2007
Những Điều Mà Tôi Biết
Tháng Năm năm 2007


Những Điều Mà Tôi Biết

Tôi muốn đưa ra cho các anh chị em chứng ngôn của tôi về các lẽ thật cơ bản của công việc này.

Hình Ảnh

Các anh chị em thân mến, tôi rất hân hạnh với cơ hội để ngỏ lời cùng các anh chị em buổi sáng hôm nay. Tôi cám ơn mỗi anh chị em về những lời cầu nguyện của các anh chị em thay cho tôi. Tôi rất biết ơn các anh chị em. Trong 49 năm của tôi với tư cách là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương, tôi đã nói chuyện hơn 200 lần trong đại hội trung ương. Giờ đây tôi đã gần 97 tuổi. Gió đang thổi mạnh và tôi cảm thấy giống như chiếc lá cuối cùng trên cây.

Thật ra sức khỏe của tôi khá tốt, bất chấp tất cả những lời đồn đãi trái ngược. Các bác sĩ và y tá tài giỏi đang giữ cho tôi được mạnh khỏe. Một số các anh chị em còn có thể ra đi trước tôi nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn nhớ đến tuổi tác của mình, và tôi muốn đưa ra cho các anh chị em chứng ngôn của tôi về các lẽ thật cơ bản của công việc này.

Tôi thú nhận rằng tôi không biết hết mọi điều, nhưng tôi biết chắc một số điều. Tôi sẽ ngỏ lời với các anh chị em buổi sáng hôm nay về những điều mà tôi biết.

Khi hoàng đế Constantine được cải đạo theo Ky Tô giáo, ông bắt đầu biết về tình trạng chia rẽ giữa giới giáo sĩ về thiên tính của Thượng Đế. Trong một cố gắng để khắc phục tình trạng này, ông đã triệu giới giáo sĩ nổi tiếng thời đó đến Nicaea vào năm 325. Mỗi tham dự viên được cho cơ hội để nói lên quan điểm của mình. Sự tranh luận càng sôi nổi thêm. Khi một định nghĩa không thể đạt được, thì có một sự thỏa hiệp. Nó được biết đến là Nicene Creed, và các yếu tố cơ bản của nó được nói đến bởi hầu hết giới Ky Tô hữu trung tín.

Bản thân tôi không thể hiểu tín điều đó. Đối với tôi thì tín điều đó rất khó hiểu.

Tôi biết ơn biết bao để thấy rằng chúng ta thuộc vào Giáo Hội này đã không dựa vào bất cứ lời phát biểu nào của con người về thiên tính của Thượng Đế. Sự hiểu biết của chúng ta đến trực tiếp từ kinh nghiệm cá nhân của Joseph Smith, là người, trong lúc còn niên thiếu, đã nói chuyện với Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu và Vị Nam Tử Yêu Quý của Ngài, Chúa Phục Sinh. Ông đã quỳ xuống nơi hiện diện của hai Ngài; ông đã nghe tiếng nói của hai Ngài; và ông đã đáp ứng. Mỗi Vị là một nhân vật riêng biệt. Tất nhiên ông thuật lại cho mẹ của ông nghe rằng ông đã biết được rằng giáo hội của bà là không chân chính. Vậy nên, một trong các giáo lý bao quát tuyệt diệu của Giáo Hội này là niềm tin của chúng ta nơi Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu. Ngài là một Đấng có thật và riêng biệt. Ngài là Đấng Chủ Tể của vũ trụ, vậy mà, Ngài là Cha của chúng ta, và chúng ta là con cái của Ngài.

Chúng ta cầu nguyện lên Ngài, và những lời cầu nguyện đó là một cuộc chuyện trò giữa Thượng Đế với con người. Tôi tin rằng Ngài nghe và đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta. Tôi không thể phủ nhận điều đó. Tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm về những lời cầu nguyện được đáp ứng.

An Ma đã dạy cho con trai của ông, Hê La Man, bằng cách nói rằng: “Hãy hội ý với Chúa trong mọi việc làm của mình, và Ngài sẽ hướng dẫn con đến điều thiện; phải, khi đêm đến, con nằm xuống, hãy nằm xuống trong Chúa, để Ngài chăm sóc con trong giấc ngủ của con. Khi sáng thức dậy, con hãy để lòng mình tràn đầy lời tạ ơn Thượng Đế; và nếu con làm được như vậy, thì con sẽ được nâng cao vào ngày sau cùng” (An Ma 37:37).

