Hãy Tỏ Ra Là Những Người Trượng Phu
Chúng ta là những người nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế … phải trỗi dậy từ nơi bụi đất của sự bê tha và hãy tỏ ra là những người trượng phu!
Cách đây nhiều năm, khi các anh em của tôi và tôi còn niên thiếu, mẹ tôi đã trải qua một cuộc đại giải phẫu về ung thư. Mẹ tôi đã gần kề cái chết. Hầu hết các mô ở cổ và vai của mẹ tôi phải bị mổ lấy ra và mẹ tôi rất đau đớn khi sử dụng cánh tay phải của mình trong một thời gian rất lâu.
Một buổi sáng nọ khoảng một năm sau khi giải phẫu, cha tôi đưa mẹ đến một cửa hàng bán dụng cụ điện và yêu cầu người quản lý chỉ cho mẹ cách thức sử dụng một máy ủi quần áo mà người ấy có. Cái máy đó tên là IronRite. Nó được điều khiển từ một cái ghế bằng cách đạp lên trên bàn đạp với đầu gối để hạ một cái ống lăn xuống một bề mặt kim khí nóng và quay bàn đạp, trong khi người sử dụng đẩy áo sơ mi, quần, áo đầm, và những thứ quần áo khác ngang qua máy. Các anh em có thể thấy rằng cái máy này sẽ ủi đồ dễ dàng hơn (có rất nhiều đồ trong gia đình có năm đứa con trai của chúng tôi), nhất là đối với một người phụ nữ với khả năng sử dụng cánh tay của mình rất giới hạn. Mẹ tôi rất sửng sốt khi Cha tôi nói với người quản lý là họ sẽ mua cái máy đó và rồi trả tiền mặt. Mặc dù cha có một lợi tức cao của bác sĩ thú y nhưng cuộc giải phẫu và thuốc men của mẹ tôi đã khiến họ phải ở trong tình trạng tài chính rất khó khăn.
Trên đường trở về nhà, mẹ tôi rất buồn bực: “Làm thế nào chúng ta có đủ khả năng để mua máy đó? Tiền ở đâu mà có? Làm thế nào chúng ta có tiền để trả cho những thứ chúng ta cần bây giờ?” Cuối cùng cha tôi nói cho mẹ tôi biết rằng cha tôi đã không ăn trưa trong gần một năm để dành dụm đủ tiền. Cha tôi nói: “Bây giờ khi em ủi đồ, em sẽ không cần phải ngừng lại và đi vào phòng ngủ và khóc cho đến khi hết đau đớn nơi cánh tay của em.” Mẹ tôi đã không biết rằng cha tôi đã biết về điều đó. Tôi không biết về sự hy sinh của cha tôi và hành động thương yêu đối với mẹ tôi vào lúc ấy, nhưng giờ đây tôi biết, thì tôi tự nói: “Đó mới là người trượng phu.”
Tiên tri Lê Hi đã nài nỉ hai đứa con trai bất trị của mình bằng cách nói: “Hãy trỗi dậy từ nơi bụi đất, hỡi các con của cha, các con hãy tỏ ra là những người trượng phu” (2 Nê Phi 1:21; sự nhấn mạnh được thêm vào). Theo tuổi tác, thì La Man và Lê Miêu là hai người đàn ông, nhưng nói về cá tính và sự trưởng thành thuộc linh thì họ vẫn còn hành động như trẻ con. Họ ta thán và phàn nàn nếu được yêu cầu phải làm bất cứ điều gì khó khăn. Họ không chấp nhận thẩm quyền của bất cứ người nào để sửa đổi họ. Họ không quý trọng những sự việc thuộc linh. Họ dễ dàng dùng vũ lực và họ rất giỏi tài đóng vai kẻ bị hà hiếp.
Chúng ta thấy cũng có một số thái độ giống như vậy ngày hôm nay. Một số người hành động thể như mục tiêu cao quý nhất của một người đàn ông phải là ý thích của mình. Có thể nói tập quán xã hội buông thả đã “miễn trách” những người đàn ông đến nỗi nhiều người nghĩ rằng việc sinh con ngoại hôn và ăn ở với nhau mà không kết hôn thì đều được chấp nhận.1 Việc tránh cam kết thì được xem là khôn khéo, nhưng hy sinh cho điều tốt lành của những người khác là dại khờ. Đối với một số người, cuộc sống làm việc và đạt thành tích thì không bắt buộc. Một nhà tâm lý học nghiên cứu về hiện tượng gia tăng của điều mà ông gọi là “sự trì trệ của các thanh niên” mô tả cảnh tượng này:
“Justin đi học đại học một hoặc hai năm, lãng phí hằng ngàn Mỹ kim của cha mẹ nó, rồi cảm thấy chán và trở về nhà sống trong căn phòng cũ của nó, cũng căn phòng ngủ mà nó đã sống khi nó còn học trung học. Giờ đây nó làm việc 16 giờ một tuần ở Kinko hoặc làm việc bán thời gian ở Starbucks.
