Chương 10
Thánh Thư
Thánh Thư Có Sẵn cho Chúng Ta Ngày Nay
-
Một số các phước lành nào mà chúng ta vui hưởng ngày nay nhờ vào việc dễ tiếp cận với thánh thư?
Khi các tôi tớ của Chúa nói hay viết dưới ảnh hưởng của Đức Thánh Linh, thì lời nói của họ trở thành thánh thư (xin xem GLGƯ 68:4). Từ lúc ban đầu, Chúa đã truyền lệnh cho các vị tiên tri của Ngài ghi chép những điều mặc khải và những sự giao tiếp của Ngài với các con cái của Ngài. Ngài đã phán: “Ta truyền lệnh cho tất cả mọi người, bên đông cũng như bên tây, trên miền bắc lẫn dưới miền nam, và luôn cả trên các hải đảo, rằng họ sẽ phải viết lên những lời mà ta đã nói với họ; vì dựa theo những điều trong các sách sẽ được viết ra, thì ta sẽ phán xét thế gian, từng người một tùy theo những việc làm của họ, theo như những gì đã được ghi chép” (2 Nê Phi 6 29:11).
Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô chấp nhận bốn quyển sách là thánh thư: Kinh Thánh, Sách Mặc Môn, Sách Giáo Lý và Giao Ước, và Sách Trân Châu Vô Giá. Những quyển sách này được gọi là các tác phẩm tiêu chuẩn của Giáo Hội. Những lời nói đầy soi dẫn của các tiên tri tại thế của chúng ta cũng được chấp nhận là thánh thư.
Kinh Thánh
Kinh Thánh là một tuyển tập các văn phẩm thiêng liêng chứa đựng những điều mặc khải của Thượng Đế cho con người. Các văn phẩm này bao gồm nhiều thế kỷ, từ thời A Đam đến suốt thời các Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Các văn phẩm này được viết ra bởi nhiều vị tiên tri đã sống vào những thời điểm khác nhau trong lịch sử thế giới.
Kinh Thánh được chia ra làm hai phần: Cựu Ước và Tân Ước. Nhiều lời tiên tri trong Kinh Cựu Ước báo trước sự giáng thế của một Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc. Kinh Tân Ước kể về cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc ấy, tức là Chúa Giê Su Ky Tô. Sách cũng nói về việc thiết lập Giáo Hội của Ngài trong thời đó. “Chúng tôi tin Kinh Thánh là lời của Thượng Đế khi sách ấy được phiên dịch chính xác” (Những Tín Điều 1:8).
Qua Tiên Tri Joseph Smith, Chúa đã nới rộng sự hiểu biết của chúng ta về một số đoạn trong Kinh Thánh. Chúa đã soi dẫn Tiên Tri Joseph để phục hồi lẽ thật cho bản văn Kinh Thánh mà đã thất lạc hoặc bị thay đổi từ khi nguyên bản được viết ra. Những sửa đổi đầy soi dẫn này được gọi là Bản Dịch Kinh Thánh của Joseph Smith. Các đoạn thánh thư được tuyển chọn từ Bản Dịch Joseph Smith được tìm thấy trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.
Sách Mặc Môn
Sách Mặc Môn là một biên sử thiêng liêng về một số người đã sống trên lục địa Mỹ Châu giữa khoảng 2000 năm Trước Công Nguyên và 400 năm Sau Công Nguyên. Sách chứa đựng phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem GLGƯ 20:9; 42:12; 135:3). Sách Mặc Môn kể về việc Chúa Giê Su Ky Tô viếng thăm những người dân ở lục địa Mỹ Châu ngay sau khi Ngài phục sinh.
Joseph Smith đã phiên dịch Sách Mặc Môn ra tiếng Anh nhờ vào ân tứ và quyền năng của Thượng Đế. Ông đã nói đây là “một cuốn sách đúng thật nhất trong số tất cả các sách trên thế gian, và là nền tảng của tôn giáo chúng ta, và một người sẽ đến gần Thượng Đế hơn nhờ tuân theo những lời giảng dạy trong sách đó thay vì tuân theo bất cứ cuốn sách nào khác” (lời giới thiệu Sách Mặc Môn).
Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã giúp chúng ta hiểu được làm thế nào mà Sách Mặc Môn là nền tảng của tôn giáo chúng ta. Ông đã nói:
“Có ba cách thức mà trong đó Sách Mặc Môn là nền tảng của tôn giáo chúng ta. Sách là nền tảng trong việc làm chứng của chúng ta về Đấng Ky Tô. Sách là nền tảng của giáo lý của chúng ta. Sách là nền tảng của chứng ngôn.
