2007
Ai Đang Ở Bên Phía Chúa?
Tháng Năm năm 2007


Ai Đang Ở Bên Phía Chúa?

Nếu các anh chị em chịu ở bên phía Chúa của lằn ranh thì kẻ nghịch thù không thể đến đó để cám dỗ các anh chị em.

Hình Ảnh

Các anh chị em thân mến. Tôi biết ơn về việc chúng ta sống trong một thời kỳ và một thời đại mà các sứ đồ và các vị tiên tri sống trên thế gian và cung ứng sự soi dẫn và sự hướng dẫn cho chúng ta. Tôi làm chứng rằng Chủ Tịch Hinckley, quả thật, là vị tiên tri của Thượng Đế—cũng giống như Môi Se, Áp Ra Ham và tất cả các vị tiên tri khác kể từ lúc sáng thế. Tôi biết ơn về lời khuyên dạy của ông buổi sáng hôm nay và về cơ hội mà chúng ta sẽ có vào lúc kết thúc đại hội này để nghe ông nói thêm một lần nữa.

Ngày hôm nay tôi đặc biệt nói chuyện với các thanh thiếu niên của Giáo Hội cũng như cha mẹ họ và các vị lãnh đạo của giới trẻ. Tôi cũng nói với các thành niên trẻ tuổi độc thân cao quý—là những người có các tài năng, khả năng và tiềm năng tuyệt vời để phục vụ trong vương quốc.

Chủ Tịch Hinckley đã nói về thế hệ này: “Không bao giờ có một thời kỳ như vậy. Thật là một điều tuyệt vời để được sống trong thời kỳ đầy kỳ diệu trong lịch sử của thế gian như bây giờ! Chưa bao giờ có một thế hệ trẻ như vậy… . Các em thật sự là ‘một thế hệ được lựa chọn’ (Way to Be! [2002], 3).

Các em, là giới trẻ của Si Ôn, có một công việc vĩ đại để làm—và đã được ban cho mọi tài năng và cơ hội, bất luận các em sống nơi đâu, để làm đúng theo điều mà Cha Thiên Thượng kỳ vọng nơi các em. Tôi cầu nguyện rằng những lời nhận xét của tôi buổi trưa hôm nay sẽ giúp các em trong công cuộc tìm kiếm đó.

Vào tháng Hai năm 1852, một phụ nữ trẻ tên là Hannah Last Cornaby chịu phép báp têm ở Yarmouth, Anh quốc. Đó không phải là một kinh nghiệm êm đềm, nghiêm trang như phần đông những người khác, nhưng nó được người phụ nữ ấy mô tả trong những lời này: “Chúng tôi thấy căn nhà bị đám đông bao vây mà qua đó chúng tôi phải khó khăn lắm mới có thể đi ra được… . Trước khi chúng tôi đi đến bờ nước, cả đám đông bao vây chúng tôi; và chồng tôi đã làm báp têm cho tôi ở giữa đám mưa đá, và những tiếng hò hét … và, mặc dù đá bay vèo vèo quanh chúng tôi dày đặc như mưa, không một cục đá nào trúng chúng tôi, và chúng tôi đã về nhà bình yên, xin cảm tạ Thượng Đế về sự cứu nguy đầy kỳ diệu của chúng tôi” (Hannah Cornaby, Autobiography and Poems [1881], 24–25).

Cuộc sống sau đó của người ấy cũng không dễ dàng. Nhiều năm sau, người ấy viết những dòng này:

Ai ở bên phía Chúa? Ai?

Giờ đây là lúc để cho thấy.

Chúng ta mạnh dạn hỏi:

Ai ở bên phía Chúa? Ai?

