2007
Tôi Biết Rằng Đấng Cứu Chuộc của Tôi Hằng Sống!
Tháng Năm năm 2007


Tôi Biết Rằng Đấng Cứu Chuộc của Tôi Hằng Sống!

Bởi vì Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã chết trên Đồi Sọ, nên cái chết không thể nào giam giữ bất cứ ai trong chúng ta.

Hình Ảnh

Gần đây khi tôi xem lại một vài cuốn album của gia đình. Những kỷ niệm yêu dấu tràn ngập trong tâm trí tôi khi tôi bắt gặp hết ảnh này đến ảnh khác của những người thân đang họp mặt tại những buổi đi chơi gia đình, những buổi sinh nhật, những buổi họp gia đình, những lễ kỷ niệm. Kể từ khi những bức ảnh này được chụp, một số người trong số những người thân yêu đó của gia đình đã từ giã cõi đời này. Tôi đã nghĩ về những lời của Chúa: “Các ngươi phải sống với nhau trong tình thương, đến nỗi phải than khóc cho việc mất đi những người đã chết.”1 Tôi nhớ đến từng người đã chết đi bỏ lại gia đình.

Mặc dù đầy khó khăn và đau đớn, nhưng cái chết là một phần thiết yếu của kinh nghiệm trần thế của chúng ta. Chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình của mình ở nơi đây bằng việc rời bỏ cuộc sống trên tiền dương thế của chúng ta và đến thế gian này. Thi sĩ Wordsworth đã mô tả cuộc hành trình đó trong bài thơ ca tụng đầy soi dẫn của ông về sự bất diệt. Ông viết:

Sự ra đời của chúng ta chỉ là một giấc ngủ và một sự quên lãng;

Linh Hồn chúng ta có lúc sinh ra giống như một Vì Tinh Tú

Đã được đặt vào một chỗ khác,

Và đến từ một nơi xa:

Chúng ta không ở trong sự quên lãng hoàn toàn về cuộc sống nơi tiền dương thế,

Và cũng không ở trong sự trần trụi hoàn toàn,

Mà chúng ta mang với mình một phần vinh quang của Thượng Đế

Tức là Ngôi Nhà thật sự của chúng ta:

Thiên Thượng vẫn cạnh bên khi chúng ta còn thơ ấu!2

Cuộc sống vẫn tiếp tục. Tuổi niên thiếu tiếp theo thời thơ ấu, và sự trưởng thành đến một cách không ngờ được. Khi chúng ta tìm kiếm và suy nghĩ về mục đích và những vấn đề của cuộc sống, thì tất cả chúng ta không sớm thì muộn phải đối mặt với câu hỏi về sự lâu dài của cuộc sống, và về cuộc sống cá nhân, vĩnh cửu. Hầu như chúng ta luôn luôn đặt ra những câu hỏi này khi những người thân rời bỏ chúng ta, hoặc khi chúng ta đối mặt với việc rời bỏ những người chúng ta thương yêu.

Vào những thời điểm như vậy, chúng ta suy nghĩ về câu hỏi phổ biến, được thể hiện tốt nhất bởi câu nói của Gióp thời xưa, là người đã hỏi từ hàng thế kỷ trước: “Nếu loài người chết, có được sống lại chăng?”3

Ngày nay, như thường lệ, tiếng nói đầy hoài nghi thách thức lời của Thượng Đế, và mỗi người phải chọn ai để mình nghe theo. Clarence Darrow, một luật sư nổi tiếng là người theo thuyết bất khả tri, đã tuyên bố: “Không có cuộc sống nào có nhiều giá trị, và … mỗi cái chết chỉ là một chút mất mát.”4 Schopenhauer, một nhà triết học người Đức và một người bi quan, đã viết: “Ước muốn có được sự bất diệt là mong muốn có sự sai lầm lớn vĩnh viễn.”5 Và thêm vào những lời nói của họ là những lời nói của các thế hệ mới, như những người dại dột đóng đinh Đấng Ky Tô một lần nữa—vì họ thay đổi những phép lạ của Ngài, nghi ngờ thiên tính của Ngài, và chối bỏ Sự Phục Sinh của Ngài.

