Quyền Năng của Chứng Ngôn Cá Nhân
Chứng ngôn cá nhân vững chắc của chúng ta sẽ thúc đẩy chúng ta thay đổi bản thân mình và rồi ban phước cho thế gian.
Trong Sách Mặc Môn, chúng ta đọc về Nê Phi mà đã được Chúa truyền lệnh phải đóng một chiếc tàu. Ông đã nhanh chóng tuân theo lệnh truyền này nhưng hai người anh của ông tỏ ý nghi ngờ. Ông viết: “Khi các anh tôi thấy tôi sắp sửa đóng một chiếc tàu, họ lại bắt đầu ta thán tôi mà rằng: Đứa em của chúng ta là một kẻ điên rồ, vì nó tưởng rằng nó có thể đóng được một chiếc tàu; phải, và nó còn tưởng rằng nó có thể vượt qua được những biển cả này” (1 Nê Phi 17:17).
Nhưng Nê Phi đã không nản lòng. Ông không có kinh nghiệm trong công việc đóng tàu nhưng ông có được một chứng ngôn cá nhân vững mạnh “mà Chúa chuẩn bị sẵn một đường lối để thực hiện được những điều Ngài phán truyền” (1 Nê Phi 3:7). Với chứng ngôn vững mạnh và sự thúc đẩy này trong lòng mình, Nê Phi đã đóng một chiếc tàu mà họ đã vượt qua đại dương, bất chấp sự chống đối mạnh mẽ của hai người anh thiếu đức tin của ông.
Tôi xin chia sẻ với các anh chị em một kinh nghiệm cá nhân từ thời thơ ấu của tôi về quyền năng của những động cơ ngay chính.
Sau biến động của Đệ Nhị Thế Chiến, gia đình của tôi đến sống ở Đông Đức là nơi đang bị Nga chiếm đóng. Khi tôi học lớp bốn, tôi đã phải học tiếng Nga là ngôn ngữ ngoại quốc đầu tiên của tôi trong trường. Tôi thấy điều này có phần nào khó vì chữ cái kirin nhưng với thời gian rồi thì dường như tôi cũng học được.
Khi tôi lên 11 tuổi, chúng tôi phải rời Đông Đức trong đêm khuya vì khuynh hướng chính trị của cha tôi. Lúc bấy giờ tôi đi học ở Tây Đức là nơi Mỹ chiếm đóng. Ở trường học nơi đó tất cả các trẻ em đều bắt buộc phải học tiếng Anh chứ không học tiếng Nga. Việc học tiếng Nga là đã khó cho tôi rồi, còn tiếng Anh thì không thể nào học nổi đối với tôi. Tôi nghĩ rằng miệng tôi không phải được tạo ra để nói tiếng Anh. Những người thầy của tôi đã vất vả vì tôi. Cha mẹ tôi đau khổ vì tôi. Và tôi biết rằng tiếng Anh dứt khoát không phải là ngôn ngữ của tôi.
Nhưng rồi có một điều đã thay đổi tuổi trẻ của tôi. Hầu như mỗi ngày tôi đạp xe đạp của mình đến phi trường và nhìn theo những chiếc phi cơ cất cánh và đáp xuống. Tôi đọc, nghiên cứu và học hỏi mọi điều mà tôi có thể tìm được về hàng không. Ước muốn lớn nhất của tôi là trở thành một phi công. Tôi đã có thể hình dung ra mình đang ở trong buồng lái của một chiếc máy bay dân dụng hoặc của một chiến đấu cơ quân sự. Tôi cảm thấy từ tận đáy lòng mình rằng đây là hoài bão đúng cho tôi theo đuổi!
Rồi tôi biết được rằng để muốn trở thành một phi công, tôi cần phải nói tiếng Anh. Chỉ qua một đêm, trước sự ngạc nhiên của mọi người, miệng tôi dường như đã thay đổi. Tôi đã có thể học được tiếng Anh. Nó vẫn mất rất nhiều công lao, sự kiên trì và kiên nhẫn nhưng tôi đã có thể học được tiếng Anh!
Tại sao? Nhờ vào một động cơ ngay chính và vững mạnh!
Các động cơ và ý nghĩ của chúng ta cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến các hành động của chúng ta. Chứng ngôn về lẽ trung thực của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô là sức thúc đẩy mãnh liệt trong cuộc sống của chúng ta. Chúa Giê Su đã nhiều lần nhấn mạnh đến quyền năng của các ý nghĩ tốt và những động cơ thích đáng: “Hãy hướng về ta trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi” (GLGƯ 6:36).
