2006
Ghi Nhớ Tình Yêu Thương của Chúa
Tháng Mười Một năm 2006


Ghi Nhớ Tình Yêu Thương của Chúa

Chúng ta phải cố gắng để biết và cảm nhận tình yêu thương của Chúa trong cuộc sống của chúng ta.

Bức tranh Đấng Ky Tô trong Áo Choàng Đỏ của Minerva Teichert, dường như là một bức tranh thật toàn hảo để mô tả câu thánh thư mà chúng tôi đã chọn cho buổi tối hôm nay: “[Tôi] đang được bảo bọc vĩnh viễn trong vòng tay thương yêu của Ngài” (2 Nê Phi 1:15). Đấng Ky Tô trông như đang chào đón chúng ta với đôi tay mở rộng của Ngài hướng về chúng ta. Cũng giống như Ngài đã mời gọi những người dân Nê Phi “đứng dậy và tiến lại gần ta” (3 Nê Phi 11:15), thì Ngài mời gọi mỗi người chúng ta, từng người một, đến cùng Ngài để chúng ta cũng có thể biết được rằng Ngài là “Thượng Đế của cả thế gian này, và đã bị giết chết vì tội lỗi của thế gian“ (3 Nê Phi: 11:14). Chúng ta biết được cảm nghĩ của việc được bảo bọc trong tình yêu thương của Ngài khi chúng ta chấp nhận lời mời gọi đó.

Tôi chắc chắn rằng mỗi chị em, vào lúc này hay lúc khác, đều cảm thấy được bảo bọc trong vòng tay của Đấng Ky Tô. Nhưng nếu các chị em giống như tôi thì có những lúc mà các chị em cảm thấy sợ hãi, khi sự căng thẳng và bận rộn của cuộc sống dường như tràn ngập các chị em, khi các chị em cảm thấy không còn có sự hướng dẫn của Thánh Linh. Có lẽ các chị em còn cảm thấy như mình đã bị bỏ rơi. Khi tôi có những cảm nghĩ đó thì phương thuốc tốt nhất là ký ức của tôi về những giây phút mà sự bình an của Đấng Ky Tô đã đến để củng cố tôi. Vậy nên, tối hôm nay, tôi xin mời các chị em hãy cùng tôi nhớ lại cảm giác có được về tình yêu thương của Chúa trong cuộc sống của các chị em và cảm thấy được bảo bọc trong vòng tay của Ngài.

Mẹ tôi mất khi tôi còn là một người mẹ trẻ tuổi. Tôi vẫn còn cần lời khuyên dạy và chỉ bảo của mẹ tôi. Sau khi mẹ tôi được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư thì mẹ tôi chỉ còn sống được sáu tuần. Thoạt đầu, nỗi lo lắng của tôi là về cha tôi. Tôi cảm thấy biết ơn rằng mẹ tôi đã không đau đớn lâu và rằng cái chết của mẹ tôi là một kinh nghiệm tuyệt diệu cho chúng tôi. Nhưng một vài tuần sau Ngày Lễ Mẹ và sinh nhật của mẹ tôi đến—và tôi bắt đầu nhớ mẹ tôi rất nhiều. Tôi muốn mẹ tôi choàng tay qua người tôi và tôi muốn biết là mẹ tôi bình yên. Tôi muốn nói với mẹ tôi rằng tôi yêu thương mẹ tôi và tôi nhớ mẹ tôi.

Một đêm nọ, tôi đang cầu nguyện và khóc (là điều mà tôi thường làm lúc bấy giờ), thì tôi cảm thấy sự an ủi khắp châu thân—một cách bất ngờ và mạnh mẽ. Cảm giác đó đã phục hồi con người tôi; nó mang đến sự bình an cho tôi. Nó không tồn tại lâu về phần thể chất nhưng nó có tác dụng khoan khoái thật mãnh liệt. Tôi biết rằng đó chính là—tình yêu thương của Chúa đang bảo bọc tôi và cho tôi sự bình an và sức mạnh. Nhưng giây phút đó cũng quan trọng và đọng lại trong ký ức của tôi như là một ân tứ tuyệt diệu để mở ra và nhớ lại khi cuộc sống gặp khó khăn.

