2007
Sự Ly Dị
Tháng Năm năm 2007


Sự Ly Dị

Một cuộc hôn nhân tốt đẹp không đòi hỏi một người đàn ông hoặc một người phụ nữ toàn hảo. Nó chỉ đòi hỏi một người đàn ông và một người phụ nữ cùng nhau cố gắng hướng đến sự toàn hảo.

Hình Ảnh

Tôi đã cảm thấy được soi dẫn để nói về sự ly dị. Đây là một đề tài tế nhị bởi vì nó gợi lên những cảm xúc mạnh mẽ từ những người đã bị ảnh hưởng trong nhiều cách thức khác nhau. Một số người thấy bản thân mình hoặc những người thân của mình là nạn nhân của sự ly dị. Những người khác tự thấy mình được hưởng lợi từ sự ly dị. Một số người xem sự ly dị là bằng chứng của sự thất bại. Những người khác xem sự ly dị là một lối thoát khỏi hôn nhân. Bằng cách này hay cách khác, sự ly dị ảnh hưởng đến hầu hết các gia đình trong Giáo Hội.

Bất luận quan điểm của các anh chị em như thế nào thì xin hãy lắng nghe trong khi tôi cố gắng nói một cách rõ ràng về những hậu quả của sự ly dị trong mối quan hệ gia đình vĩnh cửu mà chúng ta tìm kiếm theo kế hoạch phúc âm. Tôi nói ra vì quan tâm nhưng cũng với hy vọng.

I.

Chúng ta sống trong một thế giới mà trong đó toàn thể quan niệm về hôn nhân đang bị đe dọa và nơi mà sự ly dị là điều rất phổ biến.

Cái quan niệm mà một xã hội có mối quan tâm mạnh mẽ trong việc gìn giữ hôn nhân vì lợi ích của mỗi người cũng như vì lợi ích của cặp vợ chồng và con cái của họ đã bị thay thế bởi nhiều ý kiến rằng hôn nhân chỉ là một mối quan hệ riêng tư giữa những người lớn đã ưng thuận với nhau, và có thể kết thúc khi một trong hai người muốn.1

Các quốc gia mà không có luật cho phép ly dị thì đã thông qua luật đó, và đa số các quốc gia cho phép ly dị đã làm cho sự ly dị đạt được dễ dàng hơn. Theo các luật lệ về sự thuận tình ly hôn, thì rủi thay, việc cắt đứt mối quan hệ hôn nhân với một người phối ngẫu không ưng ý thì dễ dàng hơn việc cắt đứt mối quan hệ làm việc với một nhân viên không thuận tình. Một số người còn nói đến cuộc hôn nhân thứ nhất là một “cuộc hôn nhân khởi đầu,” giống như một ngôi nhà nhỏ mà một người ở trong một thời gian trước khi dọn đi chỗ khác.

Sự suy yếu của quan niệm rằng hôn nhân là lâu dài và quý báu đã có những hậu quả sâu rộng. Bị ảnh hưởng bởi sự ly dị của cha mẹ mình hay bởi lối suy nghĩ chung rằng hôn nhân là xiềng xích mà cản trở thành quả cá nhân, một số người trẻ tuổi tránh hôn nhân. Nhiều người đã kết hôn thì không cam kết trọn lòng, sẵn sàng từ bỏ lúc gặp thử thách nghiêm trọng đầu tiên.

Ngược lại, các vị tiên tri hiện đại đã cảnh cáo rằng việc xem hôn nhân “như là một giao kèo mà có thể được ký kết khi hài lòng … và kết thúc vào lúc khó khăn đầu tiên … thì là một điều xấu xa đáng bị kết tội nặng,” nhất là khi mà con cái phải hứng chịu đau khổ.2

Trong thời kỳ xưa, và ngay cả theo luật pháp của một số bộ lạc trong những quốc gia nơi mà hiện giờ chúng ta có các tín hữu, thì những người đàn ông có quyền ly dị vợ mình vì bất cứ điều gì nhỏ nhặt. Sự chèn ép bất chính như vậy đối với phụ nữ đã bị bác bỏ bởi Đấng Cứu Rỗi là Đấng đã phán rằng:

“Vì cớ lòng các ngươi cứng cỏi, nên Môi Se cho phép để vợ; nhưng, lúc ban đầu, không có như vậy đâu.

“Vả ta phán cùng các ngươi, nếu ai để vợ mình không phải vì cớ ngoại tình, và cưới vợ khác, thì người ấy phạm tội tà dâm; và hễ ai cưới người bị để, thì phạm tội ngoại tình” (Ma Thi Ơ 19:8–9).

