Sách và Các Bài Học
Chương 16: Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trong Thời Xưa


Chương 16

Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trong Thời Xưa

Hình Ảnh
Christ with the twelve men chosen by Him to be His Apostles. Christ has His hands upon the head of one of the men (who kneels before Him) as He ordains the man to be an Apostle. The other eleven Apostles are standing to the left and right of Christ.

Một Số Đặc Điểm Để Nhận Biết Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô

“Chúng tôi tin ở cùng một loại tổ chức mà đã có trong Giáo Hội Nguyên Thủy, nghĩa là cũng có các vị sứ đồ, tiên tri, giám trợ, thầy giảng, các vị rao giảng Phúc Âm, và vân vân.” (Những Tín Điều 1:6).

Chúa Giê Su thiết lập Giáo Hội của Ngài khi Ngài còn sống trên thế gian. Giáo Hội đó được gọi là Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem 3 Nê Phi 27:8), và các tín hữu được gọi là Thánh Hữu (xin xem Ê Phê Sô 2:19–20).

Sự Mặc Khải

Khi thiết lập Giáo Hội của Ngài, Chúa Giê Su đã đích thân chỉ dẫn và hướng dẫn các vị lãnh đạo của Giáo Hội. Đối lại, Ngài nhận những lời giáo huấn từ Cha Thiên Thượng của Ngài. (Xin xem Hê Bơ Rơ 1:1–2.) Do đó, Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô được hướng dẫn bởi Thượng Đế chứ không phải bởi con người. Chúa Giê Su đã dạy các môn đồ của Ngài rằng sự mặc khải là “đá” mà trên đó Ngài sẽ xây dựng Giáo Hội của Ngài (xin xem Ma Thi Ơ 16:16–18).

Trước khi Chúa Giê Su thăng lên trời sau khi Ngài phục sinh, Ngài đã phán bảo các Sứ Đồ của Ngài: “Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma Thi Ơ 28:20). Đúng theo lời của Ngài, Ngài đã tiếp tục hướng dẫn họ từ thiên thượng. Ngài đã gửi Đức Thánh Linh đến làm Đấng an ủi và Đấng mặc khải cho họ (xin xem Lu Ca 12:12; Giăng 14:26). Ngài đã phán cùng Sau Lơ trong một khải tượng (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 9:3–6). Ngài đã mặc khải cho Phi E Rơ biết rằng phúc âm phải được giảng dạy không những cho dân Do Thái, mà còn cho cả thế gian (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 10). Ngài đã mặc khải nhiều lẽ thật vinh quang cho Giăng, mà đã được viết lại trong sách Khải Huyền. Kinh Tân Ước ghi chép nhiều cách thức khác mà Chúa Giê Su đã mặc khải ý muốn của Ngài để hướng dẫn Giáo Hội của Ngài và soi dẫn các môn đồ của Ngài.

Thẩm Quyền từ Thượng Đế

Các giáo lễ và các nguyên tắc của phúc âm không thể thực hiện và giảng dạy được nếu không có chức tư tế. Đức Chúa Cha đã ban thẩm quyền này cho Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Hê Bơ Rơ 5:4–6), là Đấng mà lần lượt sắc phong cho Các Sứ Đồ của Ngài và ban cho họ quyền năng và thẩm quyền của chức tư tế (xin xem Lu Ca 9:1–2; Mác 3:14). Ngài nhắc nhở họ: “Chẳng phải các ngươi đã chọn ta, bèn là ta đã chọn và lập các ngươi” (Giăng 15:16).