Robert Blatchford, trong quyển sách của ông, Thượng Đế và Người Láng Giềng của Tôi, đã hăng hái tấn công những tín ngưỡng chấp nhận Ky Tô Giáo, như Thượng Đế, Đấng Ky Tô, sự cầu nguyện, và sự bất diệt. Ông quả quyết một cách táo bạo rằng: “Tôi khẳng định rằng đã chứng minh được mọi thứ tôi cố tình chứng minh rất đầy đủ và dứt khoát rằng không một Ky Tô hữu nào, dù lỗi lạc hay tài ba đến đâu, có thể trả lời được những lý lẽ của tôi hoặc thắng được luận cứ của tôi.”6 Ông đã tự giấu mình trong bức tường của chủ nghĩa hoài nghi. Rồi có một điều ngạc nhiên đã xảy ra. Bức tường của ông đột ngột sụp đổ thành cát bụi. Sự không tin của ông đã không còn giúp đỡ cho ông nữa. Dần dần ông bắt đầu cảm thấy con đường quay lại với đức tin mà ông đã khinh miệt và chế giễu. Điều gì đã gây nên sự thay đổi sâu xa trong quan điểm của ông? Vợ của ông đã qua đời. Với một tâm hồn đau khổ, ông đi vào trong phòng nơi để xác của bà. Ông đã nhìn lại khuôn mặt mà ông đã yêu thương tha thiết. Khi đi ra, ông đã nói với một người bạn, “Đó là vợ tôi, và tuy nhiên cũng không phải là vợ tôi. Mọi thứ đã thay đổi. Một cái gì trước đó đã ở đó trước khi nó bị lấy mất đi. Vợ tôi không còn như trước nữa. Cái gì có thể mất đi nếu nó không phải là linh hồn?”

Sau đó ông đã viết: “Cái chết không phải là điều mà một số người tưởng tượng. Nó chỉ giống như đi vào một căn phòng khác. Ở trong căn phòng đó chúng ta sẽ tìm thấy … những người phụ nữ, và những người đàn ông thân yêu và những đứa trẻ dễ thương mà chúng ta đã yêu thương và bị mất”7

Để chống lại sự nghi ngờ trong thế giới ngày nay về thiên tính của Đấng Ky Tô, chúng ta tìm kiếm một điểm tham khảo, một nguồn đáng tin cậy, chính là lời chứng của các nhân chứng. Ê Tiên, từ thời Kinh Thánh, đã phải chịu một cái chết độc ác của người tuẫn đạo, đã nhìn lên tầng trời và kêu lên: “Kìa, ta thấy các từng trời mở ra, và con người đứng bên hữu Đức Chúa Trời”8

Ai lại không thể bị thuyết phục bởi một chứng ngôn đầy xúc động của Phao Lô cho dân Cô Rinh Tô? Ông đã tuyên bố “ấy là Đấng Ky Tô chịu chết vì tội chúng ta theo lời kinh thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời kinh thánh; và Ngài đã hiện ra cho Sê-pha, sau đó lại hiện ra cho mười hai vị sứ đồ; … Và,” Phao Lô đã nói: “sau những người ấy, Ngài cũng hiện ra cho tôi xem.”9

Trong gian kỳ của chúng ta, chứng ngôn giống như thế đã được Tiên Tri Joseph Smith mạnh dạn nói lên, khi ông và Sidney Rigdon làm chứng: “Và giờ đây, sau bao nhiêu chứng ngôn mà đã được nói về Ngài, thì đây là chứng ngôn, gần đây nhất trong tất cả các chứng ngôn, mà chúng tôi nói về Ngài: Rằng Ngài hằng sống!”10

Đây là sự hiểu biết đầy hỗ trợ. Đây là lẽ thật đầy an ủi. Đây là sự bảo đảm mà dẫn dắt những người đã quỳ xuống với nỗi đau khổ—thoát khỏi bóng tối và đi vào ánh sáng.