Chứng ngôn của Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi sẽ giúp chúng ta trong cuộc sống của mình để học biết về kế hoạch cụ thể của Thượng Đế dành cho chúng ta và rồi hành động theo kế hoạch đó. Kế hoạch đó cho chúng ta sự bảo đảm về sự xác thực, lẽ thật và lòng nhân từ của Thượng Đế, về những lời giảng dạy và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, và về sự kêu gọi thiêng liêng của các vị tiên tri ngày sau. Chứng ngôn của chúng ta thúc đẩy chúng ta sống ngay chính, và lối sống ngay chính sẽ khiến cho chứng ngôn của chúng ta trở nên vững mạnh hơn.
Một Chứng Ngôn Là Gì?
Một định nghĩa của chứng ngôn là “một sự chứng thực trang nghiêm về lẽ thật của một vấn đề”, bắt nguồn từ chữ La Tinh testimonium và chữ testi có nghĩa là sự làm chứng (“Testimony,” http://www.reference .com/browse/wiki/Testimony; Merriam-Webster’s Collegiate Dictionary, xuất bản lần thứ 11 [2003], “testimony,” 1291).
Đối với các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô thì từ chứng ngôn là một từ thân thương và quen thuộc trong sự diễn đạt về tín ngưỡng của mình. Từ đó rất là dịu dàng và tuyệt vời. Luôn luôn có một sự thiêng liêng về từ đó. Khi nói về chứng ngôn, chúng ta đề cập đến những cảm nghĩ của tâm trí mình hơn là một sự tích lũy kiến thức lý luận, trống rỗng. Đó là một ân tứ của Thánh Linh, một sự làm chứng từ Đức Thánh Linh rằng một số khái niệm nào đó là chân chính.
Một chứng ngôn là sự hiểu biết chắc chắn hoặc sự bảo đảm từ Đức Thánh Linh về lẽ thật và sự thiêng liêng của công việc của Chúa trong những ngày sau cùng này. Một chứng ngôn là “sự tin chắc lâu dài, sinh động [và] đầy cảm động về các lẽ thật được mặc khải trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô” (Marion G. Romney, New Era, “How to Gain a Testimony,” tháng Năm năm 1976, 8; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Khi chia sẻ chứng ngôn, chúng ta nói về lẽ thật tuyệt đối của sứ điệp phúc âm. Vào một lúc mà có nhiều người thấy rằng lẽ thật chỉ là tương đối, thì một lời phát biểu về lẽ thật tuyệt đối không được ưa thích lắm và dường như cũng không đúng cách hoặc thích hợp lắm. Các chứng ngôn về “những điều đúng với sự thật hiện hữu” (Gia Cốp 4:13) thì mạnh dạn, chân chính và thiết yếu vì chúng có những kết quả vĩnh cửu cho nhân loại. Sa Tan chẳng bận tâm gì nếu chúng ta đưa ra sứ điệp về đức tin và giáo lý phúc âm của mình như là điều có thể bàn cãi được. Sự tin chắc của chúng ta về lẽ thật phúc âm là một nguồn nương tựa cho cuộc sống của chúng ta; nó vững chắc và xác thực như Sao Bắc Đẩu. Một chứng ngôn thì rất riêng tư và có thể khác biệt đôi chút đối với mỗi người chúng ta, vì mỗi người thì mỗi khác. Tuy nhiên, một chứng ngôn về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ luôn luôn gồm có những lẽ thật rõ ràng và giản dị này:
-
Thượng Đế hằng sống. Ngài là Cha Thiên Thượng nhân từ của chúng ta và chúng ta là các con cái của Ngài.
-
Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống và Đấng Cứu Thế.
-
Joseph Smith là vị tiên tri của Thượng Đế mà qua ông phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi trong những ngày sau.
-
Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế.
-
Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, hai vị cố vấn của ông, cùng các thành viên thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải trong thời chúng ta.
Khi đạt được một sự hiểu biết sâu xa hơn về các lẽ thật này và về kế hoạch cứu rỗi bởi quyền năng và ân tứ Đức Thánh Linh, thì chúng ta có thể tiến đến việc “biết được lẽ thật của tất cả mọi điều” (Mô Rô Ni 10:5).
Làm thế nào chúng ta có được một chứng ngôn?
Chúng ta đều biết rằng việc nói về một chứng ngôn thì dễ dàng hơn là đạt được một chứng ngôn. Tiến trình để nhận được một chứng ngôn dựa vào luật gặt hái: “Vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy” (Ga La Ti 6:7). Không có điều gì tốt lành đến mà không có nỗ lực và sự hy sinh. Nếu chúng ta phải cố gắng nhiều để đạt được một chứng ngôn thì nó sẽ làm cho chúng ta và chứng ngôn của chúng ta còn được vững mạnh hơn. Và nếu chúng ta chia sẻ chứng ngôn của mình, thì nó sẽ tăng trưởng.