“Sách Mặc Môn là nền tảng trong sự làm chứng của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng mà chính Ngài là viên đá góc của mọi việc chúng ta làm. Sách làm chứng về sự xác thực của Ngài với quyền năng và sự rõ ràng. …
“[Sách] mở rộng tầm hiểu biết của chúng ta về giáo lý cứu rỗi … Sách Mặc Môn… được viết cho thời đại chúng ta. … Chúng ta tìm thấy trong [sách đó] một mẫu mực để chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm. …
“… Sách Mặc Môn giảng dạy chúng ta lẽ thật [và] làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô. … Nhưng có một điều gì hơn nữa. Có quyền năng trong sách mà sẽ bắt đầu tuôn chảy vào cuộc sống của các anh chị em ngay khi các anh chị em bắt đầu học hỏi sách một cách nghiêm chỉnh. Các anh chị em sẽ tìm thấy quyền năng lớn lao hơn để chống cự lại sự cám dỗ. Các anh chị em sẽ tìm thấy quyền năng để tránh bị lừa gạt. Các anh chị em sẽ tìm thấy quyền năng để ở trên con đường hẹp và chật. Các thánh thư được gọi là ‘những lời của sự sống,’ và không một điều nào thể hiện trung thực như thế bằng trong Sách Mặc Môn.… ‘Mỗi Thánh Hữu Ngày Sau phải làm cho việc học hỏi quyển sách này thành một cuộc đeo đuổi suốt đời’” (trong Conference Report, tháng Mười năm 1986, 4–7; hoặc Ensign, tháng Mười Một năm 1986, 5–7; trích dẫn lời Marion G. Romney, trong Conference Report, tháng Tư năm 1980, 90; hoặc Ensign, tháng Năm năm 1980, 67).
Sách Giáo Lý và Giao Ước
Sách Giáo Lý và Giao Ước là một tuyển tập của các điều mặc khải hiện đại. Trong tiết 1 của Giáo Lý và Giao Ước, Chúa đã tiết lộ rằng quyển sách này được xuất bản cho các dân cư trên thế gian để chuẩn bị cho ngày giáng lâm của Ngài:
“Vậy nên, tiếng nói của Chúa phán ra cho các nơi tận cùng của trái đất, để những ai muốn nghe đều có thể nghe được.
“Các ngươi hãy chuẩn bị, các ngươi hãy chuẩn bị cho những gì sắp đến, vì Chúa đã gần kề” (GLGƯ 1:11–12).
Sách này chứa đựng những điều mặc khải liên quan đến Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô như đã được phục hồi trong những ngày sau cùng này. Nhiều tiết của sách giải thích cơ cấu tổ chức của Giáo Hội và định rõ các chức phẩm của chức tư tế và chức năng của các chức phẩm đó. Các tiết khác, chẳng hạn các tiết 76 và 88, chứa đựng những lẽ thật vinh quang đã lạc mất khỏi thế gian từ hằng trăm năm. Còn các tiết khác nữa, như các tiết 29 và 93, soi sáng những lời giảng dạy trong Kinh Thánh. Ngoài ra, một số tiết như tiết 133, chứa đựng những lời tiên tri về các sự kiện sẽ xảy đến. Thượng Đế đã truyền lệnh cho chúng ta phải học hỏi những điều mặc khải của Ngài trong sách này: “Hãy tìm hiểu những giáo lệnh này, vì đây là những điều chân chính và trung thực, và những điều tiên tri cùng những lời hứa trong đó sẽ được ứng nghiệm” (GLGƯ 1:37).
Sách Trân Châu Vô Giá
Sách Trân Châu Vô Giá chứa đựng sách Môi Se, sách Áp Ra Ham, và một số văn tập đầy soi dẫn của Joseph Smith. Sách Môi Se chứa đựng những lời tường thuật về một số khải tượng và các văn tập của Môi Se, đã được mặc khải cho Tiên Tri Joseph Smith. Sách làm sáng tỏ các giáo lý và những lời giảng dạy đã bị lạc mất khỏi Kinh Thánh và cho thêm chi tiết về Sự Sáng Tạo thế gian.
Sách Áp Ra Ham được Tiên Tri Joseph Smith phiên dịch từ cuộn chi thảo thư đã được lấy ra từ hầm mộ của người Ai Cập. Sách này chứa đựng chi tiết có giá trị về Sự Sáng Tạo, phúc âm, thiên tính của Thượng Đế và chức tư tế.
