Sách và Các Bài Học
Chương 30: Lòng Bác Ái


Chương 30

Lòng Bác Ái

Hình Ảnh
The Good Samaritan holding up a wounded man's head and giving him a drink. A donkey is in the background.

Lòng Bác Ái Là Gì?

  • Các anh chị em định nghĩa lòng bác ái như thế nào?

Cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi phản ảnh tình yêu thương thuần túy của Ngài đối với tất cả mọi người. Ngài còn phó mạng Ngài cho chúng ta. Lòng bác ái là tình yêu thương thuần túy mà Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô của chúng ta có. Ngài đã truyền lệnh cho chúng ta phải yêu thương lẫn nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta. Thánh thư cho chúng ta biết rằng lòng bác ái từ lòng tinh sạch mà ra (xin xem 1 Ti Mô Thê 1:5). Chúng ta có được tình yêu thương thuần túy khi chúng ta cho thấy, từ tấm lòng, mối quan tâm và sự trắc ẩn chân thật đối với tất cả các anh chị em của mình.

Lòng Bác Ái Là Đức Tính Lớn Nhất trong Mọi Đức Tính

Tiên Tri Mặc Môn bảo chúng ta rằng: “Vậy nên, hãy gắn bó với lòng bác ái, nó là một điều vĩ đại nhất trong mọi điều, vì tất cả mọi điều sẽ tàn lụi—nhưng lòng bác ái là tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô, và nó bền bỉ mãi mãi” (Mô Rô Ni 7:46–47; xin xem thêm 1 Cô Rinh Tô 13; 2 Nê Phi 26:30; Mô Rô Ni 7:44–45, 48).

Đấng Cứu Rỗi nêu cho chúng ta thấy tấm gương về cuộc sống của Ngài để noi theo. Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế. Ngài có được tình yêu thương trọn vẹn, và Ngài cho chúng ta thấy cách chúng ta phải yêu thương như thế nào. Bằng tấm gương của Ngài, Ngài đã cho chúng ta thấy những nhu cầu thuộc linh và vật chất của đồng loại chúng ta cũng quan trọng như của chính chúng ta. Trước khi phó mạng sống của Ngài, Ngài đã phán:

“Điều răn của ta đây này: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi.

“Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình” (Giăng 15:12–13).

Khi nói chuyện với Chúa, Mô Rô Ni đã thưa rằng:

“Con còn nhớ rằng, Ngài đã phán bảo rằng Ngài thương yêu thế gian đến nỗi Ngài phải phó mạng sống của Ngài cho thế gian. …

“Và giờ đây, con biết rằng tình thương yêu này mà Ngài dành cho con cái loài người là lòng bác ái; vậy nên, nếu loài người không có lòng bác ái, thì họ không thừa hưởng được nơi mà Ngài đã chuẩn bị trong các gian nhà của Cha Ngài” (Ê The 12:33–34).

Có lẽ chúng ta không nhất thiết phải hy sinh mạng sống mình như Đấng Cứu Rỗi đã làm. Nhưng chúng ta có thể có lòng bác ái nếu chúng ta đặt Ngài làm trung tâm điểm của cuộc sống mình và noi theo gương Ngài và những lời giảng dạy của Ngài. Giống như Đấng Cứu Rỗi, chúng ta cũng có thể ban phước cho cuộc sống của các anh chị em của mình trên thế gian này.

  • Tại sao lòng bác ái lại là đức tính lớn nhất trong mọi đức tính?

Lòng Bác Ái Gồm Có Sự Ban Phát cho Người Đau Yếu, Buồn Khổ và Nghèo Khó

Đấng Cứu Rỗi đã ban cho chúng ta nhiều lời giảng dạy dưới hình thức câu chuyện hay ngụ ngôn. Ngụ ngôn về người Sa Ma Ri nhân lành dạy chúng ta rằng chúng ta phải ban phát cho những người đang túng thiếu, bất luận họ là bạn bè của chúng ta hay không (xin xem Lu Ca 10:30–37; xin xem thêm James E. Talmage, Jesus the Christ, xuất bản lần thứ 3 [1916], 430–32). Trong ngụ ngôn này, Đấng Cứu Rỗi đã nói về một người đang hành trình đến một thành phố khác. Trên đường đi, ông bị bọn cướp tấn công. Chúng trấn lột áo quần và tiền bạc của ông và đánh đập ông, bỏ ông lại dở sống, dở chết. Có một thầy tư tế đi trên đường, nhìn thấy ông, và bước ngang qua. Rồi một người hầu việc trong đền thờ đi tới, nhìn ông, và tiếp tục bước đi. Tuy nhiên, một người Sa Ma Ri, là người bị dân Do Thái khinh miệt, đi ngang qua, và khi trông thấy ông thì cảm thấy trắc ẩn trong lòng (xin xem hình trong chương này). Người Sa Ma Ri quỳ xuống bên ông, băng bó vết thương của ông và đặt ông lên một con lừa và chở đến một nhà quán. Người Sa Ma Ri này trả tiền cho người chủ quán để chăm sóc ông cho đến khi ông được bình phục.

