2007
Mẹ Ơi, Chúng Ta Có Phải Là Ky Tô Hữu Không?
Tháng Năm năm 2007


“Mẹ Ơi, Chúng Ta Có Phải Là Ky Tô Hữu Không?”

Tôi là một Ky Tô hữu thuần thành mà đã cực kỳ may mắn có được sự hiểu biết và các phước lành lớn lao hơn về “giáo lý [chân chính] của Đấng Ky Tô” kể từ ngày cải đạo của mình vào Giáo Hội đã được phục hồi.

Hình Ảnh

Ky Tô giáo tôn vinh cuộc sống và giáo vụ của Chúa Giê Su Ky Tô, Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu. Các giáo hội Ky Tô giáo với nhiều giáo lý khác nhau có ở khắp nơi trên thế giới. Khi Cortnee, 14 tuổi, con gái của một vị chủ tịch phái bộ truyền giáo, vào học lớp chín của một trường trung học mới, em được các bạn cùng lớp hỏi em có phải là Ky Tô hữu không. Họ chế giễu câu trả lời của em rằng em là người Mặc Môn, một lời ám chỉ thông thường về Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi về đến nhà, em hỏi mẹ em: “Mẹ ơi, chúng ta có phải là Ky Tô hữu không?”

Lớn lên trong gia đình mình, chúng tôi đã sống với tư cách là các tín hữu thuần thành của một tín ngưỡng Ky Tô hữu khác. Tôi được báp têm làm tín hữu của giáo hội đó ngay sau khi tôi ra đời. Gia đình tôi đi nhà thờ mỗi tuần. Trong nhiều năm các anh em tôi và tôi đã phụ giúp các vị mục sư là những người điều khiển các buổi lễ của chúng tôi trong ngày Chúa Nhật. Tôi được giảng dạy về tầm quan trọng của việc cầu nguyện chung gia đình khi gia đình chúng tôi cùng cầu nguyện chung mỗi ngày. Tôi nghĩ rằng một ngày nào đó tôi sẽ trở thành mục sư trong giáo hội của mình. Không hề có một thắc mắc nào trong tâm trí của chúng tôi về việc chúng tôi có thể tự xác định mình có phải là Ky Tô hữu thuần thành hay không.

Tuy nhiên, khi là một sinh viên đại học, tôi đã làm quen với các tín hữu và những lời giảng dạy của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tôi, một tín ngưỡng Ky Tô giáo đặt trọng tâm vào Đấng Cứu Rỗi. Tôi bắt đầu học về giáo lý của Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Sư Ky Tô trong những ngày sau cùng này. Tôi học biết về các lẽ thật mà tôi đã không được biết trước đó mà đã thay đổi đời tôi và cái nhìn của tôi về phúc âm. Sau nhiều thời gian học hỏi, cầu nguyện và đức tin, tôi đã chọn chấp nhận các lẽ thật tuyệt luân mà đã được phục hồi và chỉ được tìm thấy trong Giáo Hội này mà thôi.

Lẽ thật đầu tiên được phục hồi mà tôi đã học được là thiên tính của Thiên Chủ Đoàn. Giáo lý của Ky Tô giáo chân chính rằng Thiên Chủ Đoàn gồm có ba Đấng riêng rẽ mà được biết trong thời Kinh Thánh. Trong nhiều dịp, Thượng Đế đã làm chứng về Chúa Giê Su, Con Trai Độc Sinh của Ngài. Ngài đã phán tại lễ báp têm của Chúa Giê Su: “Này là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.”1 Chính Chúa Giê Su cũng làm chứng về Thượng Đế, Đức Chúa Cha của Ngài, khi Ngài phán: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê Su Ky Tô, là Đấng Cha đã sai đến.”2 Sau khi Chúa Giê Su chết và phục sinh, chúng ta biết được rằng Ê Tiên: “nguời, được đầy dẫy Đức Thánh Linh, mắt ngó chăm chăm lên trời, thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Giê Su đứng bên hữu Đức Chúa Trời; thì người nói rằng: Kìa, ta thấy các từng trời mở ra, và con người đứng bên hữu Đức Chúa Trời.”3 Thật là một chứng ngôn đầy ấn tượng sâu sắc về Thiên Chủ Đoàn từ người môn đồ đó của Đấng Ky Tô.