Điều vĩ đại chắc chắn thứ nhì mà tôi biết chắc thì cũng có nền tảng của nó nơi khải tuợng của Tiên Tri Joseph. Đó là Chúa Giê Su hằng sống. Ngài là Đấng Ky Tô Hằng Sống. Ngài là Đức Giê Hô Va của thời Cựu Ước và Đấng Mê Si của thời Tân Ước. Dưới sự hướng dẫn của Cha Ngài, Ngài là Đấng Sáng Tạo thế gian. Sách phúc âm của Giăng mở đầu với những lời đặc biệt này: “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời.

“Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời.

“Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài” (Giăng 1:1–3).

Hãy đặc biệt chú ý đến câu cuối cùng đó: “Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài.”

Ngài là Đấng Sáng Tạo vĩ đại. Chính ngón tay của Ngài đã viết các giáo lệnh trên ngọn Núi. Chính Ngài đã rời bỏ thiên triều trên cao và đến thế gian, sinh ra trong hoàn cảnh thấp hèn nhất. Trong giáo vụ ngắn ngủi của Ngài, Ngài đã chữa lành người bệnh, khiến kẻ mù được thấy, làm kẻ chết sống lại, và khiển trách các thầy thông giáo và những người Pha Ri Si. Ngài là người trọn vẹn độc nhất sống trên thế gian. Tất cả điều này là một phần kế hoạch của Đức Chúa Cha. Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, Ngài đã chịu đau đớn cùng cực đến nỗi máu của Ngài rỉ ra khi Ngài cầu khẩn với Đức Chúa Cha. Nhưng điều này đều là một phần của sự chuộc tội hy sinh cao quý của Ngài. Ngài đã bị đám đông giải đi, trình diện trước Phi Lát với đám đông đang la hét đòi Ngài phải chết. Ngài vác cây thập tự, dụng cụ của sự xử tử Ngài. Trên Đồi Sọ, Ngài đã phó mạng sống của Ngài khi kêu lên: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu Ca 23:34).

Xác của Ngài được nhẹ nhàng đặt vào trong ngôi mộ của Giô Sép người A Ri Ma Thê. Nhưng ba ngày sau, vào buổi sáng Phục Sinh đầu tiên đó, ngôi mộ trở thành trống không. Ma Ri Ma Đơ Len nói chuyện cùng Ngài, và Ngài phán cùng bà. Ngài hiện đến cùng Các Sứ Đồ của Ngài. Ngài đi với hai môn đồ trên đường đến Em Ma Út. Và chúng ta được cho biết có khoảng 500 người khác đã thấy Ngài (xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:6).

Ngài đã phán: “Ta còn có chiên khác chẳng thuộc về chuồng này; ta cũng phải dẫn nó về nữa, chiên đó sẽ nghe tiếng ta, rồi sẽ chỉ có một bầy, và một người chăn mà thôi” (Giăng 10:16). Do đó, Ngài đã hiện đến cùng những người tụ họp ở xứ Phong Phú ở Tây Bán Cầu. Nơi đây, Ngài đã giảng dạy dân chúng như Ngài đã giảng dạy cho họ trong Cựu Thế Giới. Đây là tất cả những gì được ghi chép tường tận trong Sách Mặc Môn, tức là chứng thư thứ nhì về thiên tính của Chúa chúng ta.

Và để lặp lại, Ngài lẫn Cha Ngài đã hiện đến cùng thiếu niên Joseph, Đức Chúa Cha đã giới thiệu Vị Nam Tử, bằng cách phán: “Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy Nghe Lời Người!” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:17).

Bây giờ, điều kế tiếp mà tôi biết chắc, và là điều mà tôi làm chứng, là Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Nếu không có Sự Chuộc Tội, thì cuộc sống là vô nghĩa. Đó là nền tảng cho sự trọn vẹn của cuộc sống chúng ta. Sự Chuộc Tội khẳng định rằng chúng ta đã sống trước khi chúng ta sinh ra trên trần thế. Cuộc sống trần thế chỉ là một giai đoạn dẫn đến một cuộc sống vinh quang hơn trong tương lai. Nỗi buồn của cái chết được vơi nhẹ với lời hứa về Sự Phục Sinh. Sẽ không có lễ Giáng Sinh nếu không có lễ Phục Sinh.

Tôi nói về sự chắc chắn vĩ đại kế tiếp mà đã đến với Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Có sự phục hồi của chức tư tế, hoặc thẩm quyền được ban cho loài người để nói trong danh của Thượng Đế. Chức tư tế này gồm có hai thánh ban: chức tư tế thấp hơn, cũng được biết là Chức Tư Tế A Rôn, được phục hồi dưới bàn tay của Giăng Báp Tít. Thánh ban cao hơn của chức tư tế, Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, được phục hồi dưới bàn tay của Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng.