Vào đêm trước Giáng Sinh năm 1997, tôi đã gặp một gia đình đặc biệt. Mỗi người trong gia đình có một chứng ngôn vững vàng về lẽ thật và sự trung thực của Sự Phục Sinh. Gia đình đó gồm có người mẹ, người cha và bốn đứa con. Mỗi đứa con—ba trai và một gái—sinh ra với căn bệnh teo cơ hiếm có, và mỗi đứa đều bị tàn tật. Mark, khi đó 16 tuổi, đã trải qua phẫu thuật xương sống trong nỗ lực giúp em cử động dễ dàng hơn. Hai cậu bé kia, Christopher, 13 tuổi, và Jason, 10 tuổi, phải đi California trong vài ngày nữa để trải qua cuộc phẫu thuật tương tự. Đứa con gái duy nhất, Shanna, lúc đó năm tuổi—một bé gái xinh xắn. Tất cả những đứa con đều thông minh và tràn đầy đức tin, và tất nhiên là cha mẹ của chúng, Bill và Sherry, đều tự hào về mỗi đứa con. Chúng tôi trò chuyện trong một vài phút, và tinh thần đặc biệt của gia đình đó đã tràn ngập văn phòng của tôi và lòng tôi. Người cha và tôi đã ban phước lành cho hai cậu bé đang sắp được giải phẫu, và rồi cha mẹ chúng đã yêu cầu bé Shanna có thể hát cho tôi nghe. Người cha của nó đã nói rằng em ấy đã bị yếu phổi và có thể rất khó khăn cho em, nhưng em vẫn muốn thử. Cùng với nhạc đệm trong băng thu sẵn, và với một giọng ca tuyệt vời, trong trẻo—không sai một nốt nhạc nào—em ấy đã hát về một tương lai sáng sủa hơn:

Vào một ngày tươi đẹp mà tôi mơ ước

Trong một thế giới tôi ưa thích thấy được,

Là một nơi xinh đẹp có mặt trời mọc lên

Và chiếu nắng trên bầu trời cho tôi.

Vào buổi sáng mùa đông xinh đẹp này,

Nếu ước muốn của tôi thành hiện thực, bằng cách nào đó,

Thì ngày tươi đẹp mà tôi mơ ước

Sẽ ở ngay trước mắt tôi đây.11

Chúng tôi đều xúc động khi em gái ấy hát xong. Tinh thần của cuộc viếng thăm này đã bắt đầu tinh thần Giáng Sinh của tôi năm đó.

Tôi đã giữ liên lạc với gia đình đó, và khi người con trai trưởng, Mark, bước sang tuổi 19, đã có những sự sắp đặt để em ấy đi phục vụ một công việc truyền giáo đặc biệt tại trụ sở của Giáo Hội. Cuối cùng, hai đứa em trai kia cũng có cơ hội để phục vụ truyền giáo như vậy.

Cách đây gần một năm, Christopher, lúc đó 22 tuổi, đã qua đời vì căn bệnh mà mỗi đứa con đều mắc phải. Và sau đó, tháng Chín năm ngoái, tôi nhận được tin rằng bé Shanna, bấy giờ 14 tuổi, cũng đã qua đời. Tại tang lễ, Shanna đã vinh dự có được những lời khen tặng tuyệt vời. Đứng dựa vào bục giảng làm điểm tựa, mỗi người anh trai còn sống của em, Mark và Jason, đã chia sẻ những kinh nghiệm thương tâm của gia đình. Mẹ của Shanna đã hát song ca một bài ca tuyệt vời. Cha và ông của của Shanna đã đưa ra những bài nói chuyện rất cảm động. Mặc dù lòng họ tan nát, nhưng mỗi người đều chia sẻ chứng ngôn mạnh mẽ và sâu sắc về sự xác thật của Sự Phục Sinh và về sự thật rằng Shanna vẫn sống, cũng như anh trai Christopher của em cũng vậy, mỗi người đang chờ đợi một sự đoàn tụ vinh quang cùng với gia đình thân thương của họ.

