
Trong khi đang phục vụ trong sự kêu gọi này, tôi đã kết thân với một số bạn mới. Eliza có thể hát nhiều bài ca Hội Thiếu Nhi. Lucas đang học Những Tín Điều bằng tiếng Tây Ban Nha. Caitlyn thì nhút nhát nhưng tò mò. Tôi ngồi cạnh Martha trong Hội Thiếu Nhi và em đã choàng tay qua người tôi. Các đứa trẻ này phản chiếu ánh sáng của phúc âm trên gương mặt của mình.
Ai là các trẻ em trong nhà hoặc trong khu xóm của các anh chị em? Hãy nhìn các em ấy. Hãy nghĩ về các em ấy. Đấng Cứu Rỗi dạy chúng ta rằng muốn được vào vương quốc của Thượng Đế, thì chúng ta phải trở nên như trẻ nhỏ, “phục tùng, nhu mì, khiêm nhường, kiên nhẫn, [và] đầy sự yêu thương” (Mô Si A 3:19).
Nhưng, dù các trẻ em đầy đức tin và tin tưởng đến với chúng ta, thì các em cũng đương đầu với những thử thách của một thế giới tà ác. Phải làm gì để giúp các đứa trẻ này giữ được ánh sáng của đức tin trong mắt các em? Chúng ta biết rằng không có điều gì có thể thay thế một gia đình ngay chính trong cuộc sống của một đứa trẻ. Nhưng trong thế giới ngày nay, các em sẽ không những cần một người mẹ và một người cha tận tâm mà các em còn cần mỗi chúng ta bảo vệ, giảng dạy và yêu thương các em.
Thưa các anh chị em, bảo vệ con cái của chúng ta có nghĩa là chúng ta cung ứng một môi trường mà mời gọi Thánh Linh vào cuộc sống của các em và xác nhận Thánh Linh trong lòng của các em. Điều đó tự động loại trừ bất cứ hình thức thờ ơ, bỏ bê, lạm dụng, bạo động hoặc lợi dụng nào khác.
Và mặc dù những hoàn cảnh đồi bại có đáng sợ hơn nhưng chúng ta cũng bảo vệ con cái khỏi những hoàn cảnh dường như ít nguy hại hơn chẳng hạn như những kỳ vọng quá cao hoặc quá thấp, sự nuông chiều quá mức, thời khóa biểu của chúng quá ôm đồm và sự tự mãn. Sự thái quá nào cũng làm cùn mất khả năng của một đứa trẻ để nhận biết, tin cậy và được Đức Thánh Linh hướng dẫn.
Tâm trí của các trẻ em mở rộng đối với các lẽ thật phúc âm hơn bất cứ lúc nào khác, và việc tuổi thơ được bảo vệ thì thật sự là một cơ hội ngàn năm một thuở để giảng dạy và củng cố con cái trong việc chọn điều đúng.
Thật dễ dàng để biết giảng dạy điều gì. Thánh thư và các vị tiên tri của chúng ta đã nói rõ về điều chúng ta phải dạy cho con cái của mình. Nê Phi đã tóm lược điều đó trong câu này: “Và chúng tôi nói về Đấng Ky Tô, chúng tôi hoan hỉ về Đấng Ky Tô, chúng tôi thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng tôi tiên tri về Đấng Ky Tô, … để cho con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng” (2 Nê Phi 25:26).
Khi biết rằng chúng ta giảng dạy về Đấng Ky Tô và phúc âm của Ngài thì chúng ta phải làm điều đó như thế nào? Hãy bắt đầu bằng cách tuân theo lời khuyên dạy của các vị tiên tri của chúng ta và dành thời giờ trong nhà của mình cho sự cầu nguyện chung gia đình, học hỏi thánh thư và có buổi họp tối gia đình. Chúng ta có nghe lời khuyên dạy đó quá thường xuyên đến nỗi dường như điều đó quá giản dị chăng? Hoặc chúng ta quá bận rộn, nên việc thêm vào một điều nữa làm cho cảm thấy quá phức tạp chăng? Tôi làm chứng rằng ngay cả khi việc thờ phượng của gia đình chúng ta dường như kém hữu hiệu, thì chỉ sự vâng lời không thôi cũng mời gọi các phước lành của Chúa.
Quả vậy, sự vâng lời và tấm gương của cá nhân trong mỗi phần của cuộc sống chúng ta là bài học cơ bản về phúc âm cho con cái. Vậy nên, hãy nghiên cứu, học hỏi và áp dụng phúc âm. Chúng ta không thể giảng dạy các nguyên tắc mà chúng ta không biết và chúng ta không sống theo. Trẻ em nhận thức được chúng ta là ai và điều gì ở trong lòng chúng ta nhanh hơn chúng ta nghĩ.
Vậy, hãy yêu thương các trẻ em. Tôi nhớ đã cảm thấy được yêu thương khi còn nhỏ và nhờ vào điều đó mà rất dễ cho tôi tin rằng Đấng Cứu Rỗi cũng yêu thương tôi. Các trẻ em phát triển nhanh trong một căn nhà mà cha mẹ hiểu được “bổn phận thiêng liêng để nuôi nấng con cái mình trong tình thương và sự ngay chính” (Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười năm 2004, 49).