(“Who’s on the Lord’s Side?” Hymns, số 260)

Mặc dù đây là những lời của một bài ca mà chúng ta không thường hát, nhưng nó đã trở thành một trong những bài thánh ca ưa thích của tôi vì sự bày tỏ đầy cam kết với lẽ thật và điều ngay đúng. Thật vậy, đó là một câu hỏi mà phải ở trong tâm trí của mỗi thanh thiếu nữ trên khắp thế gian: “Ai ở bên phía Chúa?” Và câu trả lời mạnh dạn của chúng ta phải là: “Chính là tôi!

Đó là câu hỏi trong tâm trí của Nê Phi khi Chúa, qua cha của Nê Phi là Lê Hi, hướng dẫn Nê Phi và các anh em của ông trở lại Giê Ru Sa Lem để lấy các bảng khắc bằng đồng. Khi La Man và Lê Mu Ên ta thán thì câu hỏi đã đến với Nê Phi: “Ai ở bên phía Chúa?” Ông đã trả lời cho câu hỏi đó: “Chính là tôi!” bằng những lời: “Con sẽ đi và làm những gì Chúa đã truyền lệnh, vì con biết Chúa không ban ra một lệnh truyền nào cho con cái loài người mà Ngài lại không chuẩn bị sẵn một đường lối để họ có thể thực hiện được những điều Ngài phán truyền” (1 Nê Phi 3:7).

Điều đó cũng giống như vậy với thiếu niên Đa Vít trong Sách Cựu Ước. Hãy nhớ rằng khi còn là một người chăn chiên trẻ tuổi, ông đã đi thăm các anh của mình nơi chiến trường. Trong khi ở đó, ông đã nghe được những lời mắng nhiếc của Gô Li Át người Phi Li Tin đối với những người Y Sơ Ra Ên—thách họ đánh. Và tất cả các chiến sĩ Y Sơ Ra Ên đều sợ phải đối đầu với người khổng lồ. Câu trả lời của họ cho câu hỏi: “Ai ở bên phía Chúa?” không phải là: “Chính là tôi!” mà là “Tại sao lại là tôi?”

Nhưng thiếu niên Đa Vít thì không như vậy. Chỉ với đá và một cái trành ném đá giản dị của người chăn chiên, ông đã tiến đến gần người khổng lồ và nói: “Ngươi cầm gươm, giáo, lao mà đến cùng ta; còn ta, ta nhân danh Đức Giê Hô Va vạn binh mà đến… .

“Ngày nay Đức Giê Hô Va sẽ phó ngươi vào tay ta; … khắp thế gian sẽ biết rằng Y Sơ Ra Ên có một Đức Chúa Trời” (1 Sa Mu Ên 17:45–46). Vào vào lúc đó, Đa Vít đã không bước đi một cách rụt rè mà chạy đến gặp người khổng lồ. Và nhờ vào đức tin của Đa Vít nơi Thượng Đế mà Gô Li Át bị giết và Y Sơ Ra Ên đã thắng trận.

Các em thân mến, bất cứ nơi nào tôi đi, tôi đều gặp giới trẻ cao quý giống như các em là những người đang thường xuyên đương đầu với người khổng lồ Gô Li Át hiện đại qua hình thức của những sự cám dỗ mà sẽ khiến cho chúng ta vi phạm các giao ước của mình và các tiêu chuẩn đạo đức mà Chúa đã ban cho chúng ta. Điều này trở nên càng quan trọng hơn khi hằng ngày các em bị bao quanh bởi lời báng bổ, sự đồi bại mà đã được xã hội chấp nhận, sự khiếm nhã, hình ảnh sách báo khiêu dâm, và tài liệu không thích đáng khác của phương tiện truyền thông, kể cả truyền hình và mạng lưới Internet, và sự phổ biến rộng rãi của ma túy và rượu. Nói tóm lại, không một ngày qua đi mà chúng ta không được hỏi, bằng hình thức này hay hình thức khác: “Ai ở bên phía Chúa? Ai?” Tôi có hai đề nghị giản dị để giúp các em chuẩn bị câu trả lời của mình cho câu hỏi đó.

