2007
Hãy Ở Trên Lối Đi
Tháng Năm năm 2007


Hãy Ở Trên Lối Đi

Đôi khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể sống trong một chỗ không an toàn mà vẫn duy trì được đức hạnh của mình. Nhưng nơi đó là một chỗ nguy hiểm để sống.

Hình Ảnh

Trên một con đường mòn trong hẻm núi gần nhà tôi, có một tấm bảng nói rằng Hãy Ở trên Lối Đi. Khi một người bắt đầu đi trên con đường mòn đó thì chẳng bao lâu sẽ thấy rõ rằng tấm bảng này đưa ra lời khuyên rất chí lý . Có những ngọn đồi, những chỗ ngoặt và những cái dốc thẳng đứng, và trong một số nơi đất trên lối đi thì gồ ghề và vào một thời gian nào đó trong năm, thỉnh thoảng có rắn chuông. Sứ điệp của tôi buổi tối hôm nay cho mỗi em cũng giống như sứ điệp trên tấm bảng đó—Hãy Ở trên Lối Đi.

Cách đây vài năm, tôi làm một cuộc đi bộ đường dài lên trên vùng núi Teton Mountains ở Wyoming với một nhóm thiếu nữ. Đó là một cuộc đi bộ rất khó khăn và vào ngày thứ nhì, chúng tôi đến một vùng nguy hiểm nhất trong chặng đường đi. Chúng tôi sắp đi bộ dọc theo Đèo Hurricane—đúng như cái tên của nó vì gió hầu như luôn luôn thổi mạnh nơi đó. Chúng tôi được một nhân viên lâm nghiệp cho hay là phải luôn luôn ở giữa lối đi, ở chỗ trống trải của lối đi thì hãy đi càng thấp càng tốt, buộc chặt đồ đạc trong túi đeo lưng và đi thật nhanh. Đèo này không có chỗ để chụp ảnh hay la cà. Tôi đã thấy nhẹ nhõm cả người và vui mừng khi mỗi thiếu nữ đã đi ngang qua chỗ ấy một cách thành công. Và các em có biết không—không một người nào trong số các em ấy đã hỏi xem mình đã đi sát vách núi bao xa!

Đôi khi trong cuộc sống của mình, chúng ta muốn lãng phí thời giờ trong những chỗ nguy hiểm nghĩ rằng đó là điều thú vị và ly kỳ và chúng ta đang làm chủ tình hình. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể sống trong một chỗ không an toàn mà vẫn duy trì được đức hạnh của mình. Nhưng nơi đó là một chỗ nguy hiểm để sống. Như Tiên Tri Joseph Smith đã nói với chúng ta: “Hạnh phúc là mục tiêu và mục đích của cuộc sống chúng ta; và sẽ là sự kết thúc từ đó, nếu chúng ta theo đuổi con đường dẫn đến hạnh phúc đó; và con đường này là đức hạnh” (History of the Church, 5:134–35).

Lời khuyên của Chúa cho Emma Smith trong Giáo Lý và Giao Ước tiết 25 là lời khuyên của Ngài cho tất cả các con gái quý báu của Ngài. Trong tiết đó chúng ta được ban cho những chỉ dẫn chi tiết để xử sự và được khuyên bảo phải “bước đi trên những con đường đức hạnh” (câu 2). Đức hạnh “là mẫu mực của ý nghĩ [hoặc] hành vi dựa vào những tiêu chuẩn luân lý cao” (Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta [2004], 118). Vậy thì các tiêu chuẩn luân lý cao mà giúp chúng ta có đạo đức tốt là gì?

Đức hạnh gồm có sự trang nhã—trong ý nghĩ, lời lẽ, cách ăn mặc và hành vi. Và sự trang nhã là nền tảng chắc chắn của sự trinh khiết. Cũng giống như một người không đi chân không trên con đường mòn có nhiều rắn chuông, tương tự như trong thế giới ngày nay thái độ trang nhã chính là điều thiết yếu cho sự an toàn của chúng ta. Qua thái độ trang nhã, chúng ta cho những người khác thấy rằng chúng ta hiểu mối quan hệ của mình với Cha Thiên Thượng với tư cách là các con gái của Ngài. Chúng ta cho thấy rằng chúng ta yêu thương Ngài và rằng chúng ta sẽ đứng làm nhân chứng cho Ngài trong mọi việc. Xử sự trang nhã là để cho những người khác biết rằng chúng ta “trân quý đức hạnh” (“Dearest Children, God Is Near You,” Hymns, số 96.) Sự trang nhã không phải là một vấn đề “thời trang.” Đó là một vấn đề về tấm lòng và sự thiêng liêng. Nó không phải là đúng mốt thời trang mà là sống trung tín. Nó không phải là nổi tiếng mà là sống trinh khiết và tuân giữ các giao ước. Nó không phải là được mọi người biết đến mà là trinh bạch. Sự trang nhã hoàn toàn liên quan đến việc giữ vững vị trí của chúng ta trên con đường trinh khiết và đức hạnh. Rõ ràng, đức hạnh là một điều kiện cho sự tôn cao. Mặc Môn giúp chúng ta hiểu rằng cả đức hạnh lẫn sự trinh khiết là “những gì yêu quý và quý giá nhất của mình” (Mô Rô Ni 9:9). Chúng ta không thể nào xem thường hoặc đến quá gần sự nguy hiểm. Đó là nơi nguy hiểm cho bất cứ người con gái nào của Thượng Đế để bước đến.