Loại hôn nhân mà được đòi hỏi cho sự tôn cao—tức là tồn tại vĩnh cửu và có đặc tính giống như Thượng Đế—thì không tính đến ly dị. Trong các đền thờ của Chúa, các cặp vợ chồng kết hôn cho suốt thời vĩnh cửu. Nhưng một số hôn nhân không tiến triển đến lý tưởng đó. Vì “cớ lòng [chúng ta] cứng cỏi,” nên Chúa hiện không áp đặt các hậu quả của tiêu chuẩn thượng thiên. Ngài cho phép những người ly dị được kết hôn lại mà không phải giữ những vết nhơ xấu xa được định rõ trong luật cao hơn. Trừ phi người bị ly dị đã phạm giới nghiêm trọng, còn không thì người ấy có thể hội đủ điều kiện cho một giấy giới thiệu đi đền thờ theo các tiêu chuẩn xứng đáng mà áp dụng cho những người tín hữu khác.

II.

Có nhiều tín hữu tốt của Giáo Hội mà đã từng ly dị. Tôi xin nói với họ trước tiên. Chúng tôi biết rằng nhiều người trong các anh chị em là nạn nhân vô tội—tức là các tín hữu mà người phối ngẫu cũ đã liên tục vi phạm các giao ước thiêng liêng hoặc từ bỏ hay từ chối thi hành các trách nhiệm hôn nhân trong một thời gian dài. Các tín hữu đã trải qua sự hành hạ như vậy thì biết rằng còn có tình trạng tệ hại hơn sự ly dị.

Khi một cuộc hôn nhân đã đổ vỡ và không còn hy vọng để hàn gắn thì cần phải có một phương thức để kết thúc nó. Tôi đã chứng kiến những ví dụ của trường hợp này ở Phi Luật Tân. Hai ngày sau lễ hôn phối đền thờ của họ, người chồng đã bỏ rơi người vợ trẻ của mình và biến mất không biết ở đâu trong hơn 10 năm. Một người phụ nữ đã có chồng, bỏ trốn, và được ly dị ở một quốc gia khác, nhưng chồng của người ấy, ở lại, thì vẫn còn là người lập gia đình theo như luật pháp Phi Luật Tân. Bởi vì không có điều khoản ly dị trong luật pháp Phi Luật Tân, nên những nạn nhân vô tội bị ruồng bỏ này không có cách nào để kết thúc tình trạng kết hôn của mình và tiếp tục cuộc sống của họ.

Chúng tôi biết rằng một số người nhìn lại cuộc ly dị của họ với sự ân hận về lỗi lầm một phần hoặc lỗi lầm chủ yếu của họ trong sự tan vỡ. Tất cả những người đã trải qua sự ly dị đều biết nỗi đau đớn và cần quyền năng chữa lành và hy vọng đến từ Sự Chuộc Tội. Có quyền năng chữa lành và hy vọng đó cho các anh chị em và cũng như cho các con cái của các anh chị em.

III.

Giờ đây tôi ngỏ lời cùng các tín hữu có gia đình, nhất là bất cứ ai có lẽ đang cân nhắc việc ly dị.

Tôi khẩn thiết khuyên nhủ các anh chị em và những người đang cố vấn các anh chị em nên trực diện với thực tế là giải pháp cho hầu hết các vấn đề trong hôn nhân không phải là ly dị mà hối cải. Thường thường nguyên nhân không phải là sự không tương hợp mà là sự ích kỷ . Giai đoạn đầu tiên không phải là sự ly thân mà là sự sửa đổi cá nhân. Ly dị không phải là một giải pháp toàn hảo mà nó càng tạo ra sự đau lòng lâu dài. Một nghiên cứu quốc tế trên phương diện rộng lớn về mức độ hạnh phúc trước và sau “những sự kiện trọng đại của cuộc đời” cho thấy rằng trung bình những người thành công hơn nhiều trong việc tìm lại mức độ hạnh phúc của mình sau cái chết của người phối ngẫu hơn là sau một cuộc ly dị.3 Những cặp vợ chồng mà hy vọng rằng ly dị sẽ giải quyết hết những xung đột thường nhận ra rằng ly dị chỉ làm cho họ thêm tức giận, bởi những điều phức tạp tiếp nối theo sau—nhất là khi có con cái—sẽ nảy sinh ra nhiều xung đột mới.

