2007
Những Ký Ức về Ngôi Đại Thính Đường
Tháng Năm năm 2007


Những Ký Ức về Ngôi Đại Thính Đường

Khi tòa nhà này được làm lễ tái cung hiến ngày hôm nay, cầu xin cho chúng ta cam kết sẽ tái dâng cuộc sống của mình cho công việc của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô.

Hình Ảnh

Thưa các anh chị em, đang hiện diện nơi đây trong Đại Thính Đường lẫn nghe đại hội qua nhiều phương tiện khác nhau trên khắp thế giới, thật là một niềm vui cho tôi được đứng trước các anh chị em một lần nữa trong tòa nhà tráng lệ này. Trong bối cảnh này, không một người nào không thể cảm nhận được tinh thần của Các Thánh Hữu đầu tiên là những người đã xây cất ngôi nhà thờ phượng xinh đẹp này, cũng như tất cả những người trong nhiều năm tháng đã lao nhọc để gìn giữ và làm đẹp cho tòa nhà này.

Mới gần đây tôi đã nghĩ về nhiều sự kiện quan trọng trong đời tôi có liên quan đến Đại Thính Đường Salt Lake. Mặc dù có rất nhiều điều để tôi nói đến ngày hôm nay, nhưng tôi muốn chia sẻ chỉ một vài điều mà thôi.

Tôi nhớ lại thời gian mà tôi gần chịu phép báp têm khi tôi tám tuổi. Mẹ của tôi nói chuyện với tôi về sự hối cải và về ý nghĩa của phép báp têm; và rồi, vào ngày thứ Bảy tháng Chín năm 1935, mẹ tôi dẫn tôi lên một chiếc xe điện đi đến phòng báp têm của Đại Thính Đường mà, cho đến gần đây, vẫn còn ở nơi này trong tòa nhà này. Lúc bấy giờ, việc người cha làm phép báp têm cho con cái của mình không phải là điều thông thường như bây giờ, vì giáo lễ thường được thực hiện vào sáng hoặc trưa thứ Bảy, và nhiều người cha phải làm công việc hằng ngày trong nghề nghiệp hay kinh doanh của họ. Tôi mặc quần áo trắng và chịu phép báp têm. Tôi nhớ ngày đó rõ như thể đó là ngày hôm qua và niềm vui sướng tôi đã cảm thấy được khi giáo lễ đó được thực hiện.

Trải qua nhiều năm, và nhất là trong thời gian tôi phục vụ với tư cách là giám trợ, tôi đã chứng kiến nhiều lễ báp têm khác trong hồ báp têm tại Đại Thính Đường. Mỗi lễ báp têm là một cơ hội đặc biệt và đầy soi dẫn, và mỗi lễ báp têm đều nhắc nhở tôi về phép báp têm của tôi.

Vào tháng Tư năm 1950, vợ tôi, Frances, và tôi tham dự phiên họp trưa Chúa Nhật của đại hội trung ương, được tổ chức trong tòa nhà này. Chủ Tịch George Albert Smith là Chủ Tịch của Giáo Hội lúc bấy giờ và trong phần kết thúc đại hội, ông đã đưa ra một sứ điệp đầy soi dẫn và mạnh mẽ về Sự Phục Sinh của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Tuy nhiên, trước khi kết thúc bài nói chuyện của mình, ông đã đưa ra một lời cảnh cáo của vị tiên tri. Ông nói: “Sẽ không bao lâu nữa thì các tai họa sẽ giáng xuống loài người trừ phi có sự hối cải nhanh chóng. Sẽ không bao lâu nữa hằng triệu người đang sống rải rác trên mặt đất sẽ chết … vì điều sẽ xảy đến” (trong Conference Report, tháng Tư năm 1950, 169). Đây là những lời nói đầy kinh hoàng vì chúng đến từ một vị tiên tri của Thượng Đế.

Hai tháng rưỡi sau đại hội trung ương, vào ngày 25 tháng Sáu năm 1950, chiến tranh bùng nổ ở Đại Hàn—một cuộc chiến mà cuối cùng đã lấy đi mạng sống của khoảng 2 triệu rưỡi người. Sự kiện này thúc giục tôi suy ngẫm lời của Chủ Tịch Smith phát biểu khi chúng tôi ngồi trong tòa nhà này vào ngày mùa xuân đó.

Tôi tham dự nhiều phiên họp đại hội trung ương trong Đại Thính Đường, luôn luôn được gây dựng và soi dẫn bởi những lời nói của Các Anh Em Thẩm Quyền Trung Ương. Rồi, vào tháng Mười năm 1963, Chủ Tịch David O. McKay đã mời tôi vào văn phòng của ông và đưa ra một sự kêu gọi cho tôi để phục vụ với tư cách là một thành viên thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Ông yêu cầu tôi giữ kín sự kêu gọi này, không tiết lộ cho ai ngoài vợ tôi, và tôi phải hiện diện trong đại hội trung ương tại Đại Thính Đường vào ngày hôm sau, khi tên tôi sẽ được đọc lớn.