Chúa Giê Su đã dạy rằng chúng ta phải nên ban phát thức ăn cho người đói, chỗ trú ngụ cho người không nhà, và quần áo cho người nghèo khó. Khi chúng ta đi thăm người bệnh và những người bị giam trong tù, thì thể như chúng ta đã làm những điều này cho Ngài. Ngài hứa rằng khi chúng ta làm những điều này, thì chúng ta sẽ được thừa hưởng vương quốc của Ngài. (Xin xem Ma Thi Ơ 25:34–46.)

Chúng ta đừng cố gắng định đoạt xem một người nào thật sự đáng được sự giúp đỡ của chúng ta hay không (xin xem Mô Si A 4:16–24). Nếu chúng ta đã lo đầy đủ cho những nhu cầu của gia đình mình trước rồi, thì chúng ta phải giúp đỡ tất cả những người cần giúp đỡ. Bằng cách này, chúng ta sẽ được giống như Cha Thiên Thượng của mình, là Đấng làm mưa cho người ngay chính cũng như người bất chính (xin xem Ma Thi Ơ 5:44–45).

Chủ Tịch Thomas S. Monson nhắc nhở chúng ta rằng có những người cần điều gì khác hơn là chỉ là vật chất:

“Hãy tự hỏi mình: ‘Nhìn lại xem mình làm điều chi tốt trong ngày nay. Nào ta có giúp cho người kêu xin?’ [Thánh Ca, số 58]. Thật là một công thức đem lại hạnh phúc! Thật là một toa thuốc cho sự mãn nguyện, sự an tâm—để có được lòng biết ơn đầy soi dẫn nơi một người khác.

“Các cơ hội của chúng ta để tự hiến mình thật là vô số, nhưng chúng cũng tàn lụi. Có người cần được làm cho vui vẻ. Có những lời tử tế cần được nói lên. Có những món quà cần được trao tặng. Có những hành động cần phải làm. Có những người cần được cứu vớt” (trong Conference Report, tháng Mười năm 2001, 72; hoặc Ensign, tháng Mười Một năm 2001, 60).

  • Trong chuyện ngụ ngôn về người Sa Ma Ri nhân lành, các anh chị em mô tả những người đã bước ngang qua người bị thương như thế nào? Các anh chị em mô tả người Sa Ma Ri như thế nào? Trong những phương diện nào, chúng ta có thể áp dụng sứ điệp về câu chuyện ngụ ngôn này trong cuộc sống của chúng ta?

Lòng Bác Ái Phát Xuất từ Tấm Lòng

  • Làm thế nào chúng ta có thể yêu thương những người khác mặc dù các tội lỗi và các lỗi lầm của họ?

Ngay cả khi chúng ta ban phát cho những người túng thiếu, chúng ta cũng không có lòng bác ái trừ phi chúng ta cảm thấy trắc ẩn đối với họ (xin xem 1 Giăng 3:16–17). Sứ Đồ Phao Lô dạy rằng khi chúng ta có lòng bác ái, thì chúng ta tràn ngập những cảm nghĩ tốt đối với mọi người. Chúng ta luôn kiên nhẫn và nhân từ. Chúng ta không khoe mình hay tự đắc, ích kỷ hay thô lỗ. Khi có lòng bác ái, chúng ta không nhớ hay vui mừng về điều tà ác mà những kẻ khác đã làm. Chúng ta cũng chẳng làm những điều tốt chỉ vì chúng có lợi cho chúng ta. Thay vì thế, chúng ta chia sẻ niềm vui của những người sống theo lẽ thật. Khi chúng ta có lòng bác ái, thì chúng ta trung thành, chúng ta tin nơi các điều tốt nhất của những người khác, và chúng ta tử tế với họ. Thánh thư dạy rằng “lòng bác ái không hư mất.” (Xin xem 1 Cô Rinh Tô 13:4–8.)

Đấng Cứu Rỗi là tấm gương của chúng ta về cảm nghĩ và cách đối xử với những người khác. Ngài khinh miệt sự tà ác, nhưng Ngài yêu thương kẻ phạm tội mặc cho tội lỗi của họ. Ngài có lòng trắc ẩn đối với trẻ em, người già cả, kẻ nghèo khó và người túng thiếu. Ngài có tình yêu thương lớn lao đến nỗi Ngài đã khẩn nài Cha Thiên Thượng của chúng ta tha thứ cho những người lính đã đóng đinh vào chân tay Ngài (xin xem Lu Ca 23:34). Ngài đã dạy chúng ta rằng nếu chúng ta không tha thứ cho những người khác, thì Cha Thiên Thượng cũng sẽ không tha thứ cho chúng ta (xin xem Ma Thi Ơ 18:33–35). Ngài phán: “Ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch mình, cứ làm điều tốt cho kẻ ghét mình, lại cầu nguyện cho những người bắt bớ vu vạ các ngươi nữa. … Vì nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình, thì có được thưởng gì đâu?” (Ma Thi Ơ 5:44, 46). Chúng ta phải học cách có được cảm nghĩ về những người khác như Chúa Giê Su vậy.

Phát Huy Đức Tính Bác Ái

  • Làm thế nào chúng ta có thể trở nên có lòng bác ái hơn?