Trước hết, đừng bao giờ quên các em là ai. Lẽ thật giản dị nằm ở trong thánh ca thiếu nhi mà nhiều người trong chúng ta đã học được trong Hội Thiếu Nhi: “Tôi là con Đức Chúa Cha.” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 58). Và Cha Thiên Thượng đầy thông sáng và nhân từ của chúng ta đã không chỉ gửi chúng ta đến nơi đây và rồi bỏ chúng ta một mình. Ngài đã ban cho chúng ta những chỉ dẫn cụ thể để giúp chúng ta hoàn thành điều mà Ngài kỳ vọng nơi chúng ta. Ngài đã ban cho chúng ta gia đình để giúp đỡ, yêu thương và giảng dạy. Ngài đã ban cho chúng ta các vị tiên tri tại thế để hướng dẫn chúng ta. Ngài đã ban cho chúng ta, qua Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, các tiêu chuẩn trong sách “Cho Sức Mạnh của Giới Trẻ” với lời hứa này: “Chúng tôi hứa rằng khi các em tuân giữ các tiêu chuẩn này và sống theo các lẽ thật trong thánh thư, thì các em sẽ có thể làm công việc trong cuộc sống của các em với sự khôn ngoan và kỹ năng lớn lao hơn và chịu đựng những thử thách đầy can đảm hơn. Các em sẽ có sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh” ([2001], 2–3).

Tôi luôn luôn giữ bên mình quyển sách nhỏ này—luôn luôn! Tôi khuyến khích các em cũng nên làm như vậy. Rồi, khi các em đang đứng chờ xe buý t hoặc có được một giây phút rảnh rỗi, thì hãy lấy sách đó ra, đọc nó và tái cam kết để sống theo các tiêu chuẩn trong quyển sách nhỏ đó. Tôi hứa với các em rằng khi các em làm như vậy thì hạnh phúc, sự bình an và những cảm giác can đảm và tự trọng sâu xa sẽ theo sau.

Khi các em sử dụng quyền tự quyết của mình thì hãy nhớ rằng các em không làm điều đó một mình. Ngoài việc có Cha Thiên Thượng nhân từ và đầy thông sáng, còn có những người khác đang cầu nguyện cho các em để chọn làm điều khôn ngoan. Lúc còn trẻ, khi tôi đi chơi hẹn hò hoặc đi với bạn bè của mình, tôi thường luôn luôn cho cha mẹ tôi biết khi tôi về nhà. Thường thường tôi chỉ gõ vào cửa phòng của họ, mở ra và nói: “Con đã về,” và rồi đi ngủ. Một đêm nọ, tôi về nhà từ một buổi hẹn hò, gõ vào cửa như thường lệ và rồi mở cửa. Khi tôi làm như vậy, thì ánh đèn từ hành lang chiếu xuống người mẹ thiên thần của tôi đang quỳ gối cầu nguyện. Và khi tôi thấy mẹ tôi ở đó thì tôi biết bà đang cầu nguyện cho ai. Tôi không bao giờ quên kinh nghiệm đó. Và việc biết rằng mẹ của tôi vẫn còn cầu nguyện cho tôi ngày nay, củng cố tôi và nhắc nhở tôi rằng tôi là ai và tôi không bị bỏ mặc một mình.

Đề nghị thứ nhì của tôi: hãy học cách kiềm chế tư tưởng của các em. Một phần của kế hoạch hạnh phúc mà Cha Thiên Thượng đã ban cho chúng ta là chúng ta được gửi đến nơi đây để được thử thách. Do đó, sẽ luôn luôn có những cám dỗ. Công việc của chúng ta, với tư cách là Các Thánh Hữu Ngày Sau, là tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế, bất chấp những cám dỗ mà Sa Tan gửi đến cho chúng ta. Trong đời tôi, tôi đã thấy điều này dễ dàng hơn nhiều khi chúng ta có thể kiềm chế tư tưởng của mình—và nhất là khi chúng ta đã thuộc lòng các bài ca, các câu thánh thư và các bài thơ hay để thay thế cho những tư tưởng xấu mà đến với tâm trí của mình.