Để có thể có sự trật tự trong Giáo Hội của Ngài, Chúa Giê Su đã giao trách nhiệm nặng nề nhất và thẩm quyền cho Mười Hai Sứ Đồ. Ngài đã lập Phi E Rơ làm Sứ Đồ trưởng và ban cho ông những chìa khóa ấn chứng các phước lành dưới thế gian lẫn trên trời (xin xem Ma Thi Ơ 16:19). Chúa Giê Su cũng sắc phong các chức sắc khác với những bổn phận riêng biệt để thi hành. Sau khi Ngài thăng lên trời, mẫu mực chỉ định và sắc phong này đã được tiếp tục. Những người khác được sắc phong cho chức tư tế bởi những người đã tiếp nhận thẩm quyền đó rồi. Chúa Giê Su cho biết qua Đức Thánh Linh rằng Ngài đã chấp nhận những sự sắc phong đó (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 1:24).

Tổ Chức của Giáo Hội

Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô là một đơn vị được tổ chức một cách chu đáo. Giáo Hội được ví như một tòa nhà được hình thành một cách hoàn hảo “được xây dựng trên nền của các sứ đồ cùng các vị tiên tri, chính Chúa Giê Su là đá góc nhà” (Ê Phê Sô 2:20).

Chúa Giê Su chỉ định các vị lãnh đạo khác của chức tư tế phụ giúp Các Sứ Đồ trong công việc giáo vụ. Ngài đã phái các chức sắc được gọi là Các Thầy Bảy Mươi đi từng cặp để thuyết giảng phúc âm (xin xem Lu Ca 10:1). Các chức sắc khác trong Giáo Hội là những người rao giảng phúc âm (các tộc trưởng), mục sư (các vị lãnh đạo chủ tọa), thầy tư tế thượng phẩm, anh cả, giám trợ, thầy tư tế, thầy giảng và thầy trợ tế (xin xem chương 14 trong sách này). Các chức sắc này đều cần thiết để làm công việc truyền giáo, thực hiện các giáo lễ, cùng chỉ dẫn và soi dẫn các tín hữu Giáo Hội. Các chức sắc này giúp các tín hữu phát triển đến mức độ “thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời” (Ê Phê Sô 4:13).

Kinh Thánh không cho chúng ta biết mọi điều về chức tư tế hay tổ chức và sự điều hành Giáo Hội. Tuy nhiên, một phần Kinh Thánh đã được bảo tồn cũng đủ cho thấy vẻ đẹp và sự hoàn hảo của tổ chức Giáo Hội. Các Sứ Đồ được truyền lệnh đi khắp thế gian và thuyết giảng (xin xem Ma Thi Ơ 28:19–20). Họ không thể lưu lại tại một thành phố nào để trông coi những người mới cải đạo. Do đó, các vị lãnh đạo địa phương của chức tư tế được kêu gọi và sắc phong, và các Sứ Đồ chủ tọa họ. Các Sứ Đồ và các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội đi thăm viếng và viết thư cho nhiều chi nhánh khác nhau. Vì vậy, Kinh Thánh Tân Ước của chúng ta chứa đựng những lá thư do các Sứ Đồ Phao Lô, Phi E Rơ, Gia Cơ, Giăng và Giu Đe viết và đưa ra lời khuyên dạy và chỉ dẫn cho các vị lãnh đạo địa phương của chức tư tế.

Kinh Tân Ước cho thấy rằng tổ chức Giáo Hội này đã được trù tính sẽ tiếp tục. Chẳng hạn, vì cái chết của Giu Đa nên chỉ còn mười một Sứ Đồ. Ngay sau khi Chúa Giê Su thăng lên trời, mười một Sứ Đồ đã họp nhau lại để chọn một người thay thế Giu Đa. Qua sự mặc khải từ Đức Thánh Linh, họ đã chọn Ma Thia. (Xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 1:23–26.) Chúa Giê Su đã đặt ra một mẫu mực cho mười hai Sứ Đồ điều hành Giáo Hội. Hiển nhiên là tổ chức phải được tiếp tục theo như cách thức mà Ngài đã thiết lập.