Một chứng ngôn là một vật sở hữu quý báu nhất vì không phải đạt nó được chỉ bằng lý luận hay lý trí mà thôi, nó không thể được mua với của cải thế gian, và nó không thể được cho như là một món quà hoặc thừa hưởng từ các tổ tiên của chúng ta. Chúng ta không thể tùy thuộc vào chứng ngôn của những người khác. Chúng ta cần phải tự mình biết. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley nói: “Mỗi Thánh Hữu Ngày Sau có trách nhiệm để tự mình biết với một sự tin chắc vượt quá nỗi nghi ngờ rằng Chúa Giê Su là Vị Nam Tử phục sinh, hằng sống của Thượng Đế hằng sống” (“Fear Not to Do Good,” tháng Năm năm 1983, 80).
Nguồn gốc của sự hiểu biết chắc chắn và sự tin chắc vững vàng này là sự mặc khải thiêng liêng: “Vì sự làm chứng cho Đức Chúa Giê Su là đại ý của lời tiên tri” (Khải Huyền 19:10).
Chúng ta nhận được chứng ngôn này khi Đức Thánh Linh nói với tinh thần bên trong chúng ta. Chúng ta sẽ nhận được một sự tin chắc êm nhẹ và vững vàng mà sẽ là nguồn chứng ngôn và tin chắc của chúng ta bất luận văn hóa, chủng tộc, ngôn ngữ hoặc xã hội kinh tế của chúng ta. Những sự thúc giục này của Thánh Linh, thay vì chỉ là lý giải của con người mà thôi, mà sẽ còn là nền tảng thật sự mà chứng ngôn của chúng ta sẽ được xây đắp trên đó.
Nòng cốt của chứng ngôn này sẽ luôn luôn là đức tin và sự hiểu biết về Chúa Giê Su Ky Tô và sứ mệnh thiêng liêng của Ngài, là Đấng đã phán về Ngài trong thánh thư: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống” (Giăng 14:6).
Vậy thì làm thế nào chúng ta nhận được một chứng ngôn cá nhân được bén rễ trong sự làm chứng của Đức Thánh Linh? Mẫu mực này đã được phác thảo trong thánh thư:
Thứ nhất: Ước muốn để tin. Sách Mặc Môn khuyến khích chúng ta: “Nếu các [anh chị em] muốn thức tỉnh và phát huy khả năng của mình, ngay cả trong việc trắc nghiệm những lời của tôi, và vận dụng một chút ít đức tin, ngay cả nếu các [anh chị em] không thể làm gì khác hơn là muốn tin” (An Ma 32:27).
Một số người có thể nói: “Tôi không thể tin; tôi không phải là một người sùng đạo.” Hãy nghĩ xem, Thượng Đế hứa cho chúng ta sự giúp đỡ thiêng liêng mặc dù chúng ta chỉ có một ước muốn duy nhất để tin, nhưng nó phải là một ước muốn chân thành chứ không phải giả tạo.
Thứ nhì: Tra cứu thánh thư. Hãy đặt ra những câu hỏi; nghiên cứu các câu hỏi đó, tra cứu trong thánh thư để tìm ra những câu trả lời. Một lần nữa, Sách Mặc Môn đã đưa ra lời khuyên bảo tốt lành cho chúng ta: “Nếu các [anh chị em] chừa một chỗ để cho hạt giống có thể được trồng trong tim các [anh chị em]” qua việc siêng năng học hỏi lời của Thượng Đế thì hạt giống tốt “sẽ bắt đầu nẩy nở trong lòng ngực các [anh chị em]” nếu các anh chị em sẽ không chống lại với sự không tin. Hạt giống tốt này sẽ “mở rộng tâm hồn [các anh chị em]” và “soi sáng sự hiểu biết [của các anh chị em]” (An Ma 32:28).
Thứ ba: Làm theo ý muốn của Thượng Đế, tuân giữ các giáo lệnh. Việc tham gia vào cuộc tranh luận đầy uyên thâm thì không đủ nếu chúng ta muốn tự mình biết rằng vương quốc của Thượng Đế đã được phục hồi trên thế gian. Việc học hỏi theo tùy tiện thì cũng không đủ. Chúng ta phải tự mình hành động và điều đó có nghĩa là học hỏi và rồi làm theo ý muốn của Thượng Đế.