Sự hiểu biết về Thượng Đế và hình dáng của Ngài riêng biệt với Vị Nam Tử và Đức Thánh Linh đã bị mất đi sau cái chết của Đấng Ky Tô và Các Sứ Đồ của Ngài. Sự hoang mang và các giáo lý sai lầm về Thiên Chủ Đoàn được tạo ra từ tín điều Nicene Creed và bởi các hội đồng của Vua Constantine nơi mà con người tuyên bố rằng Thiên Chủ Đoàn là ba Đấng trong một Thượng Đế hay Chúa Ngôi Ba thay vì có ba Đấng riêng biệt. Tôi cũng giống như những nhà cải cách Tin Lành đã vất vả không hiểu những tín điều này của con người. Những lời giảng dạy về Chúa Ngôi Ba mà tôi học được lúc ấu thơ rất khó hiểu đối với tôi.

Tuy nhiên, khi tôi được giới thiệu với các lẽ thật vinh quang của Khải Tượng Thứ Nhất do Tiên Tri Joseph Smith kinh nghiệm được, thì đó là một sự nhận thức thật tuyệt vời đối với tôi để cuối cùng có thể hiểu được lẽ thật về thiên tính của Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu và Con Trai Độc Sinh của Ngài. Joseph đã tuyên bố: “Tôi thấy có hai Nhân Vật đứng bên trên tôi giữa không trung, vẻ rực rỡ và hào quang chói lọi của hai người thật không bút nào tả xiết. Một trong hai vị nói chuyện với tôi, gọi tên tôi và trỏ tay vào vị kia mà nói rằng—Đây là Con Trai Yêu Quý của Ta. Hãy Nghe Lời Người!”4 Khải tượng thiêng liêng này đã phục hồi sự hiểu biết kỳ diệu nhưng rõ ràng và quý báu về Thượng Đế và Vị Nam Tử của Ngài trên thế gian lần nữa, cất đi ngay lập tức những lời giảng dạy mà tôi đã học về Chúa Ngôi Ba.

Tôi biết rằng những điều mặc khải do Chúa ban cho đã thay thế những điều sai lầm nghiêm trọng của các giáo lý của con người về Thiên Chủ Đoàn. Tôi biết rằng Thượng Đế là Cha Thiên Thượng của chúng ta. Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cứu Rỗi của tôi. Đức Thánh Linh làm chứng về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử. Tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu xa của mình lên Thượng Đế đã giới thiệu Chúa Giê Su Ky Tô phục sinh với nhân loại trong những ngày sau cùng này. Đấng Cứu Rỗi hằng sống; Ngài đã được nhìn thấy; Ngài đã phán; Ngài hướng dẫn công việc của Giáo Hội của Ngài qua các sứ đồ và các vị tiên tri ngày nay. Các lẽ thật mà Ngài đã giảng dạy với tư cách là Đấng Chăn Lành là Đấng vẫn tiếp tục trông nom chăm sóc chiên Ngài thì kỳ diệu biết bao.

Lẽ thật thứ nhì được phục hồi mà tôi học được khi còn là người tầm đạo của Giáo Hội này là sự xác thật của thánh thư và sự mặc khải bổ túc. Tiên tri Ê Sai đã thấy trong khải tượng một quyển sách mà ông nói là một phần của “sự lạ rất lạ.”5 Tôi làm chứng rằng Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô chính là quyển sách ấy. Đó là một biên sử thiêng liêng được viết ra bởi các vị tiên tri của Thượng Đế nhằm thuyết phục mọi dân tộc đến cùng Đấng Ky Tô, và sách đó giúp tiết lộ phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô. Sách Mặc Môn cho biết về các vị tiên tri và các tín hữu trung tín khác của Giáo Hội mà đã mang danh của Đấng Ky Tô, ngay cả trước khi Đấng Cứu Rỗi giáng sinh.6 Quyển sách này cho biết về Đấng Ky Tô phục sinh giảng dạy cho con người điều mà họ cần phải biết để đạt được sự bình an trong cuộc sống này và sự cứu rỗi vĩnh cửu trong thế giới mai sau. Việc làm người Ky Tô hữu còn có thể là điều gì hơn là việc tìm cách mang lấy danh Ngài và tuân theo lời khuyên dạy của Ngài để trở thành giống như Ngài?

