2006
Ôi, Hãy Khôn Ngoan
Tháng Mười Một năm 2006


Ôi, Hãy Khôn Ngoan

Cầu xin cho chúng ta có thể tập trung vào những cách thức giản dị mà chúng ta có thể phục vụ trong vương quốc của Thượng Đế, luôn luôn cố gắng thay đổi các cuộc sống, kể cả cuộc sống của mình.

Thưa các anh chị em, mới đây, trong khi tôi đang học Sách Mặc Môn, thì một trong những lời giảng dạy của tiên tri Gia Gốp đã làm cho tôi chú ý . Như các anh chị em còn nhớ, Gia Gốp là một trong hai người con trai của Tổ Phụ Lê Hi sinh ra trong vùng hoang dã sau khi gia đình rời khỏi Giê Ru Sa Lem. Ông đã chứng kiến những phép lạ, và ông cũng trông thấy gia đình của ông bị xâu xé bởi sự bất tuân và phản nghịch. Gia Cốp biết và thương yêu La Man và Lê Miêu cũng như ông biết và thương yêu Nê Phi, và mối bất hòa giữa họ ảnh hưởng đến bản thân Gia Cốp. Theo Gia Cốp thì mối bất hòa này không phải là về ý thức hệ, triết lý , hay ngay cả thần học mà đó chính là về gia đình.

Nỗi thống khổ cùng cực của tâm hồn Gia Cốp thật hiển nhiên khi ông bày tỏ nỗi lo lắng trĩu nặng rằng dân của ông sẽ “bác bỏ những lời của các vị tiên tri” về Đấng Ky Tô và “chối bỏ … quyền năng của Thượng Đế, cùng ân tứ Đức Thánh Linh, … và nhạo báng kế hoạch cứu chuộc vĩ đại” (Gia Cốp 6:8).

Và rồi, ngay trước khi ông từ giã, ông nói đến mười bốn từ giản dị mà đó là chủ đề cơ bản của sứ điệp của tôi buổi sáng hôm nay. Lời thỉnh cầu của Gia Cốp là: “Ôi, hãy khôn ngoan! Bây giờ tôi còn biết nói gì thêm nữa đây?” (Gia Cốp 6:12).

Những ai trong số các anh chị em là cha mẹ hay ông bà thì đều cảm thấy được điều mà Gia Cốp có lẽ đã cảm thấy vào lúc đó. Ông yêu thương dân của ông, một phần là bởi vì họ cũng là gia đình của ông. Ông đã dạy họ thật rõ ràng với hết khả năng và với tất cả lòng nhiệt thành của ông. Ông cảnh cáo họ một cách rõ ràng điều gì sẽ xảy ra nếu họ chọn không “đi vào cổng hẹp và tiếp tục đi trên con đường hẹp” (Gia Cốp 6:11). Ông đã không nghĩ thêm được điều gì nữa để nói nhằm cảnh cáo, khuyến khích, soi dẫn và thúc đẩy. Và vì thế ông đã nói một cách giản dị và sâu sắc: “Ôi, hãy khôn ngoan! Bây giờ tôi còn biết nói gì thêm nữa đây?”

Tôi đã gặp các tín hữu của Giáo Hội ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tôi lấy làm cảm kích với tinh thần và nghị lực của rất nhiều tín hữu của chúng ta. Các tấm lòng đang được cảm động và những cuộc sống đang được ban phước. Công việc đang tiến triển một cách mạnh mẽ, và tôi hết sức biết ơn cho điều đó. Nhưng tôi nhận thấy nhiều cách thức mà các tín hữu Giáo Hội cần phải rất khôn ngoan trong tất cả những điều chúng ta làm.