Đôi khi cũng có những giây phút yêu thương và sự bình an xảy đến như một kết quả và một cách bất ngờ và trong lúc không cần thiết—tôi không gặp một vấn đề đặc biệt khó khăn nào cả. Một ngày Sa Bát đẹp trời vào mùa thu tôi đang ngồi trong chiếc ghế để đọc thánh thư của mình, nhìn những chiếc lá vàng rơi từ cây mơ của nhà hàng xóm của chúng tôi. Tôi ngước nhìn lên từ quyển thánh thư của mình và đột nhiên cảm thấy một cảm giác bình an và mãn nguyện khắp châu thân. Phút giây đó lướt qua rất nhanh nhưng ký ức về tình yêu thương mà tôi đã cảm nhận được thì tồn tại rất lâu. Đó là ân tứ của ký ức để nhớ lại khi cuộc sống gặp khó khăn và trong những lúc khó khăn.

Nhưng mỗi ngày, khi tôi tìm kiếm thì tôi cảm thấy được tình yêu thương của Chúa trong cuộc sống của mình và cảm nhận được vòng tay của Ngài bảo bọc tôi. Tôi thấy được các bằng chứng hiển nhiên về tình yêu thương của Chúa trong khi tôi đi bộ vào buổi sáng khi bầu không khí trong sáng và tia sáng đầu tiên chiếu từ hướng đông; tôi cảm nhận được tình yêu thương của Ngài khi một câu thánh thư nẩy ra từ tâm trí và nói với tôi trong một cách thức mới mẻ. Tôi nhận biết tình yêu thương của Ngài khi tôi được giảng dạy bởi các phụ nữ tốt lành trong Hội Phụ Nữ hoặc bởi các giảng viên thăm viếng là những người chăm sóc tôi. Tôi cảm nhận được sự hiện diện của Ngài khi lòng tôi đáp ứng với âm nhạc tuyệt vời hoặc một bài nói chuyện đáng ghi nhớ. Thưa các chị em, Chúa ở khắp nơi khi chúng ta mở mắt và mở lòng mình cho tình yêu thương của Ngài.

Nhưng tôi chắc chắn là có các phụ nữ trong số các chị em, là những người giờ đây đang nghĩ rằng: “Bao giờ thì tôi có thời giờ để đi bộ buổi sáng? Lần cuối cùng mà tôi có 10 phút yên tịnh để đọc thánh thư là khi nào?” Hoặc, “Lần cuối cùng mà tôi có được một ngày không đau đớn là khi nào? hoặc không lo lắng? hay không đau lòng?” Và tôi nhận biết rằng thật đúng biết bao để thấy rằng cuộc sống đôi khi cảm thấy giống như một gánh nặng về bổn phận, thất vọng và nản lòng. Nhưng Chúa hiện diện nơi đó và luôn luôn vẫn thế: Đôi tay của Ngài vẫn dang rộng. Khi lòng mình cảm thấy quá chất chồng, thì chúng ta phải nhớ đến sự bình an mà Ngài đã phán cùng chúng ta vào những dịp trước đây. Sự bình an của Ngài mang đến sự an ủi và sức mạnh; mà thế gian không thể cho chúng ta được.

Là các phụ nữ trung tín của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta được ban phước với Đức Thánh Linh. Khi chúng ta mời gọi Đấng Cứu Rỗi vào cuộc sống của mình thì Đức Thánh Linh sẽ làm chứng với chúng ta về tình yêu thương mà Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, có cho mỗi người chúng ta. Nhưng việc cảm nhận tình yêu thương của Hai Ngài thì không những tùy thuộc vào ước muốn của chúng ta mà còn vào hành động của chúng ta nữa. Và các hành động mà chúng ta cần phải thực hiện thì rất quen thuộc với chúng ta: lời cầu nguyện chân thành, cụ thể và khiêm nhường, được tiếp theo bởi việc im lặng lắng nghe những sự đáp ứng của Chúa; học thánh thư thường xuyên và dành thời giờ ra để suy ngẫm điều chúng ta đọc; và cuối cùng, một sự sẵn lòng để xem xét nội tâm của mình và tin cậy nơi lời hứa của Chúa rằng Ngài “sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với [chúng ta]” (Ê The 12:27). Khi chúng ta học và suy ngẫm thì chúng ta được quyền nhận được những sự thúc giục của Thánh Linh, và khi chúng ta lưu tâm nhiều hơn đến những sự thúc giục này thì mỗi ngày chúng ta tiến đến việc nhận biết những tác động của Chúa trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta sẽ tìm thấy Ngài, như Anh Cả Neal A. Maxwell đã nói: “trong các khía cạnh của cuộc sống chúng ta” (“Becoming a Disciple,” Ensign, tháng Sáu năm 1996, 19). Và khi sự nhận biết đó đến thì chúng ta sẽ cảm nhận được sự bình an của Ngài và nhận thức được rằng chúng ta thực sự được bảo bọc trong vòng tay thương yêu của Ngài.