Hãy nghĩ đến con cái trước hết. Vì sự ly dị phân chia quyền lợi của con cái khỏi quyền lợi của cha mẹ chúng nên con cái là các nạn nhân đầu tiên. Nhiều học giả về cuộc sống gia đình cho chúng ta biết rằng nguyên nhân quan trọng nhất của sự suy sụp hiện tại trong sự an lạc của con cái là sự suy yếu hiện tại của hôn nhân, bởi vì tình trạng không ổn định của gia đình làm giảm đi mối quan tâm của cha mẹ đối với con cái;4 Chúng ta biết rằng trẻ em được nuôi nấng trong một gia đình chỉ có một người cha hay người mẹ độc thân sau cuộc ly dị thì có nguy cơ cao hơn trong việc lạm dụng ma túy và rượu, tính lang chạ bừa bãi, học hành tệ, và nhiều loại ngược đãi khác nhau.

Một cặp vợ chồng với các vấn đề hôn nhân nghiêm trọng cần phải gặp vị giám trợ của họ. Với tư cách là vị phán quan của Chúa, ông sẽ đưa ra lời khuyên bảo và có lẽ ngay cả kỷ luật mà sẽ đưa đến việc chữa lành.

Các vị giám trợ không khuyên bảo các tín hữu ly dị nhưng họ có thể giúp các tín hữu biết về những hậu quả của các quyết định của họ. Theo luật pháp của Chúa, hôn nhân, giống như cuộc sống của con người, là một điều quý báu và hiện thực. Nếu cơ thể chúng ta bị bệnh thì chúng ta cố gắng chữa lành nó. Chúng ta không bỏ cuộc. Trong khi có bất cứ viễn cảnh tương lai nào của cuộc sống thì chúng ta tìm cách chữa lành nhiều lần. Điều đó cũng đúng với hôn nhân của chúng ta, và nếu chúng ta tìm kiếm Chúa thì Ngài sẽ giúp chúng ta và chữa lành chúng ta.

Những người phối ngẫu Thánh Hữu Ngày Sau cần phải làm hết khả năng mình để giữ gìn hôn nhân của mình. Họ nên tuân theo lời khuyên dạy làm phong phú hóa hôn nhân trong sứ điệp của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn trong tạp chí Liahona số tháng Tư năm 2007.5 Để tránh điều được gọi là “không tương hợp,” họ cần phải là những người bạn thân nhất, tử tế và ân cần, nhạy cảm với nhu cầu của nhau, luôn luôn tìm cách làm cho nhau hạnh phúc. Họ cần phải là những người cộng sự trong vấn đề tài chính gia đình, cùng nhau cố gắng chỉnh đốn ước muốn của họ về những sự việc vật chất.

Dĩ nhiên có thể có những lúc mà một người phối ngẫu không đạt được các tiêu chuẩn và người kia thì bị tổn thương và cảm thấy đau đớn. Khi điều đó xảy ra, người làm lỗi cần phải cân nhắc kỹ lưỡng những nỗi thất vọng với những điều tốt trong quá khứ và viễn cảnh sáng sủa hơn của tương lai.

Đừng lưu giữ những điều sai lầm trong quá khứ, đừng suy đi nghĩ lại về chúng. Trong mối quan hệ hôn nhân, việc day dứt phiền muộn thì rất nguy hại; việc tha thứ là từ Chúa (xin xem GLGƯ 64:9–10). Hãy cầu khẩn để có được sự hướng dẫn của Thánh Linh của Chúa để tha thứ những lỗi lầm (như Chủ Tịch Faust đã vừa dạy cho chúng ta một cách thật xuất sắc), để khắc phục những sai sót và để củng cố mối quan hệ.

Nếu các anh chị em đang ở vào trạng thái chỉ kết hôn trên giấy tờ thôi, thì hãy cùng nắm tay nhau, cùng quỳ xuống và thành tâm cầu khẩn sự giúp đỡ và quyền năng chữa lành của Sự Chuộc Tội. Những lời khẩn cầu khiêm nhường và nhất trí của các anh chị em sẽ mang các anh chị em đến gần Chúa và gần nhau hơn, và sẽ giúp các anh chị em trong việc trở lại với sự hòa hợp trong hôn nhân.

Hãy suy nghĩ về những lời nhận xét này của một vị giám trợ khôn ngoan với nhiều kinh nghiệm trong việc khuyên bảo các tín hữu đang gặp vấn đề trong hôn nhân. Nói về những người cuối cùng cũng đã ly dị đó, ông bảo:

“Nói chung, mỗi cặp vợ chồng hoặc mỗi người nói rằng họ nhận biết là sự ly dị không phải là điều tốt, nhưng họ đều nhất định là hoàn cảnh của họ thì khác biệt.

