Sự Hối Cải và Sự Cải Đạo
Một người biết hối cải là một người được cải đạo, và một người được cải đạo là một người biết hối cải.
Năm ngoái trong khi Anh Cả David S. Baxter và tôi đang lái xe đến một đại hội giáo khu thì chúng tôi ngừng lại tại một nhà hàng. Sau đó khi trở lại xe của mình, chúng tôi đã đến gần một người phụ nữ mà đang gọi chúng tôi. Chúng tôi rất ngạc nhiên trước vẻ bề ngoài của chị ấy. Sự chỉnh tề của chị ấy (hoặc sự thiếu chỉnh tề) là điều mà tôi có thể lịch sự gọi là “thái quá.” Chị ấy hỏi chúng tôi có phải là các anh cả trong Giáo Hội không. Chúng tôi nói vâng. Hầu như không kiềm chế được, chị ấy kể câu chuyện về cuộc sống bi thảm của mình, đắm chìm trong tội lỗi. Giờ đây, chỉ 28 tuổi, chị rất khổ sở. Chị cảm thấy vô dụng với chẳng có lý do gì để sống. Trong khi chị nói, vẻ tuyệt vời của tâm hồn chị bắt đầu rõ nét lên. Với lời cầu khẩn trong nước mắt, chị hỏi có hy vọng nào cho chị không, có lối thoát nào ra khỏi tình trạng tuyệt vọng của chị không?
Chúng tôi đáp: “Có chứ, có hy vọng. Hy vọng được kết nối với sự hối cải. Chị có thể thay đổi. Chị có thể ‘đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài.’”1 Chúng tôi khuyến khích chị đừng trì hoãn.2 Chị nức nở khóc một cách khiêm nhường và thành thật cám ơn chúng tôi.
Khi Anh Cả Baxter và tôi tiếp tục cuộc hành trình của mình, chúng tôi suy ngẫm về kinh nghiệm đó. Chúng tôi nhớ lại lời khuyên dạy của A Rôn, cho một tâm hồn tuyệt vọng: “Nếu bệ hạ biết hối cải tất cả những tội lỗi của mình và cúi mình trước mặt Thượng Đế, cùng cầu gọi danh Ngài trong đức tin, … thì lúc đó bệ hạ sẽ nhận được niềm hy vọng như bệ hạ mong muốn.”3
Giờ đây, tại phiên họp kết thúc này của đại hội trung ương, tôi cũng nói về sự hối cải. Tôi làm như vậy vì Chúa đã truyền lệnh cho các tôi tớ của Ngài phải rao truyền sự hối cải cho mọi người.4 Đức Thầy đã phục hồi phúc âm của Ngài để mang lại niềm vui cho con cái của Ngài, và sự hối cải là một phần chủ yếu của phúc âm đó.5
Giáo lý về sự hối cải cũng xưa như phúc âm. Những lời giảng dạy trong Kinh Thánh từ sách Sáng Thế Ký6 đến sách Khải Huyền7 đều giảng dạy về sự hối cải. Các bài học của Chúa Giê Su Ky Tô trong giáo vụ trên trần thế của Ngài gồm có những lời cảnh cáo này: “Nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn năn và tin đạo Tin Lành,”8 và “Song nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy sẽ bị hư mất như vậy.”9
Những lời nói đến sự hối cải thì càng thường hơn trong Sách Mặc Môn.10 Chúa đã ban lệnh truyền này cho những người dân Mỹ Châu thời xưa: “Và lại nữa, ta nói cho các nguơi hay, các ngươi phải hối cải và chịu phép báp têm trong danh ta, và trở thành như trẻ nhỏ, bằng không thì các ngươi chẳng có cách nào khác để thừa hưởng vương quốc của Thượng Đế.”11
Với Sự Phục Hồi của phúc âm, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã một lần nữa nhấn mạnh giáo lý này. Từ hối cải trong bất cứ hình thức nào của nó được dùng đến 47 lần trong 138 tiết của sách Giáo Lý và Giao Ước!12
Hối Cải Tội Lỗi
