2007
Sử Dụng Ân Tứ Cầu Nguyện Thiêng Liêng
Tháng Năm năm 2007


Sử Dụng Ân Tứ Cầu Nguyện Thiêng Liêng

Sự cầu nguyện là một ân tứ thiêng liêng của Cha Thiên Thượng dành cho mỗi người.

Hình Ảnh

Đại hội này bắt đầu với phần trình bày đầy soi dẫn bài thánh ca cổ điển “Sweet Hour of Prayer,” bởi Đại Ca Đoàn Mormon Tabernacle. Những lời ca quen thuộc nhắc nhở chúng ta rằng sự cầu nguyện là nguồn an ủi, giải khuây, và bảo vệ mà được Cha Thiên Thượng đầy lòng nhân từ và trắc ẩn sẵn lòng ban cho.

Ân Tứ Cầu Nguyện

Sự cầu nguyện là một ân tứ thiêng liêng của Cha Thiên Thượng dành cho mỗi người. Hãy nghĩ về điều đó: Đấng Tối Cao, Đấng biết hết mọi việc, Đấng thấy hết mọi việc, Đấng toàn năng, khuyến khích các anh chị em và tôi, là những người tầm thường, trò chuyện với Ngài là Cha của chúng ta. Thật ra, vì Ngài biết chúng ta hết sức cần đến sự hướng dẫn của Ngài, nên Ngài truyền lệnh cho chúng ta: “Ngươi phải cầu nguyện bằng lời cũng như trong lòng; phải, cầu nguyện trước thế gian cũng như trong chỗ kín đáo, trước công chúng cũng như trong phòng riêng.”1

Bất luận hoàn cảnh của chúng ta ra sao nữa, bất luận chúng ta khiêm nhường hay kiêu căng, nghèo hay giàu, tự do hay nô lệ, học thức hay ngu dốt, được yêu thương hay ruồng bỏ, thì chúng ta cũng có thể thưa chuyện cùng Ngài. Chúng ta không cần phải lấy hẹn. Lời khẩn cầu của chúng ta có thể vắn tắt, hoặc có thể chiếm hết thời giờ cần thiết. Nó có thể là một lời bày tỏ dài dòng về tình yêu thương và lòng biết ơn hoặc một lời khẩn cầu thúc bách để được giúp đỡ. Ngài đã sáng tạo vô số vũ trụ và tạo ra đông đảo dân cư trên thế gian, thế mà các anh chị em và tôi có thể nói chuyện riêng với Ngài, và Ngài luôn luôn đáp ứng.

Các Anh Chị Em Cần Phải Cầu Nguyện Như Thế Nào?

Chúng ta cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng trong thánh danh của Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Sự cầu nguyện được hữu hiệu nhất khi chúng ta cố gắng sống trong sạch và biết vâng lời, với những lý do xứng đáng và sẵn lòng làm theo điều Ngài phán bảo. Lời cầu nguyện khiêm nhường, có sự tin tưởng mang đến sự hướng dẫn và bình an.

Đừng lo lắng về sự vụng về của các anh chị em khi bày tỏ những cảm nghĩ. Chỉ cần thưa chuyện cùng Đức Chúa Cha đầy lòng trắc ẩn, thông cảm của mình. Các anh chị em là con cái quý báu của Ngài mà Ngài yêu thương một cách trọn vẹn và muốn giúp đỡ. Khi các anh chị em cầu nguyện, hãy nhận biết rằng Cha Thiên Thượng gần bên và Ngài đang lắng nghe.

Một bí quyết để cải tiến sự cầu nguyện là học cách đặt ra những câu hỏi đúng. Hãy cân nhắc việc thay đổi từ việc cầu xin những điều mà mình muốn đến việc chân thành tìm kiếm điều mà Ngài muốn cho các anh chị em. Rồi khi các anh chị em học hỏi về ý muốn của Ngài, thì hãy cầu nguyện rằng các anh chị em sẽ được hướng dẫn để có được sức mạnh để thực hiện theo ý muốn đó của Ngài.

