2007
Sứ Điệp dành cho Các Cháu Trai của Tôi
Tháng Năm năm 2007


Sứ Điệp dành cho Các Cháu Trai của Tôi

Tôi hy vọng rằng mỗi em sẽ trở thành người của Thượng Đế. Các em sẽ trở thành người của Thượng Đế nhờ những việc làm ngay chính.

Hình Ảnh

Thưa các anh em, buổi tối hôm nay tôi muốn nói chuyện với các anh em như tôi nói với các cháu trai của tôi. Tôi hy vọng rằng điều tôi cần nói sẽ áp dụng cho tất cả các thiếu niên nắm giữ chức tư tế ở khắp mọi nơi. Khi tôi nghĩ đến giáo đoàn đông đảo này cũng như hàng ngàn người khác nữa cùng tham dự với chúng ta qua hệ thống vệ tinh, thì tôi được nhắc nhở rằng phước lành lớn lao của việc nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế chính là phước lành được dành riêng cho rất ít người, so với hàng tỷ người trên thế giới. Việc nắm giữ chức tư tế là một niềm vinh dự đặc biệt; tuy nhiên bất cứ người nam hay thiếu niên nào xứng đáng trên mười hai tuổi trong Giáo Hội đều có thể nhận được vinh dự ấy.

Chức tư tế là thẩm quyền được giao phó cho con người để phục sự trong danh của Thượng Đế. Đó là quyền năng mà không một ai có thể tự mình hành động được. Như Phao Lô đã nói: “Không ai chiếm lấy chức trọng đó cho mình phải được Đức Chúa Trời kêu gọi như A Rôn ngày xưa”1 Đó là một thẩm quyền vượt qua tất cả khả năng của loài người để sáng tạo.

Peter, một thầy tư tế trẻ, viết về một kinh nghiệm mà đã dạy em rằng quyền năng của chức tư tế là có thật. Một người cải đạo trẻ trong tiểu giáo khu của em ở Ontario, Gia Nã Đại, đã được sắc phong làm thầy giảng trong Chức Tư Tế A Rôn, và Peter được yêu cầu làm người làm lễ sắc phong. Peter viết: “Tôi chưa bao giờ đặt tay mình lên trên đầu của một người nào, và tôi đã cảm thấy rất ngại ngùng. Nhưng rồi Thánh Linh trấn an tôi rằng việc làm điều này là thích đáng… .

“Người thiếu niên sẽ được sắc phong ngồi xuống ghế, và tôi đứng ngay sau lưng người ấy. [Người chủ tịch Hội Thiếu Niên của chúng tôi] hướng dẫn tôi trong suốt lời cầu nguyện giáo lễ và tôi đã lặp lại từng lời mà anh nói. Sau khi chúng tôi hoàn tất lễ sắc phong và nói: ‘… và giờ đây chúng tôi xin ban cho anh một phước lành lên trên đầu anh …’ thì [người chủ tịch Hội Thiếu Niên] nhìn vào tôi và cho tôi biết là tôi phải làm phần này một mình.

“Vào lúc đó, ý nghĩa của chức tư tế đã hoàn toàn thay đổi đối với tôi. Nó không chỉ là một danh hiệu nữa, mà là thẩm quyền thực sự để hành động trong danh của Thượng Đế, và tôi đang ban thẩm quyền đó cho một người khác. Tôi ngừng lại một chút và chờ cho Thánh Linh mách bảo cho tôi điều gì tôi phải nói. Thật khó cho tôi để diễn tả cảm giác mà tôi có vào ngày đó trong khi ban phước, nhưng tôi có thể nói rằng giờ đây tôi đã có một chứng ngôn vững mạnh hơn rằng quyền năng của chức tư tế là có thật.”2

Các em là các thiếu niên chắc chắn sẽ trông mong nhận được chức tư tế cao hơn hay Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Tiên Tri Joseph Smith đã nói về chức tư tế cao hơn này:, “Thể chế của chức tư tế đã có từ trước khi ‘sự sáng tạo thế gian, hoặc các sao mai đồng hát hòa nhau, và các con trai Đức Chúa Trời cất tiếng reo mừng,’ và là Chức Tư Tế cao nhất và thiêng liêng nhất, và theo ban của Vị Nam Tử của Thượng Đế”3