Với sự thông sáng vô hạn của Ngài, Chúa đã thiết kế Giáo Hội của Ngài để hoạt động với các giáo sĩ không chuyên môn. Điều đó có nghĩa là chúng ta được truyền lệnh phải chăm sóc và phục vụ lẫn nhau. Chúng ta cần phải yêu thương lẫn nhau như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô yêu thương chúng ta. Thỉnh thoảng những sự kêu gọi và hoàn cảnh của chúng ta thay đổi, mang đến cho chúng ta những cơ hội khác nhau và độc nhất để phục vụ và tăng trưởng. Phần lớn các vị lãnh đạo và giảng viên trong Giáo Hội đều thiết tha nhiệt thành trong việc làm tròn bổn phận của mình. Sự thực thì một số người có ít hiệu quả hơn những người khác; nhưng gần như lúc nào cũng có nỗ lực chân thành để mang đến sự phục vụ phúc âm một cách đầy ý nghĩa.

Đôi khi chúng ta thấy một số người trở nên quá nhiệt tình trong việc phục vụ Giáo Hội của họ đến nỗi cuộc sống của họ trở nên mất thăng bằng. Họ bắt đầu tin rằng các chương trình mà họ điều hành thì quan trọng hơn những người họ phục vụ. Họ làm phức tạp sự phục vụ của mình với những điều thêm thắt và bày vẽ không cần thiết mà chiếm quá nhiều thời giờ, tốn quá nhiều tiền, và làm tiêu hao quá nhiều nghị lực. Họ không chịu giao phó hay cho phép những người khác tăng trưởng trong những trách nhiệm riêng của mình.

Do việc tập trung quá nhiều thời giờ và nghị lực của họ vào việc phục vụ Giáo Hội nên các mối quan hệ gia đình vĩnh cửu có thể bị suy yếu. Công việc làm ăn có thể bị ảnh hưởng. Điều này thật là không tốt về mặt thuộc linh hoặc về mặt khác. Mặc dù có lúc những sự kêu gọi trong Giáo Hội của chúng ta đòi hỏi thêm nhiều nỗ lực và sự chú trọng đáng kể, nhưng chúng ta cũng cần phải cố gắng giữ cho mọi việc được thăng bằng, hợp lý . Chúng ta đừng bao giờ để cho sự phục vụ của mình thay thế sự lưu tâm cần có cho các ưu tiên quan trọng khác trong cuộc sống của chúng ta. Hãy ghi nhớ lời khuyên của Vua Bên Gia Min: “Và hãy lưu tâm làm tất cả những việc ấy một cách sáng suốt và có trật tự; vì không bắt buộc con người phải chạy mau hơn sức mình có thể chạy được” (Mô Si A 4:27).

Tôi xin đề nghị sáu cách thức mà qua đó chúng ta có thể phục vụ một cách khôn ngoan và thành công.

Thứ nhất, hãy tập trung vào con người và các nguyên tắc—chứ không vào các chương trình. Một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta làm qua phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là cải tiến con người. Việc phục vụ người khác một cách thích đáng đòi hỏi nỗ lực am hiểu từng cá nhân—nhân cách, sức mạnh, mối quan tâm, niềm hy vọng và mơ ước của họ—để có thể đem lại sự giúp đỡ và hỗ trợ thích đáng. Thật ra, việc xúc tiến chỉ các chương trình không thôi thì dễ dàng hơn việc am hiểu và thực sự phục vụ con người. Mục đích chủ yếu của các buổi họp giới lãnh đạo của Giáo Hội cần phải thảo luận cách thức chăm sóc con người. Đa số thông tin và sự điều hợp giờ đây có thể được giải quyết qua điện thoại, email, hoặc thư từ bưu điện để các chương trình nghị sự cho các buổi họp hội đồng và chủ tịch đoàn có thể tập trung vào nhu cầu của con người.

Mục tiêu của chúng ta luôn luôn phải là sử dụng các chương trình của Giáo Hội làm phương tiện để nâng đỡ, khuyến khích, trợ giúp, giảng dạy, yêu thương và làm toàn thiện con người. “Hãy ghi nhớ rằng, dưới mắt của Thượng Đế thì giá trị của con người rất lớn lao” (GLGƯ 18:10). Các chương trình là công cụ. Việc xúc tiến những chương trình và điều hành nhân viên không được đặt ưu tiên hơn nhu cầu của những người mà họ được chỉ định để ban phước và phục vụ.

