Sách và Các Bài Học
Chương 22: Các Ân Tứ của Thánh Linh


Chương 22

Các Ân Tứ của Thánh Linh

Hình Ảnh
Two elder missionaries in Korea talking to a young man. They are standing on a sidewalk.

Các Ân Tứ của Thánh Linh

  • Chúa ban cho chúng ta các ân tứ thuộc linh nào?

Tiếp theo sau lễ báp têm, mỗi người chúng ta được làm phép đặt tay lên đầu để tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh. Nếu sống trung tín, chúng ta có thể luôn có được ảnh hưởng của Ngài với chúng ta. Qua Ngài, mỗi người chúng ta có thể được ban phước với một số quyền năng thuộc linh gọi là các ân tứ của Thánh Linh. Các ân tứ này được ban cho những người trung thành cùng Đấng Ky Tô. “Tất cả ân tứ này đều từ Thượng Đế mà đến, vì lợi ích của con cái Thượng Đế” (GLGƯ 46:26). Chúng giúp chúng ta biết và giảng dạy các lẽ thật của phúc âm. Chúng sẽ giúp chúng ta ban phước cho những người khác. Chúng sẽ hướng dẫn chúng ta trở về cùng Cha Thiên Thượng của chúng ta. Để sử dụng các ân tứ của mình một cách khôn ngoan, chúng ta cần phải biết các ân tứ đó là gì, làm thế nào chúng ta có thể phát triển chúng, và làm thế nào để nhận biết những sự bắt chước theo các ân tứ này của Sa Tan.

Thánh thư đề cập đến nhiều ân tứ của Thánh Linh. Các ân tứ này đã được ban cho các tín hữu của Giáo Hội chân chính bất cứ khi nào Giáo Hội này hiện diện trên thế gian (xin xem Mác 16:16–18). Các ân tứ của Thánh Linh gồm có như sau:

Ân Tứ Ngôn Ngữ (GLGƯ 46:24)

Đôi khi việc truyền đạt phúc âm bằng một thứ tiếng xa lạ đối với chúng ta là điều cần thiết. Khi điều này xảy ra, Chúa có thể ban phước cho chúng ta với khả năng để nói thứ tiếng đó. Nhiều người truyền giáo đã nhận được ân tứ ngôn ngữ (xin xem hình ở chương này). Chẳng hạn, Anh Cả Alonzo A. Hinckley là một người truyền giáo ở Hà Lan đã hiểu và nói tiếng Hà Lan rất ít mặc dù ông đã cầu nguyện và siêng năng học hỏi. Khi ông trở lại thăm một gia đình mà ông đã từng đến thăm trước đây, một người phụ nữ đã mở cửa ra và giận dữ nói với ông bằng tiếng Hà Lan. Ông đã kinh ngạc thấy rằng mình đã có thể hiểu mọi lời. Ông đã cảm thấy ước muốn mãnh liệt để chia sẻ chứng ngôn của mình với người phụ nữ ấy bằng tiếng Hà Lan. Ông bắt đầu nói, và những lời thốt ra rất rõ ràng bằng tiếng Hà Lan. Nhưng khi ông trở về để chứng tỏ cho vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của mình thấy rằng ông có thể nói tiếng Hà Lan, thì ông không còn khả năng đó nữa. Nhiều tín hữu trung tín đã được ban phước với ân tứ ngôn ngữ. (Xin xem Joseph Fielding Smith, Answers to Gospel Questions, do Joseph Fielding Smith Jr. biên soạn, 5 tập [1957–66], 2:32–33.)

Ân Tứ Thông Giải Các Thứ Tiếng (GLGƯ 46:25)

Ân tứ này đôi khi được ban cho chúng ta khi chúng ta không hiểu một ngôn ngữ và chúng ta cần tiếp nhận một sứ điệp quan trọng từ Thượng Đế. Chẳng hạn, Chủ Tịch David O. McKay đã có ước muốn lớn lao để ngỏ lời cùng các Thánh Hữu ở New Zealand mà không cần có thông dịch viên. Ông bảo họ ông hy vọng rằng Chúa sẽ ban phước cho họ để họ có thể hiểu lời ông. Ông nói bằng tiếng Anh. Sứ điệp của ông kéo dài khoảng bốn mươi phút. Trong khi ông nói, ông có thể biết được qua nét mặt của nhiều người và ngấn lệ trong khóe mắt của họ rằng họ đã tiếp nhận được sứ điệp của ông. (Xin xem Answers to Gospel Questions, 2:30–31.)

