2007
Hãy Ghi Nhớ và Đừng Để Cho Mình Phải Bị Diệt Vong
Tháng Năm năm 2007


Hãy Ghi Nhớ và Đừng Để Cho Mình Phải Bị Diệt Vong

Ghi nhớ theo cách thức mà Thượng Đế muốn, là một nguyên tắc cơ bản và cứu rỗi của phúc âm.

Hình Ảnh

Tôi cảm thấy vinh dự được là người nói chuyện tiếp theo sau Chị Parkin. Sự phục vụ và những lời giảng dạy của chị cũng như những người cố vấn của chị đã ban phước cho tất cả chúng ta. Khoảng vào giờ này cách đây 18 năm rưỡi, tôi đứng gần bên bục giảng này chờ cho giáo đoàn hát xong, khi tôi chuẩn bị bước lên trước và đưa ra bài nói chuyện lần đầu tiên của mình tại đại hội trung ương. Nỗi lo âu của tôi vào lúc đó chắc hẳn là rất hiển nhiên. Anh Cả L. Tom Perry, là người đứng đằng sau tôi, nghiêng người về trước, và trong một cách thức quả quyết và nhiệt tình, đã thì thầm vào tai tôi. Ông nói: “Hãy bình tĩnh, chúng ta chưa hề có người nào chết tại bục giảng này trong nhiều năm qua!”

Những lời khích lệ đó, và những giây phút sau đó mà tôi đã nói chuyện lần đầu tiên cùng một cử tọa Thánh Hữu Ngày Sau toàn cầu, tạo thành một ký ức trân quý đối với tôi. Giống như tất cả các anh chị em, tôi thường gom góp thu thập những ký ức mà, khi hồi tưởng lại, thì mang đến cho tôi nhiều lợi ích và thích thú. Và, mặc dầu những quyết tâm mà tôi có lúc còn thanh niên là đừng bao giờ làm cho những người khác nghe phát chán bởi việc kể những câu chuyện về ký ức khi tôi lớn tuổi hơn, nhưng giờ đây tôi hân hạnh được chia sẻ những ký ức của mình hầu như mỗi khi có dịp. Tuy nhiên, hôm nay, tôi muốn nói về một vai trò quan trọng hơn về kỷ niệm và việc tưởng nhớ trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô hơn là việc hồi tưởng đến ký ức chỉ để thưởng thức không thôi.

Nếu chú ý cách dùng từ ghi nhớ trong thánh thư thì chúng ta sẽ nhận ra rằng ghi nhớ theo cách thức mà Thượng Đế muốn, là một nguyên tắc cơ bản và cứu rỗi của phúc âm. Vì những lời khuyên nhủ của các vị tiên tri để ghi nhớ đều thường kêu gọi phải hành động: lắng nghe, thấy, làm, tuân theo, hối cải.1 Khi ghi nhớ theo ý muốn của Thượng Đế, thì chúng ta khắc phục được khuynh hướng của con người chỉ để chuẩn bị một cách thụ động cho sự tranh đấu trong đời và thật sự tham gia vào cuộc tranh đấu đó, bằng cách làm tất cả những gì trong khả năng của mình để chống lại cám dỗ và tránh phạm tội.

Vua Bên Gia Min kêu gọi một sự tham gia vào việc tưởng nhớ như vậy từ dân của ông:

“Và sau cùng, tôi không thể kể hết tất cả những điều mà bởi đó các người có thể phạm tội được; vì có nhiều cách thức khác nhau, nhiều đến đỗi tôi không thể đếm được.

“Nhưng tôi có thể nói tóm tắt với các người rằng: Nếu các người không tự kiểm soát lấy mình, cùng tư tưởng, lời nói và việc làm của mình, và tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế, và kiên trì trong đức tin về những gì mình đã nghe nói về sự hiện đến của Chúa chúng ta, cho đến ngày cuối cùng của mình, thì các người sẽ phải bị diệt vong. Và giờ đây, hỡi loài người, hãy ghi nhớ và đừng để cho mình phải bị diệt vong.”2

