Thánh Thư: Quyền Năng của Thượng Đế cho Sự Cứu Rỗi của Chúng Ta
Những biên sử thiêng liêng này làm chứng về Đấng Cứu Rỗi và dẫn chúng ta đến cùng Ngài.
Thánh thư là lời của Thượng Đế ban cho chúng ta vì sự cứu rỗi của chúng ta. Thánh thư rất quan trọng trong việc nhận được một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Thánh thư mà Thượng Đế ban cho chúng ta trong những ngày sau này là Kinh Cựu Ước, Kinh Tân Ước, Sách Mặc Môn, Giáo Lý và Giao Ước, và Trân Châu Vô Giá. Những biên sử thiêng liêng này làm chứng về Đấng Cứu Rỗi và dẫn chúng ta đến cùng Ngài. Đó là lý do mà các đại tiên tri như Ê Nót đã khẩn cầu lên Chúa trong đức tin để bảo tồn các thánh thư.
Xin các anh chị em cùng tôi mở bìa Sách Mặc Môn ra. Hãy nhìn nơi trang tựa. Chúng ta đọc rằng sách được “viết theo lệnh truyền, … theo tinh thần tiên tri và mặc khải.” Sách “được ra đời bởi ân tứ và quyền năng của Thượng Đế,” và được phiên dịch “nhờ ân tứ của Thượng Đế”—bởi Đức Thánh Linh. Sách cho thấy “những việc vĩ đại mà Chúa [đã] làm” và được ban cho chúng ta “để [chúng ta] có thể biết được những giao ước của Chúa,”—ngõ hầu chúng ta không thể bị “khai trừ mãi mãi.” Quan trọng hơn hết, sách đã được viết để thuyết phục cho chúng ta biết “rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Thượng Đế Vĩnh Cửu.”
Lật qua trang kế tiếp đến phần giới thiệu. Ở trang này chúng ta học biết rằng biên sử tiên tri này “là thánh thư như Kinh Thánh.” Sách chứa đựng “phúc âm trọn vẹn vĩnh viễn, … phác họa kế hoạch cứu rỗi, và cho [chúng ta] biết phải làm gì để nhận được sự bình an trong cuộc sống này và nhận được sự cứu rỗi vĩnh cửu trong cuộc sống tới.” Sách hứa với mỗi người chúng ta rằng “tất cả những ai đến cùng [Đấng Cứu Rỗi] và tuân theo các luật pháp cùng các giáo lễ của phúc âm của Ngài đều có thể được cứu rỗi.”
Vai trò quan trọng của quyển sách thánh này trong thời của chúng ta là gì? Sứ điệp của sách có liên quan gì đến mục đích của tất cả thánh thư?
Nơi trang một của sách 1 Nê Phi—quyển sách đầu tiên nhất trong Sách Mặc Môn—chúng ta biết được rằng Lê Hi, khoảng 600 năm trước công nguyên, được Thượng Đế hướng dẫn để đem gia đình ông trốn vào vùng hoang dã. Nhưng Lê Hi chưa đi được xa mấy thì Chúa truyền lệnh cho ông sai các con trai của ông đi trở về. Tại sao? Để tìm lấy lại thánh thư, những bảng khắc bằng đồng, là những vật quan trọng đến nỗi các con trai của Lê Hi đã phải liều mạng và mất hết của cải thế gian để giành lại chúng. Cuối cùng, chính do sự giúp đỡ của Chúa và đức tin của Nê Phi mà các bảng khắc đã được giao vào tay ông một cách huyền diệu. Khi Nê Phi và các anh em của ông trở về, Lê Hi, cha của họ, đã vui mừng. Lê Hi bắt đầu xem xét tỉ mỉ thánh thư thiêng liêng “từ đầu” và “nhận thấy đây là những điều mà [họ] mong muốn có được, phải, nó có một giá trị lớn lao … vì nhờ đó [Lê Hi và con cháu của ông] có thể bảo tồn cho con cháu [họ] những lệnh truyền của Chúa.”1
Quả thật, các bảng khắc bằng đồng là một biên sử của tổ tiên của Lê Hi, kể cả ngôn ngữ, gia phả của họ, và quan trọng hơn hết, là phúc âm do các vị tiên tri thánh của Thượng Đế đã giảng dạy. Khi Lê Hi xem xét tỉ mỉ những bảng khắc, ông đã học biết được những gì mà tất cả chúng ta học được qua việc nghiên cứu thánh thư:
-
Chúng ta là ai.
-
Chúng ta có thể trở thành như thế nào.
-
Những lời tiên tri cho chúng ta và cho con cháu chúng ta.