Ân Tứ Phiên Dịch (GLGƯ 5:4)

Nếu chúng ta được các vị lãnh đạo của Giáo Hội kêu gọi để phiên dịch lời của Chúa, thì chúng ta có thể nhận được một ân tứ phiên dịch vượt ngoài khả năng tự nhiên của chúng ta. Cũng như mọi ân tứ khác, chúng ta phải sống ngay chính, siêng năng học tập và cầu nguyện để tiếp nhận được ân tứ này. Khi chúng ta làm những điều này, thì Chúa khiến chúng ta cảm thấy hừng hực trong lòng về sự chính xác của việc phiên dịch (xin xem GLGƯ 9:8–9). Joseph Smith có được ân tứ phiên dịch khi ông phiên dịch Sách Mặc Môn. Ân tứ này chỉ đến với ông khi nào ông có sự hòa hợp với Thánh Linh.

Ân Tứ Thông Sáng (GLGƯ 46:17)

Một số chúng ta đã được ban phước với khả năng để hiểu người khác và các nguyên tắc của phúc âm khi áp dụng vào cuộc sống của chúng ta. Chúng ta được dạy rằng:

“Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho.

“Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ; vì kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó.

“Người như thế chớ nên tưởng mình lãnh được vật chi từ nơi Chúa” (Gia Cơ 1:5–7).

Chúa đã phán: “Chớ tìm kiếm của cải mà hãy tìm kiếm sự khôn ngoan, và này, những điều kín nhiệm của Thượng Đế sẽ được phơi bày cho ngươi biết” (GLGƯ 6:7).

Ân Tứ Hiểu Biết (GLGƯ 46:18)

Mọi người mà trở nên giống như Cha Thiên Thượng cuối cùng sẽ biết được tất cả mọi sự việc. Sự hiểu biết về Thượng Đế và các luật pháp của Ngài được Đức Thánh Linh mặc khải (xin xem GLGƯ 121:26). Chúng ta không thể được cứu nếu chúng ta không biết các luật pháp này (xin xem GLGƯ 131:6).

Chúa đã mặc khải: “Nếu một người thu hoạch được nhiều kiến thức và tri thức hơn kẻ khác qua sự tận tụy và sự tuân lời của mình trong cuộc sống này, thì người ấy sẽ có rất nhiều lợi thế trong thế giới mai sau” (GLGƯ 130:19). Chúa đã truyền lệnh cho chúng ta học hỏi càng nhiều càng tốt về việc làm của Ngài. Ngài muốn chúng ta học hỏi về thiên thượng, thế gian, những điều mà đã xảy ra hay sẽ xảy ra, những điều ở trong xứ và ở hải ngoại (xin xem GLGƯ 88:78–79). Tuy nhiên, có những người cố gắng thu hoạch kiến thức bằng sự học hỏi riêng của mình. Họ không cầu xin sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh. Họ là những người học luôn mà không hề thông biết lẽ thật được (xin xem 2 Ti Mô Thê 3:7). Khi chúng ta nhận được sự hiểu biết bằng sự mặc khải từ Đức Thánh Linh, thì Thánh Linh của Ngài nói cùng tâm trí và tâm hồn chúng ta (xin xem GLGƯ 6:15, 22–24; 8:2; 9:7–9).

Ân Tứ Giảng Dạy Sự Thông Sáng và Sự Hiểu Biết (Mô Rô Ni 10:9–10)

Một số người được ban cho một khả năng đặc biệt để giải thích và làm chứng về các lẽ thật của phúc âm. Ân tứ này có thể được sử dụng khi chúng ta dạy một lớp học. Ân tứ này có thể được các cha mẹ sử dụng để dạy dỗ con cái mình. Ân tứ này cũng giúp chúng ta chỉ dẫn những người khác để họ có thể hiểu được phúc âm.

Ân Tứ Hiểu Biết Rằng Chúa Giê Su Ky Tô Là Vị Nam Tử của Thượng Đế (GLGƯ 46:13)

Đây là ân tứ ban cho các vị tiên tri và sứ đồ là những người đã được kêu gọi làm nhân chứng đặc biệt của Chúa Giê Su Ky Tô. Tuy nhiên, cũng có những người khác được ban cho ân tứ này. Mọi người đều có thể có được chứng ngôn qua những sự mách bảo của Đức Thánh Linh. Chủ Tịch David O. McKay đã dạy: “Chứng ngôn được ban cho một số người, như Chúa đã phán trong sách Giáo Lý và Giao Ước, để qua Đức Thánh Linh mà biết rằng Chúa Giê Su là Vị Nam Tử của Thượng Đế và rằng Ngài bị đóng đinh vì tội lỗi của thế gian [xin xem GLGƯ 46:13]. Chính những người này là những người mà tôi nói đến đã đứng vững vàng trên đá mặc khải trong chứng ngôn mà họ chia sẻ cùng thế gian” (Teachings of Presidents of the Church: David O. McKay [2003], 166).

