2007
Ngôn Ngữ của Các Thiên Thần
Tháng Năm năm 2007


Ngôn Ngữ của Các Thiên Thần

Lời nói, cũng như hành động của chúng ta, cần phải tràn đầy đức tin, hy vọng và lòng bác ái.

Hình Ảnh

Tiên Tri Joseph Smith đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về quyền năng của lời nói khi ông dạy rằng: “Chính là bởi lời nói, … [mà] mọi người đều hành động khi người ấy hành động bởi đức tin. Thượng Đế phán: ‘Phải có sự sáng; thì có sự sáng.’ Giô Suê thưa, và Mặt Trời và Mặt Trăng mà Thượng Đế đã sáng tạo ra bèn dừng lại. Ê Li truyền lệnh, và trời ngừng lại trong vòng ba năm và sáu tháng, vậy trời đã không hề mưa … Và tất cả những điều này đều được thực hiện bởi đức tin … Đức tin, rồi sau đó, hành động nhờ từng lời nói; và bằng [lời nói]những hành động phi thường nhất đã, đang, và sẽ được thực hiện.”1 Giống như tất cả mọi ân tứ mà “phát xuất từ trên cao,” lời nói đều “thiêng liêng, và phải được nói tới một cách thận trọng, và với sự chấp thuận của Thánh Linh”2

Chính là với sự nhận thức này về quyền năng và tính thiêng liêng của những lời nói mà tôi mong muốn được cảnh giác chúng ta, nếu sự cảnh giác là cần thiết, về cách chúng ta nói với nhau và nói với bản thân mình.

Có một dòng trong Kinh Áp Bô Ríp Pha mà nói về tính hệ trọng của vấn đề này hay hơn là tôi có thể nói. Đó là: “Lời nói có thể gây tai hại nặng nề và lâu dài hơn một cái quất bằng roi”3 Nghĩ đến hình ảnh đầy nhức nhối của câu đó, tôi đã có ấn tượng đặc biệt phải đọc trong sách Gia Cơ rằng có một cách thức để tôi có thể trở thành “người trọn vẹn.”

Gia Cơ nói rằng: “Chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm. [Nhưng] Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn vẹn, hay hãm cầm cả mình.”

Tiếp tục với hình ảnh về cái cương ngựa, ông viết: “Chúng ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa, cho nó chịu phục mình, nên mới sai khiến cả và mình nó được.

“Hãy xem những chiếc tàu: dầu cho lớn mấy … , và bị gió lạnh đưa đi thây kệ, một bánh lái rất nhỏ cũng đủ cạy bát nó”

Rồi Gia Cơ giải thích cặn kẽ: “Cái lưỡi [cũng] là một quan thể nhỏ … [Nhưng] thử xem cái rừng (Hy Lạp) lớn chừng nào mà một chút lửa [có thể đốt cháy lên].

“… Cái lưỡi cũng như [lửa], … ở giữa các quan thể chúng ta, làm ô uế cả mình, … chính mình nó đã bị lửa địa ngục đốt cháy.

“Hết thảy loài muông thú, chim chóc, sâu bọ, loài dưới biển, … và đã bị loài người tri phục rồi:

“Nhưng cái lưỡi, không ai tri phục được nó; ấy là một vật dữ người ta không thể hãm dẹp được, đầy dẫy những chất độc giết chết.

“Bởi cái lưỡi chúng ta khen ngợi Chúa, Cha chúng ta , và cũng bởi nó chúng ta rủa sả loài người, là loài tạo theo hình ảnh Đức Chúa Trời.

“Đồng một lỗ miệng mà ra cả sự khen ngợi và rủa sả. Hỡi anh em, không nên như vậy.”4

Vâng, điều đó thật là thẳng thắn! Hiển nhiên, Gia Cơ không có ý nói rằng lưỡi của chúng ta luôn luôn ác độc, hay mọi thứ chúng ta nói ra đều “đầy dẫy những chất độc giết người.” Nhưng rõ ràng ông có ý nói rằng ít nhất một số điều mà chúng ta nói ra có thể gây hủy hoại, ngay cả độc địa—và điều đó chính là một bản án rùng rợn cho một Thánh Hữu Ngày Sau! Giọng nói mà chia sẻ chứng ngôn sâu xa, thốt ra lời cầu nguyện khẩn thiết, và hát những bài thánh ca của Si Ôn có thể là cùng một giọng nói đó mà mắng nhiếc và chỉ trích, làm ngượng ngịu và làm giảm giá trị, gây đau đớn và hủy diệt tinh thần của mình và của những người khác trong tiến trình. Gia Cơ buồn bã nói: “Đồng một lỗ miệng mà ra cả sự khen ngợi và rủa sả. Hỡi anh em [và các chị em], không nên như vậy.”