Hối cải có nghĩa là gì? Chúng ta bắt đầu với định nghĩa của tự điển rằng hối cải là “từ bỏ tội lỗi … để cảm thấy hối tiếc [và] buồn phiền.”13 Việc hối cải tội lỗi không phải là điều dễ dàng. Nhưng phần thưởng thì đáng giá cho sự hối cải. Sự hối cải cần phải được thực hiện từng bước một. Sự cầu nguyện khiêm nhường sẽ làm cho mỗi bước hối cải thiết yếu được dễ dàng hơn. Cũng như những điều kiện cho sự tha thứ, thì trước hết phải có sự nhìn nhận, sự ăn năn, rồi sự thú tội. 14 “Qua cách thức này, các ngươi có thể biết được một người có hối cải tội lỗi của mình không—này, kẻ đó sẽ thú tội và từ bỏ những tội lỗi đó.”15 Phải đi thú tội với người đã bị tổn thương. Sự thú tội phải thành thật và không phải chỉ là một sự thừa nhận tội lỗi sau khi đã có bằng chứng hiển nhiên mà thôi. Nếu có nhiều người bị xúc phạm, thì phải thú tội với tất cả những người đã bị xúc phạm. Những hành vi mà có thể ảnh hưởng đến sự xứng đáng của một người trong Giáo Hội hoặc quyền để có đặc ân của Giáo Hội thì cần phải được thú tội nhanh chóng với vị giám trợ, là người mà Chúa đã kêu gọi làm vị phán quan thông thường trong Y Sơ Ra Ên.16
Bước kế tiếp là sự bồi thường—để sửa chữa, phục hồi thiệt hại đã làm—nếu có thể. Rồi đến những bước quyết tâm để làm tốt hơn và tránh tái phạm tội lỗi—để “thực tâm hối cải.”17 Nhờ vào giá cứu chuộc đã được Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô đền trả, mà có sự tha thứ hoàn toàn cho người phạm tội là người đã hối cải và đã sạch tội.18 Ê Sai đã nói với người hối cải: “Dầu tội của các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên.”19
Sự hối cải trọn vẹn mà Chúa đòi hỏi thì rất hiển nhiên khi chúng ta đọc tiết 19 của sách Giáo Lý và Giao Ước: “Ta truyền lệnh cho ngươi phải hối cải—hãy hối cải, bằng không thì ta sẽ đánh ngươi bằng gậy của miệng ta, và bằng cơn thịnh nộ của ta và bằng sự giận dữ của ta, và rồi nỗi đau khổ của ngươi sẽ lớn lao vô cùng—lớn lao đến mức nào ngươi đâu biết được, cùng cực ra sao ngươi đâu biết được, phải, gánh chịu khổ sở ra sao ngươi đâu biết được.
“Vì này, ta, Thượng Đế, đã chịu những nỗi đau khổ ấy cho mọi người, để họ khỏi đau khổ nếu họ chịu hối cải;
“Nhưng nếu họ không chịu hối cải thì họ sẽ phải đau khổ như ta đã chịu vậy.”20
Mặc dù Chúa đòi hỏi sự hối cải của chúng ta nhưng đa số chúng ta không cảm thấy có một sự cần thiết thúc bách như vậy.21 Họ tự cho rằng mình là người cố gắng làm điều tốt. Họ không có ý định xấu.22 Tuy nhiên, Chúa đã nói rõ trong sứ điệp của Ngài rằng tất cả mọi người đều cần phải hối cải—không những các tội lỗi đã vi phạm mà còn cả những tội lỗi của sự chểnh mảng. Giống như trường hợp mà Ngài cảnh cáo các cha mẹ: “Và lại nữa, nếu những bậc cha mẹ trong Si Ôn, … có con cái … mà không dạy chúng biết giáo lý về sự hối cải, đức tin nơi Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống, và về phép báp têm và ân tứ Đức Thánh Linh … thì tội lỗi sẽ trút lên đầu những bậc cha mẹ ấy.”23
Ý Nghĩa Rộng Hơn của Từ Hối Cải
Giáo lý về sự hối cải thì rộng hơn định nghĩa của một từ điển. Khi Chúa Giê Su phán bảo “hối cải,” thì các môn đồ của Ngài ghi chép lệnh truyền đó bằng ngôn ngữ Hy Lạp với động từ metanoeo.24 Từ mạnh mẽ này có một ý nghĩa lớn lao. Trong từ này, tiếp đầu ngữ meta có nghĩa là “thay đổi.”25 Hậu tố liên quan đến bốn từ Hy Lạp quan trọng: nous, có nghĩa là “trí óc”;26 gnosis, có nghĩa là “tri thức”;27 pneuma, có nghĩa là “tinh thần”;28 và pnoe, có nghĩa là “hơi thở.”29
