2006
Ngài Làm Vơi Gánh Nặng
Tháng Mười Một năm 2006


Ngài Làm Vơi Gánh Nặng

Quyền năng chữa lành của Chúa Giê Su Ky Tô đều có sẵn cho mỗi nỗi đau khổ trên trần thế.

Đấng Cứu Rỗi phán: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Ma Thi Ơ 11:28).

Nhiều người đang mang những gánh nặng. Một số người đã mất đi một người thân hoặc phải trông nom cho một người thân bị tàn tật. Một số người đau đớn vì ly dị. Những người khác mong mỏi có được một hôn nhân vĩnh cửu. Một số người bị sa vào vòng nô lệ của những chất hoặc những thói quen nghiện ngập như rượu chè, thuốc lá, ma túy hay hình ảnh sách báo khiêu dâm. Những người khác thì cơ thể bị tật nguyền hoặc suy yếu tinh thần. Một số người đang bị thử thách bởi sức lôi cuốn của tình trạng đồng tính luyến ái. Một số người có những cảm nghĩ thất vọng hoặc thiếu xứng đáng. Trong phương diện này hay phương diện khác, nhiều người đang mang những gánh nặng.

Đấng Cứu Rỗi đưa ra lời mời gọi đầy nhân từ này cho mỗi người chúng ta:

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.

“Ta có lòng nhu mì khiêm nhường, nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta, thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.

“Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng” (Ma Thi Ơ 11:28–30).

Thánh thư chứa đựng nhiều câu chuyện về việc Đấng Cứu Rỗi làm vơi nhẹ những gánh nặng. Ngài khiến cho người mù thấy được; người điếc nghe được; chữa lành người bị bệnh bại liệt, bị què quặt hoặc bị thương tật; người phong được sạch; và tà ma bị đuổi ra. Chúng ta thường đọc về người bị bệnh tật được “làm cho lành lặn” (xin xem Ma Thi Ơ 14:36; 15:28; Mác 6:56; 10:52; Lu Ca 17:19; Giăng 5:9).

Chúa Giê Su đã chữa lành nhiều người khỏi các bệnh tật của thân thể, nhưng Ngài cũng không hạn chế việc chữa lành cho những người cầu xin được “lành lặn” cho những bệnh tật khác. Ma Thi Ơ chép rằng Ngài đã chữa lành mọi bệnh tật trong dân chúng (xin xem Ma Thi Ơ 4:23; 9:35). Nhiều đám đông đi theo Ngài và Ngài “chữa lành cả” (Ma Thi Ơ 12:15). Chắc chắn là những sự chữa lành này gồm có các bệnh về cảm xúc, tâm thần, hay thuộc linh. Ngài đều chữa lành cho họ cả.

Trong bài giảng lúc ban đầu trong nhà hội, Chúa Giê Su đã đọc lớn lời tiên tri sau đây từ sách Ê Sai: “Vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền tin lành cho kẻ nghèo, Ngài đã sai ta để rao cho kẻ bị cầm được tha, kẻ mù được sáng, kẻ bị hà hiếp được tự do” (Lu Ca 4:18). Khi Chúa Giê Su phán rằng Ngài đến để làm ứng nghiệm lời tiên tri đó, Ngài đã khẳng định rõ ràng rằng Ngài sẽ chữa lành cho những người bị bệnh tật và Ngài cũng sẽ giải thoát những kẻ bị tù đày, giải phóng kẻ bị hà hiếp, và an ủi những người bị đau khổ.

Sách Phúc Âm của Lu Ca chứa đựng nhiều ví dụ về giáo vụ này. Sách nói về lúc mà “một đoàn dân đông nhóm họp để nghe [Chúa Giê Su], và để được chữa lành bệnh” (Lu Ca 5:15). Trong những dịp khác sách có chép rằng Chúa Giê Su “chữa lành nhiều kẻ bệnh” (Lu Ca 7:21) và Ngài “chữa cho những kẻ cần được lành bệnh” (Lu Ca 9:11). Sách cũng diễn tả cảnh một đám đông những người đến từ Giu Đê A và Giê Ru Sa Lem và từ bờ biển Si Đôn đã xuống đồng bằng để “nghe Ngài dạy và cho được chữa lành bệnh mình” (Lu Ca 6:17).

