Ngài Tin Cậy Chúng Ta!
Mỗi người chúng ta một ngày nào đó sẽ đứng trước mặt Thượng Đế và giải thích với Ngài về sự phục vụ chức tư tế của chúng ta.
Cách đây vài năm, Chị Ellis và tôi được kêu gọi chủ tọa Phái Bộ Truyền Giáo Brazil São Paulo North (Ba Tây). Sự kêu gọi này có nghĩa là chúng tôi sẽ xa nhà trong ba năm. Dựa vào hoàn cảnh gia đình và việc kinh doanh của mình, chúng tôi cảm thấy nên giữ lại căn nhà và cơ sở kinh doanh của mình ở Houston thay vì bán chúng.
Khi bắt đầu sắp xếp những việc cần làm, thì thật rõ ràng là chúng tôi cần luật sư của mình soạn một giấy ủy quyền. Đó là một văn kiện hợp pháp cho phép một người khác có quyền dùng tên của chúng tôi để làm bất cứ điều gì. Với văn kiện này, người ấy có thể bán nhà hoặc tài sản khác của chúng tôi, mượn tiền với tên của chúng tôi, sử dụng tiền của chúng tôi, hoặc ngay cả bán cơ sở kinh doanh của chúng tôi. Ý nghĩ về việc cho một người nào đó khả năng và quyền hạn nhiều như thế đối với công việc làm ăn của chúng tôi thì thật là đáng sợ.
Chúng tôi quyết định ủy quyền cho một người mà chúng tôi đã tin cậy, đó là một người bạn tốt và người cộng sự của chúng tôi, là người đã sử dụng rất thành thạo khả năng và quyền hạn này. Người ấy đã làm điều mà chúng tôi có lẽ làm nếu chúng tôi có ở đó.
Thưa các anh em, hãy nghĩ về điều mà Chúa đã ban cho chúng ta—thẩm quyền và quyền năng của Ngài! Quyền năng và thẩm quyền để hành động thay cho Ngài trong mọi điều liên quan đến công việc của Ngài!
Với quyền năng chức tư tế này, và khi cần thiết, với sự cho phép của những người có được các chìa khóa thích đáng, chúng ta có thể thực hiện các giáo lễ cứu rỗi trong tôn danh của Ngài: làm phép báp têm để xá miễn tội lỗi, làm lễ xác nhận và truyền giao Đức Thánh Linh, truyền giao chức tư tế và sắc phong những người khác cho các chức phẩm chức tư tế, và thực hiện các giáo lễ đền thờ. Trong danh Ngài chúng ta có thể điều hành Giáo Hội của Ngài. Trong danh Ngài chúng ta có thể ban phước, giảng dạy tại gia và ngay cả chữa lành cho người bệnh nữa.
Chúa đã tin cậy chúng ta biết bao! Thưa các anh em, hãy nghĩ về điều đó, Ngài tin cậy chúng ta!
Trước khi nhận chức tư tế, chúng ta đã được chuẩn bị và thử thách. Chúng ta đã sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, hối cải, chịu phép báp têm và tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh. Mức độ kinh nghiệm mà chúng ta đã mang đến cho sự sắc phong của mình thì có sự khác biệt. Nhưng tiến trình thuộc linh thì giống nhau. Chúng ta đã được cầu nguyện và được phỏng vấn bởi những người sử dụng các chìa khóa chức tư tế. Chúng ta đã được tán trợ bởi các tín hữu Giáo Hội từ đơn vị Giáo Hội của mình. Chúng ta được sắc phong bởi một người có thẩm quyền và được phép để làm như vậy.
Chúa rất thận trọng với chức tư tế của Ngài. Việc sử dụng quyền năng và thẩm quyền của Ngài là một sự tin cậy thiêng liêng.
Việc chúng ta đã đạt được sự tin cậy của Thượng Đế thì tuyệt diệu biết bao! Ngài tin cậy các anh em! Ngài tin cậy tôi!
Khi tiếp nhận chức tư tế, thì chúng ta lập giao ước. Giao ước là một lời hứa của hai bên. Ngài hứa ban phước cho chúng ta với một số điều kiện. Chúng ta hứa làm tròn những điều kiện đó. Khi chúng ta làm như vậy, Chúa luôn luôn giữ lời của Ngài và ban cho chúng ta phước lành. Ngài thường ban cho chúng ta nhiều hơn những gì đã hứa. Ngài rất rộng rãi đối với chúng ta.