Đây có phải là điều mà tất cả chúng ta đều cần phải sửa đổi một chút không? Đây có phải là một khía cạnh mà mỗi chúng ta có thể cố gắng hơn một chút để trở thành một người nam hay người nữ “trọn vẹn” không?

Hỡi các người chồng, các anh em đã được ban cho ân tứ thiêng liêng nhất mà Thượng Đế có thể ban cho các anh em—một người vợ, một người con gái của Thượng Đế, người mẹ của con cái của các anh em là người đã tự hiến dâng cho các anh em về tình yêu và tình vợ chồng hạnh phúc. Hãy nghĩ đến những điều tử tế mà các anh em đã nói khi còn hẹn hò với nhau, hãy nghĩ về các phước lành mà các anh em đã ban với bàn tay âu yếm đặt lên đầu của vợ mình, hãy nghĩ về mình và về vợ mình như là thần và nữ thần mà cả hai anh chị vốn là như vậy, và rồi ngẫm nghĩ về những giây phút khác mà đã có những lời lạnh lùng, cay độc, không kiềm chế. Căn cứ vào tai hại mà có thể gây ra với lưỡi của chúng ta, cũng chẳng ngạc nhiên gì nhiều khi Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Chẳng phải điều chi vào miệng làm dơ dáy người; nhưng điều chi ở miệng ra, ấy mới là điều làm dơ dáy người vậy.”5 Một người chồng mà không bao giờ nghĩ đến việc đánh đập vợ mình về mặt thể xác có thể làm gãy vỡ—nếu không phải là xương của vợ mình—thì nhất định phải là trái tim của vợ mình, qua sự độc ác của lời nói thiếu suy nghĩ hay tàn nhẫn. Sự bạo hành thể xác đã bị Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô chính thức và dứt khoát lên án. Nếu có thể được lên án nhiều hơn thế, chúng ta còn phản đối mạnh mẽ hơn tất cả mọi hình thức lạm dụng tình dục. Hôm nay, tôi nói lên sự phản đối về sự lạm dụng trong lời nói và cảm xúc của bất cứ người nào đối với bất cứ ai, nhưng đặc biệt là giữa vợ và chồng. Hỡi các anh em, không nên như vậy.

Trong cùng một tinh thần đó, chúng ta cũng nói với các chị em, vì tội lỗi của việc lạm dụng lời nói không phân biệt giới tính. Hỡi những người vợ, các chị em có nghĩ đến miệng lưỡi không kiềm chế của mình, đến quyền năng của điều tốt hoặc điều xấu trong lời nói của mình không? Làm sao mà một giọng nói ngọt ngào như thế theo bản tính thiêng liêng như thiên thần, thánh thiện, vốn rất dịu dàng và tử tế có thể nào trong chốc lát trở nên léo nhéo, chua cay, gay gắt, và không kiềm chế như vậy được? Lời nói của một người phụ nữ có thể sắc bén hơn bất cứ con dao nào đã được rèn, và những lời nói này có thể làm cho những người mà họ yêu thương lánh xa một cách không tưởng tượng được. Thưa các chị em, không có chỗ nào trong tinh thần cao quý của các chị em dành cho bất cứ lời nói gay gắt hoặc gây tai hại nào, kể cả việc ngồi lê đôi mách, hoặc nói xấu sau lưng, hoặc lời phê bình nham hiểm nào. Đừng bao giờ để bị nói về nhà cửa hay tiểu giáo khu hay khu xóm của chúng ta rằng “cái lưỡi cũng như lửa; ấy là nơi đô hội của tội ác [đốt cháy] ở giữa các quan thể chúng ta”