-
Các giáo lệnh, luật pháp, giáo lễ, và giao ước mà chúng ta phải sống theo để nhận được cuộc sống vĩnh cửu.
-
Và cách thức chúng ta phải sống để kiên trì cho đến cùng và trở về cùng Cha Thiên Thượng trong vinh dự.
Các lẽ thật này vô cùng quan trọng đến nỗi Cha Thiên Thượng đã cho Lê Hi lẫn Nê Phi thấy rõ ràng những khải tượng mà lời của Thượng Đế được tượng trưng như là một thanh sắt. Hai cha con đã học biết rằng việc nắm chặt lấy lời hướng dẫn chắc chắn, không lay chuyển, hoàn toàn đáng tin cậy này là cách thức duy nhất để tiếp tục ở trên con đường chật và hẹp mà dẫn đến Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.
Một số chương trong Sách Mặc Môn được dành cho Lê Hi và Nê Phi khi áp dụng bài học này—xem xét tỉ mỉ thánh thư và trích dẫn từ thánh thư. Rõ ràng là họ muốn gia đình họ và chúng ta hiểu được tầm quan trọng của thánh thư, nhất là những lời tiên tri của Ê Sai về Sự Phục Hồi của phúc âm và sự ra đời của biên sử của họ—Sách Mặc Môn—trong thời chúng ta.
Sách Mặc Môn ghi lại cách thức mà một số nền văn minh đã lưu tâm hay không lưu tâm đến thánh thư, bắt đầu với chính gia đình của Lê Hi. Chúa đã truyền lệnh cho Lê Hi chạy trốn khỏi Giê Ru Sa Lem vì nó sắp bị dân Ba Bi Lôn chiếm giữ và vượt biển đến vùng đất hứa trong một chiếc tàu được thiết kế theo lời của Thượng Đế. Nhưng các con của Lê Hi đã bị phân chia thành hai phần đối nghịch. Những người đi theo Nê Phi ngay chính—dân Nê Phi—lưu giữ thánh thư khi họ tách rời dân La Man, và “linh hồn họ đã được soi sáng bởi ánh sáng của lời nói vĩnh viễn [của Thượng Đế].”2
Nhưng La Man và Lê Mu Ên—và các con cháu của họ là dân La Man—chối bỏ thánh thư và bước đi trong tăm tối đầy sự ngu dốt, tranh chấp và hủy diệt. Khoảng 400 năm sau công nguyên, dân Nê Phi cũng chối bỏ lời của Thượng Đế, sa vào vòng vô tín ngưỡng, và bị hủy diệt, và do đó kết thúc khoảng 1.000 năm nền văn minh của dân Nê Phi.
Sách Ê The đưa ra một lịch sử của một nền văn minh, dân Gia Rết, là những người đã rời Cựu Thế Giới trong thời của Tháp Ba Bên khoảng 2.200 năm trước công nguyên. Chúa đã hướng dẫn họ vượt biển đến vùng đất hứa trong những chiếc tàu lớn được thiết kế theo lời của Chúa. Khi những người Gia Rết sống ngay chính, họ được phước; và khi họ chối bỏ lời của Chúa và từ chối không chịu hối cải, thì Thánh Linh của Chúa đã thôi tranh đấu với họ. Cuối cùng họ rời bỏ những đường lối của Chúa và hủy diệt nhau vào khoảng 600 năm trước công nguyên, như vậy kết thúc khoảng 1.600 năm nền văn minh của dân Gia Rết.
Lê Hi đến vùng đất hứa vào khoảng thời gian mà dân Gia Rết bị hủy diệt. Một vài năm sau, một nền văn minh khác, Mơ Léc và những người đi theo ông, cũng đã đến đất hứa. Họ đã khám phá ra người dân Gia Rết sống sót cuối cùng mà đã được chép lại, một vị vua tên là Cô Ri An Tum Rơ. Dân Mơ Léc đã không đem theo thánh thư với họ, vây nên khoảng 400 năm sau, khi Mô Si A và dân Nê Phi tìm ra họ, thì ngôn ngữ của dân Mơ Léc đã trở nên thoái hóa, và họ đã mất đi niềm tin của họ nơi Đấng Sáng Tạo của họ. Họ không biết họ là ai. Khi dân Mơ Léc biết được rằng Chúa đã gửi dân Nê Phi đi với các bảng khắc bằng đồng, mà chứa đựng biên sử thánh thư của dân Do Thái, thì họ đã vui mừng và gia nhập vào nền văn minh của dân Nê Phi.
Số phận của những nền văn minh này, như được chép lại trong thánh thư, là một chứng ngôn cho tất cả thế gian: nếu chúng ta không có lời của Thượng Đế và không bám chặt cùng lưu tâm đến lời của Thượng Đế, thì chúng ta sẽ đi lạc vào những con đường lạ và bị thất lạc với tư cách là những cá nhân, gia đình và quốc gia.
