Sách và Các Bài Học
Chương 28: Sự Phục Vụ


Chương 28

Sự Phục Vụ

Jesus Christ with the twelve apostles. Christ (depicted wearing a white robe with a yellow sash), is kneeling before one of the apostles as He washes the feet of that apostle. The other eleven apostles are gathered around a table (having just completed the last supper). They are watching Christ. (John 13:1-20)

Cách Chúng Ta Có Thể Phục Vụ

  • Hãy suy nghĩ về những cách thức mà những người khác đã phục vụ các anh chị em và những người trong gia đình của các anh chị em.

Chúa Giê Su đã phán: “Ta ở giữa các ngươi như kẻ hầu việc vậy” (Lu Ca 22:27). Là các tín đồ trung thành của Chúa, chúng ta cũng phải phục vụ những người khác.

Phục vụ là giúp đỡ những người khác cần sự trợ giúp. Sự phục vụ giống như Đấng Ky Tô phát sinh từ tình yêu mến chân thật đối với Đấng Cứu Rỗi và lòng yêu thương và mối quan tâm đối với những người mà Ngài ban cho chúng ta các cơ hội và sự hướng dẫn để giúp đỡ. Tình yêu thương không phải chỉ là một cảm giác suông; khi chúng ta yêu thương những người khác, chúng ta muốn giúp đỡ họ.

Tất cả chúng ta phải sẵn lòng phục vụ, bất luận mức thu nhập, tuổi tác, hay địa vị xã hội của chúng ta ra sao. Một số người tin rằng chỉ những người nghèo khó và thấp hèn mới phải phục vụ. Một số người khác lại nghĩ rằng chỉ những người giàu có mới phải phục vụ. Nhưng Chúa Giê Su đã dạy ngược lại. Khi người mẹ của hai trong số các môn đồ của Ngài đến cầu xin Ngài ban vinh dự cho các con trai mình trong vương quốc của Ngài, Chúa Giê Su đã đáp: “Trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi; còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi các ngươi.” (Ma Thi Ơ 20:26–27).

Có nhiều cách để phục vụ. Chúng ta có thể giúp những người khác về phương diện kinh tế, xã hội, vật chất và tinh thần. Chẳng hạn, chúng ta có thể ban phát thực phẩm hoặc các vật dụng khác cho những người cần chúng. Chúng ta có thể giúp những người túng thiếu bằng cách đóng góp một của lễ nhịn ăn rộng rãi. Chúng ta có thể làm bạn với một người mới đến. Chúng ta có thể trồng trọt làm vườn cho một người lớn tuổi hay chăm sóc một người đang đau yếu. Chúng ta có thể giảng dạy phúc âm cho một người cần biết lẽ thật hoặc an ủi người đang đau buồn.

Chúng ta có thể làm những việc nhỏ hay lớn để phục vụ. Chúng ta đừng bao giờ thiếu sót trong việc giúp đỡ một người nào khác bởi vì chúng ta không thể làm những việc lớn. Một góa phụ kể về hai đứa trẻ đến cửa nhà bà ngay sau khi bà dọn vào một thị trấn mới. Hai em mang cho bà một giỏ đựng thức ăn trưa và một tờ giấy viết: “Nếu bà cần người làm việc lặt vặt, thì xin gọi chúng cháu.” Người góa phụ này vui lòng trước cử chỉ tử tế nhỏ bé ấy và không bao giờ quên điều đó.

Tuy nhiên, đôi khi, chúng ta phải hy sinh nhiều để phục vụ một người nào đó. Đấng Cứu Rỗi đã phó mạng Ngài trong việc phục vụ chúng ta.

  • Hãy nghĩ đến những người trong gia đình hoặc cộng đồng của mình là những người đang trong cảnh khốn khổ về phương diện kinh tế, xã hội, thể chất và thuộc linh. Hãy suy ngẫm những điều mà các anh chị em có thể làm để phục vụ họ.

Tại Sao Đấng Cứu Rỗi Muốn Chúng Ta phải Phục Vụ Những Người Khác

  • Tại sao Đấng Cứu Rỗi muốn chúng ta phải phục vụ những người khác?

Qua sự phục vụ của những người nam, những người nữ và các thiếu niên và các thiếu nữ mà công việc của Thượng Đế được thực hiện. Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã giải thích: “Thượng Đế quả thật lưu tâm đến chúng ta và Ngài chăm sóc chúng ta. Nhưng thường thì Ngài đáp ứng các nhu cầu của chúng ta qua một người khác” (Teachings of Presidents of the Church: Spencer W. Kimball [2006], 82).

