Tìm Đâu Cho Thấy một Nền Vững Vàng
Chúng ta có thể củng cố nền tảng đức tin của mình, chứng ngôn của mình về lẽ thật, để chúng ta sẽ không bị nản chí, chúng ta sẽ không thất bại.
Các anh chị em thân mến, các anh chị em đang tụ họp ở nơi đây lẫn các anh chị em ở khắp nơi trên thế giới, tôi tìm kiếm sự quan tâm trong đức tin và những lời cầu nguyện của các anh chị em khi tôi đáp ứng nhiệm vụ và đặc ân để ngỏ lời cùng các anh chị em.
Vào năm 1959, không lâu sau khi tôi bắt đầu phục vụ với tư cách là chủ tịch của Phái Bộ Truyền Giáo Gia Nã Đại, có trụ sở ở Toronto, Ontario, Gia Nã Đại, thì tôi gặp N. Eldon Tanner, một người Gia Nã Đại lỗi lạc mà chỉ sau đó một vài tháng đã được kêu glàm Phụ Tá cho Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, rồi Nhóm Túc Số Mười Hai, và sau đó làm cố vấn cho bốn vị chủ tịch của Giáo Hội.
Vào lúc tôi gặp ông, Chủ Tịch Tanner đang làm chủ tịch công ty Trans-Canada Pipelines, Ltd. và chủ tịch Giáo Khu Canada Calgary. Ông được gọi là “Ông Chính Trực” ở Gia Nã Đại. Trong lần gặp mặt đầu tiên đó, chúng tôi đã thảo luận, trong số các vấn đề khác, về mùa đông giá lạnh ở Gia Nã Đại, nơi mà khi những trận bão hoành hành thì nhiệt độ có thể xuống dưới độ âm và kéo dài mấy tuần một lúc, và nơi mà những cơn gió lạnh lẽo còn làm giảm nhiệt độ này xuống thấp hơn. Tôi hỏi Chủ Tịch Tanner lý do tại sao những con đường và xa lộ ở miền tây Gia Nã Đại hầu như không bị ảnh hưởng gì trong những mùa đông như thế, chỉ cho thấy rất ít hay không hề có dấu hiệu nứt hay vỡ lở gì hết, trong khi đó mặt đường ở nhiều khu vực mà mùa đông ít lạnh hơn và ít khắc nghiệt hơn lại sinh ra các chỗ nứt, các chỗ lở và những cái ổ gà.
Ông nói: “Câu giải đáp là ở độ sâu của nền các vật liệu dùng để lát đường. Để cho mặt đường luôn được chắc chắn và không lở, thì cần phải đào rất sâu các lớp của nền. Khi mà nền không đủ sâu, thì mặt ngoài không thể chịu đựng được khí hậu khắc nghiệt.”
Qua nhiều năm tôi thường suy nghĩ về cuộc nói chuyện này và về lời giải thích của Chủ Tịch Tanner, vì tôi nhận thấy trong những điều ông nói có một sự áp dụng sâu sắc đối với cuộc sống của chúng ta. Nói một cách giản dị là nếu chúng ta không có một nền tảng đức tin vững chắc và một chứng ngôn vững mạnh về lẽ thật, thì chúng ta có thể gặp khó khăn để chịu đựng những cơn bão khắc nghiệt và những ngọn gió lạnh lẽo của nghịch cảnh mà chắc chắn sẽ đến với mỗi người chúng ta.
Cuộc sống trần thế là thời gian thử thách, thời gian để tự chứng tỏ xứng đáng để trở về nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng chúng ta. Để được thử thách, chúng ta cần phải đương đầu với những thử thách và trở ngại. Những điều này có thể hủy hoại chúng ta và tâm hồn chúng ta có thể bị rạn nứt và vỡ vụn—nghĩa là, nếu nền tảng đức tin của chúng ta, chứng ngôn của chúng ta về lẽ thật không gắn chặt vào bên trong chúng ta.
Chúng ta chỉ có thể dựa vào đức tin và chứng ngôn của những người khác trong một thời gian nào đó thôi. Cuối cùng chúng ta cũng cần phải có cho riêng mình nền tảng vững mạnh và được gắn chặt vào tâm hồn, nếu không thì chúng ta sẽ không thể chống lại những cơn bão của cuộc đời, mà sẽ đến. Những cơn bão như thế sẽ đến trong những hình thức khác nhau. Chúng ta có thể đương đầu với nỗi buồn phiền và nỗi đau lòng về một đứa con ương ngạnh mà chọn rời xa con đường dẫn đến lẽ thật vĩnh cửu và thay vào đó đi theo những con đường dốc đầy lỗi lầm và ảo tưởng. Bệnh tật có thể giáng xuống chúng ta hoặc một người thân, mang đến sự đau đớn và đôi khi là cái chết. Tai nạn có thể để lại dấu vết tàn khốc trong trí nhớ hoặc có thể hủy hoại cuộc sống. Cái chết đến với người già khi họ bước đi loạng choạng. Cái chết cũng đến với những ai chỉ vừa mới đi được nửa quãng đường đời, và thường thì nó làm tắt lặng tiếng cười của trẻ thơ.