Là những người nắm giữ chức tư tế, chúng ta là những người đại diện của Chúa. Chúa đã nói về quyền tự quyết thiêng liêng này với các anh cả của Giáo Hội ở Kirtland vào năm 1831: “Vậy nên, vì các ngươi là những người đại diện, nên các ngươi làm công việc của Ngài; và bất cứ những gì các ngươi làm theo ý muốn của Chúa là công việc của Chúa.”4

Chủ Tịch Hinckley thường nhắc nhở chúng ta rằng công việc truyền giáo về cơ bản là một trách nhiệm của chức tư tế. Thật là một vinh dự và trách nhiệm lớn lao để được kêu gọi phục vụ Chúa trong công việc truyền giáo. Việc phục vụ này mang đến niềm vui lâu dài mặc dù điều đó đôi khi cũng có thể là thử thách và sự nản lòng. Công việc truyền giáo của tôi đã thay đổi chiều hướng của đời tôi. Đó là một trong những kinh nghiệm quý báu nhất mà tôi từng có. Việc phục vụ truyền giáo chuẩn bị chúng ta cho công việc trong quãng đời còn lại và công việc vĩnh cửu của mình.

Tôi hy vọng rằng mỗi em sẽ trở thành người của Thượng Đế. Các em sẽ trở thành người của Thượng Đế nhờ những việc làm ngay chính. Các em sẽ tôn trọng và làm vinh hiển chức tư tế của mình và, như Sứ Đồ Phao Lô đã nói: “tìm điều công bình, tin kính, đức tin, yêu thương, nhịn nhục, mềm mại”5

Không phải lúc nào cũng dễ dàng để tuân theo một kế hoạch ngay chính và vâng theo các luật pháp của xã hội và luật pháp của Chúa. Tuy nhiên, cuối cùng thì việc tuân theo các luật lệ vẫn là đường lối tốt nhất để đạt được những điều mà Chúa đã hứa.

Tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm cho các hành động của mình. Kinh nghiệm của tôi với tư cách là một luật sư đã dạy cho tôi biết rằng những người sống trong sự phạm tội thường đổ lỗi cho cha hoặc mẹ mình hoặc xã hội khi họ bị bỏ tù. Vậy mà, họ còn ngoan cố chọn hành động “ngược lại với bản chất của Thượng Đế” và do đó họ “ở trong một trạng thái ngược lại với bản chất hạnh phúc.”6 Một số người thậm chí còn khẳng định rằng: “Quỷ dữ khiến tôi làm điều đó!” Cái đúng của câu nói đó là quỷ dữ xúi giục chúng ta làm điều ác.7 Cái sai của câu nói đó là chúng ta có quyền tự quyết. Quỷ dữ không thể khiến chúng ta phải làm điều mà chúng ta chọn không làm.8

Cám dỗ và cạm bẫy có thể xảy đến với tất cả chúng ta, dù ở tuổi niên thiếu, tuổi trung niên, hay tuổi già. Như có người đã nhận xét: “Vào tuổi niên thiếu chúng ta tìm đến những rắc rối, vào tuổi già những rắc rối tìm đến chúng ta”9 Sự dễ dãi mà đang gia tăng trong xã hội của chúng ta sẽ đòi hỏi chúng ta phải bám thật chặt vào thanh sắt của sự ngay chính ngõ hầu chúng ta có thể nhận được các phước lành và sự che chở của Chúa. Có nguy cơ lớn khi chúng ta xem thường những cám dỗ của Sa Tan. Chúng ta sẽ cần phải cảnh giác tất cả các hình thức xấu xa trong suốt cuộc sống của mình.

Tất cả các em là các thanh thiếu niên nắm giữ chức tư tế đều có bổn phận tôn trọng phụ nữ. Khi các em hẹn hò với các thiếu nữ duyên dáng của Giáo Hội, các em có bổn phận phải bảo vệ sự an toàn thể xác và đức hạnh của họ. Chức tư tế mà các em nắm giữ cung ứng cho các em trách nhiệm trọng đại hơn để thấy rằng các tiêu chuẩn đạo đức cao của Giáo Hội đều luôn luôn được gìn giữ. Các em biết rằng các em không được vượt qua ranh giới cám dỗ của tình dục. Các em sẽ đánh mất một phần thiêng liêng của con người mình nếu các em vượt ra ngoài ranh giới và lạm dụng những quyền năng lớn lao của sự sinh sản. Làm sao bất cứ ai trong chúng ta có thể hy vọng được đóng một vai trò trọng đại trong thời tại thế lẫn thời vĩnh cửu nếu chúng ta không có khả năng để tự kiềm chế? Việc được kết hôn với một người phụ nữ ngay chính là người yêu mến Chúa, yêu các em, và tôn trọng chức tư tế là một trong những phước lành lớn lao nhất của cuộc sống hiện tại và thời vĩnh cửu. Tôi đã học được điều này từ hơn 60 năm kết hôn với Ruth, vợ của tôi.