Như vậy, khi Chúa Giê Su nói “hối cải,” thì Ngài phán bảo chúng ta phải thay đổi—thay đổi trí óc, tri thức, và tinh thần, ngay cả hơi thở của chúng ta. Một vị tiên tri đã giải thích sự thay đổi như vậy trong hơi thở của một người với lòng biết ơn nơi Ngài là Đấng đã ban cho hơi thở. Vua Bên Gia Min nói: “Nếu các người phục vụ Đấng đã sáng tạo ra mình … và Đấng bảo tồn mình ngày này qua ngày khác, bằng cách ban cho mình hơi thở, … từ giai đoạn này qua giai đoạn khác—tôi nói dù các người có phục vụ với hết tâm hồn mình đi nữa thì các người vẫn còn là những tôi tớ vô dụng.”30
Vâng, Chúa đã truyền lệnh cho chúng ta phải hối cải, thay đổi các đường lối của mình, đến cùng Ngài, và được giống như Ngài hơn.31 Điều này đòi hỏi một sự thay đổi hoàn toàn. An Ma đã dạy cho con trai của mình như vậy: “Hãy học sự thông sáng trong tuổi thanh xuân của con;” ông nói, “Hãy học tập tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế trong tuổi thanh xuân của mình… . Hãy đưa ý nghĩ của con hướng về Chúa; phải, hãy đặt mọi sự thương mến trong lòng con vào Chúa mãi mãi.”32
Sự hoàn toàn hối cải là thay đổi trọn vẹn để theo Chúa Giê Su Ky Tô và công việc thánh của Ngài. An Ma đã dạy quan niệm đó khi ông đặt ra những câu hỏi này: “Hỡi anh em trong giáo hội, tôi xin hỏi các người, các người đã được Thượng Đế sinh ra trong thể thuộc linh chưa? Các người đã thụ nhận được hình ảnh của Ngài trong sắc mặt mình chưa? Các người đã có nhận thấy sự thay đổi lớn lao này trong lòng mình chưa?”33 Sự thay đổi đó đến khi chúng ta được “tái sinh,” cải sửa và tập trung cuộc hành trình của mình đến vương quốc của Thượng Đế.34
Thành Quả của Sự Hối Cải
Thành quả của sự hối cải thì rất tuyệt vời. Những người cải đạo đã hối cải thì thấy rằng các lẽ thật của phúc âm phục hồi chi phối các ý nghĩ và hành động của họ, tạo ra thói quen của họ, và rèn luyện cá tính của họ. Họ kiên trì hơn và có thể chối bỏ tất cả mọi sự không tin kính.35 Ngoài ra, lòng ham muốn không thể kiểm soát,36 thói nghiện ngập hình ảnh sách báo khiêu dâm hoặc ma túy độc hại,37 dục vọng không kiềm chế được,38 những mong muốn về thể xác,39 và tính kiêu căng bất chính40 sẽ giảm bớt khi một người hoàn toàn cải đạo theo Chúa và quyết tâm phục vụ Ngài và noi theo gương Ngài.41 Đức hạnh làm đẹp tư tưởng của họ, và sự tự tin phát triển.42 Tiền thập phân được xem là một phước lành hân hoan và che chở, chứ không phải là một bổn phận hay sự hy sinh.43 Lẽ thật trở nên thu hút hơn, và những điều đáng khen sẽ được theo đuổi hơn.44
Sự hối cải là phương pháp của Chúa cho sự tăng trưởng thuộc linh. Vua Bên Gia Min đã giải thích rằng “con người thiên nhiên là một kẻ thù của Thượng Đế, và từ lúc sự sa ngã của A Đam đến nay, và sẽ mãi mãi là kẻ thù của Ngài, trừ phi người ấy chịu theo những sự khuyên dỗ của Đức Thánh Linh, cởi bỏ con người thiên nhiên của mình, và trở nên một thánh hữu nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô, là Chúa, và trở thành như trẻ nhỏ, phục tùng, nhu mì, khiêm nhường, kiên nhẫn, đầy sự yêu thương, sẵn sàng chấp nhận những điều gì Chúa thấy cần gán cho mình, chẳng khác chi trẻ con thuần phục cha mình vậy.”45 Thưa các anh chị em, điều đó có nghĩa là cải đạo! Sự hối cải là sự cải đạo! Một người biết hối cải là một người được cải đạo, và một người được cải đạo là một người biết hối cải.