Khi nhận Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, chúng ta nhận điều được gọi là “lời thề và giao ước” của chức tư tế. Chúng ta hứa với Chúa hai điều, và Ngài hứa với chúng ta hai điều. Chúng ta hứa “trung thành để nhận được hai chức tư tế này” và trung tín trong việc “làm vinh hiển chức vụ [của chúng ta].” Ngài hứa rằng chúng ta sẽ được “thánh hóa bởi Thánh Linh.” Rồi sau khi chúng ta trung tín trong mọi điều đến cùng, Ngài hứa rằng “tất cả những gì Cha ta có sẽ được ban cho [chúng ta]” (xin xem GLGƯ 84:33–41).
Chúa ban phước cho các con cái của Ngài là qua sự phục vụ chức tư tế của chúng ta. Để giúp chúng ta được thành công trong việc phục vụ chức tư tế một cách trung tín, Ngài ban cho chúng ta những hướng dẫn và những lời cảnh cáo. Ngài đã làm điều đó trong thánh thư, và tiếp tục hướng dẫn chúng ta qua các vị lãnh đạo của chúng ta và qua những sự thúc giục của Đức Thánh Linh.
Thánh thư chứa đựng nhiều đoạn hướng dẫn và cảnh cáo những người nắm giữ chức tư tế. Một trong những đoạn hay nhất là Tiết 121 Giáo Lý Giao Ước. Trong một vài câu đó, Chúa dạy chúng ta rằng chức tư tế chỉ có thể được sử dụng trong sự ngay chính. Chúng ta phải xử sự với những người khác bằng sự thuyết phục, nhẫn nại, và tử tế. Ngài nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của lòng bác ái và đức hạnh để có sự đồng hành liên tục của Đức Thánh Linh.
Tiết đó cũng cảnh cáo chúng ta về những thái độ và hành động mà sẽ khiến cho chúng ta mất quyền năng chức tư tế của mình. Nếu chúng ta “khát vọng đến danh lợi của loài người,” cố gắng “che dấu những tội lỗi của mình,” cố gắng “thỏa mãn tính kiêu ngạo” hay “lòng ham muốn vô bổ” hoặc tìm cách “kiểm soát” những người khác, thì chúng ta sẽ mất đi quyền năng của chức tư tế (xin xem các câu 35–37). Từ điểm đó, chúng ta sẽ thực hiện mưu chước tăng tế. Chúng ta sẽ rời bỏ sự phục vụ Thượng Đế và đặt mình dưới sự phục vụ Sa Tăng.
Việc những người nắm giữ chức tư tế học lại thường xuyên Giáo Lý Giao Ước tiết 121 thì sẽ rất hay. Lý do tại sao các vị tiên tri hiện đại của chúng ta đã nhấn mạnh đến sự cần thiết cho chúng ta để duy trì sự xứng đáng của mình và đã cho chúng ta sách Cho Sức Mạnh của Giới Trẻ làm một sự hướng dẫn để giúp đỡ chúng ta thì là điều rất dễ hiểu.
Một lý do mà chúng ta phải duy trì sự xứng đáng của mình là chúng ta không bao giờ biết được khi nào chúng ta sẽ được kêu gọi để sử dụng chức tư tế.
Khi đứa con trai của chúng tôi Matthew lên năm, nó ngã từ tấm ván nhún ở hồ bơi của nhà hàng xóm. Nó đập đầu xuống mặt sàn bê tông, bị nứt sọ và chấn thương não. Nó được chở đi cấp cứu bằng trực thăng Life Flight đến Trung Tâm Y Tế Houston để được điều trị khẩn cấp. Tôi cần sự giúp đỡ của chức tư tế ngay lập tức. Người thầy giảng cùng vị lãnh đạo chức tư tế của chúng tôi đều xứng đáng và sẵn sàng cho giây phút đó. Họ đã ban cho Matthew một phước lành, và nó đã bình phục hoàn toàn.
Chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng bất cứ lúc nào. Như chúng ta nói trong Hướng Đạo: “Hãy chuẩn bị sẵn sàng.”
Chắc chắn là chúng ta muốn tránh mưu chước tăng tế. Nhưng Sứ Đồ Phao Lô đã cảnh cáo chúng ta về một sự nguy hiểm khác. Ông cảnh cáo rằng trong thời kỳ chúng ta sẽ có những người “bề ngoài giữ điều nhân đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhân đức đó” (2 Ti Mô Thê 3:5).
