Sách và Các Bài Học
Chương 34: Phát Huy Các Tài Năng của Chúng Ta


Chương 34

Phát Huy Các Tài Năng của Chúng Ta

A male art student painting as he looks away at a model or object that he is painting.

Chúng Ta Đều Có Các Tài Năng và Khả Năng Khác Nhau

Chúng ta đều có các ân tứ, tài năng và khả năng đặc biệt mà được Cha Thiên Thượng ban cho chúng ta. Khi sinh ra, chúng ta đã mang theo với mình các ân tứ, tài năng và khả năng này (xin xem chương 2 trong sách này).

Tiên tri Môi Se là một vị lãnh đạo cao trọng, nhưng ông cần đến A Rôn, em của ông, để giúp làm người phát ngôn (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 4:14–16). Một số chúng ta là những người lãnh đạo như Môi Se hoặc là những người nói chuyện giỏi như A Rôn. Một số chúng ta có thể hát hay hay chơi một nhạc cụ. Những người khác trong số chúng ta có thể giỏi về thể thao hay có thể làm việc giỏi với đôi tay của mình. Các tài năng khác mà chúng ta có thể có là sự thông cảm những người khác, lòng kiên nhẫn, tính vui vẻ hay khả năng giảng dạy những người khác.

  • Các anh chị em đã được hưởng lợi ích từ các tài năng của những người khác như thế nào?

Chúng Ta Phải Sử Dụng và Cải Tiến Các Tài Năng của Mình

  • Chúng ta có thể phát huy các tài năng của mình như thế nào?

Chúng ta có trách nhiệm phát huy các tài năng mà mình đã được ban cho. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta không có nhiều tài năng hoặc người khác được ban phước với nhiều khả năng hơn chúng ta. Đôi khi chúng ta không sử dụng các tài năng của mình bởi vì chúng ta e ngại rằng chúng ta có thể thất bại hay bị những người khác chỉ trích. Chúng ta không nên giữ kín các tài năng của mình. Chúng ta cần phải sử dụng chúng. Rồi những người khác có thể thấy được các việc làm tốt lành của chúng ta và ngợi khen Cha Thiên Thượng của chúng ta (xin xem Ma Thi Ơ 5:16).

Có một số điều mà chúng ta phải làm để phát huy các tài năng của mình. Trước hết, chúng ta phải khám phá ra các tài năng của mình. Chúng ta phải tự kiểm điểm mình để tìm ra các ưu điểm và khả năng của mình. Gia đình và bạn bè của chúng ta có thể giúp chúng ta làm điều này. Chúng ta cũng nên cầu xin Cha Thiên Thượng giúp chúng ta học biết về các tài năng của mình.

Thứ nhì, chúng ta phải sẵn lòng dành thời giờ và nỗ lực để phát huy tài năng mà chúng ta đang tìm kiếm.

Thứ ba, chúng ta phải có đức tin rằng Cha Thiên Thượng của chúng ta sẽ giúp đỡ chúng ta, và chúng ta cần phải có sự tin tưởng nơi bản thân mình.

Thứ tư, chúng ta phải học hỏi các kỹ năng cần thiết cho mình để phát huy các tài năng của mình. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách tham dự một lớp học, yêu cầu một người bạn dạy cho mình hay đọc một quyển sách.

Thứ năm, chúng ta phải tập sử dụng tài năng của mình. Mỗi tài năng đòi hỏi phải có nỗ lực và việc làm để phát huy. Sự tinh thông một tài năng phải bỏ công ra mới đạt được.

Thứ sáu, chúng ta phải chia sẻ các tài năng của mình với những người khác. Chính nhờ vào việc sử dụng các tài năng của mình mà các tài năng đó mới phát triển (xin xem Ma Thi Ơ 25:29).

Tất cả những bước này sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta cầu nguyện và tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa. Ngài muốn chúng ta phát huy các tài năng của chúng ta và Ngài sẽ giúp đỡ chúng ta.

Chúng Ta Có Thể Phát Huy Các Tài Năng của Mình Mặc Dù Chúng Ta Có Các Khuyết Điểm

  • Làm thế nào chúng ta có thể phát huy các tài năng của mình mặc dù chúng ta có các khuyết điểm?