Khi Đấng Cứu Rỗi hiện đến cùng những người ngay chính ở Tân Thế Giới, Ngài gọi những người què quặt hoặc mù lòa, hay bị những tật bệnh khác đến bên Ngài. Ngài cũng mời gọi những người “bị đau đớn vì nguyên do nào khác” (3 Nê Phi 17:7). Ngài phán: “ Hãy đem họ lại đây ta sẽ chữa lành họ” (câu 7). Sách Mặc Môn cho biết về cách thức một đám đông mang đến “tất cả những người bị đau đớn về mọi thể cách khác” (câu 9). Điều này chắc hẳn bao gồm những người mang mọi thứ bệnh về thể xác, tâm hồn, hay tinh thần, và thánh thư làm chứng rằng Chúa Giê Su “đã chữa lành cho tất cả mọi người” (câu 9).

Đấng Cứu Rỗi dạy rằng chúng ta sẽ có hoạn nạn trên thế gian, nhưng chúng ta phải “cứ vững lòng” vì Ngài đã “ thắng thế gian rồi” (Giăng 16:33). Sự Chuộc Tội của Ngài đã hoàn tất và đủ mạnh mẽ đến nỗi không những trả được tội lỗi mà còn chữa lành mọi nỗi đau khổ trên trần thế. Sách Mặc Môn dạy rằng: “Ngài sẽ đi ra ngoài đời để chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ; và Ngài phải chịu như vậy là để cho lời báo trước được ứng nghiệm, lời đó là: Ngài sẽ mang lấy những đau đớn và bệnh tật của dân Ngài” (An Ma 7:11; xin xem thêm 2 Nê Phi 9:21).

Ngài biết sự thống khổ của chúng ta, và Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta. Cũng giống như người Sa Ma Ri nhân lành trong chuyện ngụ ngôn của Ngài, khi Ngài thấy chúng ta bị thương bên lề đường, Ngài băng bó vết thương của chúng ta rồi chăm sóc chúng ta (xin xem Lu Ca 10:34). Thưa các anh chị em, quyền năng chữa lành của Sự Chuộc Tội của Ngài là cho các anh chị em, cho chúng ta, và cho tất cả mọi người.

Quyền năng chữa lành vô hạn của Ngài được tìm thấy qua những lời thỉnh cầu của bài thánh ca của chúng ta “Thưa Thầy, Cơn Bão Đang Hoành Hành”:

Thưa Thầy, với linh hồn thống khổ

Hôm nay con cúi đầu buồn phiền.

Nỗi ưu phiền trĩu nặng hồn con.

Con cầu xin Ngài chỗi dậy và cứu rỗi con!

Tội lỗi và nỗi thống khổ

Tràn ngập linh hồn tuyệt vọng của con,

Và con chết mất! Con chết mất! Thưa Thầy.

Ôi, xin Ngài nhanh chóng đến cứu con!

(Hymns, số 105)

Chúng ta có thể được chữa lành qua thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Chúa Giê Su ban cho Mười Hai Vị Sứ Đồ của Ngài quyền năng để “chữa các thứ tật bệnh” (Ma Thi Ơ 10:1; xin xem thêm Mác 3:15; Lu Ca 9:1–2), và họ đi “rao giảng tin lành khắp nơi và chữa lành người có bệnh” (Lu Ca 9:6; xin xem thêm Mác 6:13; Công Vụ Các Sứ Đồ 5:16). Các Thầy Bảy Mươi cũng được gửi đi với quyền năng và lời hướng dẫn để chữa lành người bệnh (xin xem Lu Ca 10:9; Công Vụ Các Sứ Đồ 8:6–7).

