2006
Trở Thành Những Công Cụ trong Bàn Tay của Thượng Đế
Tháng Mười Một năm 2006


Trở Thành Những Công Cụ trong Bàn Tay của Thượng Đế

Một người không cần phải có một sự kêu gọi trong Giáo Hội, một lời mời gọi giúp đỡ một người nào đó, hoặc ngay cả có sức khỏe tốt để trở thành một công cụ trong tay Thượng Đế.

Ông ngoại của tôi, Alma Benjamin Larsen, chỉ mới 34 tuổi khi ông thức dậy một buổi sáng nọ và thấy rằng ông có vấn đề về thị giác. Ngay sau đó, ông mất hẳn thị giác của mình. Ông ngoại đã phục vụ truyền giáo và là một tín hữu trung thành của Giáo Hội. Ông là một nông dân, có vợ và ba con và ông không thể tưởng tượng đời sống mà không có thị giác. Bà ngoại và con cái còn nhỏ lúc bấy giờ phải chịu thêm những gánh nặng giúp đỡ nông trại và tiền bạc trở nên chật vật.

Nhiều người đã trở thành công cụ trong tay Thượng Đế để giúp đỡ ông ngoại mù lòa của tôi. Một kinh nghiệm mà đã có một ảnh hưởng mạnh mẽ đến gia đình của ông xảy ra vào năm 1919. Đó là một năm có nhiều khó khăn về tài chính đối với tất cả mọi người trong thị trấn của Ông Ngoại. Các nông trại bị ngân hàng tịch thu để thế nợ và các cơ sở kinh doanh bị phá sản. Có số tiền nợ thế chấp khá lớn của nông trại của ông và Ông Ngoại đã nhận được giấy tờ nói rằng ông phải trả 195 Mỹ kim để có thể giữ nông trại lại khỏi sự tịch thu của ngân hàng thêm một năm nữa. Đối với ông, việc trả hóa đơn này rất là khó khăn. Hầu hết mọi người đều ở trong cùng hoàn cảnh như thế và dường như không thể nào kiếm được số tiền như vậy. Nếu ông thu góp mọi thứ mà nông trại sản xuất—ngựa, bò và máy móc—thì ông cũng không thể bán chúng được giá 195 Mỹ kim. Ông Ngoại nhờ người hàng xóm làm thịt hai hoặc ba con bò của mình và ông bán nó cùng với một số sản vật khác. Ông cho những người hàng xóm của mình mượn tiền với việc hiểu rằng họ sẽ trả tiền vào cuối năm, nhưng không một người mắc nợ nào đã có thể trả lại tiền cho ông. Tình trạng kinh tế trong gia đình của ông trở nên kiệt quệ.

Ông Ngoại đã thuật lại trong nhật ký của mình: “Tôi sẽ không bao giờ quên buổi tối lạnh lẽo đó, chỉ ngay trước lễ Giáng Sinh năm 1919. Dường như chúng tôi sẽ mất nông trại. Con gái tôi, Gladys, đặt vào tay tôi một miếng giấy và nói: ‘Giấy này đến cùng với thư từ hôm nay.’ Tôi mang tờ giấy ấy đến hỏi mẹ của nó xem giấy đó là giấy gì. Đây là điều mà vợ tôi đọc cho tôi nghe: ‘Anh Larsen mến, tôi nghĩ về anh suốt ngày hôm nay. Tôi tự hỏi có phải anh đang gặp khó khăn về tài chính không. Nếu phải, thì tôi có 200 Mỹ kim mà anh có thể mượn.’ Lá thư được ký bởi ‘Jim Drinkwater’. Jim là một người nhỏ thó, què quặt và anh ấy là người mà không ai nghĩ lại có trong tay nhiều tiền như thế. Tôi đi lại nhà của anh ấy vào đêm đó và anh ấy nói: ‘Anh Larsen này, tôi nhận được một sứ điệp không dây từ Thiên Thượng sáng nay và tôi không thể gạt bỏ ý nghĩ về anh ra khỏi tâm trí tôi suốt ngày. Tôi chắc rằng anh đang gặp khó khăn về tài chính.’ Anh Drinkwater đưa cho tôi 200 Mỹ kim và chúng tôi gửi 195 Mỹ kim cho công ty thế chấp và với 5 Mỹ kim còn dư chúng tôi mua giày ống và quần áo cho con cái. Ông Già Nô Ên đã thật sự đến năm đó.”