Tôi xin mở rộng lời khuyên này để áp dụng cho tất cả mọi người trong gia đình. Chúng ta cần phải thật cẩn thận trong khi nói với một đứa trẻ. Điều chúng ta nói hay không nói, cách thức chúng ta nói và khi nào chúng ta nói, đều rất quan trọng trong việc phát triển quan điểm của một đứa trẻ về bản thân nó. Nhưng việc phát triển sự tin tưởng của đứa trẻ đó nơi chúng ta và đức tin của nó nơi Thượng Đế thì càng quan trọng hơn nữa. Hãy đưa ra lời nhận xét có tính cách xây dựng cho một đứa trẻ —luôn luôn. Đừng bao giờ nói với chúng, ngay cả trong khi đùa giỡn, rằng chúng quá mập, ngu ngốc hay lười biếng hay xấu xí. Các anh chị em sẽ không bao giờ cố tình nói như thế, nhưng chúng sẽ nhớ và có thể vất vả bao nhiêu năm để cố quên đi lời nói đó—và tha thứ. Và cố gắng đừng so sánh con cái của các anh chị em, ngay cả nếu các anh chị em cho rằng mình giỏi về lĩnh vực này. Các anh chị em có thể nói một cách khẳng định rằng “Susan thì xinh đẹp còn Sandra thì thông minh” nhưng Susan sẽ chỉ nhớ rằng mình không thông minh và Sandra thì chỉ nhớ rằng mình không xinh đẹp. Hãy khen ngợi từng đứa con một về đặc tính thực sự của nó, và giúp mỗi đứa con thoát khỏi nỗi ám ảnh của văn hóa chúng ta với sự so sánh, đua tranh, và không bao giờ cảm thấy rằng mình không có đủ các điều tốt lành.

Khi nói về tất cả điều này, tôi thiết tưởng mọi người đều hiểu rằng lời nói tiêu cực thường là kết quả của lối suy nghĩ tiêu cực, kể cả việc suy nghĩ tiêu cực về bản thân mình. Chúng ta nhìn thấy khuyết điểm của chính mình, chúng ta nói—hoặc ít nhất là suy nghĩ—một cách khắt khe về mình, rồi chẳng bao lâu thì đó là cách chúng ta nhìn mọi người và mọi vật. Chúng ta không nhìn thấy điều tốt lành nào trong cuộc sống, không có ánh nắng mặt trời, không có hoa hồng, không có lời hứa về niềm hy vọng hoặc hạnh phúc. Chẳng bao lâu thì chúng ta và mọi người chung quanh chúng ta đều khổ sở.

Tôi yêu thích điều mà Anh Cả Orson F. Whitney có lần đã nói: “Tinh thần của phúc âm thì rất lạc quan; nó tin cậy nơi Thượng Đế và tập trung vào khía cạnh tốt đẹp của sự việc. Điều ngược lại hoặc tinh thần bi quan thì làm con người thất vọng và xa khỏi Thượng Đế, tập trung vào khía cạnh tối tăm, những lời ta thán, phàn nàn, và chậm vâng lời”6 Chúng ta phải tuân theo lời tuyên phán của Đấng Cứu Rỗi “Hãy yên lòng”7 (Quả thật, dường như đối với tôi thì chúng ta có thể cảm thấy có lỗi nhiều trong việc vi phạm lệnh truyền đó hơn hầu như bất cứ lệnh truyền nào khác!) Hãy nói những lời đầy hy vọng. Hãy nói những lời đầy khích lệ, kể cả về mình. Cố gắng đừng phàn nàn và than vãn thường xuyên. Như một người có lần đã nói: “Ngay cả trong giai đoạn thịnh vượng nhất của nền văn minh thì chắc chắn cũng có người vẫn phàn nàn.”

Tôi thường nghĩ rằng việc Nê Phi bị trói với dây thừng và đánh bằng roi có lẽ còn dễ chịu hơn việc nghe lời ta thán không ngớt của La Man và Lê Mu Ên.8 Chắc hẳn ông đã nói, ít nhất một lần: “Cứ đánh cho đến khi tôi bất tỉnh đi, để tôi khỏi phải nghe các anh phàn nàn nữa.” Vâng, cuộc đời có những vấn đề của nó, và vâng, có những điều tiêu cực phải đối phó, nhưng xin hãy chấp nhận nghe một trong các câu cách ngôn để sống của Anh Cả Holland—“Phàn nàn thì chỉ làm cho vấn đề càng tồi tệ hơn mà thôi”

Phao Lô nói một cách thẳng thắn nhưng đầy hy vọng. Ông nói với tất cả chúng ta: “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng [chỉ] khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.