Đôi khi duờng như không còn có một tia hy vọng nào, những khó khăn dường như vô tận. Chúng ta cảm thấy bị bao quanh bởi nỗi đau đớn của những tấm lòng đau khổ, nỗi thất vọng về những giấc mơ tan vỡ, và nỗi tuyệt vọng về những niềm hy vọng tiêu tan. Chúng ta cùng thốt lên lời thỉnh cầu như trong Kinh Thánh: “Trong Ga La Át há chẳng có nhũ hương sao?” (Giê Rê Mi 8:22). Chúng ta có khuynh hướng xem những điều rủi ro của riêng mình một cách hết sức bi quan. Chúng ta cảm thấy bị bỏ rơi, đau khổ và lẻ loi.
Làm thế nào chúng ta có thể xây đắp một nền tảng đủ vững chắc để chống lại những thăng trầm như vậy của cuộc đời? Làm thế nào chúng ta có thể duy trì được đức tin và chứng ngôn mà sẽ được cần đến, để chúng ta có thể cảm thấy được niềm vui mà đã được hứa cho những người trung tín? Cần có nỗ lực liên tục và kiên định. Đa số chúng ta đã kinh nghiệm được sự soi dẫn mạnh đến nỗi phải rơi nước mắt và một quyết tâm để mãi mãi vẫn luôn trung tín. Tôi đã nghe câu nói: “Nếu tôi có thể luôn giữ được những cảm giác này với mình, thì tôi sẽ không bao giờ gặp khó khăn làm điều tôi cần làm.” Tuy nhiên những cảm giác như thế có thể chỉ là thoáng qua. Sự soi dẫn mà chúng ta cảm nhận được trong những phiên họp đại hội này có thể giảm bớt và biến dần vào ngày thứ Hai và khi chúng ta đối phó với những công việc thường ngày tại nơi làm việc, trường học, trong việc quản lý nhà cửa và gia đình của mình. Những điều này có thể dễ dàng cất sự chú ý của chúng ta ra khỏi những điều thiêng liêng để nghĩ đến những điều của thế gian, khỏi điều mà nâng cao tinh thần để đến điều mà, nếu chúng ta cho phép nó, sẽ làm xói mòn chứng ngôn của chúng ta, nền tảng thuộc linh vững mạnh của chúng ta.
Dĩ nhiên chúng ta không sống trong một thế giới nơi mà chúng ta chỉ kinh nghiệm những điều thuộc linh thôi, nhưng chúng ta có thể củng cố nền tảng đức tin của mình, chứng ngôn của mình về lẽ thật, để chúng ta sẽ không bị nản chí, chúng ta sẽ không thất bại. Các anh chị em có thể hỏi, làm thế nào chúng ta có thể đạt được và duy trì một cách hữu hiệu nhất nền tảng cần thiết để sống sót phần thuộc linh trong thế giới mà chúng ta đang sống?
Tôi xin đưa ra ba nguyên tắc hướng dẫn để giúp chúng ta trong công cuộc tìm kiếm của mình.
Thứ nhất, củng cố nền tảng của các anh chị em qua việc cầu nguyện. “Sự cầu nguyện là mong ước chân thành nhất của tâm hồn, dù được bày tỏ hay không được bày tỏ” (“Prayer Is the Soul’s Sincere Desire,” Hymns, số 145).
Khi cầu nguyện, chúng ta hãy thật sự trò chuyện với Cha Thiên Thượng của chúng ta. Thật dễ dàng để cho lời cầu nguyện của chúng ta trở nên lặp đi lặp lại, nói lên những lời thiếu hoặc không có suy nghĩ. Khi chúng ta nhớ rằng mỗi chúng ta thật sự là con trai hay con gái linh hồn của Thượng Đế, thì chúng ta sẽ không thấy khó khăn trong việc tìm đến Ngài trong sự cầu nguyện. Ngài biết chúng ta; Ngài yêu thương chúng ta; Ngài muốn điều gì tốt đẹp nhất cho chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện với sự chân thành và có ý nghĩa, dâng lên lời cám ơn của chúng ta và cầu xin những gì chúng ta cảm thấy cần. Chúng ta hãy lắng nghe những lời đáp ứng của Ngài, để chúng ta có thể nhận ra những điều đó khi chúng đến. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ được củng cố và ban phước. Chúng ta sẽ tiến đến việc biết Ngài và mong muốn của Ngài cho cuộc sống chúng ta. Bằng cách biết Ngài, bằng cách tin cậy vào ý muốn của Ngài, nền tảng đức tin của chúng ta sẽ được củng cố. Nếu có bất cứ ai trong chúng ta chậm lắng nghe lời khuyên dạy phải luôn luôn cầu nguyện, thì không có lúc nào để bắt đầu tốt hơn là bây giờ. William Cowper nói rằng: “Sa Tan run sợ khi nó thấy người thánh hữu yếu đuối nhất quỳ xuống cầu nguyện” (trong William Neil, biên soạn, Concise Dictionary of Religious Quotations [1974], 144).