Các Nguyên Tắc và Các Giáo Lễ Đầu Tiên

Các Sứ Đồ giảng dạy hai nguyên tắc căn bản: đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sự hối cải. Sau khi những người mới cải đạo đã có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế và là Đấng Cứu Chuộc của họ và đã hối cải những tội lỗi của họ, thì họ tiếp nhận hai giáo lễ: phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước và phép đặt tay để tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 19:1–6). Đây là các nguyên tắc và các giáo lễ đầu tiên của phúc âm. Chúa Giê Su đã dạy rằng: “Nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời” (Giăng 3:5).

Các Giáo Lễ Được Thực Hiện cho Người Chết

Chúa Giê Su đã cung ứng cho mọi người cơ hội để nghe phúc âm, bất luận là trên thế gian hay sau khi chết. Giữa thời gian sau khi Ngài chết và Ngài phục sinh, Chúa Giê Su đã đi đến với những linh hồn của những người đã chết. Ngài tổ chức công việc truyền giáo ở giữa những người chết. Ngài chỉ định những thiên sứ ngay chính và ban cho họ quyền năng để giảng dạy phúc âm cho tất cả các linh hồn của những người đã chết. Điều này cho họ cơ hội để chấp nhận phúc âm. (Xin xem 1 Phi E Rơ 3:18–20; 4:6; GLGƯ 138.) Rồi thì các tín hữu đang sống của Giáo Hội Ngài thực hiện các giáo lễ thay cho người chết (xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:29). Các giáo lễ như phép báp têm và lễ xác nhận phải được thực hiện trên thế gian.

Các Ân Tứ thuộc linh

Tất cả các tín hữu trung thành của Giáo Hội được quyền tiếp nhận các ân tứ của Thánh Linh. Các ân tứ này được ban cho họ tùy theo những nhu cầu, khả năng, và công việc chỉ định của họ. Một số các ân tứ này là đức tin, kể cả quyền năng chữa lành bệnh và được chữa lành bệnh; tiên tri; và các khải tượng. (Các ân tứ của Thánh Linh được thảo luận chi tiết hơn trong chương 22.) Trong Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô luôn luôn có các ân tứ thuộc linh (xin xem 1 Cô Rinh Tô 12:4–11; Mô Rô Ni 10:8–18; GLGƯ 46:8–29). Chúa Giê Su phán bảo các môn đồ của Ngài rằng những dấu hiệu hay ân tứ thuộc linh luôn theo sau những kẻ tin (xin xem Mác 16:17–18). Nhiều người trong số các môn đồ của Ngài đã làm phép lạ, nói tiên tri, hoặc trông thấy các khải tượng qua quyền năng của Đức Thánh Linh.

  • Tại sao Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô cần có sáu đặc điểm này?

Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô ở Châu Mỹ

Sau khi Chúa Giê Su phục sinh, Ngài viếng thăm dân ở Châu Mỹ và tổ chức Giáo Hội của Ngài ở giữa họ, giảng dạy dân chúng trong ba ngày và rồi thường trở lại trong một thời gian sau đó (xin xem 3 Nê Phi 11–28). Rồi Ngài rời họ và thăng lên trời. Trong hơn 200 năm, họ sống ngay chính và là trong số những người sống hạnh phúc nhất mà Thượng Đế đã sáng tạo ra (xin xem 4 Nê Phi 1:16).

Sự Bội Giáo khỏi Giáo Hội Chân Chính

  • Từ bội giáo có nghĩa là gì?