Thể như những tiếng kêu lên từ bụi đất, các vị tiên tri của Thượng Đế đã ngỏ lời cùng chúng ta trên thế gian ngày nay: hãy học hỏi thánh thư! Hãy học hỏi thánh thư, hành động theo những điều giảng dạy trong thánh thư, sống theo thánh thư, hân hoan với thánh thư và áp dụng thánh thư trong cuộc sống. Đừng ngần ngại và do dự. Thánh thư là “quyền năng của Thượng Đế cho sự cứu rỗi”3 để dẫn dắt chúng ta trở về với Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô.
Nếu Đấng Cứu Rỗi ở cùng chúng ta trong thể xác ngày nay, thì Ngài sẽ dạy chúng ta từ thánh thư như Ngài đã dạy khi Ngài sống trên thế gian trước đây. Trong giáo đường ở Na Xa Rét, “có người trao sách tiên tri Ê Sai cho Ngài … Ngài bèn phán rằng: Hôm nay đã được ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà các ngươi mới vừa nghe đó.”4 Về sau, khi mà người Sa Đu Sê và Pha Si Ri đặt ra một câu hỏi khó: “Đức Chúa Giê Su đáp rằng: Các ngươi lầm, vì không hiểu Kinh Thánh, và cũng không hiểu quyền phép của Đức Chúa Trời thể nào.”5 Và sau khi Ngài phục sinh, trên đường tới Em Ma Út, các môn đồ của Ngài “nói cùng nhau rằng: Khi nãy đi đường, Ngài nói cùng chúng ta và cắt nghĩa Kinh Thánh, lòng chúng ta há chẳng nóng nảy sao?”6 Với các môn đồ của Ngài khi xưa cũng như nay, lời Ngài kêu gọi: “Các ngươi dò xem Kinh Thánh … ấy là Kinh Thánh làm chứng về ta vậy”7—một chứng ngôn của Đức Thánh Linh, vì “bởi quyền năng của Đức Thánh Linh các ngươi sẽ có thể hiểu được lẽ thật của mọi điều.”8
Thưa các anh chị em, tôi làm chứng rằng thánh thư đã được “gìn giữ và bảo tồn [cho chúng ta] bởi bàn tay của Chúa … cho một mục đích thông sáng của Ngài.”9 Lê Hi đã tiên tri: “Những bảng khắc bằng đồng này sẽ không bao giờ bị tiêu hủy, và cũng không bao giờ bị phai mờ vì thời gian.”10 Chúa đã giao ước với Ê Nót là bảo tồn và cho thánh thư ra đời “khi đến kỳ định của Ngài”11 Tiên tri Mô Rô Ni đã ghi về Sách Mặc Môn, sách đó được “viết và niêm phong, và cất giấu trong Chúa để khỏi bị hủy diệt.”12 Thánh thư mà chúng ta đã được nghe đến qua những lời tiên tri và đã được hứa ban cho, những lời tiên tri và những lời hứa này đã được ứng nghiệm trong thời của chúng ta.
Thật là một phước lành vinh quang! Vì khi chúng ta muốn nói chuyện với Thượng Đế thì chúng ta cầu guyện. Và khi chúng ta muốn Ngài nói với chúng ta, thì chúng ta tra cứu thánh thư; vì lời của Ngài được truyền qua các vị tiên tri của Ngài. Rồi Ngài sẽ dạy chúng ta khi chúng ta nghe theo sự thúc đẩy của Đức Thánh Linh.
Nếu gần đây các anh chị em chưa nghe tiếng Ngài nói cùng các anh chị em, thì hãy quay lại với thánh thư với đôi tai và đôi mắt mở rộng để sẵn sàng lãnh hội. Thánh thư là đường dây cứu rỗi phần thuộc linh của chúng ta. Đằng sau bóng tối của Bức Màn Sắt, các Thánh Hữu đã sống sót vì họ đã nghe tiếng nói của Ngài qua thánh thư. Trong các phần đất khác trên thế giới, khi các tín hữu đã không thể tham dự nhà thờ trong một thời gian, họ đã tiếp tục thờ phượng Thượng Đế vì họ nghe tiếng nói của Ngài qua thánh thư. Trong suốt tất cả các cuộc chiến tranh của thế kỷ qua và những cuộc xung đột xảy ra hiện nay, Các Thánh Hữu Ngày Sau sống sót vì họ nghe tiếng của Ngài qua thánh thư. Vì Chúa đã phán rằng: “Thánh thư sẽ được ban cho … cho sự cứu rỗi của những người chọn lọc của ta; Vì họ sẽ được nghe tiếng nói ta, và sẽ được trông thấy ta, và sẽ không say ngủ và sẽ đương nổi ngày ta đến, vì họ sẽ được làm nên thanh khiết, giống như ta thanh khiết vậy.”13
Cách đây hơn 2.000 năm, Ê Sai đã viết lời của Thượng Đế: “Bây giờ, ngươi hãy đi, chạm lời nầy trên bảng nhỏ ở trước mặt họ, hãy chép vào sách, để truyền lại đời sau, mãi mãi không cùng.”14 Thời kỳ đó là bây giờ. Thế gian này cần thánh thư ngày nay. Trước khi Đấng Cứu Rỗi giáng thế, thì tất cả con cái của Thượng Đế cần được giảng dạy về luật Môi Se dự bị, mà cho phép “mắt đền mắt, răng đền răng.”15 Nhiều người trên thế gian này vẫn còn sống theo luật pháp nghiêm khắc này, và bằng chứng của nó thì được thấy chung quanh chúng ta.