Chúng ta hãy chớ sao lãng việc cầu nguyện chung gia đình của mình. Đây là một chướng ngại hữu hiệu đối với tội lỗi, và do đó là một nguồn cung cấp đầy hiệu quả về niềm vui và hạnh phúc. Một câu châm ngôn cổ xưa nhưng thật đúng: “Gia đình cùng cầu nguyện chung thì ở chung với nhau.” Bằng cách cung ứng một tấm gương về sự cầu nguyện cho con cái của mình, thì chúng ta cũng sẽ đang giúp chúng bắt đầu đặt nền tảng đức tin sâu xa và chứng ngôn của riêng chúng mà chúng sẽ cần trong suốt cuộc đời của chúng.
Nguyên tắc hướng dẫn thứ hai của tôi: Chúng ta hãy học hỏi thánh thư và “suy ngẫm ngày và đêm,” như Chúa đã khuyên dạy trong sách Giô Suê (1:8).
Vào năm 2005, hằng ngàn Thánh Hữu Ngày Sau đã chấp nhận lời yêu cầu của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley để đọc xong Sách Mặc Môn vào cuối năm. Tôi tin rằng tháng Mười Hai năm 2005 đã đạt được một kỷ lục của mọi thời đại về nhiều giờ đồng hồ đã được dành ra cho việc đáp ứng kịp thời lời yêu cầu đó. Chúng ta đã được phước khi chúng ta hoàn tất nhiệm vụ đó; chứng ngôn của chúng ta đã được củng cố, kiến thức của chúng ta gia tăng. Tôi muốn khuyến khích tất cả chúng ta hãy tiếp tục đọc và học hỏi thánh thư, để chúng ta có thể hiểu được thánh thư và áp dụng vào cuộc sống của mình những bài học mà chúng ta tìm thấy nơi đó. Tôi xin diễn giải thi sĩ James Phinney Baxter:
Người học mãi và học mãi nhưng không bao giờ biết
Thì giống như người cày mãi và cày mãi mà không bao giờ gieo hạt.
(“The Baxter Collection,” Baxter Memorial Library, Gorham, Maine)
Việc dành thời giờ để học hỏi thánh thư mỗi ngày sẽ chắc chắn củng cố nền tảng đức tin của chúng ta và chứng ngôn của chúng ta về lẽ thật.
Xin các anh chị em cùng tôi nhớ lại niềm vui mà An Ma đã cảm thấy trong lúc ông đang trên đường hành trình từ xứ Ghê Đê Ôn đi về phía nam để tới xứ Man Ti và gặp các con trai của Mô Si A. An Ma đã lâu không gặp họ nên ông đã vui mừng khôn xiết khi biết rằng họ “vẫn còn là những người anh em của ông trong Chúa; phải, và họ đã trở nên mạnh mẽ trong sự hiểu biết lẽ thật, vì họ là những người có một sự hiểu biết vững chắc và rất chuyên tâm tìm tòi thánh thư để có thể hiểu thấu được lời của Thượng Đế” (xin xem An Ma 17:1–2).
Cầu xin rằng chúng ta cũng hiểu lời của Thượng Đế và sống cuộc sống của mình phù hợp với lời đó.
Nguyên tắc thứ ba của tôi để xây đắp một nền tảng đức tin vững chắc và chứng ngôn gồm có sự phục vụ.
Trong khi lái xe đến văn phòng vào một buổi sáng nọ, tôi đi qua một tiệm giặt ủi mà có một tấm biển ở ngoài cửa sổ. Tấm biển viết: “Chính Sự Phục Vụ mới Là Quan Trọng.” Thông điệp của tấm biển đó hoàn toàn không rời khỏi tâm trí tôi. Đột nhiên tôi hiểu được tại sao. Trong thực tế thì chính sự phục vụ mới là quan trọng—sự phục vụ Chúa.