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã nói: “Tôi không thể hiểu tại sao thế giới Ky Tô hữu không chấp nhận quyển sách này.”7 Lúc đầu tiên khi tôi đọc Sách Mặc Môn là khi tôi 21 tuổi. Rồi tôi hỏi Thượng Đế sách đó có chân chính không. Lẽ thật của sách ấy đã được biểu hiện nơi tôi bởi quyền năng an ủi của Đức Thánh Linh.8 Tôi biết rằng Sách Mặc Môn là chứng thư thứ nhì về Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi làm chứng cùng với các vị tiên tri của quyển thánh thư này để nói rằng “chúng tôi nói về Đấng Ky Tô, chúng tôi hoan hỷ về Đấng Ky Tô, chúng tôi thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng tôi tiên tri về Đấng Ky Tô.”9 Tôi biết ơn sâu xa về từng lời mà Ngài đã phán, và về từng lời mà Ngài tiếp tục phán khi Ngài đáp ứng nỗi khát khao của chúng ta với nước sự sống.

Một lẽ thật khác của phúc âm mà tôi đã trở nên quen thuộc với là sự phục hồi thẩm quyền của chức tư tế, hoặc quyền năng để hành động trong danh của Thượng Đế. Các vị tiên tri và các sứ đồ thời xưa, như Ê Li, Môi Se, Giăng Báp Tít, Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng đã được Thượng Đế và Đấng Ky Tô gửi đến trong thời kỳ chúng ta để phục hồi thánh chức tư tế của Thượng Đế. Mỗi anh em nắm giữ chức tư tế trong Giáo Hội này đều có thể truy nguyên thẩm quyền chức tư tế của mình thẳng đến Chúa Giê Su Ky Tô. Giờ đây con người có các chìa khóa để thiết lập Giáo Hội hầu cho chúng ta có thể đến cùng Đấng Ky Tô và dự phần vào giáo lễ cứu rỗi vĩnh cửu của Ngài.10 Tôi làm chứng rằng đây là Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô—giáo hội độc nhất được phép có thẩm quyền tư tế chân chính để sử dụng các chìa khóa cứu rỗi qua các giáo lễ thiêng liêng.

Cortnee hỏi: “Mẹ ơi, chúng ta có phải là Ky Tô hữu không?” Là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, em chính là Ky Tô hữu và tôi cũng vậy. Tôi là một Ky Tô hữu thuần thành mà đã cực kỳ may mắn có được sự hiểu biết và các phước lành lớn lao hơn về “giáo lý [chân chính] của Đấng Ky Tô”11 kể từ ngày cải đạo của mình vào Giáo Hội phục hồi. Những lẽ thật này xác định rằng Giáo Hội này có phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky tô. Giống như các tín hữu khác của Giáo Hội, giờ đây tôi hiểu rõ thiên tính thật sự của Thiên Chủ Đoàn, tôi tiếp cận được thánh thư và điều mặc khải bổ túc, và tôi có thể dự phần vào các phước lành của thẩm quyền chức tư tế. Vâng, Cortnee, chúng ta là Ky Tô hữu, và tôi làm chứng về các lẽ thật này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Ma Thi Ơ 3:17.

  2. Giăng 17:3.

  3. Công Vụ Các Sứ Đồ 7:55–56.

  4. Joseph Smith—Lịch Sử 1:17.

  5. Xin xem Ê Sai 29:14; xin xem thêm các câu 11–12, 18.

  6. Xin xem An Ma 46:14–16.

  7. “Nền Tảng Kỳ Diệu của Đức Tin Chúng Ta,” Liahona, tháng Mười Một năm 2002, 81.

  8. Xin xem Mô Rô Ni 10:4–5.

  9. 2 Nê Phi 25:26.

  10. Xin xem GLGƯ 2; 13; 110; 112:32.

  11. 2 Nê Phi 31:2; xin xem thêm 3 Nê Phi 11:31–36.

In