“Cha mẹ của nó rất bực mình với nó: ‘Justin, con đã 26 tuổi rồi. Con không đi học. Con không có nghề nghiệp gì. Con còn không có một người bạn gái nữa. Mục tiêu của con là gì? Chừng nào con mới tìm ra được hướng đi cho mình?’
“Justin hỏi: ‘Cha mẹ sao thế? Con chưa hề bị bắt vì bất cứ tội gì. Con chưa hề xin tiền cha mẹ mà. Tại sao cha mẹ không thể bình tĩnh được vậy?’”2
Làm sao mà điều đó được xem là hoài bão được?
Chúng ta là những người nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế không thể nào có thái độ thụ động. Chúng ta có công việc phải làm (xin xem Mô Rô Ni 9:6). Chúng ta phải trỗi dậy từ nơi bụi đất của sự bê tha và hãy tỏ ra là những người trượng phu! Đó là một khát vọng tuyệt diệu cho một thiếu niên để trở thành một người đàn ông—vững mạnh và có khả năng; một người mà có thể xây dựng và sáng tạo, có thể điều hành; một người tạo ra sự khác biệt trong thế giới. Đó là một khát vọng đối với những người lớn tuổi hơn trong chúng ta để xử sự như người đàn ông chân chính phải xử sự, và là gương mẫu cho những người xem chúng ta như tấm gương.
Phần lớn, nhân cách của người đàn ông chân chính được định nghĩa trong mối quan hệ với phụ nữ. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã cho chúng ta mô hình lý tưởng để theo đuổi trong những lời này:
“Gia đình là do Thượng Đế quy định. Hôn nhân giữa người nam và người nữ là thiết yếu cho kế hoạch vĩnh cửu của Ngài. Con cái phải được sinh ra trong vòng ràng buộc hôn nhân và được nuôi nấng bởi một người cha và một người mẹ biết tôn trọng những lời thệ ước hôn nhân với lòng chung thủy trọn vẹn… . Qua kế hoạch thiêng liêng, những người cha phải chủ tọa gia đình mình trong tình thương yêu và sự ngay chính và có trách nhiệm cung ứng những nhu cầu cần thiết của cuộc sống và bảo vệ cho gia đình mình.”3
Trong nhiều năm, tôi đã đi thăm viếng các tín hữu của Giáo Hội trong nhiều quốc gia, và mặc dù có sự khác biệt trong hoàn cảnh và văn hóa, nhưng tôi đã cảm kích về đức tin và khả năng của các phụ nữ của chúng ta ở khắp nơi, kể cả một số phụ nữ rất trẻ. Có rất nhiều người trong số họ có được một đức tin và lòng nhân từ phi thường. Họ biết thánh thư. Họ rất điềm đạm và tự tin. Tôi tự hỏi: chúng ta có những người đàn ông tương xứng với những người phụ nữ này không? Các thanh niên của chúng ta có đang phát triển thành những người bạn đời xứng đáng mà các phụ nữ như vậy có thể ngưỡng mộ và kính trọng không?
Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, khi ngỏ lời trong buổi họp này vào tháng Tư năm 1998, đã đưa ra lời khuyên dạy cụ thể cho các thanh niên:
“Người thiếu nữ mà các em kết hôn sẽ rất liều lĩnh khi kết hôn với các em … [Các em] sẽ quyết định phần lớn cuộc đời còn lại của người thiếu nữ ấy… .
“Hãy cố gắng có được một học vấn. Hãy có được tất cả sự huấn luyện nếu có thể được. Phần lớn người ta sẽ trả lương cho các em theo như họ nghĩ các em xứng đáng như thế nào. Phao Lô đã nói thẳng thừng khi ông viết cho Ti Mô Thê: ‘Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhứt là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa’ (1 Ti Mô Thê 5:8).”4
Tính liêm chính là cơ bản để trở thành những con người trượng phu. Tính liêm chính có nghĩa là chân thật, nhưng cũng có nghĩa là việc chấp nhận trách nhiệm và tôn trọng các lời hứa và những giao ước. Chủ Tịch N. Eldon Tanner, một cựu cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và là một người đàn ông liêm chính, đã nói với một người đến với ông để xin ý kiến:
“Cách đây không lâu, một thanh niên đã đến nói với tôi rằng: ‘Tôi đã làm một giao kèo với một người mà đòi hỏi tôi phải trả một số tiền mỗi năm. Tôi còn thiếu tiền, và tôi không thể trả những số tiền đó, và nếu tôi trả tiền đó thì tôi sẽ bị mất căn nhà của tôi. Tôi sẽ phải làm sao?’
“Tôi nhìn người ấy và nói: ‘Hãy tuân giữ tờ giao kèo của anh.’
“ ‘Cho dù nó sẽ làm cho tôi mất căn nhà của tôi à?’