Các văn tập của Joseph Smith gồm có một phần bản dịch Kinh Thánh đầy soi dẫn của Joseph Smith, các tuyển tập từ History of the Church, và Những Tín Điều.
-
Một số câu chuyện nào từ thánh thư đã soi dẫn cho các anh chị em? Một số lời giảng dạy nào từ các quyển thánh thư này đã giúp đỡ các anh chị em?
Những Lời Nói của Các Tiên Tri Tại Thế của Chúng Ta
Ngoài bốn quyển thánh thư này, những lời nói đầy soi dẫn của các vị tiên tri tại thế của chúng ta cũng trở thành thánh thư đối với chúng ta. Những lời nói của họ đến với chúng ta qua các đại hội, tạp chí Liahona hoặc Ensign, và những chỉ dẫn cho các vị lãnh đạo chức tư tế ở địa phương. “Chúng tôi tin tất cả mọi điều Thượng Đế đã mặc khải, tất cả mọi điều Ngài hiện đang mặc khải, và chúng tôi tin rằng Ngài sẽ còn mặc khải nhiều điều lớn lao và quan trọng có liên quan đến Vương Quốc của Thượng Đế” (Những Tín Điều 1:9).
-
Chúng ta có thể tìm ra những lời của các vị tiên tri tại thế ở đâu?
Học Hỏi Thánh Thư
-
Các phước lành nào chúng ta có thể nhận được khi chúng ta học hỏi thánh thư?
Mỗi người chúng ta nên học hỏi thánh thư mỗi ngày. Chúng ta cần phải chia sẻ các lẽ thật này với con cái chúng ta. Chúng ta cần phải đọc các tác phẩm tiêu chuẩn với con cái chúng ta để chúng sẽ học biết yêu mến và sử dụng các tác phẩm này vì các lẽ thật được chứa đựng trong đó.
Nếu chúng ta mong muốn tránh xa những điều tà ác của thế gian này, thì chúng ta phải nuôi dưỡng tâm trí mình bằng lẽ thật và sự ngay chính được tìm thấy trong thánh thư. Chúng ta sẽ trở nên gần gũi với Thượng Đế và với nhau hơn khi chúng ta cùng đọc và suy ngẫm thánh thư.
Khi chúng ta đọc, suy ngẫm và cầu nguyện về thánh thư và cầu xin Thượng Đế ban cho sự hiểu biết, thì Đức Thánh Linh sẽ làm chứng cùng chúng ta về lẽ thật của những điều này. Mỗi người chúng ta sẽ tự mình biết rằng những điều này là có thật. Chúng ta sẽ không bị lừa gạt (xin xem Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:37). Chúng ta có thể nhận được cùng những cảm nghĩ như Nê Phi đã bày tỏ khi ông nói: “Tâm hồn tôi rất vui thích những công việc của Chúa; và lòng tôi không ngớt suy ngẫm về những điều tôi đã nghe và thấy” (2 Nê Phi 4:16).
-
Làm thế nào chúng ta có thể tuân giữ sự cam kết để học hỏi thánh thư mỗi ngày? Hãy cân nhắc việc hoạch định một thời gian và một chỗ để học hỏi thánh thư mỗi ngày.
Các Câu Thánh Thư Bổ Túc
-
1 Nê Phi 14:20–26 (các vị tiên tri được truyền lệnh phải viết)
-
1 Nê Phi 19:1–3, 6–7; An Ma 37:1–8 (giá trị lớn lao của thánh thư)
-
2 Nê Phi 33:10 (thánh thư làm chứng về Đấng Ky Tô)
-
An Ma 29:8 (Chúa phán cùng tất cả mọi dân tộc qua thánh thư)
-
An Ma 31:5; Hê La Man 3:29–30 (lời của Thượng Đế đầy quyền năng)
-
Hê La Man 15:7–8 (thánh thư dẫn dắt chúng ta được vững mạnh và kiên trì trong đức tin)
-
2 Ti Mô Thê 3:16–17; 1 Nê Phi 19:21–24 (tại sao và bằng cách nào thánh thư được ban cho)
-
2 Phi E Rơ 1:20; An Ma 13:20; GLGƯ 10:62 (thánh thư mang các điểm đúng của giáo lý ra ánh sáng)
-
GLGƯ 128:18; Những Tín Điều 1:9; 1 Nê Phi 14:25–26 (thánh thư sẽ đến)
-
2 Nê Phi 29:3–10 (thánh thư ban cho dân Do Thái và dân Ngoại)