Nhưng tất cả chúng ta đều có thể giúp đỡ. Hãy chú ý đến các đứa trẻ ở chung quanh các anh chị em và học biết tên của các em đó. Và rồi, hãy mời gọi, lắng nghe, khuyến khích, hướng dẫn, xây dựng, phục vụ và chia sẻ chứng ngôn. Tình yêu thương của các anh chị em có thể giúp mang một đứa trẻ đến với tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi.
Vasily là một đứa trẻ ở ngoài đường rất nhiều và không được cha mẹ của em hỗ trợ em trong việc tìm kiếm lẽ thật. Em đã tìm ra một chi nhánh nhỏ của Giáo Hội trong thị trấn của em, và em đến dự mọi sinh hoạt tổ chức ở nhà thờ. Em cũng mang ba đứa em trai của mình đến nhà thờ, và những người bạn khác đã cùng em tham gia trong Hội Thiếu Nhi. Thật vậy, có một lần, Hội Thiếu Nhi đông nhất trong vùng đó gồm có các bé trai này mà không phải là tín hữu của Giáo Hội. Các em được thu hút đến với lẽ thật và ánh sáng phúc âm bắt đầu được phản chiếu trên gương mặt của các em. Các em được chào đón, bảo vệ, giảng dạy và yêu thương bởi tất cả các tín hữu của chi nhánh bé nhỏ đó, kể cả giới trẻ, những người thành niên trẻ tuổi, những người truyền giáo, các giảng viên và các vị lãnh đạo chức tư tế. Hãy nghĩ về các trẻ em trong khu xóm hoặc trong lớp Hội Thiếu Nhi của các anh chị em. Ai là các trẻ em trong chi nhánh hoặc tiểu giáo khu của các anh chị em? Có em nào giống như Vasily, mà đang cần đến các anh chị em không?
Khi nghĩ về các em trai này và các đứa trẻ giống như các em ấy, tôi có được hy vọng lớn lao từ câu chuyện về sự viếng thăm của Đấng Cứu Rỗi trên lục địa Mỹ Châu. Hãy nhớ rằng trước khi Đấng Cứu Rỗi hiện đến, đã có bão tố, động đất, hỏa hoạn, cuồng phong và ba ngày âm u tối tăm (xin xem 3 Nê Phi chương 8). Tôi đã thường nghĩ về những đứa trẻ đã trải qua các biến cố đó. Và tôi chỉ có thể tưởng tượng ra nỗi sợ hãi và mối quan tâm trong lòng của các bậc cha mẹ.
Và rồi Đấng Cứu Rỗi hiện đến và truyền lệnh cho đám đông “hãy đem các trẻ nhỏ lại” với Ngài (3 Nê Phi 17:11). Các bậc cha mẹ có lẽ đã rất hăm hở để mang con cái mình đến với Đấng Cứu Rỗi. Rồi họ nhìn theo khi Đấng Cứu Rỗi khóc cho các đứa trẻ và ban phước cho chúng, từng đứa một, cầu nguyện lên Đức Chúa Cha cho chúng, và kêu các thiên thần xuống để phục sự cho chúng. Câu chuyện này nhắc chúng ta nhớ rằng chính Đấng Cứu Rỗi là Đấng che chở cao trọng, Đức Thầy tối thượng và nguồn yêu thương và chữa lành vĩnh cửu.
Khi bóng tối của thời đại này bao quanh chúng ta, thì chúng ta cũng được truyền lệnh để mang các con cái của mình đến với Đấng Cứu Rỗi và cũng như Anh Cả Ballard đã nhắc nhở chúng ta, “chúng ta là những người mà Thượng Đế đã chỉ định để bảo bọc các trẻ em ngày nay với tình yêu thương và đức tin vững mạnh cùng một sự hiểu biết về việc các em là ai” (“Behold Your Little Ones,” Tambuli, tháng Mười năm 1994, 40; “Great Shall Be the Peace of Thy Children,” Ensign, tháng Tư năm 1994, 60).
Thưa các anh chị em, là một người mẹ và một người lãnh đạo Hội Thiếu Nhi, tôi biết công việc này với các trẻ em thì không dễ dàng. Việc bảo vệ, giảng dạy và yêu thương các trẻ em có thể đòi hỏi cao, thường làm chán nản, đôi khi làm mệt mỏi, và thỉnh thoảng kết quả của các nỗ lực của chúng ta bị trì hoãn lâu. Nhưng chính vì không phải dễ dàng để mang các trẻ em đến với Đấng Cứu Rỗi, nên chúng ta phải tự mình đến với Ngài. Khi tìm kiếm Ngài và Thánh Linh của Ngài để giúp đỡ mình thì chúng ta sẽ thấy được một phép lạ. Chúng ta sẽ nhận biết rằng tâm hồn của mình đang thay đổi và chúng ta cũng đang trở nên “phục tùng, nhu mì, khiêm nhường, kiên nhẫn, [và] đầy sự yêu thương” (Mô Si A 3:19). Chúng ta cũng sẽ phản chiếu ánh sáng của phúc âm trong diện mạo của mình. Chúng ta sẽ tiến đến sự hiểu biết những lời của Đấng Cứu Rỗi: “Hễ ai vì danh ta chịu tiếp một đứa trẻ thể này, tức là chịu tiếp ta” (Ma Thi Ơ 18:5).
Tôi yêu thương Đấng Cứu Rỗi và làm chứng về quyền năng cứu chuộc của Ngài đối với tôi và các anh chị em cùng đối với các trẻ em của chúng ta, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.