Trong khi phục hồi Chức Tư Tế A Rôn, Giăng Báp Tít phục sinh đã đặt tay lên đầu của Joseph Smith và Oliver Cowdery và nói: “Hỡi các ngươi cũng là tôi tớ như ta, trong danh Đấng Mê Si, ta truyền giao cho các ngươi Chức Tư Tế A Rôn, là chức tư tế nắm giữ các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ và của phúc âm về sự hối cải, và của phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước để được xá miễn tội lỗi” (GLGƯ 13:1).

Chủ Tịch Wilford Woodruff khi về già đã ngỏ lời cùng các thiếu niên của Giáo Hội và nói: “Tôi muốn nhấn mạnh với các em sự kiện là việc một người nam là Thầy Tư Tế hoặc Sứ Đồ thì không tạo ra sự khác biệt nào cả, nếu người ấy làm vinh hiển sự kêu gọi của mình. Một Thầy Tư Tế nắm giữ các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ. Không bao giờ trong đời tôi với tư cách là một Sứ đồ, một Thầy Bảy Mươi, hoặc một Anh Cả, mà tôi có được sự bảo vệ của Chúa hơn là trong khi nắm giữ chức phẩm của một Thầy Tư Tế” (trong Millennial Star, ngày 5 tháng Mười năm 1891, 629). 2).

Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc hoặc Chức Tư Tế Cao Hơn cho phép những người nam đặt tay họ lên đầu của những người khác và ban phước. Họ ban phước cho người bệnh. Như Gia Cơ đã nói trong Sách Tân Ước: “Trong anh em có ai đau ốm chăng? hãy mời các trưởng lão Hội Thánh đến, sau khi nhân danh Chúa xức dầu cho người bệnh hoạn, thì các trưởng lão hãy cầu nguyện cho người” (Gia Cơ 5:14).

Giờ đây, cuối cùng, tôi đề cập đến các phước lành của ngôi nhà của Chúa, mà đã đến nhờ vào Sự Phục Hồi của phúc âm thời xưa.

Các đền thờ này, mà chúng ta đã làm cho gia tăng rất nhiều trong những năm gần đây, ban cho các phước lành mà không có nơi nào khác có. Tất cả điều này xảy ra trong những ngôi nhà thiêng liêng này thì liên quan với bản tính tự nhiên của con người. Nơi này, chồng, vợ và con cái được cùng nhau làm lễ gắn bó với tính cách là gia đình trong suốt thời vĩnh cửu. Hôn nhân không phải chỉ tồn tại “cho đến khi chết mới chia ly.” Hôn nhân được vĩnh viễn, nếu đôi bên đều sống xứng đáng với phước lành. Đáng kể hơn hết là thẩm quyền để làm thay cho người khác trong nhà của Chúa. Tại đây các giáo lễ được thực hiện thay cho người chết, là những người không có cơ hội để nhận các giáo lễ này trong khi còn sống.

Mới đây, tôi được cho biết về một người phụ nữ ở Idaho Falls, một góa phụ. Trong hơn 15 năm, bà đã làm lễ thiên ân tại đền thờ thay cho 20.000 người ở Đền Thờ Idaho Falls Idaho. Bà đã hoàn tất lễ thiên ân thứ 20.000 vào ngày thứ Sáu và trở lại ngày thứ Bảy để làm thêm năm lần nữa. Bà đã qua đời vào tuần sau đó.

Hãy nghĩ về điều mà người phụ nữ nhỏ nhắn này đã làm. Bà đã làm các lễ thiên ân này thay cho số người bằng số người đang tụ họp trong Trung Tâm Đại Hội này buổi sáng nay. Hãy nghĩ về việc bà chắc hẳn đã được chào mừng ở bên kia thế giới.

Giờ đây, thưa các anh chị em, đây là chứng ngôn của tôi mà tôi xin long trọng chia sẻ với các anh chị em.

Thượng Đế ban phước cho các anh chị em, mỗi anh chị em, là Các Thánh Hữu Ngày Sau trung tín. Cầu xin cho có sự bình an và tình yêu thương trong nhà của các anh chị em và đức tin và sự cầu nguyện để hướng dẫn các anh chị em trong mọi điều mà các anh chị em đang theo đuổi là lời cầu nguyện khiêm nhường của tôi, trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

In