Khi đến lúc tôi nói chuyện, tôi đã thuật lại lần gia đình đó đến thăm viếng tại văn phòng tôi gần chín năm trước và nói về bài hát tuyệt vời mà Shanna đã hát vào dịp đó. Tôi đã kết thúc với ý nghĩ: “Bởi vì Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã chết trên Đồi Sọ, nên cái chết không thể nào giam giữ bất cứ ai trong chúng ta. Shanna vẫn sống, toàn vẹn và mạnh khoẻ, và đối với em ấy cái ngày rực rỡ mà em đã hát vào một ngày trước lễ Giáng Sinh đặc biệt vào năm 1997, cái ngày mà cô bé đã mơ ước, hiện đang ngay trước mắt em”

Thưa các anh chị em, chúng ta cười, chúng ta khóc, chúng ta làm việc, chúng ta chơi, chúng ta yêu thương, chúng ta sống. Và rồi chúng ta chết. Cái chết đến với mọi người chúng ta. Tất cả chúng ta đều phải bước ngang qua ngưỡng cửa của cái chết. Cái chết đến với người già cả, người mệt mỏi và kiệt sức. Nó đến với tuổi trẻ đang nở rộ hy vọng và tương lai đầy vinh quang. Và trẻ con cũng chẳng thoát khỏi cái chết. Trong những lời của Sứ Đồ Phao Lô: “Theo như đã định cho cho loài người phải chết một lần”12

Và chúng ta vẫn còn chết nếu không có Một Người và sứ mệnh của Người, chính là Chúa Giê Su của Na Xa Rét. Sinh ra trong chuồng gia súc, được đặt trong máng cỏ, sự giáng sinh của Ngài đã ứng nghiệm lời công bố đầy soi dẫn của nhiều vị tiên tri. Ngài đã được giảng dạy từ trên cao. Ngài đã ban cho sự sống, sự sáng, và con đường. Vô số người đã đi theo Ngài. Trẻ con đã kính yêu Ngài. Những kẻ kiêu căng chối bỏ Ngài. Ngài đã nói bằng chuyện ngụ ngôn. Ngài đã giảng dạy bằng tấm gương. Ngài đã sống một cuộc sống toàn hảo.

Mặc dù Vua của các vị vua và Chúa của các vị chúa đã đến, nhưng Ngài đã bị một số người đưa ra lời chào hỏi như đưa ra cho một kẻ thù, một kẻ phản bội. Tiếp theo đó là sự nhạo báng mà một số người đã gọi là một cuộc xét xử. Những tiếng kêu gào “đóng đinh nó trên cây thập tự đi! Đóng đinh nó trên cây thập tự đi”13 vang lên trên không trung. Rồi đến việc bắt đầu đi lên Đồi Sọ.

Ngài đã bị nhạo báng, chửi rủa, chế giễu, chế nhạo, và bị đóng đinh vào cây thập tự giữa tiếng reo hò “Hỡi Đấng Ky Tô, Vua dân Y Sơ Ra Ên, bây giờ hãy xuống khỏi cây thập tự, để cho chúng ta thấy và tin”14 “Nó đã cứu kẻ khác mà cứu mình không được”15 Ngài đáp lại: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì”16 “Tôi giao linh hồn lại trong tay Cha! Ngài vừa nói xong thì tắt hơi”17 Xác của Ngài được những bàn tay nhân từ đặt vào một ngôi mộ được đẽo bằng đá.