Nếu các anh chị em có lúc cảm thấy xa cách Đức Chúa Cha thì đó có lẽ là vì nhiều lý do. Bất luận nguyên nhân nào, khi các anh chị em tiếp tục khẩn cầu để được giúp đỡ, thì Ngài sẽ chỉ dẫn cho các anh chị em để làm điều mà sẽ phục hồi sự tin tưởng của các anh chị em rằng Ngài ở gần bên. Hãy cầu nguyện cho dù các anh chị em không mong muốn cầu nguyện. Đôi khi, giống như một đứa trẻ, các anh chị em có thể có hành vi không thích đáng và cảm thấy rằng các anh chị em không thể đến gần Đức Chúa Cha khi có vấn đề. Đó là lúc mà các anh chị em cần phải cầu nguyện nhất. Đừng bao giờ cảm thấy rằng các anh chị em quá không xứng đáng để cầu nguyện.

Tôi tự hỏi có bao giờ chúng ta có thể thật sự thấu hiểu quyền năng mạnh mẽ của sự cầu nguyện cho đến khi chúng ta chạm trán với một vấn đề áp đảo, thúc bách và nhận biết rằng chúng ta không thể nào giải quyết nó không? Rồi sau đó chúng ta sẽ tìm đến Đức Chúa Cha trong sự nhận biết khiêm nhường về sự lệ thuộc hoàn toàn nơi Ngài. Việc tìm đến một chỗ vắng vẻ nơi mà những cảm nghĩ của chúng ta có thể bày tỏ bằng lời và càng dài dòng và càng thiết tha nếu là điều cần thiết sẽ rất hữu ích.

Tôi đã làm điều đó. Có lần tôi đã có một kinh nghiệm mà khiến cho tôi cảm thấy lo âu rất nhiều. Điều đó không liên quan gì đến sự không vâng lời hoặc sự phạm giới mà về mối quan hệ của con người cực kỳ quan trọng. Trong một lúc, tôi đã trút lòng mình trong lời cầu nguyện khẩn khoản. Thế mà mặc dù tôi đã cố gắng đến mấy đi nữa, tôi vẫn không thể tìm ra giải pháp nào, không thể nào làm lắng đọng những nỗi xúc động mãnh liệt trong tôi. Tôi khẩn nài sự giúp đỡ từ Đức Cha Vĩnh Cửu mà tôi đã bắt đầu biết và tin tưởng hoàn toàn. Tôi có thể thấy rằng không có con đường nào mà sẽ cung ứng sự bình an mà chính là phước lành mà tôi thường hưởng nhận. Giấc ngủ xâm chiếm lấy tôi. Khi thức giậy, tôi cảm thấy hoàn toàn thanh thản. Một lần nữa, tôi quỳ xuống dâng lên lời cầu nguyện nghiêm chỉnh và hỏi: “Thưa Chúa, làm sao điều này lại có thể xảy ra được?” Trong lòng mình, tôi biết rằng câu trả lời là tình yêu thương và mối quan tâm của Ngài đối với tôi. Đó là quyền năng của sự cầu nguyện chân thành lên Đức Cha đầy lòng trắc ẩn.

Tôi đã học được rất nhiều về sự cầu nguyện bằng cách lắng nghe Chủ Tịch Hinckley dâng lên lời khẩn cầu trong các buổi họp của chúng tôi. Các anh chị em cũng có thể học được từ ông bằng cách nghiên cứu kỹ lời cầu nguyện đặc biệt trước công chúng mà ông đã dâng lên vào lúc kết thúc đại hội tháng Mười năm 2001 cho các con cái của Đức Chúa Cha trên khắp thế giới.2 Ông đã cầu nguyện từ lòng mình, chứ không phải từ một bản thảo đã được soạn sẵn. (Để giúp các anh chị em hiểu thêm, lời cầu nguyện đó đã được ghi lại ở cuối bài này.)2