“Chớ làm buồn cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, …

“Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rên, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác, …

“Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Ky Tô vậy”9

Trong chứng ngôn đầy xúc động sâu xa cuối cùng của ông, Nê Phi mời gọi chúng ta hãy “noi theo Đức Chúa Con một cách hết lòng” và hứa rằng “sau khi các ngươi đã … nhận được phép báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh, và [các ngươi] có thể nói bằng ngôn ngữ mới, phải, là ngôn ngữ của các thiên thần… . Và … làm sao các người có thể nói được ngôn ngữ của các thiên thần nếu không nhờ bởi Đức Thánh Linh? Các thiên thần nói bằng quyền năng của Đức Thánh Linh; vậy nên các vị ấy nói lên những lời của Đấng Ky Tô.”10 Quả thật, Đấng Ky Tô đã và vẫn là “Ngôi Lời” theo như Giăng Người Được Chúa Yêu Quý ,11 đầy ân điển và lẽ thật, đầy lòng thương xót và lòng trắc ẩn.

Vậy thì, thưa các anh chị em, trong công cuộc tìm kiếm lâu dài và vĩnh cửu để trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi của chúng ta hơn, cầu xin cho chúng ta cố gắng để trở thành những người nam và người nữ “trọn vẹn” ít nhất là bằng cách này bây giờ—bằng cách không xúc phạm trong lời nói, hoặc theo cách nói khẳng định hơn, bằng cách nói với một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của các thiên thần.

Lời nói, cũng như hành động của chúng ta, cần phải tràn đầy đức tin, hy vọng và lòng bác ái, đó là ba lệnh truyền quan trọng của Ky Tô giáo mà vô cùng cần thiết trên thế gian ngày nay. Với những lời nói như thế, được đưa ra dưới ảnh hưởng của Thánh Linh, thì những giọt lệ có thể được lau khô, những tấm lòng có thể được hàn gắn, cuộc sống có thể được nâng cao, hy vọng có thể trở lại, niềm tin có thể chiến thắng. Tôi cầu nguyện rằng những lời nói của tôi, ngay cả về đề tài khó nói này, sẽ khích lệ chứ không làm nản lòng các anh chị em, rằng các anh chị em có thể nghe thấy trong tiếng nói của tôi rằng tôi yêu thương các anh chị em, bởi vì tôi thật sự yêu thương các anh chị em. Quan trọng hơn nữa, xin hãy biết rằng Cha Thiên Thượng yêu thương các anh chị em cũng như Con Trai Độc Sinh của Ngài cũng yêu thương các anh chị em. Khi Các Ngài nói với các anh chị em—và Các Ngài sẽ làm như vậy—sẽ không phải là trong trận gió, cũng không phải là trong cơn động đất, hay trong đám lửa, mà sẽ là tiếng êm dịu nhỏ nhẹ, tiếng dịu dàng và ân cần.12 Đó sẽ là ngôn ngữ của các thiên thần. Cầu xin cho chúng ta đều hân hoan trong ý nghĩ rằng khi chúng ta nói những điều có tính chất gây dựng và khích lệ cho những người rất hèn mọn này, thì thưa các anh chị em và các em nhỏ, ấy là chúng ta đã nói với Thượng Đế vậy.13 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Lectures on Faith (1985), 72–73; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  2. GLGƯ 63:64.

  3. Truyền Đạo 28:17.

  4. Gia Cơ 3:2–10; sự nhấn mạnh được thêm vào.

  5. Ma Thi Ơ 15:11.

  6. Trong Conference Report, tháng Tư năm 1917, 43.

  7. Ma Thi Ơ 14:27; Mác 6:50; Giăng 16:33.

  8. Xin xem 1 Nê Phi 3:28–31; 18:11–15.

  9. Ê Phê Sô 4:29–32.

  10. 2 Nê Phi 31:13–14; 32:2–3.

  11. Giăng 1:1.

  12. Xin xem 1 Các Vua 19:11–12.

  13. Xin xem Ma Thi Ơ 25:40.

In