Khi hiểu được tầm quan trọng thiết yếu của sự ghi nhớ trong cuộc sống của mình, thì chúng ta cần phải ghi nhớ điều gì khác nữa? Để đáp lại, khi chúng ta nhóm họp lại ngày hôm nay để tưởng nhớ và tái cung hiến Đại Thính Đường lịch sử này, tôi đề nghị rằng lịch sử của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô và các tín hữu Giáo Hội xứng đáng để chúng ta nhớ tới. Thánh thư đặt ưu tiên cao cho lịch sử Giáo Hội. Thật vậy, nhiều thánh thư là lịch sử Giáo Hội. Vào ngay cái ngày mà Giáo Hội được tổ chức, ngày 6 tháng Tư năm 1830, Thượng Đế đã truyền lệnh cho Joseph Smith: “Này, một biên sử phải được lưu giữ giữa các ngươi.”3 Joseph làm theo lệnh truyền này bằng cách chỉ định Oliver Cowdery, anh cả thứ hai trong Giáo Hội và người phụ tá chính của ông, làm sử gia đầu tiên của Giáo Hội. Chúng ta lưu giữ các biên sử để giúp chúng ta ghi nhớ, và một biên sử về sự khởi đầu và tiến triển của Giáo Hội đã được lưu giữ từ thời Oliver Cowdery đến nay. Biên sử phi thường này nhắc chúng ta nhớ rằng Thượng Đế một lần nữa đã khai mở các tầng trời và mặc khải các lẽ thật kêu gọi thế hệ của chúng ta phải hành động.

Trong tất cả những gì được các sử gia thu góp, gìn giữ và viết ra trong nhiều năm đó, thì không có gì miêu tả tầm quan trọng và quyền năng của lịch sử Giáo Hội hơn câu chuyện giản dị và chân thật của Joseph Smith về Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử Giê Su Ky Tô của Ngài đã hiện ra cùng ông trong điều mà giờ đây sách sử ký của chúng ta gọi là Khải Tượng Thứ Nhất. Trong những lời mà nhiều thế hệ người truyền giáo đã học thuộc lòng và chia sẻ với những người tìm kiếm lẽ thật trên khắp thế giới, Joseph đã mô tả cách thức kỳ diệu mà trong đó ông đã nhận được sự đáp ứng cho câu hỏi của ông qua lời cầu nguyện rằng Giáo Hội nào là chân chính:

“Tôi thấy một luồng ánh sáng ngay trên đầu tôi, sáng hơn cả ánh sáng mặt trời, ánh sáng ấy từ từ hạ xuống cho đến khi phủ lên tôi.

“… Khi ánh sáng chan hòa trên người tôi, tôi thấy có hai Nhân Vật đứng bên trên tôi giữa không trung, vẻ rực rỡ và hào quang chói lọi của hai người thật không bút nào tả xiết. Một trong hai vị nói chuyện với tôi, gọi tên tôi và trỏ tay vào vị kia mà nói rằng—Đây là Con Trai Yêu Quý của ta. Hãy Nghe Lời Người!”4

Joseph đã nghe lời Ngài! Và hằng triệu người đã nghe hoặc đọc và đã tin vào câu chuyện của ông và chấp nhận phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mà Joseph đã giúp phục hồi. Tôi tin Joseph Smith và biết rằng ông là một vị tiên tri chân chính của Thượng Đế. Việc ghi nhớ kinh nghiệm của ông về Khải Tượng Thứ Nhất không bao giờ ngừng soi dẫn tôi để có sự cam kết mạnh mẽ hơn và hành động nhiều hơn.