Thứ hai, hãy có sáng kiến. Khi chúng ta cố gắng để làm vinh hiển sự kêu gọi của mình, chúng ta cần nên tìm kiếm sự soi dẫn của Thánh Linh để giải quyết những vấn đề bằng những cách thức mà sẽ giúp đỡ hữu hiệu nhất những người mà chúng ta phục vụ. Chúng ta có những quyển sổ tay hướng dẫn, và những đường lối chỉ đạo cần được tuân theo. Nhưng trong khuôn khổ đó thì là các cơ hội quan trọng để suy nghĩ, để sáng tạo, và để sử dụng các năng khiếu cá nhân. Sự hướng dẫn để làm vinh hiển sự kêu gọi của chúng ta không phải là một lệnh truyền để thêm thắt và làm phức tạp chương trình. Có sáng kiến không nhất thiết phải là nới rộng; trong rất nhiều trường hợp nó có nghĩa là đơn giản hóa.

Bởi vì nguyên tắc vĩnh cửu của quyền tự quyết mang đến cho chúng ta sự tự do lựa chọn và tự suy nghĩ, nên chúng ta cần trở nên có nhiều khả năng hơn để giải quyết vấn đề. Thỉnh thoảng chúng ta có thể vấp phải lỗi lầm, nhưng miễn là chúng ta tuân theo các nguyên tắc và những chỉ dẫn của phúc âm, thì chúng ta có thể học hỏi từ những lỗi lầm đó và tiến đến việc thông cảm với những người khác hơn và có nhiều hiệu quả hơn trong việc phục vụ họ.

Việc có sáng kiến cũng có nghĩa là chúng ta không cần phải được bảo cho biết tất cả mọi điều chúng ta cần làm. Chúa đã phán: “Điều không đúng cho ta khi phải ra lệnh về mọi việc; vì kẻ nào bị bắt buộc làm mọi việc, thì kẻ đó là một tôi tớ biếng nhác và không khôn ngoan” (GLGƯ 58:26). Thưa các anh chị em, chúng tôi tin tưởng các anh chị em trong việc sử dụng sự soi dẫn. Chúng tôi tin tưởng rằng các anh chị em sẽ làm như vậy trong khuôn khổ các điều lệ và nguyên tắc của Giáo Hội. Chúng tôi tin tưởng rằng các anh chị em sẽ khôn ngoan trong việc cùng nhau hội ý để giúp xây đắp đức tin và chứng ngôn trong cuộc sống của những người mà các anh chị em phục vụ.

Thứ ba, hãy phân chia công việc và giao phó trách nhiệm. Có sự khác biệt giữa việc có trách nhiệm về việc hoàn tất công việc và tự mình làm công việc. Chẳng hạn, một vị chủ tịch nhóm túc số các anh cả không còn phải cảm thấy rằng tự mình phải hoàn tất việc giảng dạy tại gia mà những người khác đã không hoàn thành. Tương tự như thế cho các chủ tịch Hội Phụ Nữ trong việc thăm viếng giảng dạy. Điều này không những là không khôn ngoan; mà đó cũng không phải là cách thức giảng dạy tại gia hay thăm viếng giảng dạy. Việc giảng dạy tại gia không phải là về các con số hay báo cáo việc thăm viếng một gia đình; việc thăm viếng và các con số chỉ là một phương tiện đo lường. Việc giảng dạy tại gia chính là về tình thương yêu con người và phục vụ và chăm sóc các con cái của Cha Thiên Thượng.