“Nói chung, họ chú trọng đến lỗi lầm của người phối ngẫu và ít chịu trách nhiệm trong hành vi của họ. Sự thông hiểu đã bị tàn lụi.

“Nói chung, họ nhìn lại, nhưng không sẵn lòng loại bỏ gánh nặng của hành vi đã qua và tiếp tục tiến bước.

“Một phần thì có dính dáng đến tội lỗi nghiêm trọng, nhưng thường hơn, họ không còn yêu nhau nữa,’ bằng cách nói rằng: ‘Anh ấy không thỏa mãn các nhu cầu của tôi nữa’ hoặc Cô ấy đã thay đổi.’

“Tất cả đều lo lắng về ảnh hưởng đến con cái nhưng luôn luôn kết luận là ‘việc chúng tôi còn ở với nhau và gây lộn thì còn tệ hại hơn cho chúng.’”

Ngược lại, các cặp vợ chồng mà tuân theo lời khuyên bảo của vị giám trợ này và vẫn ở với nhau thì vươn lên với hôn nhân của họ ngay cả còn vững mạnh hơn. Kết quả đó bắt đầu với sự cam kết của họ để tuân giữ các giáo lệnh, tích cực hoạt động trong Giáo Hội, đọc thánh thư, cầu nguyện, và cải tiến những thiếu sót của mình. Họ “nhận biết tầm quan trọng và quyền năng của Sự Chuộc Tội đối với người phối ngẫu của mình và đối với chính bản thân mình,” và “họ kiên nhẫn và cố đi gắng lại.” Khi những cặp vợ chồng mà ông khuyên bảo chân thành áp dụng các nguyên tắc Phúc Âm này, hối cải và cố gắng cứu vãn hôn nhân của họ, thì vị giám trợ cho biết rằng ”sự chữa lành luôn luôn đạt được 100%.”

Ngay cả những người nghĩ rằng người phối ngẫu của họ thì hoàn toàn đáng trách thì cũng chớ hành động vội vàng. Một sự nghiên cứu cho thấy rằng “không có bằng chứng nào cho rằng sự ly dị hay ly thân sẽ đặc biệt làm cho những người lớn hạnh phúc hơn là vẫn sống trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Hai trong ba người lớn có gia đình không hạnh phúc mà tránh ly dị thì được báo cáo là có được hạnh phúc trong hôn nhân năm năm sau.”6 Một người phụ nữ kiên trì trong một cuộc hôn nhân rất khổ sở trong nhiều năm cho đến khi con cái đã được trưởng thành đã giải thích: “Có ba phần tử trong cuộc hôn nhân của chúng tôi—chồng tôi, tôi và Chúa. Tôi tự bảo mình rằng nếu hai chúng tôi có thể kiên trì thì chúng tôi có thể cùng nhau tiếp tục được.”

Quyền năng hy vọng được bày tỏ trong những tấm gương này đôi khi được tưởng thưởng với sự hối cải và sự cải đổi nhưng đôi khi thì không được. Những hoàn cảnh cá nhân thì khác biệt rất nhiều. Chúng ta không thể kiềm chế và chúng ta không chịu trách nhiệm về những sự chọn lựa của những người khác, ngay cả khi họ ảnh hưởng đến chúng ta một cách rất khổ sở. Tôi chắc rằng Chúa yêu thương và ban phước cho các cặp vợ chồng mà cố gắng một cách đầy yêu thương để giúp những người phối ngẫu của mình mà đang vật lột với những vấn đề gay go như hình ảnh sách báo khiêu dâm hoặc hành vi nghiện ngập khác hay với những hậu quả lâu dài của việc bị lạm dụng khi còn nhỏ.

Bất luận kết quả như thế nào và bất kể những kinh nghiệm của các anh chị em khó khăn đến đâu, thì các anh chị em vẫn có được lời hứa rằng các anh chị em sẽ không bị chối bỏ các phước lành của mối quan hệ gia đình vĩnh cửu nếu các anh chị em yêu thương Chúa, tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, và chỉ làm hết sức mình. Khi thiếu niên Gia Cốp “chịu nhiều nỗi khổ đau và phiền muộn” vì các hành động của những người khác trong gia đình, thì Tổ Phụ Lê Hi đã cam đoan với ông rằng: “Con đã biết được sự vĩ đại của Thượng Đế; và Ngài sẽ biệt riêng sự đau khổ của con thành lợi ích cho con” (2 Nê Phi 2:2). Tương tự như thế, Sứ Đồ Phao Lô đã cam đoan với chúng ta rằng “mọi sự hiệp lại làm lợi ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời” (Rô Ma 8:28).