Ân Tứ Tin Vào Chứng Ngôn của Những Người Khác (GLGƯ 46:14)

Qua quyền năng của Đức Thánh Linh, chúng ta có thể biết được lẽ thật của mọi sự việc. Nếu muốn biết một người khác có nói thật hay không, thì chúng ta cần phải cầu vấn Thượng Đế với đức tin. Nếu điều mà chúng ta cầu vấn là có thật, thì Chúa sẽ phán sự bình an cho tâm trí của chúng ta (xin xem GLGƯ 6:22–23). Bằng cách này, chúng ta có thể biết được khi một người khác, ngay cả vị tiên tri, đã nhận được mặc khải. Nê Phi cầu xin Chúa cho ông trông thấy, cảm nhận và biết được rằng giấc mộng của cha ông là có thật (xin xem 1 Nê Phi 10:17–19).

Ân Tứ Nói Tiên Tri (GLGƯ 46:22)

Những người nào nhận được những điều mặc khải chân chính về quá khứ, hiện tại hay tương lai thì có được ân tứ nói tiên tri. Các vị tiên tri có được ân tứ này, nhưng chúng ta cũng có thể có được ân tứ này để giúp chúng ta quản trị cuộc sống của mình (xin xem 1 Cô Rinh Tô 14:39). Chúng ta có thể nhận được những mặc khải từ Thượng Đế cho bản thân mình và cho sự kêu gọi của chúng ta, nhưng không bao giờ cho Giáo Hội hay các vị lãnh đạo của Giáo Hội. Việc một người mà nhận được sự mặc khải cho một người nào khác có thẩm quyền cao hơn mình là điều trái ngược với trật tự của thiên thượng. Nếu chúng ta thực sự có được ân tứ nói tiên tri, thì chúng ta sẽ không nhận được bất cứ điều mặc khải nào mà không phù hợp với những gì Chúa đã phán trong thánh thư.

Ân Tứ Chữa Lành (GLGƯ 46:19–20)

Một số người có đức tin để chữa lành, và những người khác có đức tin để được chữa lành. Tất cả chúng ta đều có thể sử dụng đức tin để được chữa lành khi chúng ta bị đau ốm (xin xem GLGƯ 42:48). Nhiều người nắm giữ chức tư tế có được ân tứ chữa lành bệnh. Những người khác có thể được ban cho sự hiểu biết về cách thức chữa lành bệnh.

Ân Tứ Làm Các Phép Lạ (GLGƯ 46:21)

Chúa đã nhiều lần ban phước cho dân Ngài trong những cách thức kỳ diệu. Khi những người tiền phong ở Utah trồng các hoa màu đầu tiên của họ, nạn châu chấu phá hủy gần hết các hoa màu này. Những người tiền phong này đã cầu xin Chúa cứu hoa màu của họ, và Ngài đã gửi các con chim hải âu đến ăn hết những con châu chấu. Khi chúng ta cần giúp đỡ và cầu xin với đức tin, nếu là điều ích lợi cho chúng ta, thì Chúa sẽ làm các phép lạ cho chúng ta (xin xem Ma Thi Ơ 17:20; GLGƯ 24:13–14).

Ân Tứ về Đức Tin (Mô Rô Ni 10:11)

Anh của Gia Rết có đức tin lớn lao. Nhờ vào đức tin của mình, ông đã nhận được các ân tứ khác. Đức tin của ông lớn đến nỗi Đấng Cứu Rỗi đã hiện ra cùng ông (xin xem Ê The 3:9–15). Nếu không có đức tin, thì không một ân tứ nào khác có thể được ban cho. Mô Rô Ni hứa: “Người nào biết tin ở Đấng Ky Tô mà không nghi ngờ gì, thì bất cứ điều gì người đó cầu xin nơi Đức Chúa Cha qua danh Đấng Ky Tô đều sẽ được ban cho” (Mặc Môn 9:21). Chúng ta nên cố gắng gia tăng đức tin của mình, tìm ra các ân tứ của mình và sử dụng chúng.

Một số người thiếu đức tin và phủ nhận sự hiện hữu của các ân tứ này của Thánh Linh. Mô Rô Ni nói cùng họ rằng:

“Và lại nữa, tôi nói với các người, là những kẻ chối bỏ những sự mặc khải của Thượng Đế và còn bảo rằng những chuyện đó nay đã chấm dứt, không còn mặc khải, không còn các lời tiên tri, không còn các ân tứ hay việc chữa lành bệnh, không còn ân tứ nói nhiều thứ tiếng hay thông dịch các ngôn ngữ nữa.