Trong Sách Mặc Môn chúng ta đọc về Vua Bên Gia Min cao quý . Trong sự khiêm tốn thật sự của một người lãnh đạo đầy soi dẫn, ông đã kể lại ước muốn của mình để phục vụ dân của mình và dẫn họ vào những đường lối ngay chính. Rồi ông tuyên bố với họ:
“Vì tôi đã nói với các người là tôi đã dành hết những ngày tháng của đời mình để phục vụ các người, tôi không muốn khoe khoang, vì tôi làm thế là để phục vụ Thượng Đế.
“Và này, tôi nói với các người những điều này là để các người có thể học sự thông sáng; để các người hiểu rằng, khi mình phục vụ đồng bào mình, thì tức là mình phục vụ Thượng Đế của mình vậy” (Mô Si A 2:16–17).
Chính sự phục vụ mới là quan trọng, sự phục vụ mà tất cả chúng ta đều được kêu gọi: sự phục vụ Chúa Giê Su Ky Tô.
Trong suốt chặng đường của cuộc đời mình các anh chị em sẽ thấy rằng các anh chị em không phải là người lữ hành duy nhất. Có những người khác cần sự giúp đỡ của các anh chị em. Có những người chúng ta cần giúp đỡ, những bàn tay cần được nâng đỡ, những tâm hồn cần được khuyến khích, tấm lòng cần được soi dẫn và linh hồn cần được cứu vớt.
Cách đây mười ba năm tôi có được đặc ân để ban một phước lành cho một bé gái 12 tuổi xinh đẹp tên là Jami Palmer. Em ấy mới vừa được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư và rất sợ hãi và hoang mang. Rồi sau đó em đã phải trải qua cuộc giải phẫu và điều trị bằng hóa học trị liệu rất đau đớn. Ngày nay em là người được khỏi bệnh ung thư và là một cô gái 26 tuổi thông minh xinh đẹp mà đã thành đạt được rất nhiều trong cuộc đời. Cách đây một thời gian, tôi biết được rằng trong giờ phút tối tăm nhất của em, khi tương lai dường như có phần mù mịt, em biết được rằng cái chân bị ung thư của em sẽ đòi hỏi nhiều cuộc giải phẫu. Một cuộc đi bộ đã được hoạch định từ lâu với lớp Hội Thiếu Nữ của em lên con đường mòn gồ ghề đến Timpanogos Cave—nằm trong vùng núi Wasatch Mountains khoảng 40 dặm về phía nam của Thành Phố Salt Lake, Utah—là một điều không tưởng. Jami đã nói với các bạn của mình rằng họ sẽ phải đi leo núi mà không có em đi cùng. Tôi tin chắc rằng khi em nói điều đó thì giọng nói của em nghẹn ngào đầy xúc động và thất vọng trong lòng. Nhưng sau đó các thiếu nữ khác đã trả lời dứt khoát là “Không đâu, Jami à, bạn sẽ đi cùng với chúng tôi!”
“Nhưng mà tôi không thể đi được,” là câu trả lời đầy đau khổ
“Vậy thì, Jami à, chúng tôi sẽ khiêng bạn lên tới đỉnh!” Và họ đã làm như thế.
Ngày nay, chuyến đi leo núi đó là một kỷ niệm, nhưng thực tế thì còn hơn thế nữa. James Barrie, thi sĩ người Tô Cách Lan nói rằng: “Thượng Đế ban cho chúng ta những kỷ niệm để chúng ta có thể có những đóa hồng của tháng Sáu vào tháng Mười Hai của cuộc đời mình” (diễn giải lời của James Barrie, trong Laurence J. Peter, biên soạn, Peter’s Quotations: Ideas for Our Time [1977], 335). Không một ai trong số các thiếu nữ quý báu đó có thể nào quên được cái ngày đáng nhớ ấy khi Cha Thiên Thượng nhân từ nhìn xuống với một nụ cười tán thành và thật sự hài lòng.
Khi Ngài kêu gọi chúng ta cho công việc của Ngài, Ngài mời gọi chúng ta đến gần Ngài, và chúng ta cảm nhận được thánh linh của Ngài trong cuộc sống của mình.
Khi chúng ta thiết lập một nền tảng vững chắc cho cuộc sống của mình, thì mỗi chúng ta hãy nhớ đến lời hứa quý báu của Ngài:
Tại sao ngươi thất vọng khi có ta ở cùng ngươi?
Sợ chi đừng sợ chi ta chính Đức Chúa Trời ngươi
Và ta sẽ giúp ngươi thêm sức mạnh đứng vững vàng,
Lẽ thật trong tay ta, sự toàn năng ấy chính ta.
(“Tìm Đâu Cho Thấy một Nền Vững Vàng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 85)
Cầu xin cho mỗi người chúng ta đều hội đủ điều kiện để có được phước lành này, tôi khiêm nhường cầu nguyện, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, A Men.