Vào ngày đầu tuần, từ lúc sớm tinh mơ, Ma Ri Ma Đơ Len và Ma Ri mẹ của Gia Cơ, cùng những người khác đến ngôi mộ. Họ sửng sốt thấy xác Chúa của họ đã biến mất. Lu Ca chép lại rằng hai người đàn ông trong y phục sáng rực đã đến đứng cạnh họ và nói: “Sao các ngươi tìm người sống trong vòng kẻ chết? Ngài không ở đây đâu, song Ngài đã sống lại”18

Tuần tới thế giới Ky Tô hữu sẽ kỷ niệm sự kiện trọng đại nhất được ghi chép trong lịch sử. Lời tuyên bố giản dị: “Ngài không ở đây đâu, song Ngài đã sống lại” là lời xác nhận đầu tiên của Sự Phục Sinh thực sự của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Ngôi mộ trống mà buổi sáng Lễ Phục Sinh đầu tiên đó đã đem lại sự bảo đảm đầy an ủi, một câu trả lời quả quyết cho câu hỏi của Gióp: “Nếu loài người chết, có được sống lại chăng?”19

Đối với tất cả những ai đã mất đi những người thân yêu của mình, thì chúng ta sẽ biến câu hỏi của Gióp thành một câu trả lời: Nếu một người chết đi, thì người ấy sẽ sống lại lần nữa. Chúng ta biết bởi vì chúng ta có ánh sáng của lẽ thật được mặc khải. Đấng Thầy đã phán: “Ta là sự sống lại và sự sống. Kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống và tin ta thì không hề chết”20

Qua những giọt nước mắt và những thử thách, qua những nỗi sợ hãi và đau buồn, qua nỗi đau khổ và sự cô đơn khi mất những người thân, thì có một sự bảo đảm rằng sự sống là trường cửu. Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta là bằng chứng sống về điều đó.

Với tất cả tấm lòng và sự tha thiết của tâm hồn tôi, tôi cất cao tiếng nói của mình trong chứng ngôn với tư cách là một nhân chứng đặc biệt và tuyên bố rằng Thượng Đế hằng sống. Chúa Giê Su là Vị Nam Tử của Ngài, Con Trai Độc Sinh của Đức Chúa Cha trong xác thịt. Ngài là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, Ngài là Đấng Trung Gian của chúng ta với Đức Chúa Cha. Ngài là Đấng đã chết trên thập tự để chuộc những tội lỗi của chúng ta. Ngài đã trở thành những trái đầu mùa của Sự Phục Sinh. Bởi vì Ngài đã chết, nên tất cả chúng ta sẽ được sống lại lần nữa. “Ôi, tuyệt vời biết bao niềm vui mà câu nói này đưa ra: “Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc của tôi hằng sống!”21 Cầu mong cho toàn thế giới biết về điều này và sống theo sự hiểu biết đó, tôi khiêm nhường cầu nguyện, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, Chúa và Đấng Cứu Rỗi, A Men.

Ghi Chú

  1. GLGƯ 42:45.

  2. William Wordsworth, “Ode: Intimations of Immortality from Recollections of Early Childhood,” trong The Oxford Book of English Verse: 12501900, do Arthur Quiller-Couch xuất bản (1939), 628.

  3. Gióp 14:14.

  4. The Story of My Life (1932), chương 47, đoạn 34.

  5. Arthur Schopenhauer, trong The Home Book of Quotations, do Burton Stevenson tuyển chọn (1934), 969.

  6. God and My Neighbor (1914).

  7. Xin xem More Things in Heaven and Earth: Adventures in Quest of a Soul (1925), 11.

  8. Công Vụ Các Sứ Đồ 7:56.

  9. 1 Cô Rinh Tô 15:3–5, 8.

  10. GLGƯ 76:22.

  11. “The Beautiful Day,” từ cuốn phim Scrooge (1970), nhạc và lời của Leslie Bricusse.

  12. Hê Bơ Rơ 9:27.

  13. Lu Ca 23:21.

  14. Mác 15:32.

  15. Mác 15:31.

  16. Lu Ca 23:34.

  17. Lu Ca 23:46.

  18. Lu Ca 24:5–6.

  19. Gióp 14:14.

  20. Giăng 11:25–26.

  21. “Tôi Biết Rằng Đấng Cứu Chuộc của Tôi Hằng Sống,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 38; xin xem thêm Gióp 19:25.

In