Trong suốt lịch sử, những người tà ác đã cố gắng phá hủy công việc của Thượng Đế. Điều này đã xảy ra trong khi các Sứ Đồ vẫn còn sống và trông coi Giáo Hội trong thời kỳ phôi thai và phát triển. Một số tín hữu đã giảng dạy các tư tưởng từ tín ngưỡng tà giáo hay Do Thái trước kia của họ thay vì các lẽ thật giản dị do Chúa Giê Su giảng dạy. Một số người chống đối công khai. Ngoài ra, còn có sự ngược đãi từ bên ngoài Giáo Hội. Các tín hữu Giáo Hội bị hành hạ và giết chết vì tín ngưỡng của họ. Các Sứ Đồ lần lượt bị giết chết từng người một hoặc được cất khỏi thế gian. Bởi vì sự tà ác và sự bội giáo nên thẩm quyền của Các Sứ Đồ và các chìa khóa của chức tư tế cũng bị cất khỏi thế gian. Tổ chức mà Chúa Giê Su Ky Tô đã thiết lập cũng không tồn tại nữa, do đó đưa đến sự hoang mang. Càng ngày càng có nhiều sai lầm len lỏi vào giáo lý của Giáo Hội, và chẳng bao lâu thì Giáo Hội bị hủy diệt hoàn toàn. Thời kỳ mà Giáo Hội chân chính không còn tồn tại trên thế gian nữa được gọi là Sự Đại Bội Giáo.

Chẳng bao lâu, các tín ngưỡng tà giáo chi phối tư tưởng của những người được gọi là Ky Tô Hữu. Hoàng đế La Mã đã nhận Ky Tô Giáo sai lầm này làm quốc giáo. Giáo hội này rất khác biệt với giáo hội do Chúa Giê Su tổ chức. Giáo hội này dạy rằng Thượng Đế là một Đấng không có hình dáng hay thể chất.

Những người này đã mất đi sự hiểu biết về tình yêu thương của Thượng Đế đối với chúng ta. Họ không biết rằng chúng ta là con cái của Ngài. Họ không hiểu mục đích của cuộc sống. Nhiều giáo lễ bị sửa đổi bởi vì không còn chức tư tế và sự mặc khải trên thế gian.

Vị hoàng đế đã tự mình chọn những người lãnh đạo và đôi khi gọi họ bằng những danh xưng mà các vị lãnh đạo chức tư tế trong Giáo Hội chân chính của Đấng Ky Tô đã sử dụng. Đã không có một Sứ Đồ hay vị lãnh đạo nào của chức tư tế với quyền năng từ Thượng Đế và cũng chẳng có các ân tứ thuộc linh. Tiên tri Ê Sai đã nhìn thấy trước tình trạng này khi tiên tri rằng: “Đất bị dân cư làm ô uế, vì họ đã phạm luật pháp, thay đổi giáo lễ, dứt giao ước đời đời” (Ê Sai 24:5). Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô không còn nữa; đó chính là giáo hội của loài người. Ngay cả danh hiệu cũng bị sửa đổi. Sự bội giáo cũng đã xảy ra ở Châu Mỹ (xin xem 4 Nê Phi).

Sự Phục Hồi được Báo Trước

  • Những lời tiên tri nào trong Kinh Cựu Ước và Tân Ước đã báo trước Sự Phục Hồi?

Thượng Đế đã nhìn thấy trước Sự Bội Giáo và chuẩn bị cho phúc âm được phục hồi. Sứ Đồ Phi E Rơ đã đề cập về điều này với dân Do Thái: “Và Chúa sai Đấng Ky Tô đã định cho các ngươi, tức là Giê Su, mà trời phải rước về cho đến kỳ muôn vật đổi mới, là kỳ mà Đức Chúa Trời thuở xưa đã phán trước bởi miệng các thánh tiên tri” (Công Vụ Các Sứ Đồ 3:20–21).

Giăng Vị Mặc Khải cũng đã thấy trước thời kỳ mà phúc âm được phục hồi. Ông nói: “Tôi thấy một thiên sứ khác bay giữa trời, có phúc âm đời đời, đặng rao truyền cho dân cư trên đất, cho mọi nước, mọi chi phái, mọi tiếng và mọi dân tộc” (Khải Huyền 14:6).

  • Tại sao cần phải có Sự Phục Hồi?

  • Hãy nghĩ về các phước lành đã đến với các anh chị em vì Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi trên thế gian.

Các Câu Thánh Thư Bổ Túc

In