Sáng ngày hôm sau, tôi vào Đại Thính Đường không biết chắc phải ngồi đâu. Là một thành viên của Ủy Ban Chức Tư Tế Giảng Dạy Tại Gia, tôi quyết định rằng tôi sẽ ngồi ở giữa các thành viên của ủy ban đó. Tôi thấy một người bạn của mình tên là Hugh Smith, cũng là một thành viên của Ủy Ban Chức Tư Tế Giảng Dạy Tại Gia. Anh ấy ra hiệu cho tôi đến ngồi cạnh anh ấy. Tôi không thể nói gì với anh ấy về sự kêu gọi của mình nhưng tôi vẫn ngồi xuống.

Trong phiên họp, các thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ được tán trợ và, dĩ nhiên, tên tôi được đọc lên. Tôi tin rằng quãng đường đi từ cử tọa đến bục chủ tọa là dài nhất trong đời tôi.

Đã gần 44 năm kể từ đại hội đó. Cho đến năm 2000, khi Trung Tâm Đại Hội được làm lễ cung hiến, thật là đặc ân của tôi để đưa ra 101 sứ điệp trong đại hội trung ương từ bục giảng trong tòa nhà này, không kể những sứ điệp được đưa ra trong các đại hội của tổ chức bổ trợ trung ương và các buổi họp khác được tổ chức nơi đây. Bài nói chuyện của tôi hôm nay nâng tổng số lên đến 102 bài. Tôi đã có được nhiều kinh nghiệm thuộc linh trong nhiều năm tháng khi tôi đứng nơi đây.

Trong lúc đang đọc sứ điệp của mình tại đại hội trung ương vào tháng Mười năm 1975, tôi cảm thấy được thúc giục để hướng những lời nhận xét của mình đến một em bé gái tóc dài màu vàng hoe đang ngồi trên lầu của tòa nhà này. Tôi kêu gọi sự chú ý của cử tvào em ấy và cảm thấy một sự tự do bày tỏ mà làm chứng với tôi rằng em gái nhỏ này cần sứ điệp mà tôi đang có trong ý nghĩ về đức tin của một em gái khác.

Vào lúc kết thúc phiên họp, tôi trở về văn phòng của mình và thấy có một em nhỏ tên Misti White, cùng với ông bà ngoại và một người dì, đang chờ tôi. Khi chào họ, tôi nhận ra Misti là em gái ngồi ở trên lầu mà tôi đã đưa ra những lời nhận xét của mình về em. Tôi được biết rằng vì gần đến sinh nhật thứ tám của Misti, em đang do dự về việc có nên chịu phép báp têm hay không. Em cảm thấy rằng em muốn được báp têm, và ông bà ngoại của em, mà em đang sống với, muốn em chịu phép báp têm, nhưng người mẹ kém tích cực của em đề nghị rằng em nên chờ cho đến khi em mười tám tuổi hãy quyết định. Misti nói với ông bà ngoại của em: “Nếu chúng ta đi đến đại hội ở Thành Phố Salt Lake thì có lẽ Cha Thiên Thượng sẽ cho con biết con cần phải làm gì.”

Misti và ông bà ngoại và dì của em phải đi từ California đến Thành Phố Salt Lake để dự Đại Hội và đã có thể kiếm được chỗ ngồi trong Đại Thính Đường vào phiên họp trưa thứ Bảy. Đây là nơi mà họ ngồi khi tôi chú ý đến Misti và quyết định của tôi để ngỏ lời cùng em.

Trong khi chúng tôi tiếp tục trò chuyện sau phiên họp, thì bà ngoại của Misti nói với tôi: “Tôi nghĩ rằng Misti có một điều mà cháu muốn nói với anh.” Em gái nhỏ dễ thương này nói: “Thưa Anh Monson, trong khi anh nói chuyện trong đại hội, anh đã trả lời câu hỏi của em. Em muốn được báp têm!”

Gia đình đó trở về California và Misti chịu phép báp têm và được xác nhận là một tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Trải qua suốt nhiều năm, Misti vẫn luôn luôn trung tín và trung thành cùng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Cách đây mười bốn năm, tôi đã có đặc ân để thực hiện lễ gắn bó của em trong đền thờ thánh với một thanh niên tốt và họ cùng nhau nuôi nấng năm đứa con xinh đẹp, và một đứa nữa sắp sinh.

Thưa các anh chị em, tôi cảm thấy được đặc ân để một lần nữa đứng tại bục giảng của Đại Thính Đường trong tòa nhà này mà đã giữ lại cho tôi biết bao kỷ niệm tuyệt vời. Đại Thính Đường là một phần cuộc sống của tôi—một phần mà tôi trân quý .

Tôi đã có vinh dự và hân hạnh trong cuộc sống của mình để giơ tay lên thành hình góc vuông trong việc tán trợ chín Vị Chủ Tịch Giáo Hội khi tên của họ được đọc lên. Buổi sáng hôm nay, tôi cùng với các anh chị em tán trợ một lần nữa vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley. Thật là một niềm vui và đặc ân để phục vụ bên cạnh ông cùng với Chủ Tịch Faust.

Khi tòa nhà này được làm lễ tái cung hiến ngày hôm nay, cầu xin cho chúng ta cam kết sẽ tái dâng cuộc sống của mình cho công việc của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng đã sẵn lòng chịu chết để chúng ta được sống. Cầu xin cho chúng ta đi theo bước Ngài mỗi ngày, tôi khiêm nhường cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

In