Một cách mà chúng ta có thể trở nên bác ái là học hỏi về cuộc sống của Chúa Giê Su Ky Tô và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Chúng ta có thể học hỏi những gì mà Ngài đã làm trong một số tình huống và làm những điều giống như vậy khi chúng ta ở trong những tình huống như vậy.

Thứ nhì, khi chúng ta có những cảm nghĩ khắt khe, chúng ta có thể cầu nguyện để có được lòng bác ái hơn. Mặc Môn khuyến khích chúng ta: “Các người hãy cầu nguyện lên Đức Chúa Cha với tất cả mãnh lực của lòng mình, để các người được tràn đầy tình thương này, [lòng bác ái], là tình thương mà Ngài đã ban cho tất cả những tín đồ chân chính của Vị Nam Tử của Ngài, tức là Chúa Giê Su Ky Tô” (Mô Rô Ni 7:48).

Thứ ba, chúng ta có thể học biết yêu thương bản thân mình có nghĩa là chúng ta hiểu được giá trị thật sự của mình là con cái của Cha Thiên Thượng. Đấng Cứu Rỗi dạy rằng chúng ta phải yêu thương những người khác như chúng ta yêu thương chính mình (xin xem Ma Thi Ơ 22:39). Để yêu thương chính mình, chúng ta phải tôn trọng và tin tưởng nơi mình. Điều này có nghĩa là chúng ta phải tuân theo các nguyên tắc của phúc âm. Chúng ta phải hối cải về bất cứ lỗi lầm nào. Chúng ta phải tự tha thứ mình khi chúng ta hối cải. Chúng ta sẽ chỉ bắt đầu yêu thương mình hơn khi nào chúng ta có thể cảm thấy được sự bảo đảm sâu xa, đầy an ủi rằng Đấng Cứu Rỗi thực sự yêu thương chúng ta.

Thứ tư, khi chúng ta có thể tránh việc nghĩ rằng chúng ta tốt hơn người khác. Chúng ta sẽ có lòng kiên nhẫn với những lầm lỗi của họ. Joseph Smith đã nói: “Chúng ta càng đến gần Cha Thiên Thượng, thì chúng ta càng có lòng trắc ẩn đối với những linh hồn tội lỗi; chúng ta cảm thấy rằng chúng ta muốn vác họ lên vai mình, và ném tội lỗi của họ ra sau lưng của mình” (Teachings of Presidents of the Church: Joseph Smith [2007], 428–29).

Trong Sách Mặc Môn, chúng ta đọc về Ê Nót, một thanh niên đã muốn biết các tội lỗi của mình đã được tha thứ. Ông cho chúng ta biết:

“Và tâm hồn tôi tràn đầy sự khao khát; tôi bèn quỳ xuống trước Đấng Sáng Tạo tôi, và tôi kêu cầu Ngài với lời cầu nguyện và khẩn cầu mãnh liệt cho tâm hồn tôi; và tôi đã kêu cầu Ngài suốt ngày; phải, và khi đêm đến, tôi vẫn còn cất cao lời van xin để cho những lời của tôi thấu đến các tầng trời.

“Và thế rồi, một tiếng nói vọng đến tai tôi mà rằng: Ê Nót, ngươi đã được tha tội, và ngươi sẽ được phước” (Ê Nót 1:4–5).

Chúa đã giải thích cho Ê Nót biết rằng nhờ vào đức tin của ông nơi Đấng Ky Tô mà các tội lỗi của ông đã được tha thứ. Khi Ê Nót nghe được những lời này, ông không còn lo lắng cho mình nữa. Ông biết Chúa yêu thương ông và sẽ ban phước cho ông. Thay vì thế, ông bắt đầu cảm thấy quan tâm cho sự an lạc của bạn bè và thân quyến của ông, dân Nê Phi. Ông trút cạn lòng mình lên Thượng Đế vì họ. Chúa đã đáp ứng và phán rằng họ sẽ được ban phước tùy theo lòng trung tín của họ trong việc tuân giữ các giáo lệnh mà họ đã được ban cho. Tình thương yêu của Ê Nót càng gia tăng nhiều thêm ngay cả sau khi nghe những lời này, và ông đã khẩn thiết cầu nguyện cho dân La Man, là những kẻ thù của dân Nê Phi. Chúa đã nhậm những ước muốn của ông, và ông đã dành hết cuộc đời còn lại của mình cố gắng cứu rỗi linh hồn của dân Nê Phi và dân La Man. (Xin xem Ê Nót 1:6–26.)

Ê Nót biết ơn tình yêu thương và sự tha thứ của Chúa nhiều đến nỗi ông sẵn lòng dành hết cuộc đời còn lại của mình để giúp những người khác nhận được cùng ân tứ này. Ê Nót đã trở thành người có lòng bác ái thực sự. Chúng ta cũng có thể làm được như vậy. Thật ra, chúng ta phải làm như vậy để thừa hưởng chốn đã được sắm sẵn cho chúng ta trong vương quốc của Đức Chúa Cha chúng ta.

Các Câu Thánh Thư Bổ Túc

In