Bởi vì chúng ta là con người và bị sa ngã nên chúng ta có các khuyết điểm. Với sự giúp đỡ của Chúa, khuyết điểm và bản tính sa ngã của chúng ta có thể được khắc phục (xin xem Ê The 12:27, 37). Beethoven đã sáng tác những nhạc phẩm bất hủ sau khi ông bị điếc. Hê Nóc đã khắc phục được lời lẽ chậm chạp của mình để trở thành một giảng viên hùng hồn (xin xem Môi Se 6:26–47).

Một số các lực sĩ đại tài đã phải khắc phục các khuyết tật trước khi họ thành công trong việc phát huy các tài năng của mình. Shelly Mann là một tấm gương như thế. “Vào lúc năm tuổi, bà bị bệnh bại liệt. … Hằng ngày, cha mẹ bà mang bà ra hồ bơi nơi mà họ hy vọng rằng nước sẽ giúp bà nâng đôi cánh tay bà lên trong khi bà cố gắng sử dụng đôi cánh tay trở lại. Khi bà có thể nâng cánh tay của mình lên khỏi mặt nước bằng sức của mình, thì bà đã khóc lên vì vui sướng. Rồi mục tiêu của bà là bơi hết chiều ngang của hồ bơi, rồi đến chiều dài, rồi bơi nhiều lần theo chiều dài của hồ bơi. Bà tiếp tục cố gắng, bơi lội, nhẫn nại, ngày này qua ngày khác, cho đến khi bà thắng được huy chương vàng [Thế Vận Hội] cho kiểu bơi bướm—một trong những kiểu bơi lội khó nhất trong tất cả các kiểu bơi” (Marvin J. Ashton, trong Conference Report, tháng Tư năm 1975, 127; hoặc Ensign, tháng Năm năm 1975, 86).

Heber J. Grant đã khắc phục được nhiều khuyết điểm của mình và biến những khuyết điểm đó thành các tài năng. Phương châm của ông là: “Những gì chúng ta kiên trì làm thì trở nên dễ dàng hơn cho chúng ta làm; không phải vì tính chất của sự việc được thay đổi, mà là khả năng làm của chúng ta được gia tăng” (trong Teachings of Presidents of the Church: Heber J. Grant [2002], 35).

Chúa Sẽ Ban Phước cho Chúng Ta Nếu Chúng Ta Sử Dụng Các Tài Năng của Mình Một Cách Khôn Ngoan

Chủ Tịch Joseph F. Smith đã nói: “Mỗi người con trai và con gái của Thượng Đế đã nhận được một tài năng nào đó, và mỗi người sẽ phải chịu trách nhiệm tuyệt đối cho việc sử dụng hay lạm dụng tài năng đó” (Gospel Doctrine, xuất bản lần thứ 5 [1939], 370). Một tài năng là một loại trách nhiệm quản lý (trách nhiệm trong vương quốc của Thượng Đế). Chuyện ngụ ngôn về các ta lâng cho chúng ta biết rằng khi chúng ta phục vụ giỏi trong trách nhiệm quản lý của mình thì chúng ta sẽ được ban cho các trách nhiệm lớn lao hơn. Nếu chúng ta không phục vụ giỏi, thì trách nhiệm quản lý của chúng ta cuối cùng sẽ bị lấy khỏi chúng ta. (Xin xem Ma Thi Ơ 25:14–30.)

Chúng ta cũng được thánh thư cho biết rằng chúng ta sẽ được phán xét tùy theo các việc làm của mình (xin xem Ma Thi Ơ 16:27). Bằng cách phát huy và sử dụng các tài năng của mình cho người khác, chúng ta thực hiện được những việc làm tốt.

Chúa rất hài lòng khi chúng ta sử dụng các tài năng của mình một cách khôn ngoan. Ngài sẽ ban phước cho chúng ta nếu chúng ta sử dụng các tài năng của mình để giúp ích cho người khác và xây đắp vương quốc của Ngài nơi đây trên thế gian. Một số các phước lành mà chúng ta nhận được là niềm vui và tình yêu thương từ việc phục vụ các anh chị em của mình nơi đây trên thế gian. Chúng ta cũng học được tính tự chủ. Tất cả những điều này rất cần thiết nếu chúng ta sẽ được xứng đáng sống với Cha Thiên Thượng của chúng ta lần nữa.

  • Một số tấm gương nào của những người đã làm vinh hiển các tài năng của mình vì họ sử dụng các tài năng đó một cách khôn ngoan? (Hãy suy nghĩ về những người mà các anh chị em biết hoặc những người trong thánh thư hoặc trong lịch sử Giáo Hội.)

Các Câu Thánh Thư Bổ Túc