Bạn bè và người quen làm phong phú thêm cuộc sống, nhưng những mối quan hệ này có thể là nhất thời. Không một ai yêu thương các em hay lo lắng cho sự an lạc của các em nhiều hơn cha mẹ của các em. Các em có thể nghi ngờ về điều họ nói với các em nhưng các em không thể nghi ngờ về tình thương yêu của họ dành cho các em và sự quan tâm đến sự an lạc của các em.

Sẽ đến lúc các em là các thanh thiếu niên có trách nhiệm chăm lo cho một người vợ và con cái, là những người sẽ trông cậy vào các em. Khi các em kết hôn, các em sẽ có trách nhiệm đối với sự an lạc của vợ mình và cuối cùng là sự an lạc của con cái mình khi các em lập gia đình. Hôn nhân và vai trò làm cha có thể mang đến hạnh phúc và niềm vui vĩnh cửu lớn lao. Như Chủ Tịch Joseph F. Smith đã nói: “chính là cuộc sống gia đình mà sự điều hành của Giáo Hội được dựa vào và tồn tại.”10 Để có được thành quả lớn lao trong gia đình, cả hai vợ chồng đều cần phải cam kết hoàn toàn cho cuộc hôn nhân. Chủ Tịch David O. McKay có lần đã nói: “Khi một người đặt công việc làm ăn hoặc sự khoái lạc lên trên gia đình mình, thì người ấy bắt đầu đi đến tình trạng yếu kém phần thuộc linh”11

Một số trong các em đã ở trên con đường thành công đạt được một số mục tiêu của mình trong đời. Chúng tôi rất hãnh diện về các em. Cha tôi có lần đã nói với tôi là ông nghĩ rằng ông đã thành đạt khi ông tốt nghiệp trường luật. Ông nói rằng về một ý nghĩa nào đó thì thật sự việc tốt nghiệp của ông chỉ là lúc khởi đầu của những thử thách khó khăn hơn. Chúng ta không thành công tột bực, và cũng sẽ không thoát khỏi những thử thách trong cuộc đời này.

Chúng ta sống trong thời kỳ chuyên môn hóa. Khi tôi còn bé, nhiều người có xe hơi kiểu Model T Fords. So với những chiếc xe hiện đại thì chúng có máy móc tương đối giản dị. Nhiều người đã có thể tự sửa xe của mình bằng cách tháo vỏ ngoài của van máy, thay vòng đai ở pít tông, lắp đai thắng vào, và dùng nhiều dây kim loại quấn mọi thứ lại. Ngày nay xe hơi đều rất tinh vi đến mức mà một người bình thường biết rất ít về cách sửa xe. Thợ sửa xe ngày nay dùng máy vi tính để tìm ra lý do tại sao máy không chạy. Tôi đưa ra ví dụ này nhằm khuyến khích các em là các thanh thiếu niên phải có được sự huấn luyện và học vấn ngõ hầu có thể theo kịp kỹ thuật hiện đại. Học vấn về kỹ thuật thì rất quan trọng, và cũng đúng như vậy đối với học vấn cao hơn. Bất cứ kỹ năng nào cũng đều đòi hỏi việc học tập chuyên dụng.

Tôi không quan tâm đến nghành nghề nào mà các em chọn để theo đuổi trong cuộc đời, miễn là một ngành nghề đáng kính. Cách thức các em chu cấp cho gia đình mình chính là quyết định của các em. Việc có được một kỹ năng là một cách tốt để thanh toán các hóa đơn, nhưng thực sự thì còn phải nhiều hơn thế nữa về sự dấn thân của mình. Đừng quá bận tâm đến những thứ vật chất của cuộc đời đến mức các em làm mất bản chất của con người mình. Có lẽ các em còn nhớ nhân vật Jacob Marley của nhà văn Dickens, là người đã khổ sở vì nỗi ám ảnh với công việc khi ông kêu lên: “Công việc ư? … Con người phải là công việc của tôi! Sự an lạc thường ngày của họ là công việc của tôi”12 Mỗi chúng ta cần đóng một vai trò nào đó trong việc củng cố xã hội, đặc biệt là trong việc thực hiện công việc của Thượng Đế.