Trong buổi họp huấn luyện giới lãnh đạo toàn cầu vào tháng Giêng năm 2004, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã khuyên nhủ các phụ nữ của Giáo Hội phải “đứng vững và không dao động” để chống lại điều xấu xa đang gia tăng trên thế gian. (“Đứng Vững và Không Dao Động,” Buổi Họp Huấn Luyện Giới Lãnh Đạo Toàn Cầu, ngày 10 tháng Giêng năm 2004, 20). Thưa các chị em, đây chính là lý do tại sao chúng ta phải cố gắng để biết và cảm nhận tình yêu thương của Chúa trong cuộc sống của chúng ta. Đây chính là lý do mà chúng ta phải ghi nhớ và trân quý những kinh nghiệm của mình với sự bình an của Ngài và sức mạnh mà sự bình an đó mang lại. Và đây chính là lý do mà chúng ta phải kể lại những kinh nghiệm của mình về đức tin và chứng ngôn cho con cái mình và cho những người không có cha mẹ hay người thân yêu.

Gia đình của chúng ta cần có sự bình an của Thượng Đế trong cuộc sống của họ và nếu chúng ta không thể hoặc không mời gọi Chúa vào cuộc sống của mình thì gia đình của chúng ta sẽ trở thành một sự phản chiếu những hỗn loạn của chính chúng ta. Các phụ nữ được yêu cầu phải là người nuôi dưỡng gia đình của họ, nhưng chúng ta cũng phải cứng rắn: chúng ta phải là nền tảng vững chắc mà trên đó nhà của chúng ta được dựng lên. Gia đình của chúng ta cần chúng ta nói sự bình an với họ cũng giống như Chúa phán sự bình an với chúng ta. Nhà của chúng ta cần phải là nơi mà gia đình và bạn bè của chúng ta muốn ở; nơi mà tất cả những người bước vào nhà của chúng ta đều có thể nhận được sức mạnh và lòng can đảm để đối phó với những thử thách của đời sống trong một thế giới ngày càng tà ác. Con cái của chúng ta cần phải nghe chúng ta “nói về Đấng Ky Tô, … hoan hỷ về Đấng Ky Tô, [và] thuyết giảng về Đấng Ky Tô,” (2 Nê Phi 25:26) để họ có thể biết nguồn gốc nào họ có thể tìm đến để có được sự bình an mà “vượt quá mọi sự hiểu biết” (Phi Líp 4:7).

Thưa các chị em, hãy nhớ đến lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi là rõ ràng và minh bạch, và điều quan trọng cho chúng ta là nó bất biến: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta … Hãy gánh lấy ách của ta … vì … gánh ta nhẹ nhàng” (Ma Thi Ơ 11:28–30). Đây là lời hứa của Chúa với tôi và với các chị em.

Lời cầu nguyện của tôi cho mỗi người chúng ta là chúng ta sẽ nhớ lại khi Chúa phán sự bình an của Ngài cho chúng ta và bảo bọc chúng ta trong vòng tay yêu thương của Ngài. Và cũng là điều quan trọng là nếu các chị em không cảm nhận được tình yêu thương đó trong một thời gian thì các chị em sẽ cố gắng thấy nó và cảm nhận nó khi các chị em đi làm công việc thông thường trong cuộc sống của mình không? Khi các chị em làm như vậy, trong nhiều năm tháng của cuộc sống của các chị em, thì ký ức của những sự tương tác đó với Chúa sẽ trở thành các ân tứ tuyệt diệu để mở ra một lần thứ nhì—hoặc nhiều lần—để giúp đỡ các chị em khi cuộc sống gặp khó khăn.

Chúa hứa: “Ta cho các ngươi sự bình an, chẳng phải như thế gian cho” (Giăng 14:27). Sự bình an. Sức mạnh. Đó là điều mà chúng ta mong mỏi và điều có thể thực hiện được. Chúng ta chỉ cần hướng đến cánh tay dang ra của Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.