Rồi ông ngoại của tôi tiếp tục chia sẻ chứng ngôn của mình: “Chúa không bao giờ làm tôi thất vọng. Ngài đã cảm động lòng những người khác như Ngài đã cảm động lòng của Anh Drinkwater. Tôi làm chứng rằng sự an toàn và an ninh duy nhất mà tôi tìm thấy được đã đến qua việc cố gắng tuân giữ các giáo lệnh của Chúa và ủng hộ và tán trợ các vị thẩm quyền của Giáo Hội này.”

Tôi đã nhiều lần nghĩ về Jim Drinkwater và tự hỏi làm thế nào anh ấy đã trở thành một người mà Chúa có thể tin cậy. Jim là một người nhỏ thó què quặt mà Thượng Đế đã tin cậy để giúp một nông dân mù với số tiền nợ thế chấp lớn và ba đứa con. Tôi đã học được rất nhiều từ kinh nghiệm của ông ngoại tôi với Jim Drinkwater. Tôi đã học biết được rằng một người không cần phải có một sự kêu gọi trong Giáo Hội, một lời mời gọi giúp đỡ một người nào đó hoặc ngay cả có sức khỏe tốt để trở thành một công cụ trong tay Thượng Đế. Vậy thì làm thế nào các anh chị em và tôi có thể trở thành công cụ trong tay Thượng Đế? Các vị tiên tri và thánh thư dạy chúng ta cách thức để được như vậy.

Trước hết, chúng ta phải yêu thương các con cái của Thượng Đế. Khi người luật sư hỏi Đấng Cứu Rỗi: “Thưa Thầy, điều răn nào là lớn hơn hết?” Đấng Cứu Rỗi đáp:

“Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.

“Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết.

“Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.” (Ma Thi Ơ 22:36–39).

Joseph F. Smith đã nói: “Lòng bác ái, hay tình yêu thương, là nguyên tắc cao quý nhất hiện nay. Nếu chúng ta có thể giúp đỡ những người bị áp bức, nếu chúng ta có thể giúp đỡ những người chán nản và buồn phiền, thì đó là sứ mệnh của chúng ta để làm điều ấy, đó là một phần thiết yếu của tôn giáo chúng ta để làm điều ấy” (trong Conference Report, tháng Tư năm 1917, 4). Khi chúng ta cảm thấy yêu thương các con cái của Thượng Đế thì chúng ta được ban cho cơ hội để giúp đỡ họ trong cuộc hành trình của họ trở về nơi hiện diện của Ngài.

Những kinh nghiệm truyền giáo của các con trai của Mô Si A cũng giúp chúng ta hiểu cách thức để trở thành công cụ trong tay Thượng Đế. “Và chuyện rằng, họ đã hành trình nhiều ngày trong vùng hoang dã” (An Ma 17:9). Chúng ta phải sẵn lòng để hành trình. Các con trai của Mô Si A đã sẵn lòng bước ra ngoài phạm vi của mình và làm việc không thoải mái. Nếu Am Môn không sẵn lòng hành trình đến một vùng đất xa lạ, nơi mà một dân tộc man dã, chai đá và tàn bạo ở, thì có lẽ ông không bao giờ tìm thấy và giúp đỡ La Mô Ni và cha của La Mô Ni, và nhiều người dân La Man có lẽ đã không bao giờ học hỏi được về Chúa Giê Su Ky Tô. Thượng Đế đã phán bảo chúng ta hành trình, đi truyền giáo, chấp nhận những sự kêu gọi, mời một người nào đó đi nhà thờ hoặc giúp đỡ một người nào đó đang gặp hoạn nạn.