Không một ai có sự biết ơn sâu xa về giá trị của lịch sử Giáo Hội hơn Chủ Tịch Gordon B. Hinckley. Chúng ta yêu thích tính khôi hài dí dỏm của ông, nhưng ý thức của ông về lịch sử cũng bén nhạy không kém. Có nhiều câu chuyện và giai thoại đầy soi dẫn của Giáo Hội thời trước trong những bài viết và bài giảng của ông. Với tư cách là vị tiên tri tại thế của chúng ta, ông có chủ ý nhấn mạnh đến quá khứ và tương lai để giúp chúng ta sống một cách ngay chính hơn trong hiện tại. Nhờ vào những lời giảng dạy của ông, chúng ta hiểu được rằng việc ghi nhớ có thể giúp chúng ta thấy được bàn tay của Thượng Đế trong quá khứ của chúng ta, cũng như lời tiên tri và đức tin bảo đảm với chúng ta là sẽ có bàn tay của Thượng Đế trong tương lai của mình. Chủ Tịch Hinckley nhắc chúng ta nhớ đến cách thức mà các tín hữu của Giáo Hội hiện đại đã khắc phục những thử thách của họ để chúng ta, nhờ vào ân điển của Thượng Đế, có thể đối phó một cách trung tín hơn những thử thách của mình. Bằng cách luôn luôn ghi nhớ quá khứ của chúng ta, Chủ Tịch Hinckley liên kết chúng ta với những người, những địa điểm, và những sự kiện mà đã tạo ra di sản thuộc linh của chúng ta và, khi làm như vậy, thúc đẩy chúng ta có sự phục vụ, đức tin và lòng nhân từ lớn lao hơn.

Chủ Tịch Hinckley cũng nêu gương bằng cách công khai chia sẻ với chúng ta những lịch sử cá nhân và gia đình của ông. Nhiều người truyền giáo mới bị chán nản đã được an ủi khi biết rằng thời gian đầu trong công việc truyền giáo của ông, Chủ Tịch Hinckley cũng đã chán nản và thú nhận sự chán nản đó với cha của ông. Ông còn can đảm chia sẻ câu trả lời vắn tắt của cha mình: “Gordon thân mến, Cha đã nhận được bức thư gần đây của con. Cha chỉ có một lời đề nghị: hãy quên mình và đi làm việc.”5 Hơn 70 năm sau, chúng ta đều chứng kiến cách thức mà Chủ Tịch đã suy ngẫm về lời khuyên dạy đó một cách nghiêm chỉnh biết bao. Cá tính ưu tú và sự thông sáng của ông là một vị tiên tri cung ứng bằng chứng đầy sức thuyết phục về lợi ích của việc ghi nhớ lịch sử của Giáo Hội cũng như lịch sử của chúng ta.

Còn có nhiều điều nữa để nói về ký ức và sự ghi nhớ trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta thường nói về sự ghi nhớ các giao ước thiêng liêng của mình và các giáo lệnh của Thượng Đế, và về việc tưởng nhớ và thực hiện các giáo lễ cứu rỗi cho các tổ tiên đã qua đời của chúng ta. Quan trọng hơn hết, chúng ta nói đến sự cần thiết để tưởng nhớ đến Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô của chúng ta, và không phải chỉ lúc nào thuận tiện thôi mà còn phải luôn luôn, như Ngài đã phán bảo.6 Chúng ta làm chứng rằng sẽ luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh. Để đổi lại, chúng ta được hứa là Thánh Linh của Ngài sẽ luôn luôn ở cùng với chúng ta. Thật là thú vị khi biết rằng đây cũng là Thánh Linh mà Cha Thiên Thượng đã gửi đến để “nhắc lại cho [chúng ta] mọi điều.”7 Do đó, bằng cách nhận Tiệc Thánh một cách xứng đáng, chúng ta được Thánh Linh ban phước để bước vào vòng tưởng nhớ cực kỳ lợi ích của việc dự phần Tiệc Thánh, trở lại nhiều lần trong ý nghĩ và sự tận tâm của chúng ta đối với Đấng Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài.

Tôi tin rằng việc đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài là mục đích tối thượng của toàn thể sự tưởng nhớ.8 Do đó, tôi cầu nguyện rằng Thượng Đế sẽ luôn luôn ban phước cho chúng ta để tưởng nhớ, nhất là Vị Nam Tử toàn hảo của Ngài, và không bị diệt vong. Tôi làm chứng với lòng biết ơn về thiên tính và quyền năng cứu rỗi của Đấng Ky Tô. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem 2 Nê Phi 1:12; Mô Si A 6:3; Hê La Man 5:14.

  2. Mô Si A 4:29–30.

  3. GLGƯ 21:1.

  4. Joseph Smith—Lịch Sử 1:16–17.

  5. Trong Gordon B. Hinckley, Faith: The Essence of True Religion (1989), 115.

  6. Xin xem 3 Nê Phi 18:7, 11.

  7. Giăng 14:26.

  8. Xin xem Mô Rô Ni 10:32–33.

In