Chủ Tịch Boyd K. Packer đã khuyên bảo chúng ta phải có một bài thánh ca thuộc lòng để khi nào tư tưởng không thích đáng đến với tâm trí của mình thì chúng ta có thể thay thế nó bằng một bài thánh ca. Khi áp dụng lời chỉ dạy này, một người bạn của tôi đã giải thích: “Một ngày nọ, tôi rời văn phòng đi ăn trưa. Sau khi tôi đi được khoảng hai con đường thì tôi nhận thấy rằng tôi đang ngân nga ‘bài hát của tôi’: Tôi là Con Đức Chúa Cha.’ Khi tôi suy nghĩ tại sao tôi làm điều này trong khi đang đi thì tôi nhận biết rằng trong khi tôi băng qua đường từ văn phòng của mình, thì một thiếu nữ, ăn mặc khiếm nhã, đã đi ngang qua tôi. Lập tức, trong tiềm thức của tôi, những lời ca và tiếng nhạc của bài ‘Tôi là Con Đức Chúa Cha’ bắt đầu tuôn ra trong đầu tôi—để thay thế cho những ý nghĩ không thích đáng.” Ngày đó, người bạn của tôi đã học được một bài học quý báu về khả năng của anh ấy để kiềm chế tư tưởng của mình.

Chủ Tịch George Albert Smith đưa ra lời khuyên dạy tuyệt vời về đề tài này khi ông nói: “Có một lằn phân ranh giới rõ ràng giữa lãnh thổ của Chúa với lãnh thổ của quỷ dữ. Nếu các anh chị em chịu ở bên phía Chúa của lằn ranh thì kẻ nghịch thù không thể đến đó để cám dỗ các anh chị em… . Nhưng … nếu các anh chị em bước qua lằn ranh sang phía của quỷ dữ thì các anh chị em sẽ ở trong lãnh thổ của nó … và nó sẽ cố gắng làm cho các anh chị em càng ở xa lằn ranh đó càng tốt, vì biết rằng nó chỉ có thể thành công trong việc hủy diệt các anh chị em bằng cách giữ các anh chị em ở xa nơi mà có sự an toàn” (trong Conference Report, tháng Mười năm 1945, 118).

Chủ đề của Hội Hỗ Tương Thanh Thiếu Niên trong năm 2007 cung ứng một lời hứa cho những người lưu tâm đến lời khuyên dạy khôn ngoan này: “Hãy để cho đức hạnh của ngươi làm đẹp tư tưởng của ngươi luôn luôn; rồi thì niềm tin của ngươi sẽ vững mạnh trong sự hiện diện của Thượng Đế … [và] Đức Thánh Linh sẽ là người bạn đồng hành luôn luôn ở bên ngươi.” (GLGƯ 121:45–46).

Tôi làm chứng với các em rằng Thượng Đế hằng sống. Tôi biết rằng chúng ta là con cái của Ngài, rằng Ngài biết đích danh chúng ta và rằng chúng ta không bị bỏ mặc một mình khi chúng ta chọn những quyết định quan trọng này. Mỗi ngày trong đời mình, các em sẽ có những sự chọn lựa, kết quả của những sự chọn lựa này sẽ đặt các em vào bên này hay ở bên kia của lằn ranh. Và như vậy tôi đưa ra lời yêu cầu này cho tất cả giới trẻ đang nghe tôi nói—cho giới trẻ với quyền thừa kế cao quý trên khắp thế giới: hãy sống cuộc sống của mình theo một cách thức mà khi các em có một sự chọn lựa giữa điều tốt với điều xấu và khi tận trong thâm tâm các em có thể nghe được câu hỏi “Ai ở bên phía Chúa?”—thì các em sẽ chuẩn bị để trả lời với tất cả sức mạnh của mình: “Chính là tôi!” Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

In