Trong sự đeo đuổi mục đích giúp đỡ các anh em người La Man của mình, các con trai của Mô Si A cũng đã học biết được tầm quan trọng của việc nhịn ăn và cầu nguyện: “Họ đã nhịn ăn và cầu nguyện rất nhiều để xin Chúa ban cho họ một phần Thánh Linh của Ngài để theo họ và ở cùng họ, ngõ hầu họ có thể trở thành một công cụ trong tay Thượng Đế, để, nếu có thể được, dẫn dắt các đồng bào của họ là dân La Man đến sự hiểu biết lẽ thật” (An Ma 17:9). Chúng ta có thật sự muốn làm công cụ trong tay Thượng Đế không? Nếu có, ước muốn của chúng ta sẽ thấm nhuần vào những lời cầu nguyện của chúng ta và trở thành trọng tâm của sự nhịn ăn của chúng ta.

Sau khi bị mù, ông ngoại của tôi đã nhịn ăn và cầu nguyện rằng nếu ông phải ở trong tình trạng mù lòa thì xin Chúa ban cho ông sự bình an. Ông nói rằng hầu như trong vòng một giờ đồng hồ, thì “tâm trí của tôi được soi sáng và mây mù tối tăm được cất khỏi tôi.” Ông đã có thể thấy lại được, không bằng mắt của thể xác mà bằng mắt thuộc linh. Về sau, Alma Benjamin Larsen được kêu gọi làm tộc trưởng và ông đã phục vụ trong 32 năm. Giống như các con trai của Mô Si A, ông ngoại của tôi đã nhịn ăn và cầu nguyện, và kết quả là ông đã được ban cho cơ hội để ban phước cho hằng ngàn con cái của Thượng Đế.

Chúng ta, cũng giống như Jim Drinkwater và ông ngoại của tôi, cũng cần phải lãnh hội những thúc giục của Đức Thánh Linh, vì khi chúng ta mong muốn làm một công cụ trong tay của Thượng Đế thì chúng ta có thể nhận được sự mặc khải. Tiên tri An Ma Con nói cho chúng ta biết về những điều mặc khải mà ông đã nhận được: “Tôi biết những gì Chúa đã truyền lệnh cho tôi, và tôi hãnh diện về những điều ấy … phải, và đây là sự khoe khoang của tôi, mà nhờ đó tôi có thể trở thành một công cụ trong tay Thượng Đế để đem một linh hồn nào đó tới sự hối cải; và đó là điều vui mừng của tôi vậy” (Alma 29:9). An Ma đã nhận được sự mặc khải về điều phải làm.

Tôi có một quyển sách nhỏ mà tôi mang theo để tôi ghi chép trong đó sự soi dẫn và những ý nghĩ mà tôi nhận được từ Thánh Linh. Quyển sách đó không có vẻ quan trọng lắm và nó trở nên cũ kỹ và thỉnh thoảng cần phải được thay thế. Khi những ý nghĩ đến với tâm trí tôi, tôi viết chúng xuống và rồi tôi cố gắng thực hiện. Nhiều lần, tôi thấy rằng khi tôi thực hiện một điều gì đó trên bản liệt kê của mình thì hành động của tôi là sự đáp ứng cho lời cầu nguyện của một người nào đó. Cũng có những lúc mà tôi không làm một điều gì đó trên bản liệt kê của mình và về sau tôi thấy rằng có một người nào đó mà đáng lẽ tôi có thể giúp đỡ được nhưng tôi đã không làm. Khi chúng ta nhận được những thúc giục liên quan đến các con cái của Thượng Đế, nếu chúng ta viết xuống những ý nghĩ và sự soi dẫn mà chúng ta nhận được và rồi tuân theo, thì sự tin tưởng của Thượng Đế nơi chúng ta gia tăng và chúng ta được ban cho thêm cơ hội để làm công cụ trong tay của Ngài.

Trong những lời của Chủ Tịch Faust: “Các [anh] chị em có thể là công cụ mạnh mẽ trong tay của Thượng Đế để thực hiện công việc vĩ đại này… . Các [anh] chị em có thể làm một điều gì đó cho một người khác mà không một ai khác có thể làm được” (“Những Công Cụ trong Bàn Tay của Thượng Đế,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, 115). Thượng Đế quý trọng những người giúp đỡ các con cái của Ngài. Tôi mời gọi tất cả chúng ta hãy tuân theo lời khuyên dạy của các vị tiên tri và trở thành công cụ trong tay của Thượng Đế và nằm trong số những bảo vật của Ngài, vì chúng ta đã giúp đỡ các con cái của Ngài.

Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.