Chúng ta được khuyên dạy trong sách Giáo Lý và Giao Ước tiết 25 rằng chúng ta phải trung tín tuân giữ những giao ước của chúng ta (xin xem câu 13). Trung tín tuân giữ đối với tôi có nghĩa là gắn bó, trung thành, và thật sự bám chặt vào những lời hứa mà chúng ta lập với Chúa. Các giao ước của chúng ta sẽ củng cố chúng ta để chống lại cám dỗ. Việc tuân giữ các giao ước của chúng ta sẽ giữ vững chúng ta trên con đường đức hạnh. Khi tuân giữ các giao ước mà mình đã lập tại lễ báp têm, chúng ta sẽ ở giữa con đường. Anh Cả Jeffrey R. Holland nhắc chúng ta rằng:

“Khi bắt đầu với phép báp têm của mình, chúng ta lập các giao ước trong khi chúng ta đi theo con đường này dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu, và chúng ta ở trên con đường này bằng cách tuân giữ các giao ước đó… .

“… Những thúc giục của Đức Thánh Linh sẽ luôn luôn đầy đủ cho nhu cầu của chúng ta nếu chúng ta tuân giữ các giao ước. Hầu hết các ngày trong tuần, con đường của chúng ta sẽ gay go, nhưng sự giúp đỡ mà chúng ta nhận được để khắc phục những khó khăn thì thật sự thiêng liêng. Chúng ta có ba vị trong Thiên Chủ Đoàn—Đức Chúa Cha, Vị Nam Tử và Đức Thánh Linh—giúp đỡ chúng ta nhờ vào các giao ước mà chúng ta đã lập.

“Để nhắc chúng ta về các giao ước đó, mỗi tuần chúng ta dự phần Tiệc Thánh. Trong lời cầu nguyện dâng lên về bánh, chúng ta ‘làm chứng cùng Cha, hỡi Thượng Đế Đức Cha Vĩnh Cửu, rằng [chúng ta] tình nguyện mang danh Con của Cha, và luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, cùng tuân giữ các giáo lệnh mà Ngài đã ban cho [chúng ta], để [chúng ta] có thể luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng [chúng ta]’ (GLGƯ 20:77) (“Điều Mà Tôi Ước Muốn Mọi Tín Hữu Mới Phải Biết—và Mỗi Tín Hữu Lâu Năm Phải Nhớ” Liahona, tháng Mười năm 2006, 11–12).

Được hướng dẫn bởi Thánh Linh của Ngài, các em sẽ có được sự tin tưởng và hạnh phúc, và đức hạnh sẽ làm đẹp tư tưởng của các em luôn luôn. Sách Mặc môn mô tả điều gì đã xảy ra khi cả một xã hội tuân giữ các giao ước của họ và sống trong sạch và đức hạnh: “Và chẳng có một dân tộc nào trong tất cả những dân tộc do bàn tay Thượng Đế tạo ra mà được hạnh phúc hơn dân này” (4 Nê Phi 1:16). Được hướng dẫn bởi Đức Thánh Linh, các em cũng sẽ là một ảnh hưởng ngay chính đến những người khác.

Trong văn phòng của mình, tôi có ảnh của các thế hệ phụ nữ trong gia đình tôi—bà cố, bà ngoại, mẹ, và con gái của tôi, Emi. Cuộc sống đầy cam kết và đức tin của họ nơi kế hoạch đã giúp tôi là người tốt hơn và thành đạt nhiều hơn. Bây giờ, khi nhìn vào bức ảnh đó, tôi có thể thấy rất rõ ràng tầm quan trọng của việc sống một cuộc sống đức hạnh. Ngày nay, tôi không những có một người con gái mà còn có đến năm đứa con dâu và năm đứa cháu gái nhỏ để thêm vào bức ảnh đó. Tôi cảm thấy một trách nhiệm nặng nề để sống một cuộc sống gương mẫu đức hạnh và thánh thiện trước mặt họ. Ngay cả nếu các em là những người đầu tiên trong thế hệ để đến với Giáo Hội, thì các em cũng có một trách nhiệm đối với con cháu của mình.