IV.

Để kết luận, tôi xin nói vắn tắt với những người đang cân nhắc việc kết hôn. Cách tốt nhất để tránh ly dị từ một người phối ngẫu không chung thủy, lạm dụng, hoặc không thông cảm là tránh kết hôn với một người như vậy. Nếu các anh chị em muốn kết hôn đúng, hãy tìm hiểu rõ. Những mối quen biết qua “việc đi chơi” hoặc trao đổi thông tin trên mạng lưới Internet thì không phải là nền tảng đầy đủ cho hôn nhân. Cần phải có sự hẹn hò, tiếp theo là sự tìm hiểu kỹ lưỡng, thận trọng và thấu đáo. Cần phải có những cơ hội rộng rãi để tìm hiểu hành vi của người phối ngẫu tương lai trong nhiều tình huống khác nhau. Các hôn phu và hôn thê cần phải biết mọi điều mà họ có thể biết được về gia đình mà chẳng bao lâu nữa sẽ là gia đình của họ khi kết hôn. Trong tất cả những điều này, chúng ta cần phải biết rằng một cuộc hôn nhân tốt đẹp không đòi hỏi một người đàn ông hoặc một người phụ nữ toàn hảo. Nó chỉ đòi hỏi một người đàn ông và một người phụ nữ cùng nhau cố gắng hướng đến sự toàn hảo.

Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã dạy: “Hai người đang tiến đến hôn nhân cần phải nhận thức rằng để đạt được cuộc hôn nhân hạnh phúc mà họ hy vọng có được thì phải biết rằng hôn nhân … có nghĩa là hy sinh, chia sẻ, và ngay cả giảm bớt một số tự do cá nhân. Nó có nghĩa là sống tiết kiệm dành dụm lâu dài. Nó có nghĩa là con cái sẽ đem đến với chúng những gánh nặng tài chính, phục vụ, chăm sóc và lo lắng; nhưng nó cũng có nghĩa là những mối cảm xúc thắm thiết và tuyệt vời nhất.”7

Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi xin làm chứng về sự tuyệt vời của cuộc sống hôn nhân và gia đình mà bản tuyên ngôn về gia đình đã mô tả là được đặt nền tảng trên việc người chồng và người vợ có “một trách nhiệm trọng đại là phải yêu thương và chăm sóc lẫn nhau và cho con cái của mình,” và “được đặt trên những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô.”8 Tôi làm chứng về Ngài là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta và cầu nguyện trong tôn danh của Ngài cho tất cả những người đang cố gắng đạt được các phước lành cao nhất của một gia đình vĩnh cửu, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Bruce C. Hafen, Covenant Hearts (2005), 37–39; Allan Carlson, Fractured Generations (2005), 1–13; Bryce Christensen, Divided We Fall (2006), 44–45.

  2. David O. McKay, trong Conference Report, tháng Tư năm 1969, 8–9; hoặc “Structure of the Home Threatened by Irresponsibility and Divorce,” Improvement Era, tháng Sáu năm 1969, 5.

  3. Richard E. Lucas, “Adaptation and the Set-Point Model of Subjective Well-Being: Does Happiness Change after Major Life Events?” Current Directions in Psychological Science, tháng Tư năm 2007, có sẵn tại www.psychologicalscience.org.

  4. Xin xem Jean Bethke Elshtain và David Popenoe, Marriage in America (1995), được trích trong Bruce C. Hafen, “Marriage and the State’s Legal Posture toward the Family,” Vital Speeches of the Day, ngày 15 tháng Mười năm 1995, 18; xin xem thêm Marriage and the Public Good: Ten Principles (2006), 24.

  5. James E. Faust, “Làm Phong Phú Hôn Nhân của Mình,” Liahona, tháng Tư năm 2007, 2–6.

  6. Linda J. Waite và những người khác, Does Divorce Make People Happy? Findings from a Study of Unhappy Marriages (Institute for American Values, 2002), 6; xin xem thêm những nghiên cứu học thuật được trích dẫn trong Marriage and the Law: A Statement of Principles (Institute for American Values, 2006), 21.

  7. Teachings of Presidents of the Church: Spencer W. Kimball (2006), 194.

  8. “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Liahona, tháng Mười năm 2004, 49.

In