Hãy nghiên cứu lời cầu nguyện đó và các anh chị em sẽ thấy rằng không có những lời lặp đi lặp lại vô ích, không khoác lác về mình để gây ấn tượng với người khác, như điều đó đôi khi xảy ra. Ông phối hợp những lời giản dị một cách hùng hồn. Ông cầu nguyện với tư cách là một người con khiêm nhường, có sự tin tưởng là người biết rất rõ Cha Thiên Thượng yêu dấu của mình. Ông tin chắc rằng sự đáp ứng của Ngài sẽ đến khi cần thiết nhất. Mỗi lời cầu nguyện đều thích hợp với mục đích của nó, với lời lẽ rõ ràng về điều cần được giải quyết, cũng như đầy dẫy sự bày tỏ về lòng biết ơn đối với các phước lành đặc biệt đã nhận ra. Những lời cầu nguyện tự phát của ông giống như viên ngọc quý đã được cắt ra cẩn thận, một sự làm chứng thầm về vị trí chủ yếu mà sự cầu nguyện đã chiếm cuộc sống của ông trong rất nhiều năm.

Những Lời Cầu Nguyện Được Đáp Ứng Như Thế Nào?

Một số lẽ thật về cách thức cầu nguyện đã được đáp ứng có thể giúp đỡ các anh chị em.

Thường thường khi chúng ta cầu nguyện để xin giúp đỡ với một vấn đề có ý nghĩa thì Cha Thiên Thượng sẽ ban cho những sự thúc giục nhẹ nhàng mà đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ, sử dụng đức tin và làm việc, đôi khi phải phấn đấu vất vả và rồi hành động. Đó là tiến trình từng giai đoạn một mà cho chúng ta có thể phân biệt được những câu trả lời đầy soi dẫn.

Tôi đã khám phá ra rằng đôi khi điều mà dường như là một trở ngại không thể vượt qua được trong khi giao tiếp lại là một bước rất lớn cần phải có trong sự tin cậy. Hiếm khi các anh chị em sẽ nhận được một câu trả lời trọn vẹn cùng một lúc. Nó sẽ đến từng phần một, từng phần nhỏ để các anh chị em sẽ tăng trưởng trong khả năng. Khi mỗi phần được tuân theo trong đức tin, thì các anh chị em sẽ được dẫn đến những phần khác cho đến khi các anh chị em có được toàn thể câu trả lời. Mẫu mực đó đòi hỏi các anh chị em phải sử dụng đức tin nơi khả năng đáp ứng của Đức Chúa Cha. Mặc dù đôi khi rất khó nhưng nó sẽ đưa đến sự tăng trưởng đáng kể của cá nhân.

Ngài sẽ luôn luôn lắng nghe những lời cầu nguyện của các anh chị em và luôn luôn đáp ứng. Tuy nhiên, những sự đáp ứng của Ngài sẽ ít khi đến trong khi các anh chị em quỳ xuống cầu nguyện, ngay cả khi các anh chị em có thể cầu khẩn một sự đáp ứng tức thì. Thay vì thế, Ngài sẽ thúc giục các anh chị em trong những giây phút yên tịnh khi mà Thánh Linh có thể cảm động tâm trí các anh chị em một cách hữu hiệu nhất. Do đó, các anh chị em cần phải tìm ra những lúc yên tịnh để nhận biết khi các anh chị em được chỉ dẫn và củng cố. Mẫu mực của Ngài làm cho các anh chị em tăng trưởng.