Các nhiệm vụ cần phải được phân công, các trách nhiệm cần phải được giao phó, và các tín hữu cần phải được cho phép hoàn tất cương vị quản lý của họ với hết khả năng của họ. Hãy khuyến khích, khuyên bảo, thuyết phục, thúc đẩy—nhưng đừng làm công việc cho họ. Hãy để cho những người khác tiến bộ và tăng trưởng, ngay cả nếu điều đó có nghĩa là đôi khi nhận được kết quả không được hoàn hảo trong các tờ báo cáo.

Thứ tư, cất bỏ mặc cảm tội lỗi. Tôi hy vọng điều này được hiểu rằng mặc cảm tội lỗi không phải là phương pháp thúc đẩy thích hợp cho những người lãnh đạo và giảng viên về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta phải luôn luôn thúc đẩy qua tình yêu thương và sự biết ơn chân thành, chứ không phải bằng cách làm cho có mặc cảm tội lỗi. Tôi thích ý nghĩ “bắt gặp người khác làm điều gì đúng.”

Vậy mà, vẫn còn có những người trải qua một số mặc cảm tội lỗi do sự phục vụ của họ trong Giáo Hội. Những cảm giác này có thể đến khi thời giờ và sự lưu tâm của chúng ta đang bị giằng xé giữa sự cạnh tranh của nhu cầu và sự ưu tiên. Là người trần thế, chúng ta đơn thuần không thể làm tất cả mọi việc cùng một lúc. Vì thế chúng ta cần phải làm mọi việc “một cách sáng suốt và có trật tự” (Mô Si A 4:27). Thường thường điều đó có nghĩa là tạm thời hoãn sự lưu tâm đến một ưu tiên này để quan tâm đến ưu tiên kia. Đôi khi nhu cầu gia đình sẽ đòi hỏi sự lưu tâm hoàn toàn của anh chị em. Khi khác thì các trách nhiệm nghề nghiệp sẽ được đặt lên trước. Và sẽ có lúc mà những sự kêu gọi trong Giáo Hội sẽ được đặt lên trước. Sự thăng bằng tốt đến từ việc làm các công việc vào đúng thời điểm và không trì hoãn sự chuẩn bị của mình hay chờ đến phút cuối để làm tròn trách nhiệm của mình.

Ngoài ra, chúng ta cần phải nhớ rằng Đấng Ky Tô đến để cất đi tội lỗi bằng cách tha thứ cho những ai hối cải (xin xem An Ma 24:10). Ngài đến để mang sự bình an cho tâm hồn đau khổ. Ngài phán: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Giăng 14:27). Qua Sự Chuộc Tội kỳ diệu Ngài thuyết phục chúng ta “hãy gánh lấy ách của ta … thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ” (Ma Thi Ơ 11:29).

Khi quyền năng của Sự Chuộc Tội bắt đầu có hiệu lực trong cuộc sống của chúng ta, thì chúng ta tiến tới sự hiểu biết rằng Đấng Cứu Rỗi đã vác lấy gánh nặng tội lỗi của chúng ta rồi. Ôi mong sao chúng ta có thể có đủ khôn ngoan để hiểu, để hối cải khi cần, và để loại bỏ mặc cảm tội lỗi của mình.

Thứ năm, chúng ta cần phải thận trọng phân chia thời giờ, lợi tức và nghị lực của mình. Tôi xin nói cho các anh chị em biết một bí quyết nhỏ. Một số các anh chị em đã biết điều đó rồi. Nếu chưa thì đây là lúc các anh chị em nên biết. Bất luận nhu cầu của gia đình các anh chị em hay các trách nhiệm của các anh chị em trong Giáo Hội là gì chăng nữa, thì sẽ không có điều gì được gọi là “hoàn tất” cả. Lúc nào cũng có nhiều việc hơn nữa mà chúng ta có thể làm. Lúc nào cũng có một vấn đề khác trong gia đình mà cần được lưu tâm, một bài học khác để chuẩn bị, một cuộc phỏng vấn khác để điều khiển, một buổi họp khác để tham dự. Chúng ta chỉ cần phải khôn ngoan trong việc bảo vệ sức khỏe của mình và tuân theo lời khuyên bảo mà Chủ tịch Hinckley thường đưa ra—chỉ cần “làm hết khả năng của mình.”