Mặc dù Đấng Cứu Rỗi có thể chữa lành tất cả những ai mà Ngài muốn chữa lành, nhưng điều này không đúng với những người mang thẩm quyền chức tư tế của Ngài. Việc sử dụng thẩm quyền đó bởi người trần thế bị giới hạn theo ý muốn của Ngài là Đấng mà chức tư tế này thuộc vào. Do đó, chúng ta được cho biết rằng một số người mà được các anh cả ban phước thì không được chữa lành vì họ bị “chỉ định phải chết” (GLGƯ 42:48). Tương tự như thế, khi Sứ Đồ Phao Lô xin được chữa lành khỏi “cái giằm sóc vào thịt” để vả ông (2 Cô Rinh Tô 12:7), thì Chúa đã từ chối không chữa lành cho ông. Về sau, Phao Lô viết rằng Chúa đã giải thích: “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn sự yếu đuối” (câu 9). Phao Lô đã ngoan ngoãn đáp rằng ông sẽ “rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi hầu cho sức mạnh của Đấng Ky Tô ở trong tôi … vì khi tôi bị yếu đuối ấy là lúc tôi mạnh mẽ” (các câu 9–10).

Các phước lành của sự chữa lành đến trong nhiều cách thức, mỗi cách thức thích hợp với nhu cầu cá nhân của chúng ta, dựa theo sự hiểu biết của Ngài là Đấng yêu thương chúng ta nhiều nhất. Đôi khi một “sự chữa lành”chữa lành bệnh chúng ta hoặc làm nhẹ gánh chúng ta. Nhưng đôi khi chúng ta “được chữa lành” bằng cách được ban cho sức mạnh hoặc sự hiểu biết, hoặc sự nhẫn nại để có thể cam chịu những gánh nặng đặt trên vai chúng ta.

Những người đi theo An Ma đã bị làm nô lệ cho những người thống trị tà ác. Khi họ cầu nguyện xin được giải cứu thì Chúa phán với họ rằng cuối cùng Ngài sẽ giải thoát họ, nhưng trong khi chờ đợi, Ngài sẽ làm giảm bớt gánh nặng của họ “đến nỗi các ngươi không còn cảm thấy gì hết mặc dù trong lúc các ngươi vẫn còn ở trong vòng nô lệ; và ta sẽ làm vậy để các ngươi đứng lên làm chứng rằng ta, Đức Chúa Trời, có đến viếng thăm dân ta trong cơn đau khổ của họ” (Mô Si A 24:14). Trong trường hợp đó, dân chúng không được cất bỏ gánh nặng, nhưng Chúa đã củng cố họ để “họ có thể mang gánh nặng ấy một cách dễ dàng, và họ đã tuân phục tất cả ý muốn của Chúa một cách vui vẻ và đầy kiên nhẫn” (câu 15).

Cũng lời hứa và ảnh hưởng này áp dụng cho các chị em là những người mẹ góa bụa, hay ly dị, và cho các anh chị em độc thân là những người đang đơn độc, cho các anh chị em là những người mang gánh nặng chăm sóc người khác, cho những người bị nghiện ngập, và cho tất cả chúng ta bất kể gánh nặng của chúng ta là gì. Vị tiên tri đã nói: “Hãy đến cùng Đấng Ky Tô, để được toàn thiện trong Ngài” (Mô Rô Ni 10:32).

Đôi khi chúng ta có thể cảm thấy thất vọng vì gánh chúng ta quá nặng. Khi mà dường như cơn bão đang hoành hành trong cuộc sống chúng ta, thì chúng ta có thể cảm thấy bị bỏ rơi và kêu lên như các môn đồ trong cơn bão tố: “Thầy ơi, thầy không lo chúng ta chết sao?” (Mác 4:38). Trong những giây phút đó chúng ta cần phải nhớ lời Ngài đáp: “Sao các ngươi sợ? chưa có đức tin sao?” (câu 40).

Quyền năng chữa lành của Chúa Giê Su Ky Tô—dù là để cất bỏ gánh nặng của chúng ta hoặc củng cố chúng ta để chúng ta chịu đựng và sống với gánh nặng đó giống như Sứ Đồ Phao Lô—đều có sẵn cho mỗi nỗi đau khổ trên trần thế.