“Này, tôi nói cho các người hay, kẻ nào chối bỏ những điều này, tức là chẳng biết gì về phúc âm của Đấng Ky Tô; phải, họ không đọc thánh thư bao giờ, và nếu có đọc, thì họ cũng không hiểu được gì” (Mặc Môn 9:7–8).

  • Tại sao Chúa ban cho chúng ta các ân tứ thuộc linh?

Chúng Ta Có Thể Phát Huy Các Ân Tứ của Mình

  • Làm thế nào chúng ta có thể “thực tâm tìm kiếm các ân tứ tốt đẹp nhất”? (GLGƯ 46:8).

Chúa có phán: “Vì không phải ai cũng đều được ban cho mọi ân tứ; vì có nhiều ân tứ, và mỗi người được Thánh Linh của Thượng Đế ban cho một ân tứ. Người này được ban ân tứ này, và người kia được ban ân tứ kia, để nhờ đó tất cả mọi người đều có thể được lợi ích” (GLGƯ 46:11–12).

Để phát huy các ân tứ của mình, chúng ta phải tìm ra các ân tứ nào mà chúng ta có. Chúng ta làm điều này bằng việc cầu nguyện và nhịn ăn. Chúng ta phải tìm kiếm các ân tứ tốt đẹp nhất (xin xem GLGƯ 46:8). Đôi khi các phước lành tộc trưởng sẽ cho chúng ta biết chúng ta đã được ban cho các ân tứ nào.

Chúng ta phải biết vâng lời và trung tín để được ban cho các ân tứ của mình. Rồi chúng ta phải sử dụng các ân tứ này để làm công việc của Chúa. Các ân tứ này không được ban cho để thỏa mãn tính tò mò hay để chứng tỏ một điều gì cùng chúng ta bởi vì chúng ta thiếu đức tin. Chúa đã phán về các ân tứ thuộc linh: “Các ân tứ ấy vì lợi ích của những người yêu mến ta và tuân giữ tất cả các giáo lệnh của ta, và kẻ nào tìm cách làm như vậy” (GLGƯ 46:9).

  • Hãy nghĩ về một số ân tứ thuộc linh mà sẽ củng cố cá nhân của các anh chị em hoặc giúp các anh chị em phục vụ Chúa và những người khác. Các anh chị em sẽ làm gì để tìm kiếm các ân tứ này?

Sa Tan Bắt Chước Các Ân Tứ của Thánh Linh

  • Làm thế nào chúng ta có thể phân biệt được các ân tứ chân chính của Thánh Linh với những sự bắt chước của Sa Tan?

Sa Tan có thể bắt chước các ân tứ ngôn ngữ, nói tiên tri, khải tượng, chữa lành và những phép lạ khác. Môi Se đã phải thi tài với những sự bắt chước của Sa Tan tại triều Vua Pha Ra Ôn (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 7:8–22). Sa Tan muốn chúng ta tin nơi các tiên tri giả, những người chữa lành giả và những kẻ làm phép lạ giả của nó. Họ có thể có vẻ giống như thật đối với chúng ta nên chỉ còn cách duy nhất để biết là cầu xin Thượng Đế ban cho ân tứ phân biệt. Chính quỷ dữ có thể hiện ra như một thiên sứ ánh sáng (xin xem 2 Nê Phi 9:9).

Sa Tan muốn làm cho chúng ta mù quáng về lẽ thật và ngăn cản không cho chúng ta tìm kiếm các ân tứ chân chính của Thánh Linh. Những kẻ đồng bóng, chiêm tinh gia, thầy bói và phù thủy do Sa Tan xúi giục mặc dù họ tự cho là những người đi theo Thượng Đế. Những việc làm của họ là những điều gớm ghiếc đối với Chúa (xin xem Ê Sai 47:12–14; Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:9–10). Chúng ta phải tránh mọi giao tiếp với các quyền lực của Sa Tan.

Chúng Ta Phải Thận Trọng với Các Ân Tứ của Thánh Linh của Mình

  • Làm thế nào chúng ta có thể tôn trọng sự thiêng liêng của các ân tứ thuộc linh?

Chúa đã phán: “Ta ban cho họ một lệnh truyền rằng họ không được khoe khoang về những điều này và cũng không được nói ra trước thế gian; vì những điều này được ban cho các ngươi vì lợi ích của các ngươi và vì sự cứu rỗi” (GLGƯ 84:73). Chúng ta phải nhớ rằng các ân tứ thuộc linh là thiêng liêng (xin xem GLGƯ 6:10).

Để đổi lại việc Ngài ban cho chúng ta các ân tứ này, Chúa đòi hỏi rằng chúng ta “phải tạ ơn Thượng Đế trong Thánh Linh về bất cứ phước lành nào [chúng ta] được ban cho” (GLGƯ 46:32).

Các Câu Thánh Thư Bổ Túc

In