Dường như đối với tôi, bí quyết chính là việc biết và hiểu được khả năng và giới hạn của mình và rồi tự mình tiến hành, phân chia và đặt ưu tiên cho thời giờ, sự lưu tâm và các nguồn tài nguyên của mình để khôn ngoan giúp đỡ những người khác, bao gồm gia đình mình, trong việc tìm kiếm cuộc sống vĩnh cửu của họ.

Thứ sáu, một lời dành cho các anh chị em là những người lãnh đạo về việc đưa ra các trách nhiệm cho các tín hữu, và nhất là những người mới cải đạo. Chủ Tịch Hinckley nói rằng mỗi tín hữu mới của Giáo Hội cần một trách nhiệm. Bất cứ trách nhiệm nào có thể được đưa ra thì không nên làm cho các tín hữu mới cảm thấy bị bề bộn ngập đầu mà phải tạo cho họ nhiều cơ hội để trở nên thoải mái trong Giáo Hội bằng cách học hỏi các giáo lý của Giáo Hội và bằng cách sát cánh làm việc với các tín hữu thân thiện. Điều này sẽ gắn chặt họ vào phúc âm phục hồi qua việc phát triển chứng ngôn của họ và đưa ra sự phục vụ đầy ý nghĩa.

Thưa các anh chị em, cầu xin cho chúng ta có thể tập trung vào những cách thức giản dị mà chúng ta có thể phục vụ trong vương quốc của Thượng Đế, luôn luôn cố gắng thay đổi các cuộc sống, kể cả cuộc sống của mình. Điều quan trọng nhất trong các trách nhiệm trong Giáo Hội của chúng ta không phải là những con số thống kê được báo cáo hoặc những buổi họp được tổ chức mà là mỗi cá nhân—được phục sự từng người một giống như Đấng Cứu Rỗi đã làm—được nâng đỡ và khuyến khích và cuối cùng được thay đổi. Nhiệm vụ của chúng ta là để giúp đỡ những người khác tìm sự bình an và niềm vui mà chỉ phúc âm mới có thể mang lại cho họ. Trong mười ba chữ, Chúa Giê Su đã tóm lược cách thức chúng ta có thể đạt được điều này. Ngài phán: “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta” (Giăng 14:15).

Thời nay cũng giống như thời của Gia Cốp trong nhiều khía cạnh. Lời khuyên của tôi cũng giống như lời khuyên của ông: “Hãy hối cải và đến với một tấm lòng cương quyết, và hãy gắn bó với Thượng Đế cũng như Ngài đã gắn bó với các người” (Gia Cốp 6:5). Thưa các anh chị em, hãy khôn ngoan với gia đình của các anh chị em. Hãy khôn ngoan trong việc làm tròn sự kêu gọi trong Giáo Hội của các anh chị em. Hãy khôn ngoan với thời giờ của mình. Hãy khôn ngoan trong việc cân bằng tất cả các trách nhiệm của mình. Ôi, hãy khôn ngoan, hỡi các anh chị em thân mến của tôi. Bây giờ tôi còn biết nói gì thêm nữa đây?

Cầu xin Thượng Đế ban phước cho chúng ta với sự khôn ngoan để yêu thương Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, và giúp hoàn thành công việc của Ngài một cách khôn ngoan. Tôi làm chứng và chia sẻ chứng ngôn của mình rằng Ngài hằng sống. Đây là Giáo Hội của Ngài. Chúng ta đều làm công việc của Ngài. Cầu xin sự bình an của Chúa sẽ ở với chúng ta. Và cầu xin cho chúng ta thực hiện các trách nhiệm của mình một cách khôn ngoan, tôi khiêm nhường cầu nguyện, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.