Sau khi tôi đưa ra bài nói chuyện tại đại hội trung ương về sự xấu xa của hình ảnh sách báo khiêu dâm (xin xem “Hình Ảnh Sách Báo Khiêu Dâm,” Liahona, tháng Năm năm 2005, 87–90), thì tôi nhận được nhiều lá thư của những người đã bị đè nặng bởi sự nghiện ngập này. Một số các lá thư này là từ những người nam đã khắc phục được thói quen nghiện ngập hình ảnh sách báo khiêu dâm. Một người viết rằng:

“Có vài bài học mà tôi đã học được từ kinh nghiệm của mình khi khắc phục được thói quen nghiện ngập mà đã chi phối cuộc sống của những người sa vào bẫy của nó: (1) Đây là một vấn đề nghiêm trọng mà rất khó khắc phục… . (2) Nguồn hỗ trợ và sức mạnh quan trọng nhất trong tiến trình hối cải là Đấng Cứu Rỗi … (3) Việc học thánh thư chuyên cần hằng ngày, việc thờ phượng thường xuyên trong đền thờ, cùng sự nghiêm chỉnh và thành tâm tham dự giáo lễ Tiệc Thánh đều là những phần thiết yếu của tiến trình hối cải chân thật. Tôi cho rằng điều này là nhờ vào tất cả những sinh hoạt này nhằm gia tăng và củng cố mối liên hệ của một người với Đấng Cứu Rỗi, sự hiểu biết của một người về sự hy sinh chuộc tội của Ngài, và đức tin của một người nơi quyền năng chữa lành của Ngài” (thư đề ngày 24 tháng Mười năm 2005).

Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Hãy đến cùng ta thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ” (Ma Thi Ơ 11:28–29). Người đang mang gánh nặng đó đã tìm đến với Đấng Cứu Rỗi và mỗi chúng ta cũng có thể làm như vậy

Cuộc hôn nhân của một người phụ nữ bị đe dọa vì thói nghiện ngập hình ảnh sách báo khiêu dâm của chồng chị. Chị viết rằng chị đã sát cánh với chồng mình trong năm năm đầy đau khổ, cho đến khi, như chị nói: “Qua ân tứ quí báu của sự cứu chuộc đầy vinh quang của Đấng Cứu Rỗi, và những gì Ngài đã dạy tôi về sự tha thứ, rồi cuối cùng chồng tôi được giải thoát—và tôi cũng được giải thoát.” Là một người không cần sự thanh tẩy khỏi tội lỗi nhưng chỉ tìm cách để giải thoát người thân của mình khỏi cảnh tù đày, chị đã viết về ý kiến này:

“Hãy giao tiếp với Chúa … Ngài là người bạn tốt nhất của các anh chị em! Ngài biết nỗi đớn đau của các anh chị em vì Ngài đã cảm nhận nó thay cho các anh chị em rồi. Ngài sẵn sàng vác gánh nặng đó. Hãy tin tưởng nơi Ngài đủ để đặt gánh nặng đó nơi chân Ngài và để cho Ngài mang gánh nặng đó cho các anh chị em. Rồi nỗi thống khổ của các anh chị em có thể được thay thế bằng sự bình an của Ngài cho đến tận đáy sâu tâm hồn của các anh chị em“ (thư đề ngày 18 tháng Tư năm 2005).

Một người đàn ông đã viết cho một Vị Thẩm Quyền Trung Ương về cách thức mà quyền năng của Sự Chuộc Tội đã giúp người ấy trong vấn đề bị lôi cuốn bởi sự đồng tình luyến ái. Người ấy đã bị khai trừ vì sự phạm giới nghiêm trọng mà đã vi phạm các giao ước đền thờ và trách nhiệm của người ấy đối với con cái của mình. Người ấy phải chọn hoặc cố gắng sống theo phúc âm hoặc tiếp tục đeo đuổi con đường trái với sự giảng dạy của phúc âm.