Chủ Tịch David O. McKay đã làm chứng rằng: “Đúng là những sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện của chúng ta có lẽ không luôn luôn đến trực tiếp và đúng lúc, cũng như không trong cách thức mà chúng ta đoán trước; nhưng những sự đáp ứng này thật sự đến vào lúc và vào cách thức tốt nhất cho lợi ích của người dâng lên lời cầu khẩn.”3 Hãy biết ơn rằng đôi khi Thượng Đế để cho các anh chị em phấn đấu vất vả trong một thời gian dài trước khi sự đáp ứng đến. Cá tính của các anh chị em sẽ tăng trưởng; đức tin của các anh chị em sẽ gia tăng. Sẽ có một sự liên hệ giữa hai điều này: đức tin của các anh chị em càng lớn thì cá tính của các anh chị em sẽ càng mạnh mẽ hơn, và cá tính được mạnh mẽ hơn sẽ làm gia tăng khả năng của các anh chị em để sử dụng ngay cả đức tin lớn lao hơn.

Thỉnh thoảng, Chúa sẽ ban cho các anh chị em một câu trả lời trước khi các anh chị em cầu vấn. Điều này có thể xảy ra khi các anh chị em không nhận thấy một điều nguy hiểm hoặc có thể đang làm điều sai, không tin vào điều gì đúng.

Rất khó khi lời cầu nguyện chân thành về một điều gì đó mà các anh chị em mong muốn rất nhiều lại không được đáp ứng theo như các anh chị em muốn. Rất khó để hiểu lý do tại sao các anh chị em sử dụng đức tin sâu xa và chân thành từ một cuộc sống biết vâng lời lại không mang đến kết quả mong muốn. Đấng Cứu Rỗi dạy rằng: “Bất cứ điều gì cần thiết cho các ngươi mà các ngươi cầu xin Đức Chúa Cha trong danh ta thì nó sẽ được ban cho các ngươi.”4 Đôi khi rất khó để nhận biết điều gì tốt nhất hoặc cần thiết cho các anh chị em lúc đó. Cuộc sống của các anh chị em sẽ dễ dàng hơn khi các anh chị em chấp nhận những gì mà Thượng Đế làm trong cuộc sống của các anh chị em là cho lợi ích vĩnh cửu của các anh chị em.

Các anh chị em được phán bảo phải tìm kiếm sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện của mình.5 Hãy tuân theo lời khuyên dạy của Đức Thầy để “nghiên cứu kỹ trong tâm trí mình.”6 Thường thì các anh chị em sẽ nghĩ về một giải pháp, khi các anh chị em tìm kiếm sự xác nhận rằng sự đáp ứng của mình là đúng, thì sự giúp đỡ sẽ đến. Nó có thể là qua những lời cầu nguyện của các anh chị em, hoặc là một ấn tượng của Đức Thánh Linh, và đôi khi bằng hành động của những người khác.7

Sự hướng dẫn này về sự cầu nguyện mà đã được ban cho Oliver Cowdery thì cũng có thể giúp đỡ các anh chị em: “Này, … ngươi đã cho rằng ta sẽ ban cho ngươi khả năng đó mặc dù ngươi không suy nghĩ về việc ấy mà chỉ biết cầu xin ta thôi… .

“… Ngươi phải nghiên cứu kỹ trong tâm trí mình; rồi … hỏi ta xem điều đó có đúng không; và nếu đúng thì … tâm can ngươi hừng hực trong ngươi, như vậy, ngươi sẽ cảm thấy rằng điều đó là đúng.”8

Rồi sự đáp ứng đến với tính cách là một cảm nghĩ đi kèm theo một sự tin chắc. Đấng Cứu Rỗi vạch rõ hai cách thức riêng biệt: “Ta sẽ nói trong trí của ngươi và trong tâm của ngươi bởi Đức Thánh Linh.”9

Những sự đáp ứng trong tâm trí là những sứ điệp từ Đức Thánh Linh cho tâm hồn của chúng ta. Đối với tôi, sự trả lời trong trí thì rất cụ thể giống như những lời nói rõ ràng, trong khi sự đáp ứng trong tâm thì khái quát giống như một cảm tưởng muốn cầu nguyện thêm.10

Rồi Chúa phán rõ hơn: “Nhưng [nếu điều ngươi đưa ra] không đúng [thì] ngươi … sẽ cảm thấy tâm trí như tê dại.”11 Điều đó đối với tôi là một cảm giác bất an, không thoải mái.