Mới gần đây, tôi đã làm một chuyến đi bộ đường dài giống như cuộc đi bộ ở vùng núi Tetons mà tôi đã đề cập lúc nãy, nhưng lần này thì chỉ với chồng tôi và một nhóm bạn bè cùng tuổi với chúng tôi. Khi chúng tôi bắt đầu đi bộ thì nó rất ly kỳ và dễ dàng nhưng trước khi chúng tôi đến điểm tới của mình, thì chúng tôi mệt lử và tôi biết rằng tôi đang gặp rắc rối. Tôi đã không chuẩn bị cho cuộc đi bộ về mặt thể chất như tôi đã chuẩn bị khi tôi đi bộ với các thiếu nữ nhiều năm trước—và tôi đã gói đồ hành trang của mình một cách cẩu thả và đã đem theo quá nhiều. Sức nặng của túi hành trang của tôi bắt đầu làm cho tôi rã rời và sẵn sàng đầu hàng. Những người khác cũng thấy đường quá cao, địa thế hiểm nghèo, và túi hành trang nặng nề. Chồng của tôi cảm thấy được điều này và vội vã đi lên trước. Tôi cảm thấy bị bỏ rơi. Tuy nhiên, sau một giờ đồng hồ tôi đã có thể thấy được chồng tôi đi xuống con đường mòn ở bên kia thung lũng. Anh ấy đang chạy về hướng tôi, anh ấy lấy cái túi hành trang của tôi, lau nước mắt cho tôi và dẫn tôi đi đến điểm tới—một cái hồ hoàn toàn trong suốt bao vây bởi những tàng cây thông cao ngất. Rồi anh quay trở lại, đi xuống con đường mòn, và cũng làm như vậy bốn lần nữa cho những người đi bộ khác. Khi nhìn theo anh ấy, tôi cảm thấy ân hận đã không chuẩn bị và lại còn ân hận hơn nữa vì tôi đã có quá nhiều đồ dư trong túi hành trang của mình mà đã thêm vào sức nặng mà anh đã phải vác cho tôi. Nhưng tôi rất lấy làm biết ơn về sức mạnh, tính vô vị kỷ , sự chuẩn bị và tình yêu của anh.

Khi các em leo lên ngọn núi của cuộc đời, thì hãy ở trên lối đi của đức hạnh. Sẽ có những người khác giúp đỡ các em—cha mẹ, những người trong gia đình, vị giám trợ, các cố vấn và những người bạn ngay chính ở đủ mọi lứa tuổi. Và nếu các em mệt mỏi hoặc làm điều lầm lỗi thì hãy thay đổi hướng đi và trở lại con đường đức hạnh. Hãy luôn luôn nhớ rằng Đấng Cứu Rỗi hiện diện với các em. Ngài sẽ có thể giúp các em hối cải, củng cố các em, nâng nhẹ gánh nặng của các em, lau khô nước mắt của các em, an ủi các em, và tiếp tục giúp các em ở trên lối đi.

Đấng Cứu Rỗi là tấm gương đức hạnh toàn hảo. Khi Chúa Giê Su bước đi trên những con đường của Đất Thánh, Ngài “đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38). Ngài chữa lành người bệnh và khiến kẻ mù thấy được và làm người chết sống lại. “Ngài giảng dạy lẽ thật vĩnh cửu, sự xác thực của cuộc sống tiền dương thế của chúng ta, mục đích của cuộc sống của chúng ta trên thế gian, và tiềm năng của chúng ta là các con gái của Thượng Đế trong cuộc sống mai sau” (xin xem “Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ,” Liahona, tháng Tư năm 2000, 2–3). Một trong các đoạn thánh thư ưa thích của tôi là: “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê Hô Va, Chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con; Phòng trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, Thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con” (Châm Ngôn 3:5–6)

Tôi làm chứng rằng điều này là chân chính. Ngài không những đánh dấu đường đi mà đôi khi Ngài còn giúp cho riêng tôi. “Con đường của Ngài là lối đi dẫn đến hạnh phúc trong cuộc sống này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau” (“Đấng Ky Tô Hằng Sống,” Liahona, tháng Tư năm 2000, 3). Tôi làm chứng với các em rằng Ngài hằng sống! Ngài sẽ lắng nghe những lời cầu nguyện của các em và hướng dẫn bước chân của các em. Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Gương Mẫu và Đấng Hướng Dẫn của chúng ta. Hãy ở trên lối đi! Hãy là người trang nhã. Hãy trung tín tuân giữ các giao ước của các em và xứng đáng với sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Chúa hứa rằng: “Hãy vui lên, vì ta sẽ hướng dẫn các ngươi đi. Vương quốc là của các ngươi, và phước lành trong đó là của các ngươi, và của cải của sự vĩnh cửu là của các ngươi” (GLGƯ 78:18). Thật vậy, lòng tôi cảm kích vô cùng trước “cuộc sống độc nhất vô địch của Ngài và quyền năng vô tận của sự hy sinh chuộc tội vĩ đại của Ngài” (“Đấng Ky Tô Hằng Sống” Liahona, tháng Tư năm 2000, 2; sự nhấn mạnh được thêm vào). Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

In