Trong suốt cuộc sống của mình, tất cả chúng ta đều dựa vào sự giúp đỡ của những người khác. Khi chúng ta còn thơ ấu, cha mẹ chúng ta nuôi ăn, nuôi mặc và chăm sóc chúng ta. Nếu không có sự chăm sóc này thì chúng ta đã chết. Khi chúng ta lớn lên, những người khác dạy chúng ta những kỹ năng và tư cách. Nhiều người trong chúng ta cần sự chăm sóc trong lúc đau yếu hay tiền bạc trong cơn khủng hoảng tài chính. Một số chúng ta cầu xin Thượng Đế ban phước cho những người đang đau khổ và rồi không làm gì giúp họ. Chúng ta phải nhớ rằng Thượng Đế làm việc qua chúng ta.

Khi chúng ta giúp đỡ lẫn nhau, tức là chúng ta phục vụ Thượng Đế. Vua Bên Gia Min, một vị vua cao trọng trong thời Sách Mặc Môn, đã giảng dạy cho dân mình nguyên tắc này qua lối sống của ông. Nhà vua đã suốt đời phục vụ họ, tự mưu sinh thay vì sống nhờ vào dân chúng. Trong một bài thuyết giảng đầy soi dẫn, nhà vua đã giải thích lý do tại sao nhà vua yêu thích phục vụ, khi nói rằng:

““Khi mình phục vụ đồng bào mình, thì tức là mình phục vụ Thượng Đế của mình vậy. …

“Và nếu một khi tôi là người đã được các người gọi là vua của các người mà lại biết lao nhọc để phục vụ các người, thì lẽ nào các người lại không lao nhọc để phục vụ lẫn nhau?” (Mô Si A 2:17–18).

  • Chúng ta có thể làm gì để sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của những người khác?

Chúng Ta Nhận Được Các Phước Lành qua Sự Phục Vụ

  • Các phước lành nào mà chúng ta nhận được qua việc phục vụ những người khác?

Khi chúng ta phục vụ những người khác thì chúng ta nhận được các phước lành quan trọng. Qua sự phục vụ, chúng ta gia tăng khả năng yêu thương của mình. Chúng ta trở nên ít nghĩ đến bản thân mình hơn. Khi chúng ta nghĩ đến các vấn đề khó khăn của những người khác, thì các vấn đề khó khăn của chúng ta dường như bớt nghiêm trọng hơn. Chúng ta phải phục vụ những người khác để đạt được cuộc sống vĩnh cửu. Thượng Đế đã phán rằng những người mà sống với Ngài thì phải yêu thương và phục vụ các con cái của Ngài. (xin xem Ma Thi Ơ 25:34–40).

Khi chúng ta suy ngẫm về cuộc sống của những người phục vụ một cách vô vị kỷ, thì chúng ta có thể thấy rằng họ nhận được nhiều hơn là họ ban phát. Điển hình là một Thánh Hữu Ngày Sau tên là Paul đã mất cả hai chân trong một tai nạn. Một số người có thể đã trở nên cay đắng và vô dụng, nhưng thay vì thế Paul lại chọn để nghĩ đến những người khác. Anh học một nghề và kiếm đủ tiền mua một căn nhà. Anh và vợ mình đã dành chỗ trong nhà mình cho nhiều đứa trẻ vô gia cư, bị bỏ rơi. Một số em này bị khuyết tật nặng. Cho đến khi anh qua đời 20 năm sau, anh đã phục vụ những đứa trẻ này và những người khác. Bù lại anh đã được người ta yêu mến rất nhiều, và những ý nghĩ của anh đã hướng khỏi đôi chân tật nguyền của mình. Anh đã trở nên gần gũi Chúa.

Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã nói: “Chúng ta trở nên thực tiễn hơn khi chúng ta phục vụ những người khác—thật vậy, dễ dàng hơn để ‘tìm hiểu’ chúng ta là ai vì có rất nhiều điều hơn về bản thân mình để tìm hiểu!” (Teachings of Presidents of the Church: Spencer W. Kimball, 85–86).

Các Cơ Hội để Phục Vụ

Một số người trong chúng ta chỉ phục vụ những người mà chúng ta thích ở gần và tránh tất cả những người khác. Tuy nhiên, Chúa Giê Su đã truyền lệnh cho chúng ta phải yêu thương và phục vụ mọi người. Có nhiều cơ hội để phục vụ (xin xem Mô Si A 4:15–19).

Chúng ta có thể phục vụ những người trong gia đình mình. Vợ chồng nên nhận ra những nhu cầu của nhau. Cha mẹ nên phục vụ con cái họ không phải chỉ bằng việc nuôi ăn và nuôi mặc cho chúng mà còn bằng việc dạy dỗ, nô đùa và làm việc với chúng. Các con cái có thể phục vụ bằng cách giúp đỡ công việc lặt vặt trong nhà và giúp đỡ các anh chị em của mình.