Oliver Cowdery được giảng dạy một cách khác mà qua đó những sự đáp ứng tích cực đến: “Ta chẳng đã phán bình an cho tâm trí ngươi về vấn đề này rồi hay sao?”12 Cảm giác bình an là sự làm chứng đầy tính xác nhận và thông thường nhất mà bản thân tôi đã trải qua. Khi tôi có rất nhiều lo âu về một vấn đề quan trọng, vất vả để giải quyết nó mà không thành công, thì tôi tiếp tục những nỗ lực đó trong đức tin. Về sau, một sự bình an tràn ngập khắp châu thân tôi đã đến, làm lắng đọng những mối lo âu của tôi, như Ngài đã hứa.

Một số sự hiểu lầm về sự cầu nguyện có thể được làm sáng tỏ bằng cách nhận biết rằng thánh thư vạch rõ các nguyên tắc về sự cầu nguyện được hữu hiệu, nhưng thánh thư không bảo đảm khi nào thì sự đáp ứng sẽ được ban cho. Thật ra, Ngài sẽ trả lời bằng một trong ba cách. Trước hết, các anh chị em cảm thấy sự bình an, an ủi và cam đoan mà xác nhận rằng quyết định của các anh chị em là đúng. Hoặc thứ nhì, các anh chị em có thể cảm nhận được cảm giác do dự đó, tâm trí như tê dại, cho thấy rằng sự lựa chọn của các anh chị em là sai. Hoặc thứ ba—và đây là một điều khó khăn—các anh chị em không cảm thấy được sự đáp ứng nào cả.

Các anh chị em làm gì khi các anh chị em đã chuẩn bị kỹ, đã cầu nguyện khẩn thiết, đã chờ một thời gian hợp lý cho sự đáp ứng mà vẫn không cảm nhận được sự đáp ứng? Các anh chị em có thể muốn bày tỏ sự cảm tạ khi điều đó xảy ra, vì đó là một bằng chứng về sự tin cậy nơi Ngài. Khi các anh chị em sống một cách xứng đáng và sự chọn lựa của các anh chị em phù hợp với những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi và các anh chị em cần phải hành động, thì hãy tiến hành với sự tin tưởng. Khi các anh chị em bén nhạy với những thúc giục của Thánh Linh thì một trong hai điều chắc chắn sẽ xảy ra vào lúc thích hợp: hoặc là tâm trí như tê dại sẽ đến, cho thấy đó là một sự chọn lựa không thích đúng, hoặc sẽ cảm thấy bình an hay hừng hực trong lòng mà xác nhận rằng sự chọn lựa của các anh chị em là đúng. Khi các anh chị em sống ngay chính và hành động với sự tin tưởng, thì Thượng Đế sẽ không để cho các anh chị em tiến hành quá xa mà không ban cho một ấn tượng cảnh giác nếu các anh chị em đã chọn quyết định sai.

Lòng Biết Ơn về Ân Tứ Cầu Nguyện

Một khía cạnh quan trọng của sự cầu nguyện là lòng biết ơn. Chúa Giê Su đã phán rằng: “Và loài người không xúc phạm Thượng Đế … ngoại trừ những kẻ không chịu thú nhận có bàn tay của Ngài trong mọi sự việc, và không vâng theo các giáo lệnh của Ngài.”13 Khi chúng ta suy ngẫm về ân tứ cầu nguyện có một không hai và các phước lành vô tận mà tuôn chảy từ đó, thì lòng cảm kích chân thành sẽ tràn đầy tâm trí của chúng ta với sự cảm tạ. Do đó, chúng ta không nên tiếp tục, cũng như chúng ta có thể, bày tỏ một cách sâu xa, với Đức Chúa Cha yêu dấu lòng biết ơn vô tận của mình đối với ân tứ cầu nguyện thiêng liêng và đối với những sự trả lời của Ngài mà đáp ứng các nhu cầu của chúng ta trong khi thúc đẩy chúng ta tăng trưởng hay sao?