Tôi đã biết được rằng đối với chúng ta là những người nắm giữ chức tư tế thì công thức thành công tốt nhất là “Trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài; thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”13 Sự thành công sẽ không đến ngay lập tức bởi vì nó đòi hỏi sự chuẩn bị và làm việc chăm chỉ. Thật ra không có con đường tắt nào mà dẫn đến thành công.

Mỗi người chúng ta đều là một sự sáng tạo độc đáo của Cha Thiên Thượng. Không có hai người nào là hoàn toàn giống nhau. Không một người nào khác có cùng ân tứ và năng khiếu mà chúng ta đã được ban cho. Chúng ta cần phải gia tăng những năng khiếu và ân tứ này và sử dụng chúng sao cho làm nổi bật tính chất độc đáo của mình. Ví dụ, khi tôi lớn lên, có một thanh niên tốt nọ trong khu xóm của chúng tôi không phải là người có học thức nhưng với hai bàn tay của mình, người ấy có thể làm những miếng gỗ thành công trình nghệ thuật tinh xảo. Như Chủ Tịch Howard W. Hunter đã nói: “Một số người cho rằng năng khiếu, óc sáng tạo, sự yên ổn lương tâm hay sự cao quý đều không quan hệ đến tuổi trẻ, nhưng được dành riêng cho những người lớn tuổi hơn. Điều này không đúng”14

Các em là các thanh thiếu niên đang có một tương lai đầy hứa hẹn. Các em là những người thừa hưởng kiến thức mà thế giới chưa bao giờ biết đến trước đây. Kiến thức này sẽ cho phép các em đóng góp cho tương lai của nền kinh tế, kỹ thuật, nông nghiệp, và các nghề nghiệp hiện đại. Các em có thể thuộc trong số những người sẽ bênh vực một lối sống trên chiến trường đời. Các em sẽ thuộc trong số những người sẽ rao giảng các nguyên tắc phúc âm trên thế giới và giúp Giáo Hội phát triển.

Giờ đây, hỡi các cháu trai yêu quý của tôi và tất cả các thanh thiếu niên đặc biệt đang lắng nghe tôi nói, hãy tiến bước. Hãy tiến bước trong đức tin và sự ngay chính, tuân theo sự lãnh đạo của vị tiên tri của chúng ta, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley. Nếu các em làm như vậy thì Chúa sẽ củng cố và làm vinh hiển các em để các em có thể đạt được nhiều điều lớn lao. Tôi làm chứng về ảnh hưởng lớn lao và sâu xa mà chức tư tế đã có trong cuộc sống của tôi. Trong suốt bao nhiêu năm của đời mình, tôi đã cố gắng không giấu giếm mình là ai và điều tôi tin. Tôi không thể nhớ một trường hợp nào khi việc thừa nhận một cách khiêm nhường rằng tôi là tín hữu của Giáo Hội này lại ảnh hưởng đến nghề nghiệp của tôi hay khiến tôi mất đi những người bạn quý của mình. Tôi để lại chứng ngôn và phước lành của mình với các em hôm nay trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô. A Men.

Ghi Chú

  1. Hê Bơ Rơ 5:4.

  2. Peter Pomart, “The Power Is Real,” Liahona, tháng Sáu năm 1997, 44.

  3. History of the Church, 4:207.

  4. GLGƯ 64:29.

  5. 1 Ti Mô Thê 6:11.

  6. An Ma 41:11.

  7. Xin xem Mô Rô Ni 7:12.

  8. Xin xem Gia Cơ 1:12–15; 4:7.

  9. Josh Billings, trong Evan Esar, xuất bản, Dictionary of Humorous Quotations (1962), 36.

  10. “Parents Should Be Consulted,” Improvement Era, tháng Hai năm 1902, 308–9.

  11. Trong Conference Report, tháng Tư năm 1964, 5.

  12. Charles Dickens, A Christmas Carol, trong The Best Short Stories of Charles Dickens (1947), 435.

  13. Ma Thi Ơ 6:33.

  14. The Teachings of Howard W. Hunter, do Clyde J. Williams xuất bản (1997), 117.

In