Người ấy viết: “Tôi biết điều đó sẽ rất khó khăn, nhưng tôi không ý thức được điều tôi sẽ phải trải qua.” Bức thư của anh diễn tả nỗi trống rỗng và cô đơn, và nỗi đau khổ cùng cực mà anh phải trải qua từ tận đáy sâu tâm hồn của mình khi người ấy tìm cách trở về. Anh thành khẩn cầu nguyện xin được tha thứ, đôi khi hằng giờ trong một lần. Anh được hỗ trợ nhờ vào việc đọc thánh thư, nhờ vào tình bạn của của một vị giám trợ nhân từ, và nhờ vào các phước lành của chức tư tế. Nhưng cuối cùng điều mà tạo ra sự khác biệt là sự trợ giúp của Đấng Cứu Rỗi. Người ấy giải thích:

“Chỉ qua Ngài và qua Sự Chuộc Tội của Ngài…. Giờ đây tôi mới cảm thấy tràn ngập lòng biết ơn. Đôi khi nỗi đau đớn của tôi đến mức dường như quá sức chịu đựng của tôi, tuy nhiên nó lại quá nhỏ bé so với những gì mà Ngài đã chịu đựng. Nơi mà từng là bóng tối trong đời tôi, giờ đây là tình thương yêu và lòng biết ơn.”

Người ấy tiếp tục: “Một số người cho rằng sự thay đổi có thể xảy ra và việc điều trị là giải đáp duy nhất. Họ rất thông thạo về vấn đề này và có rất nhiều khả năng để giúp đỡ những người đang vùng vẫy để thoát ra, … nhưng tôi lo rằng họ quên bàn tay của Cha Thiên Thượng trong tiến trình này. Nếu sự thay đổi sẽ xảy ra, thì nó sẽ xảy ra theo ý muốn của Thượng Đế. Tôi cũng lo rằng có nhiều người chú trọng vào nguyên nhân hấp dẫn của sự đồng tình luyến ái … Chúng ta không cần xác định lý do tại sao tôi gặp [thử thách này]. Tôi không biết có phải tôi sinh ra như vậy, hay là tại những yếu tố môi trường góp phần vào việc đó. Sự thật của vấn đề là tôi đang có thử thách này trong cuộc sống mình và những gì mà tôi làm từ lúc này trở đi mới là điều quan trọng” (thư đề ngày 25 tháng Ba năm 2006).

Những người đã viết những bức thư này biết rằng Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và sự chữa lành mà Sự Chuộc Tội mang đến thì cung ứng nhiều hơn chỉ là cơ hội để hối cải tội lỗi. Sự Chuộc Tội cũng cho chúng ta sức mạnh để “chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ cùng mọi cám dỗ,” vì Đấng Cứu Rỗi của chúng ta cũng đã khoác lên Ngài “những đau đớn và bệnh tật của dân Ngài” (An Ma 7:11). Thưa các anh chị em, nếu đức tin, lời cầu nguyện và quyền năng của chức tư tế không chữa lành các anh chị em khỏi nỗi đau buồn, thì quyền năng của Sự Chuộc Tội chắc chắn sẽ ban cho các anh chị em sức mạnh để mang gánh nặng đó.

Đấng Cứu Rỗi phán: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho linh hồn các ngươi được an nghỉ” (Ma Thi Ơ 11:28–29).

Khi chúng ta đương đầu với những thử thách của trần thế, thì tôi cầu xin cho mỗi chúng ta, như tiên tri Mặc Môn đã cầu nguyện cho con ông là Mô Rô Ni: “Cha cầu xin Đấng Ky Tô sẽ nâng con lên, và cầu xin những nỗi thống khổ và cái chết của Ngài … và lòng thương xót và sự nhịn nhục của Ngài cùng niềm hy vọng và sự vinh quang của Ngài và về cuộc sống vĩnh cữu sẽ tồn tại mãi mãi trong tâm trí con” (Mô Rô Ni 9:25).

Tôi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, là Đấng đã mời gọi tất cả chúng ta đến cùng Ngài và trở nên toàn thiện trong Ngài. Ngài sẽ băng bó vết thương của chúng ta và Ngài sẽ chữa lành những người đang mang gánh nặng. Trong tôn danh Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.