“Tôi nói: ‘Tôi không nói về căn nhà của anh. Tôi nói về tờ giao kèo của anh; và tôi nghĩ rằng vợ của anh thà có người chồng giữ lời hứa, chu toàn các nghĩa vụ của mình … và phải mướn nhà hơn là có một căn nhà với người chồng sẽ không tuân giữ giao ước và lời hứa của mình.’”5
Đôi khi những người đàn ông tốt làm lỗi lầm. Một người liêm chính sẽ thành thật đối diện và sửa đổi những lỗi lầm của mình và đó là một tấm gương mà chúng ta có thể kính trọng. Đôi khi những người đàn ông cố gắng nhưng thất bại. Không phải tất cả các mục tiêu xứng đáng thì đều đạt được mặc dù có các nỗ lực chân thành và tốt nhất. Nhân cách chân thật của người đàn ông không phải luôn luôn đo lường bằng những kết quả của công việc người đó mà bằng chính các công việc đó—bởi sự cố gắng của người đó.6
Mặc dù sẽ có một số hy sinh và chối bỏ một số lạc thú trong khi tôn trọng các cam kết của mình, nhưng người đàn ông chân chính sống một cuộc sống đầy bổ ích. Người ấy cho nhiều, nhưng người ấy nhận nhiều hơn và người ấy sống mãn nguyện nhờ vào sự tán thành của Cha Thiên Thượng. Cuộc sống của người đàn ông có nhân cách thật sự là cuộc sống tốt lành.
Quan trọng hơn hết, khi chúng ta xem xét về lời khuyên bảo phải là người trượng phu thì chúng ta phải nghĩ đến Chúa Giê Su Ky Tô. Khi Phi Lát cho giải Chúa Giê Su đến với đầu đội mão gai, ông đã nói rằng: “Kìa, xem người này!” (xin xem Giăng 19:4–5). Phi Lát có thể không hiểu trọn vẹn ý nghĩa của lời mình, nhưng lúc bấy giờ Chúa đã quả thật đứng trước dân chúng thời bấy giờ cũng như ngày nay—lý tưởng cao quý nhất của nam giới. Kìa xem người trượng phu!
Chúa hỏi các môn đồ của Ngài rằng họ phải là người như thế nào và rồi Ngài đã trả lời: “Quả thật, ta nói cho các người hay, các người phải giống như ta vậy” (3 Nê Phi 27:27; xin xem thêm 3 Nê Phi 18:24). Đó là công cuộc tìm kiếm cơ bản của chúng ta. Ngài đã làm những gì mà chúng ta có thể làm theo với tư cách là những người đàn ông?
Chúa Giê Su loại bỏ sự cám dỗ. Khi đương đầu với kẻ cám dỗ xảo quyệt, Chúa Giê Su đã “không nhượng bộ cám dỗ” (Mô Si A 15:5). Ngài dùng thánh thư để trả lời: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” (Ma Thi Ơ 4:4). Những lệnh truyền và các tiêu chuẩn phúc âm cũng là sự bảo vệ cho chúng ta, và cũng giống như Đấng Cứu Rỗi, chúng ta có thể nhận được sức mạnh từ thánh thư để chống lại cám dỗ.
Đấng Cứu Rỗi luôn vâng lời. Ngài hoàn toàn từ bỏ “con người thiên nhiên” (Mô Si A 3:19) và tuân phục ý muốn của Đức Chúa Cha (xin xem Mô Si A 15:7). Ngài chịu phép báp têm để cho thấy “rằng, theo thể cách xác thịt Ngài cũng phải hạ mình trước mặt Đức Chúa Cha, và chứng tỏ cho Đức Chúa Cha thấy rằng Ngài vâng lời và tuân giữ những lệnh truyền của Đức Chúa Cha” (2 Nê Phi 31:7).
Chúa Giê Su “đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38). Ngài dùng quyền năng thiêng liêng của thánh chức tư tế để ban phước cho những người gặp hoạn nạn “như chữa lành người bệnh, cứu sống kẻ chết, làm cho kẻ què đi được, kẻ đui thấy được, cùng chữa lành mọi thứ bệnh tật” (Mô Si A 3:5). Chúa Giê Su phán bảo cùng Các Sứ Đồ của Ngài: “Ai trong các ngươi muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi người. Vì Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mác 10:44–45). Là các tôi tớ của Ngài, chúng ta có thể trở nên cao trọng trong vương quốc của Ngài qua tình yêu thương và sự phục vụ.
Đấng Cứu Rỗi đã mạnh dạn và trực tiếp chống lại điều xấu xa và lỗi lầm. “Đức Chúa Giê Su vào đền thờ, đuổi hết kẻ bán người mua ở đó; Ngài phán cùng họ rằng: Có lời chép: Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện; nhưng các ngươi thì làm cho nhà ấy thành ra ổ trộm cướp” (Ma Thi Ơ 21:12–13). Ngài kêu gọi mọi người phải hối cải (xin xem Ma Thi Ơ 4:17) và được tha thứ (xin xem Giăng 8:11; An Ma 5:33). Vậy nên cầu xin cho chúng ta đứng vững vàng trong khi bảo vệ những điều thiêng liêng và cất lên tiếng nói cảnh cáo.
Ngài đã phó mạng sống mình để cứu rỗi nhân loại. Chắc chắn chúng ta có thể chấp nhận trách nhiệm cho những ai mà Ngài đã giao phó cho chúng ta bảo bọc.
Thưa các anh em, chúng ta hãy là những người trượng phu, cũng giống như Ngài vậy. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.