Với tư cách là những người nắm giữ chức tư tế, làm thế nào chúng ta có thể có một hình thức tin kính mà lại chối bỏ quyền năng của hình thức đó? Có thể nào chúng ta nắm giữ chức tư tế mà không sử dụng chức đó chăng? đi thăm các gia đình được chỉ định cho chúng ta thay vì giảng dạy tại gia cho họ không? cầu nguyện cho một người nào đó trong một giáo lễ hoặc một lễ sắc phong thay vì ban phước cho họ không? làm công việc của Chúa trong một cách thức tốt nhất như chúng ta biết mà không cần phải khẩn cầu để biết và làm theo ý muốn của Ngài trong cách thức của Ngài không?
Hãy nhớ lời khuyên dạy của Chúa cho chúng ta qua Nê Phi rằng chúng ta “đừng bao giờ làm bất cứ một công việc gì trong Chúa trừ phi trước nhất [chúng ta] phải cầu nguyện” (2 Nê Phi 32:9).
Cách đây nhiều năm tôi được kêu gọi phục vụ với tư cách là một cố vấn trong chủ tịch đoàn Giáo Khu Houston Texas North. Tôi đang nghiên cứu chuyện ngụ ngôn về các ta lâng. Các anh em còn nhớ câu chuyện đó. Một người cần đi xa nên người ấy giao phó những của cải của mình cho các tôi tớ của mình. Một người nhận được năm ta lâng, một người khác hai, và người cuối cùng nhận được một. Khi trở về, người ấy đòi hỏi lời giải thích cho sự tính toán tiền nong.
Người tôi tớ mà nhận được năm và trả lại mười, cũng như người lấy hai và trả lại bốn ta lâng thì đều được khen thưởng là các tôi tớ tốt và trung tín. Nhưng điều mà làm tôi chú ý là người tôi tớ đã nhận một, trông nom gìn giữ nó và trả nó lại một cách an toàn cho chủ của người ấy. Tôi ngạc nhiên trước phản ứng của người chủ: “Hỡi đầy tớ dữ và biếng nhác kia … hãy lấy ta lâng của người này … còn tên đầy tớ vô ích đó, hãy quăng nó ra ngoài là chỗ tối tăm”! (Xin xem Ma Thi Ơ 25:14–30)!
Điều này dường như là phản ứng quá nghiêm khắc đối với người đã cố gắng để gìn giữ thứ mà người ấy được cho. Nhưng Thánh Linh đã dạy tôi về lẽ thật này—Chúa kỳ vọng một sự khác biệt! Tôi biết rằng trong giây phút đó mỗi người chúng ta một ngày nào đó sẽ đứng trước mặt Thượng Đế và giải thích với Ngài về sự phục vụ và quản lý chức tư tế của chúng ta. Chúng ta đã tạo ra một sự khác biệt chưa? Trong trường hợp của tôi, Giáo Khu Houston Texas North có tốt lành khi tôi được giải nhiệm hơn là khi tôi được kêu gọi không?
May mắn thay, Chúa dạy chúng ta cách để được hữu dụng, cách để tạo ra một sự khác biệt. “Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái” (Giăng 15:5). Nếu sử dụng chức tư tế của Ngài trong cách thức của Ngài, tuân theo lời chỉ dẫn mà chúng ta nhận được từ các tôi tớ và Thánh Linh của Ngài thì chúng ta sẽ là các tôi tớ tốt lành và trung tín!
Thưa các anh em có chức tư tế, Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta hằng sống! Ngài biết chúng ta; Ngài yêu thương chúng ta. Ngài đặt sự tin cậy của Ngài nơi chúng ta bằng cách ban cho chúng ta quyền năng chức tư tế và thẩm quyền của Ngài. Tôi làm chứng về lẽ thật này. Tôi cầu nguyện cho chúng ta có thể sử dụng quyền năng này để làm theo ý muốn của Ngài trong cách thức của Ngài.
Khi chúng ta nghe từ Chủ Tịch Hinckley, Chủ Tịch Monson, và Chủ Tịch Faust, tôi xin chia sẻ chứng ngôn cá nhân của mình rằng mỗi vị này là một vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải. Tôi nôn nóng để nghe lời khuyên dạy của họ. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.