Sự Hối Cải cho Những Người Đã Chết
Mỗi người sống đều có thể hối cải. Nhưng còn những người đã chết thì sao? Họ cũng có các cơ hội để hối cải. Thánh thư dạy rằng “các anh cả trung thành của gian kỳ này, khi họ rời khỏi cuộc sống hữu diệt, tiếp tục công việc thuyết giảng phúc âm về sự hối cải … giữa những linh hồn đang ở … dưới vòng nô lệ của tội lỗi trong thế giới bao la của những linh hồn người chết.
“Những người chết nào hối cải được cứu chuộc qua sự tuân theo các giáo lễ của ngôi nhà Thượng Đế,
“Và sau khi họ đã trả xong hình phạt về những sự phạm giới của mình, và được tẩy sạch, họ sẽ nhận được phần thưởng tùy theo việc làm của họ.”46
Tiên Tri Joseph Smith còn tiết lộ rằng “trái đất sẽ bị đánh bằng sự rủa sả, trừ phi có một mối dây ràng buộc bằng cách này hay cách khác giữa tổ phụ và con cháu… . Chúng ta không thể đạt đến sự hoàn hảo, mà không có chúng ta, thì họ không đạt đến sự hoàn hảo được … Gian kỳ [này] là gian kỳ hiện đang bắt đầu mở ra, điều cần thiết là sự liên kết và nối liền với nhau một cách trọn vẹn, hoàn bị và toàn hảo, các gian kỳ cùng các chìa khóa, các quyền năng và các vinh quang sẽ xảy ra.”47
“Chúa Giê Su có muốn tôi là một tấm gương tốt và trong sạch không?”48 Có! Và luôn cả các anh chị em nữa! Ngài cũng muốn chúng ta kết hợp và gắn bó với gia đình mình vĩnh viễn, để khắc phục49 cảnh chia lìa mà sẽ xảy ra nếu không làm như vậy. Thế gian đã được tạo dựng và các đền thờ đã được ban cho để các gia đình có thể được sống cùng nhau vĩnh viễn.50 Nhiều người, nếu không phải là đa số chúng ta, có thể hối cải và được cải đạo để thực hiện nhiều hơn công việc đền thờ và lịch sử gia đình cho các tổ tiên của mình. Như vậy, sự hối cải của chúng ta là cần thiết và thiết yếu cho sự hối cải của họ.
Đối với thân quyến của chúng ta đã qua đời, với người phụ nữ 28 tuổi đắm chìm trong tội lỗi, và với mỗi người chúng ta, tôi xin nói rằng phước lành tuyệt vời của sự hối cải đều có thể nhận được. Nó đến nhờ vào sự cải đạo trọn vẹn theo Chúa và công việc thánh của Ngài.
Tôi biết rằng Thượng Đế hằng sống. Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Đây là Giáo Hội của Ngài. Vị tiên tri của Ngài ngày nay là Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.