Chúng ta mạnh dạn tuyên bố rằng lời giải đáp cho sự khiếp sợ, hủy diệt, và ngay cả sự diệt chủng trong thời nay được tìm thấy trong thánh thư. Phúc âm trong Cựu Ước đã được ứng nghiệm trong Kinh Tân Ước. Những lời tiên tri trong Kinh Thánh đã ứng nghiệm trong Sách Mặc Môn. Sách Giáo Lý và Giao Ước và Sách Trân Châu Vô Giá làm chứng về phúc âm trọn vẹn đang hiện có trên thế gian.
Từ sách Sáng Thế Ký cho đến sách Ma La Chi và từ sách Môi Se cho đến sách Áp Ra Ham đều đã tiên tri rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ đến. Từ sách Ma Thi Ơ đến sách Khải Huyền, từ Nê Phi đến Mô Rô Ni, và từ Joseph Smith đến vị tiên tri thân yêu tại thế của chúng ta, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, tất cả các vị tiên tri đều làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Mê Si hằng mong đợi, đã đến và sẽ tái lâm. Trong Ngài “sự việc xa xưa đã chấm dứt, và nay mọi sự việc đều trở thành mới.”16 Qua thánh thư, phúc âm mới và vĩnh cửu của Ngài truyền rao: “Hãy yêu kẻ lân cận như mình”17 “Hãy yêu kẻ thù nghịch, chúc phước cho kẻ nguyền rủa mình, làm điều tốt cho kẻ ghét bỏ mình, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ và ngược đãi mình.”18 “Nhưng các người được đòi hỏi phải biết tha thứ tất cả mọi người.”19 Vì đây là phúc âm của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, là Đấng đã được xức dầu “để chữa lành kẻ đau khổ, để rao cho kẻ bị cầm được tha … để kẻ bị hà hiếp được tự do.”20
Ở phần cuối của Sách Mặc Môn, Mô Rô Ni, theo nghĩa bóng, nhìn đến những dân còn sót lại của dân mình. Ông biết sự tuyệt chủng của họ đáng lẽ đã có thể tránh được nếu họ không quên lời thiêng liêng của Thượng Đế và đánh mất Thánh Linh của Chúa. Có đáng ngạc nhiên không để thấy rằng Mô Rô Ni viết riêng cho chúng ta, cho các anh chị em và cho tôi, khẩn nài chúng ta nên thỉnh cầu phước lành của thánh thư?
“Và khi các người nhận được những điều này, tôi khuyên nhủ các người nên cầu vấn Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, trong danh Đấng Ky Tô, để xem những điều này có thật không; và nếu các người cầu vấn với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự cùng có đức tin nơi Đấng Ky Tô, thì Ngài sẽ biểu lộ lẽ thật của điều này cho các người biết, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.
“Và bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, các người sẽ có thể biết được lẽ thật của mọi điều.”21
Thưa các anh chị em, chúng ta đang sống trong những ngày sau, trong thời kỳ trọn vẹn. Chúng ta phải nhớ rằng chúng ta tự làm chủ lấy mình bất luận thế gian có trở nên khó khăn như thế nào đi nữa. Giống như những người trong sách 1 Nê Phi, những người trung tín và trung thành sẽ có thể chống lại những tên lửa của kẻ thù nghịch khi nó được thả ra trên thế gian này.22 Bất chấp tất cả cảnh hỗn loạn trên thế gian, khi Đấng Cứu Rỗi đến đền thờ của Ngài, như Ngài đã làm trong Sách Mặc Môn, thì những người trung tín và trung thành sẽ hiện diện ở nơi đó. Cầu xin cho chúng ta là những người trong số đó là lời cầu nguyện của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.