Chúng ta cần phải đến cùng Đấng Ky Tô và tuân theo những lời giảng dạy của Ngài. Đấng Cứu Rỗi đã dạy: “Đạo lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến. Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta” (Giăng 7:16–17; sự nhấn mạnh được thêm vào). Và Ngài phán: “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta” (Giăng 14:15).
Thứ tư: Suy ngẫm, nhịn ăn và cầu nguyện. Để nhận được sự hiểu biết từ Đức Thánh Linh, chúng ta phải cầu vấn Cha Thiên Thượng về điều đó. Chúng ta phải tin rằng Thượng Đế yêu thương chúng ta và rằng Ngài sẽ giúp chúng ta nhận ra những sự thúc giục của Đức Thánh Linh. Sách Mặc Môn nhắc nhở chúng ta:
“Khi các [anh chị em] đọc được những điều này, thì các người hãy nhớ Chúa đã thương xót con cái loài người biết bao, kể từ lúc sáng tạo ra A Đam cho đến khi các [anh chị em] nhận được những điều này và suy ngẫm trong lòng.
“Hãy cầu vấn Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, trong danh Đấng Ky Tô, để xem những điều này có thật không; và nếu các [anh chị em] cầu vấn với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự cùng có đức tin nơi Đấng Ky Tô, thì Ngài sẽ biểu lộ lẽ thật của điều này cho các [anh chị em] biết, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh” (xin xem Mô Rô Ni 10:3–4).
Và tiên tri An Ma đã nói:
“Tôi xin làm chứng rằng, tôi biết những điều tôi nói ra đây là thật. Và các [anh chị em] có cho rằng làm sao tôi biết chắc về những điều này không?
“Này, tôi đã nhịn ăn và cầu nguyện nhiều ngày để tự mình biết được những điều này. Và Đức Chúa Trời đã biểu lộ những điều này cho tôi biết bằng Đức Thánh Linh của Ngài, và đó là tinh thần mặc khải” (xin xem An Ma 5:45–46).
Thưa các anh chị em, An Ma đã nhận được chứng ngôn của mình bằng cách nhịn ăn và cầu nguyện cách đây hơn 2.000 năm và ngày nay chúng ta cũng có thể có được cùng một kinh nghiệm thiêng liêng đó.
Một Chứng Ngôn thì Tốt cho Điều Gì?
Một chứng ngôn cung ứng viễn ảnh, thích đáng, sự thúc đẩy, và một nền tảng vững chắc để xây đắp một cuộc sống với mục đích và sự tăng trưởng cá nhân trên đó. Đó là một nguồn can đảm liên tục, một sự đồng hành chân chính và trung tín trong những lúc tốt lành và bất hạnh. Một chứng ngôn cung ứng cho chúng ta một lý do để hy vọng và vui mừng. Nó giúp chúng ta trau dồi một tinh thần lạc quan và hạnh phúc và làm cho chúng ta có thể hân hoan nơi vẻ đẹp thiên nhiên. Một chứng ngôn thúc đẩy chúng ta luôn luôn chọn điều đúng trong mọi hoàn cảnh. Nó thúc đẩy chúng ta đến gần Thượng Đế hơn, và để cho Ngài đến gần chúng ta hơn (xin xem Gia Cơ 4:8).
Chứng ngôn cá nhân của chúng ta là một cái khiên che để bảo vệ, và giống như thanh sắt nó đang hướng dẫn chúng ta một cách an toàn vượt qua bóng tối và sự hoang mang.
Chứng ngôn của Nê Phi cho ông lòng can đảm để đứng lên và được coi là một người vâng lời Chúa. Ông không ta thán, nghi ngờ hay sợ hãi bất luận hoàn cảnh có ra sao. Khi gặp lúc khó khăn, ông nói: “Con sẽ đi và làm những gì Chúa đã truyền lệnh, vì con biết Chúa sẽ chuẩn bị sẵn một đường lối để thực hiện được những điều Ngài phán truyền” (1 Nê Phi 3:7).
Cũng giống như Chúa đã biết Nê Phi, Thượng Đế biết chúng ta và yêu thương chúng ta. Đây là thời gian của chúng ta; Đây là thời kỳ của chúng ta. Chúng ta là kết quả của hành động của mình. Chứng ngôn cá nhân vững chắc của chúng ta sẽ thúc đẩy chúng ta thay đổi bản thân mình và rồi ban phước cho thế gian. Tôi xin làm chứng về điều này và để lại phước lành của tôi cho các anh em với tư cách là một Sứ Đồ của Chúa, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.