Tôi làm chứng rằng Đức Chúa Cha sẽ luôn luôn đáp ứng những lời cầu nguyện của các anh chị em theo cách thức và theo thời gian mà sẽ là tốt nhất cho lợi ích vĩnh cửu của các anh chị em. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. GLGƯ 19:28.

  2. “Thưa Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu của chúng con, Ngài là Đấng Phán Xét cao trọng của Các Quốc Gia, Ngài là Đấng điều khiển vũ trụ, Ngài là Cha của chúng con và Thượng Đế của chúng con, và chúng con là con cái Ngài, chúng con trông cậy nơi Ngài trong đức tin vào lúc tối tăm và nghiêm trọng này. Thưa Cha yêu dấu, xin Cha ban phước cho chúng con với đức tin. Xin ban phước cho chúng con với tình yêu thương. Xin ban phước cho chúng con với lòng bác ái. Xin ban phước cho chúng con với một tinh thần kiên trì để quét sạch những điều tà ác trên thế gian này. Xin che chở và hướng dẫn những người tham gia tích cực vào việc tiến hành những sự việc trong chiến trận. Xin ban phước cho họ; xin gìn giữ mạng sống của họ; xin giải cứu họ khỏi sự tổn hại và tà ác. Xin Cha nhậm lời cầu nguyện của những người thân yêu của họ về sự an toàn. Chúng con cầu nguyện cho các chế độ dân chủ quý báu trên thế giới mà Cha đã giám sát khi sáng lập chính quyền của họ, nơi mà sự bình an, sự tự do và tiến trình dân chủ vẫn tiếp tục.

    “Thưa Cha Thiên Thượng, với lòng thương xót, xin Cha ban cho quốc gia này của chúng con, và bạn bè của quốc gia trong lúc khó khăn. Xin gìn giữ chúng con và giúp chúng con tiến bước với đức tin luôn luôn nơi Cha và nơi Con Trai Yêu Quý của Cha, mà chúng con tin vào lòng thương xót của Ngài và Ngài là Đấng mà chúng con xem là Đấng Cứu Rỗi và Chúa của chúng con. Xin ban phước cho chính nghĩa hòa bình và mang hòa bình đến nhanh chóng cho chúng con lần nữa, chúng con chân thành cầu khẩn Cha, cầu xin Cha tha thứ tính kiêu ngạo của chúng con, xin Cha quên đi tội lỗi của chúng con, xin Cha nhân từ và bao dung đối với chúng con, và khiến lòng chúng con quay về Cha với tình yêu thương. Chúng con chân thành cầu nguyện trong tôn danh của Đấng yêu thương tất cả chúng con, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Chuộc của chúng con và Đấng Cứu Rỗi của chúng con, A Men” (“Tận Khi Ta Trùng Phùng,” Liahona, tháng Giêng năm 2002, 105).

  3. Trong Conference Report, tháng Tư năm 1969, 153.

  4. GLGƯ 88:64; sự nhấn mạnh được thêm vào; xin xem thêm các câu 63, 65.

  5. Xin xem GLGƯ 6:23, 36; GLGƯ 8:2–3, 10; GLGƯ 9:9.

  6. GLGƯ 9:8.

  7. Xin xem Spencer W. Kimball, The Teachings of Spencer W. Kimball, do Edward L. Kimball xuất bản (1982), 252.

  8. GLGƯ 9:7–8; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  9. GLGƯ 8:2; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  10. Xin xem Ê Nót 1:3–5, 9–10.

  11. GLGƯ 9:9.

  12. GLGƯ 6:23; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  13. GLGƯ 59:21.

In