Vợ chồng phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau. Họ có thể giúp nhau chăm sóc con cái và họ có thể hỗ trợ nhau trong những sở thích và nghề ngiệp của họ. Một người mẹ và người cha có thể hy sinh để gửi đứa con đi truyền giáo. Một người anh có thể vỗ về em gái mình đang sợ hãi bóng tối hay giúp nó tập đọc. Các vị tiên tri của chúng ta đã bảo chúng ta rằng gia đình là đơn vị quan trọng nhất trong xã hội. Chúng ta phải phục vụ tốt cho gia đình mình (xin xem Mô Si A 4:14–15).

Chúng ta có nhiều cơ hội để phục vụ láng giềng, bạn bè của chúng ta và ngay cả người lạ. Nếu một người láng giềng gặp khó khăn trong việc gặt hái mùa màng trước khi cơn giông đến, chúng ta có thể giúp đỡ. Nếu một người mẹ bị đau yếu, chúng ta có thể trông nom con cái của người ấy hay giúp làm công việc nhà. Nếu một thiếu niên đang lạc lối khỏi Giáo Hội, chúng ta có thể dẫn dắt thiếu niên ấy trở lại. Nếu một đứa trẻ bị chế nhạo, chúng ta có thể làm bạn với nó và thuyết phục những đứa trẻ khác phải cư xử tử tế với nó. Chúng ta không cần biết những người mà chúng ta phục vụ. Chúng ta nên tìm cách để phục vụ càng nhiều con cái của Cha Thiên Thượng càng tốt.

Nếu có những tài năng đặc biệt, chúng ta nên sử dụng chúng để phục vụ những người khác. Thượng Đế ban phước cho chúng ta với những tài năng và khả năng để giúp cải tiến cuộc sống của những người khác.

Chúng ta có được những cơ hội để phục vụ trong Giáo Hội. Một mục đích của tổ chức Giáo Hội là cho chúng ta những cơ hội để giúp đỡ lẫn nhau. Các tín hữu của Giáo Hội phục vụ bằng cách làm công việc truyền giáo, chấp nhận những chỉ định vai trò lãnh đạo, đi thăm viếng các tín hữu khác của Giáo Hội, giảng dạy lớp học và làm công việc khác của Giáo Hội. Trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, không có các giáo sĩ chuyên nghiệp, nên các tín hữu phải đảm trách tất cả các sinh hoạt của Giáo Hội.

  • Làm thế nào chúng ta có thể ban phát đủ thời giờ cho gia đình của chúng ta, ngay cả với nhiều cơ hội của chúng ta để phục vụ trong Giáo Hội và cộng đồng?

Đấng Ky Tô Là Tấm Gương Phục Vụ Toàn Hảo

  • Một số câu chuyện thánh thư ưa thích nào của các anh chị em mà trong đó Đấng Cứu Rỗi nêu gương phục vụ?

Đấng Cứu Rỗi cung ứng cho chúng ta tấm gương phục vụ toàn hảo. Ngài giải thích rằng Ngài đã không đến thế gian để được phục vụ mà để phục vụ và để phó mạng sống của Ngài cho chúng ta (xin xem Ma Thi Ơ 20:28).

Chúa Giê Su yêu thương tất cả chúng ta nhiều hơn là chúng ta có thể hiểu được. Khi Ngài sống trên thế gian, Ngài đã phục vụ người nghèo nàn, người dốt nát, người tội lỗi, người bị khinh khi. Ngài giảng dạy phúc âm cho tất cả mọi người muốn nghe, ban thức ăn cho đám đông bị đói khi đến nghe lời Ngài, chữa lành người bệnh, và làm cho kẻ chết sống lại.

Ngài là Đấng Sáng Tạo thế gian và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, vậy mà Ngài đã làm nhiều hành động khiêm nhường để phục vụ. Ngay trước khi Ngài bị đóng đinh, Ngài đã nhóm họp với các môn đồ của Ngài. Sau khi giảng dạy họ, Ngài đã lấy một chậu nước và một cái khăn rồi rửa chân họ (xin xem Giăng 13:4–10; xin xem thêm tấm hình trong chương này). Trong thời đó, việc rửa chân cho một người khách là dấu hiệu của sự kính trọng và thường do một người tôi tớ làm. Chúa Giê Su đã làm việc này để nêu gương yêu thương và phục vụ. Khi sẵn lòng phục vụ những người khác trong tinh thần yêu thương, thì chúng ta trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn.

  • Chúng ta có thể học được điều gì từ tấm gương phục vụ của Đấng Cứu Rỗi?

Các Câu Thánh Thư Bổ Túc

  • Mô Si A 2 (bài giảng của Vua Bên Gia Min về sự phục vụ)

  • GLGƯ 81:5 (cứu giúp, nâng đỡ, củng cố)

  • Cô Lô Se 3:23–24 (phục vụ những người khác như là các anh chị em phục vụ Chúa)

  • An Ma 17–18 (Am Môn phục vụ nhà vua)

  • Ga La Ti 5:13 (phục vụ lẫn nhau qua tình yêu thương)